Tưởng như thị trường chứng khoán sẽ gặp khó khăn trong tuần giao dịch này, nhất là khi có sự rung lắc mạnh ở tuần trước, tuy nhiên, diễn biến trong phiên giao dịch đầu tuần đã giúp nhà đầu tư giải tỏa được phần nào những lo ngại.
Thị trường khởi động phiên giao dịch có phần chậm chạm với lực bán áp đảo và điều này kéo các chỉ số chính lùi xuống dưới mốc tham chiếu. Tuy nhiên, lực cầu ở một số cổ phiếu vốn hóa lớn bỗng nhiên tăng mạnh và giúp thị trường chung giao dịch khởi sắc hơn rất nhiều.
Tâm điểm của thị trường phiên đầu tuần là nhóm cổ phiếu ngành thép, trong đó, HPG chứng minh độ “khỏe” của mình khi tăng trần lên 25.100 đồng/cp và khớp lệnh đến 13,5 triệu cổ phiếu, trong khi dư mua giá trần ở mức 2,2 triệu cổ phiếu. Ngay cả khi thị trường rung lắc ở đầu phiên giao dịch, HPG vẫn duy trì cho mình mức tăng trên 4%.
Tại buổi Analyst Meeting diễn ra tại Hà Nội chiều 15/5, Ban lãnh đạo Hòa Phát cho biết, công ty dự kiến chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế năm 2020 đạt 9.000 - 10.000 tỷ đồng, với doanh thu 85.000 - 90.000 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hoà Phát cho biết, doanh nghiệp đang thực hiện xây dựng cơ bản cơ sở hạ tầng, hoàn thiện pháp lý cho khu đô thị mới gần 300ha tại huyện Mỹ Hào, Hưng Yên. Chủ tịch Hòa Phát kỳ vọng từ năm 2021, dự án sẽ ghi nhận doanh thu, lợi nhuận vào kết quả kinh doanh của Tập đoàn.
Với sự bứt phá của HPG, một ông lớn khác trong ngành thép là HSG cũng được kéo lên mức giá trần và khớp lệnh gần 12 triệu cổ phiếu.
Các cổ phiếu trụ cột trong phiên hôm nay có KDC, VPB, MWG, GAS, PNJ, CTG… tăng giá rất mạnh, trong đó, KDC tăng trần lên 23.100 đồng/cp, VPB tăng 5,2% lên 25.100 đồng/cp. Không chỉ nhờ dòng tiền nội, đà tăng của VPB còn có sự đóng góp rất lớn từ dòng tiền ngoại khi được mua ròng gần 2,5 triệu cổ phiếu. Việc Chứng chỉ quỹ ETF nội VN DIAMOND đi vào hoạt động đã mang lại làn gió mới đối với nhóm cổ phiếu hết room và VPB là một trong số đó.
Tuy vậy, không hẳn tất cả các cổ phiếu lớn đều giao dịch tích cực, các mã như SHB, HVN, TPB, VCG… lại chìm trong sắc đỏ. SHB giảm sâu đến 3,9% và là nhân tố chủ chốt đẩy HNX-Index giảm điểm ngay trong phiên đầu tuần bất chấp diễn biến tích cực ở sàn HoSE.
Tại nhóm cổ phiếu bất động sản, sự phân hóa vẫn diễn ra tuy nhiên sắc xanh có phần chiếm ưu thế hơn. Các cổ phiếu như PFL, TIX, DRH hay FDC đều được kéo lên mức giá trần. Bên cạnh đó, HAR tăng 5%, TIG tăng 4,8%, VPH tăng 4%.
Trong số 4 ông lớn trong ngành này là VIC, VHM, VRE và NVL thì chỉ có duy nhất VIC giảm nhẹ 0,5% xuống 96.500 đồng/cp, còn lại đều tăng giá. VHM tăng 0,4% lên 71.900 đồng/cp, VRE tăng 1,9% lên 24.550 đồng/cp, NVL tăng 0,4% lên 52.800 đồng/cp.
Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index tăng 9,98 điểm (1,21%) lên 837,01 điểm. Toàn sàn có 206 mã tăng, 156 mã giảm và 56 mã đứng giá. HNX-Index giảm 0,48 điểm (-0,44%) xuống 108,54 điểm. Toàn sàn có 84 mã tăng, 59 mã giảm và 66 mã đứng giá. UPCoM-Index tăng 0,14 điểm (0,26%) lên 53,29 điểm.
Thanh khoản thị trường giảm khá mạnh so với các phiên giao dịch của tuần trước nhưng vẫn ở mức khá cao. Tổng khối lượng giao dịch đạt 328 triệu cổ phiếu, trị giá 5.400 tỷ đồng. HQC và ITA là 2 mã bất động sản lọt vào top 10 về khối lượng khớp lệnh toàn thị trường với lần lượt 5,2 triệu cổ phiếu và 5 triệu cổ phiếu.
Khối ngoại quay trở lại bán ròng với khoảng 95 tỷ đồng trên hai sàn là một điểm tiêu cực, trong đó, VHM vẫn là cổ phiếu bất động sản bị bán ròng mạnh với 38 tỷ đồng, bên cạnh đó, HDC cũng bị bán ròng 14 tỷ đồng.
Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS) cho biết, trên thị trường phái sinh, hợp đồng tương lai VN30 kỳ hạn tháng 5 tăng mạnh hơn so với chỉ số cơ sở VN30, qua đó chuyển basis âm sang basis dương nhẹ 0,73 điểm. Trong bối cảnh chỉ còn ba phiên nữa là đáo hạn thì động thái này không thể hiện rõ việc nhà đầu tư thực sự tin vào xu hướng tăng của thị trường sẽ được duy trì.
SHS dự báo, trong phiên giao dịch ngày 19/5, VN-Index có thể sẽ tiếp tục rung lắc khi tiến đến ngưỡng kháng cự gần nhất quanh 840 điểm (fibonacci retracement 50%). Nhà đầu tư nên quan sát thị trường trong phiên hôm nay, nhất là phản ứng của VN-Index tại ngưỡng kháng cự 840 điểm (fibonacci retracement 50%). Nếu thị trường bứt phá được ngưỡng này với thanh khoản tốt, nhà đầu tư ngắn hạn có thể cân nhắc gia tăng tỷ trọng cổ phiếu với target tiếp theo là ngưỡng 880 điểm (fibonacci retracement 61,8%). Nếu chỉ số tiếp tục giằng co với động lực yếu thì chiến lược bán giảm tỷ trọng cổ phiếu nên được ưu tiên hơn.
Tại thị trường chứng khoán quốc tế, Nikkei 225 của Nhật Bản và Kospi của Hàn Quốc tăng 0,5%. Tại Trung Quốc, Shanghai Composite tăng 0,2% trong khi Shenzhen Composite giảm 0,4%. Hang Seng của Hong Kong tăng 0,6%. ASX 200 của Australia và NZX 50 của New Zealand lần lượt tăng 1% và 0,2%. Straits Times của Singapore và SET 50 của Thái Lan tăng 0,7%, Jakarta Composite của Indonesia tăng 0,08% và KLCI của Malaysia tăng 0,5%.