“Cú hích” lớn trên thị trường
Trong tháng 7 này, gần 22.000 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) sẽ đáo hạn. Nếu tính trong quý III/2023, giá trị gốc và lãi mà các tổ chức phát hành phải thanh toán cho nhà đầu tư là gần 92.000 tỷ đồng.
Như vậy, áp lực thanh toán là rất lớn, trong khi lực mua lại TPDN trước hạn của chính các doanh nghiệp còn hạn chế, cần có nhiều người mua hơn, với mức giá công khai, minh bạch hơn.
Đáp ứng nhu cầu này, thị trường giao dịch trái phiếu riêng lẻ tập trung đã sẵn sàng. Từ ngày 19/7, hệ thống giao dịch TPDN phát hành riêng lẻ tại Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) đã chính thức vận hành. Dự kiến, có khoảng 1.600 mã TPDN riêng lẻ được đưa lên niêm yết. Các doanh nghiệp phát hành trái phiếu tham gia sàn giao dịch sẽ có cơ hội tiếp cận được nhiều nhà đầu tư hơn, qua đó giúp khơi thông nguồn vốn từ trái phiếu cho hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Với sàn giao dịch TPDN riêng lẻ, bất kỳ ai cũng có thể được bán TPDN của mình công khai, bất cứ lúc nào, thay vì như trước đây phải chờ đến khi đáo hạn, hoặc phụ thuộc hoàn vào doanh nghiệp phát hành, công ty chứng khoán có mua lại hay không.
Nhìn lại những năm gần đây, thị trường TPDN có tốc độ phát triển rất nhanh, ngay từ năm 2020, chúng tôi đã phân tích rằng, giá bất động sản không giảm được là do nguồn tiền dành cho các dự án bất động sản là vô tận, thông qua việc phát hành trái phiếu nhưng thiếu sự kiểm soát về chất lượng, quy trình phát hành và hậu quả đã xảy ra đó là rất nhiều nhà đầu tư bị kẹt vốn trong các TPDN đó.
Vì vậy, việc sàn TPDN riêng lẻ ra đời trong thời điểm này là vô cùng cần thiết, đây sẽ là cú “hích” giúp giải quyết vấn đế lưu thông của những nguồn vốn đang bị đọng không tìm được lối thoát.
Điều đặc biệt là những doanh nghiệp huy động tiền thông qua trái phiếu sẽ phải đăng ký lưu ký toàn bộ trái phiếu phát hành riêng lẻ này. Lưu ký nghĩa là lưu lại và ký gửi. Nếu vòng xoay giao dịch liên tục khiến các tài sản phải chạy lòng vòng nên phải có một trung tâm lưu tất cả tài sản ở đó, mỗi khi có một giao dịch thay đổi quyền sở hữu thì Trung tâm giao dịch sẽ xác định tài sản này ở thời điểm này thuộc về ai.
Đó là lý do mà toàn bộ tài sản phải được ký gửi tại Trung tâm lưu ký, đồng thời toàn bộ trái phiếu riêng lẻ sẽ được niêm yết trên hệ thống giao dịch HNX, khi nhà đầu tư chuyên nghiệp mua một trái phiếu thì tất cả các thông tin đó sẽ được thể hiện ở trên hệ thống giao dịch.
Tôi muốn nhấn mạnh lại một vấn đề nữa là về đối tượng được quyền tham gia sàn giao dịch trái phiếu riêng lẻ vẫn phải là các nhà đầu tư chuyên nghiệp. Chúng ta đã có quy định rất rõ với các điều kiện thay đổi qua từng Thông tư, Nghị định, theo đó, nhà đầu tư chuyên nghiệp phải tuân thủ Nghị định 65 và phải đặt mua trái phiếu qua tài khoản giao dịch thông qua một công ty chứng khoán, có thể khớp lệnh điện tử hoặc thỏa thuận và khi giao dịch xong kết quả sẽ được trả về Trung tâm lưu ký.
Nhiều lợi ích trọng yếu
Có thể nói, sàn giao dịch ra đời được hiểu như một cái “chợ” có các đối tượng mua, bán, có người quản lý và kiểm soát, do đó chúng tôi cũng đưa ra 4 vấn đề mà sàn giao dịch có thể mang lại: Một là, cải thiện tính minh bạch thông tin của thị trường TPDN. Trước đây, việc phát hành TPDN riêng lẻ thì thông tin chỉ dành cho một nhóm 100 nhà đầu tư, còn khi đã đưa lên sàn giao dịch thì toàn bộ thông tin sẽ được công khai.
Hai là, giải quyết vấn đề thanh khoản thị trường. Chúng tôi cho rằng đây là vấn đề trọng yếu nhất, để khi nhà đầu tư cần bán trái phiếu thì có một nơi để bán, nếu không rất nhiều nhà đầu tư trái phiếu đang bị mắc kẹt do các doanh nghiệp phát hành gặp vấn đề. Dù với chính sách hỗ trợ, họ có thể đàm phán kéo dài thời hạn trả nợ đến 2 năm, nhưng các nhà đầu tư nắm giữ trái phiếu mà không thể bán khi cần cũng là bất lợi.
Ngoài ra, khi TPDN có một mức giảm giá nào đó, sẽ có những nhà đầu tư, đơn vị có thể mua lại trên cơ sở phân tích và bằng nguồn lực tài chính của họ. Điều này không chỉ tạo ra thanh khoản, mà còn tạo cơ hội cho các đơn vị có tiền có cơ hội đầu tư, đồng thời giúp phía doanh nghiệp phát hành không phải quá áp lực trả nợ, hay thanh toán trái phiếu trước hạn.
Ba là, đánh giá chính xác mức độ rủi ro của trái phiếu thông qua lợi suất. Chúng ta thường hay bị nhầm giữa lợi suất trái phiếu và lãi suất trái phiếu, trong đó, lợi suất của trái phiếu bao gồm cả giá và lãi suất Coupon. Thông qua sàn giao dịch TPDN riêng lẻ, chúng ta có thể so sánh một cách rất dễ dàng về mức độ rủi ro, nếu lợi suất rất cao thì chứng tỏ trái phiếu đó có rủi ro cao, vì ngoài lãi suất Coupon, thì còn có mức độ giảm giá được tính vào.
Thứ tư là, minh bạch thông tin. Khi phân tích một TPDN riêng lẻ chúng ta cần phải xem các bản cáo bạch, báo cáo tài chính, hoặc những thay đổi trong tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Vì vậy với quy định về việc các doanh nghiệp có thay đổi thì phải cập nhật thông tin giúp các nhà đầu tư nắm được, điều này vừa tốt cho nhà đầu tư và cũng tốt cho cả thị trường TPDN nói chung.
Có ý kiến cho rằng, liệu việc vận hành sàn giao dịch trái phiếu riêng lẻ có phải là hình thức chuyển nợ từ doanh nghiệp sang nhà đầu tư nhỏ lẻ hay không? Tôi cho rằng không. Ngược lại, đây còn là cách để những nhà đầu tư nhỏ lẻ có thể thu hồi được các khoản nợ của mình, nghĩa là chúng ta có một thị trường để có thể bán được các tài sản đầu tư được cho là đang xấu hoặc không có khả năng thanh khoản. Đây cũng được xem là một giải pháp tương ứng với các thị trường tài chính phát triển, đơn cử như chúng ta có thị trường mua bán nợ ở Việt Nam nhưng vẫn chưa có một thị trường đủ công khai, minh bạch và đủ rộng để mọi người có thể tham gia.
Tính đến quý II/2023 khối lượng phát hành TPDN riêng lẻ đang có sự sụt giảm rất lớn, giảm 90% so với cùng kỳ năm trước và tính từ đầu năm thì chỉ phát hành được 42.783 tỷ đồng. Chính vì vậy, sự ra đời của sàn TPDN phát hành riêng lẻ sẽ tạo cơ hội để các doanh nghiệp có thể đưa ra các sản phẩm mới và nhà đầu tư trong môi trường lãi suất tiết kiệm đang ở mức thấp cũng có cơ hội xem xét lại danh mục đầu tư của mình./.
Ông Nguyễn Minh Tuấn, CEO AFA Capital