Đồng thời, nâng cao chất lượng tín dụng, hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, các lĩnh vực ưu tiên, các động lực tăng trưởng của nền kinh tế, kiểm soát tín dụng chặt chẽ, xử lý kịp thời, phù hợp, hiệu quả đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.
Ngân hàng Nhà nước tiếp tục điều hành nghiệp vụ thị trường mở linh hoạt, chủ động, sẵn sàng hỗ trợ thanh khoản cho hệ thống tổ chức tín dụng.
Đặc biệt, theo các chuyên gia, chính sách tiền tệ năm 2024 chỉ nên duy trì ở trạng thái như hiện tại, không nới lỏng nhưng cũng không thắt chặt thêm. Ở những thời điểm khi áp lực lạm phát và tỷ giá quá lớn thì có thể cân nhắc việc hút bớt tiền về nhưng với một lượng vừa đủ để không gây ra các xáo trộn hoặc cú sốc cho nền kinh tế... Tuy nhiên, nếu xuất hiện sức ép từ tỷ giá và lạm phát thì chính sách tiền tệ có thể đảo chiều để thích ứng.
Công ty chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) nhận định, năm 2024, tăng trưởng tín dụng sẽ khởi sắc hơn do nền kinh tế ấm dần lên, khó khăn của thị trường bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp được tháo gỡ. KBSV kỳ vọng mức tăng trưởng tín dụng năm 2024 dự kiến đạt từ 13 - 14%.
Năm 2023, kinh tế thế giới diễn biến bất thường, tác động lớn đến kinh tế Việt Nam. Bối cảnh này đã đặt ra nhiều thách thức trong điều hành chính sách tiền tệ. Cùng với đó, doanh nghiệp gặp khó khăn đã khiến tăng trưởng tín dụng không như kỳ vọng dù Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện rất nhiều các giải pháp.
Ngân hàng Nhà nước định hướng tăng trưởng tín dụng trong năm 2023 khoảng 14 - 15%, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế hợp lý.
Để đạt được mục tiêu này, ngay từ đầu năm Ngân hàng Nhà nước đã điều hành tăng trưởng khối lượng và cơ cấu tín dụng hợp lý, đáp ứng nhu cầu vốn cho nền kinh tế nhằm góp phần kiểm soát lạm phát, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước đã triển khai nhiều giải pháp nhằm hỗ trợ tăng trưởng tín dụng đối với nền kinh tế, như ban hành và sửa đổi nhiều cơ chế, chính sách liên quan đến hoạt động tín dụng; triển khai các chương trình tín dụng có quy mô lớn đối với một số lĩnh vực nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ, sản xuất, chế biến lâm sản và thủy sản.
Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước cũng liên tục điều chỉnh giảm lãi suất tái cấp vốn, lãi suất tái chiết khấu, lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ, lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng đồng Việt Nam đối với một số lĩnh vực ưu tiên…, đồng thời yêu cầu các tổ chức tín dụng phấn đấu giảm lãi suất tối thiểu từ 1,5 - 2%/năm…
Tại Nghị quyết 97/NQ-CP ngày 08/7/2023, văn bản số 225/TB-VPCP ngày 15/6/2023, Chính phủ, Thường trực Chính phủ đã yêu cầu Ngân hàng Nhà nước xác định hạn mức tăng trưởng tín dụng cần thiết, hợp lý trong năm 2023, phân bổ hết hạn mức tín dụng để các tổ chức tín dụng chủ động mở rộng tín dụng. Theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng, trong mọi tình huống, trước bối cảnh khó khăn, Ngân hàng Nhà nước đã bám sát chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng và bám sát diễn biến tình hình để chủ động tâm thế ứng phó linh hoạt, thực hiện đồng bộ các giải pháp và công cụ chính sách tiền tệ với liều lượng hợp lý để đóng góp chung vào thành công chung của nền kinh tế.
Tuy nhiên, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cũng phải thừa nhận “điều hành tăng trưởng tín dụng là vấn đề khó”, bởi nội tại nhu cầu vốn đầu tư của nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào vốn ngân hàng. Hiện tỷ lệ tín dụng/GDP của Việt Nam trên 125%. Các tổ chức quốc tế cũng đã cảnh báo Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ tín dụng/GDP cao nhất trong nhóm nước có thu nhập trung bình. Nhưng năm 2023 vốn đầu tư nền kinh tế lại gặp khó khăn. Thị trường bất động sản, thị trường trái phiếu doanh nghiệp ách tắc nên gần như doanh nghiệp không phát hành trái phiếu doanh nghiệp, áp lực đổ dồn lên tín dụng ngân hàng vốn đã khó lại càng khó hơn.
Trong khi đó, theo người đứng đầu ngành ngân hàng, tại các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước có các giải pháp thúc đẩy, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế nhưng vẫn phải đảm bảo kiểm soát rủi ro, đảm bảo an toàn hệ thống; thực hiện giải pháp ngắn hạn nhưng vẫn phải đảm bảo giải pháp căn cơ trong dài hạn.
Trong bối cảnh đó, đến tháng 7, Ngân hàng Nhà nước đã phân bổ hết chỉ tiêu tín dụng cả năm và trên cơ sở đánh giá khả năng tăng trưởng tín dụng, đến cuối tháng 11/2023 Ngân hàng Nhà nước đã tiếp tục điều chỉnh chỉ tiêu tín dụng tỷ lệ lớn đối với các tổ chức tín dụng.
Liên tiếp mới đây Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính có các công điện đối với Ngân hàng Nhà nước về điều hành tăng trưởng tín dụng những tháng cuối năm cũng như tiếp tục thực hiện quyết liệt các giải pháp tăng cường khả năng tiếp cận vốn tín dụng, thúc đẩy phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản hiệu quả, an toàn, lành mạnh, bền vững.
Ngân hàng Nhà nước cũng có văn bản gửi các tổ chức tín dụng thông báo mức tăng trưởng tăng thêm công khai, minh bạch theo các nguyên tắc và tiêu chí cụ thể.
Theo đó, các tổ chức tín dụng có dư nợ tín dụng đến nay đạt đến 80% chỉ tiêu tín dụng đã được thông báo sẽ được chủ động bổ sung hạn mức tăng thêm dựa trên cơ sở xếp hạng năm 2022, đồng thời ưu tiên thêm cho những tổ chức tín dụng tập trung tín dụng vào các lĩnh vực ưu tiên của Chính phủ và hạ lãi suất cho vay xuống mức thấp trong thời gian vừa qua.
Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo tổ chức tín dụng hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng nền kinh tế theo chủ trương của Chính phủ. Cùng đó, bảo đảm hoạt động tín dụng an toàn, hiệu quả, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn tín dụng.
Mặc dù Ngân hàng Nhà nước đã triển khai quyết liệt nhiều giải pháp nhưng tăng trưởng tín dụng năm 2023 vẫn gặp nhiều khó khăn. Ngân hàng Nhà nước cho biết đến ngày 30/11, tín dụng đối với nền kinh tế mới đạt khoảng 13 triệu tỷ đồng, tăng 9,15% so với cuối năm 2022, thấp hơn so với cùng kỳ các năm và còn khá xa mục tiêu 14% phải đạt trong năm 2023.
Theo Phó Thống đốc Đào Minh Tú, nguyên nhân tín dụng tăng thấp là do các kênh huy động vốn khác của thị trường vốn (trái phiếu doanh nghiệp, chứng khoán) chưa phát huy hiệu quả. Các kênh này chưa phát triển tương xứng với vai trò cung ứng vốn trung, dài hạn cho nền kinh tế nên nhu cầu vốn cho phục hồi kinh tế tập trung phần lớn vào tín dụng ngân hàng. Tỷ lệ tín dụng/GDP của Việt Nam có xu hướng tăng, tiềm ẩn rủi ro đối với hệ thống các tổ chức tín dụng. Tuy nhiên, thanh khoản hệ thống tổ chức tín dụng dư thừa, lãi suất cho vay giảm nên còn nhiều dư địa để tổ chức tín dụng tăng trưởng tín dụng.
Ngoài ra, một số nhóm khách hàng có nhu cầu nhưng chưa đáp ứng điều kiện vay vốn, nhất là nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa trong khi việc triển khai các giải pháp tăng khả năng tiếp cận tín dụng thông qua Quỹ Bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa... chưa phát huy hiệu quả.
Theo lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước, khó khăn từ thị trường bất động sản tác động đến khả năng hấp thụ tín dụng của nhóm bất động sản trong khi tín dụng bất động sản chiếm tỷ trọng khoảng 21% trong tổng tín dụng chung. Sau thời gian kinh tế gặp khó khăn, mức độ rủi ro của khách hàng bị đánh giá cao hơn, khi hoạt động của doanh nghiệp khó chứng minh hiệu quả tổ chức tín dụng rất khó khăn trong quyết định cho vay.
Chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh cho rằng, để tháo gỡ những khó khăn này, các ngân hàng cần hướng dẫn doanh nghiệp trong việc có các dự án đầu tư theo đúng các mẫu biểu. Hay các doanh nghiệp có các đơn hàng xuất khẩu, hợp đồng thì cũng cần thiết làm các thủ tục phù hợp để các ngân hàng cho vay tín chấp tốt hơn. Tuy nhiên, việc đảm bảo điều kiện cho vay ngân hàng là điều kiện bắt buộc tối thiểu, do đó, ngân hàng cần có những phương án để đẩy mạnh số hoá thủ tục để thuận tiện cho doanh nghiệp.
Theo ông Đinh Trọng Thịnh, để đẩy mạnh cho vay, Chính phủ phải tập trung đẩy tổng cầu tăng lên, đẩy nhanh đầu tư công để từ đó các doanh nghiệp có dòng tiền tốt hơn. Lúc này ngân hàng cũng sẽ mạnh dạn cho vay nhiều hơn.
Theo TS. Nguyễn Xuân Thành, Giảng viên Trường Chính sách Công và Quản lý Fulbright, định hướng chính sách của nhà điều hành luôn muốn duy trì chính sách tiền tệ hỗ trợ cho tăng trưởng, bởi áp lực cho giai đoạn 2024 - 2025 là lấy lại đà tăng trưởng kinh tế để đạt mục tiêu cả nhiệm kỳ. Các chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ do vậy đều ưu tiên hỗ trợ tăng trưởng.
Tuy nhiên, chuyên gia này lưu ý, Ngân hàng Nhà nước có duy trì được chính sách tiền tệ nới lỏng hay không còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Hiện, ngân hàng trung ương các nước đều điều hành chính sách theo hướng “dò đường” với tự tin rất thấp, kể cả Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).
Ông Nguyễn Xuân Thành nhận định: "Năm nay, tín dụng có thể tăng 11%, thấp hơn so với mục tiêu đề ra; mục tiêu của năm 2024 là tăng trưởng tín dụng từ 14 - 15% để hỗ trợ mục tiêu tăng trưởng GDP 6,5% trở lên. Việc duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng phải được duy trì nhưng hoàn toàn có thể đảo chiều khi chịu áp lực từ hai yếu tố là tỷ giá và lạm phát. Trong điều kiện bình thường, Ngân hàng Nhà nước sẽ cố gắng không tăng lãi suất điều hành nhưng nếu xuất hiện sức ép thì buộc phải thay đổi để thích ứng. Điều này phải quan sát từng tháng năm 2024 thì mới có thể phán đoán được”.