Aa

Ngân hàng Nhà nước “chia lại” room tín dụng: Mục tiêu tăng trưởng tín dụng 2023 vẫn khó đạt được

Hà Thương (Thực hiện)
Hà Thương (Thực hiện) ngthuongreatimes@gmail.com
Thứ Tư, 13/12/2023 - 06:00

Theo PGS. TS. Nguyễn Hữu Huân, dù NHNN thêm dư địa cho các nhà băng đã "chạm trần" và nhu cầu tín dụng cuối năm sẽ tăng cao nhưng cũng không dễ để đạt được mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2023.

Hồi tháng 7/2023, Ngân hàng Nhà nước đã phân bổ hạn mức tín dụng cho toàn hệ thống với tổng tăng trưởng 14,5%. Tuy nhiên, 11 tháng qua, tăng trưởng kinh tế gặp khó khăn, hấp thụ vốn và cầu tín dụng yếu nên tính đến ngày 30/11, tín dụng đối với nền kinh tế mới đạt khoảng 13 triệu tỷ đồng, tăng 9,15% so với cuối năm 2022, thấp hơn so với cùng kỳ các năm và còn khá xa mục tiêu đặt ra trong năm 2023.

Thêm vào đó, mức tăng trưởng tín dụng không đồng đều, một số tổ chức tín dụng tăng trưởng khá cao, một số thấp, thậm chí tăng trưởng âm.

Do đó, để linh hoạt điều hành, đáp ứng yêu cầu tiếp tục đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng phục vụ quá trình phục hồi kinh tế theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, ngày 29/11, Ngân hàng Nhà nước quyết định phân bổ lại chỉ tiêu tăng trưởng từ ngân hàng thừa sang ngân hàng thiếu. 

Việc phân bổ lại tính theo mức tăng trưởng tín dụng từ đầu năm và xếp loại. Trong đó, các ngân hàng có tăng trưởng đạt đến 80% sẽ được bổ sung hạn mức tín dụng trên cơ sở xếp hạng năm 2022, ưu tiên thêm cho những tổ chức tập trung tín dụng các lĩnh vực ưu tiên và hạ lãi suất cho vay xuống mức thấp.

Theo nhiều đánh giá, động thái phân bổ lại hạn mức tín dụng của Ngân hàng Nhà nước trong bối cảnh hiện nay là cần thiết và hợp lý. Điều này giúp các ngân hàng không rơi vào cảnh “xin - cho” khi gần hết hạn mức tín dụng. Đồng thời, cũng đảm bảo khả năng cho vay của các ngân hàng được phát huy tối đa, hỗ trợ nền kinh tế hồi phục. 

Tuy nhiên, cũng nhiều ý kiến cho rằng, việc phân bổ lại hạn mức tín dụng không phải là tất cả nếu muốn “đẩy tiền” ra nền kinh tế. Và mặc dù nhu cầu tín dụng cuối năm sẽ tăng cao nhưng cũng không dễ để đạt được chỉ tiêu tín dụng đặt ra trong năm 2023. 

Để có những góc nhìn cụ thể hơn về vấn đề này, Reatimes đã có cuộc trao đổi với PGS. TS. Nguyễn Hữu Huân, Trưởng bộ môn Thị trường Tài chính - Đại học Kinh tế TP.HCM.

Không có quá nhiều ngân hàng đang thiếu room để tăng trưởng

PV: Ông đánh giá như thế nào về động thái phân bổ lại hạn mức tín dụng của Ngân hàng Nhà nước cuối tháng 11 vừa qua?

PGS. TS. Nguyễn Hữu Huân: Phân bổ lại hạn mức tín dụng là động thái thể hiện quyết tâm của Chính phủ cũng như Ngân hàng Nhà nước trong việc cố gắng đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng từ giờ cho đến cuối năm. 

Về cơ bản, động thái này sẽ “cởi trói” cho các ngân hàng đang gần "chạm trần" room tín dụng, giúp họ tiếp tục đẩy mạnh cho vay nhằm đáp ứng nhu cầu tín dụng tăng cao vào dịp cuối năm của nền kinh tế. 

PV: Trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng “èo uột”, việc chia lại room tín dụng có giúp tiền ra nền kinh tế mạnh hơn, thưa ông?

PGS. TS. Nguyễn Hữu Huân: Do chưa có số liệu chính thức về room tín dụng của từng ngân hàng nên cũng chưa xác định rõ hiện nay những ngân hàng nào đang "chạm trần" room tín dụng, nhưng với số liệu của toàn ngành ngân hàng tăng trưởng hiện tại đạt khoảng trên 9% thì sẽ không có quá nhiều ngân hàng đang thiếu room để tăng trưởng. 

Tuy nhiên, nhìn chung động thái này vẫn hỗ trợ phần nào và trên tinh thần là sẽ cho phép các ngân hàng tăng trưởng tín dụng tối đa từ giờ đến cuối năm nhằm đảm bảo nguồn cung tín dụng dồi dào cho nền kinh tế.

Ngày 29/11, Ngân hàng Nhà nước quyết định phân bổ lại chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng từ ngân hàng thừa sang ngân hàng thiếu. (Ảnh minh họa)

PV: Với chỉ tiêu tín dụng định hướng từ đầu năm (14,5%), ước tính dư địa mà các ngân hàng có thể cho vay thêm trong tháng 12 là gần 638.000 tỷ đồng. Theo ông, giải pháp là gì để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng đạt kế hoạch đề ra? 

PGS. TS. Nguyễn Hữu Huân: Sẽ khó để chúng ta có thể đạt được mục tiêu đặt ra như trên. Mặc dù, nhu cầu tín dụng cuối năm sẽ tăng cao nhưng cũng không dễ để tạo sự đột biến lớn như vậy. 

Tuy nhiên, để thúc đẩy tín dụng cuối năm, ngoài các biện pháp từ phía cung như hỗ trợ thêm room tín dụng cho các ngân hàng thiếu thì cần thúc đẩy các biện pháp từ phía cầu tín dụng, vì cơ bản nguồn cung dồi dào mà cầu vẫn yếu thì cung và cầu cũng không thể gặp nhau. 

Để thúc đẩy cầu tín dụng, các ngân hàng cần đẩy mạnh giảm lãi suất cho vay, đưa ra nhiều chương trình khuyến mãi về lãi suất và giữ nguyên lãi suất thấp trong thời gian dài để khuyến khích cầu tín dụng. Ngoài ra, có thể đẩy mạnh các chương trình quà tặng, rút ngắn thời gian xét duyệt hồ sơ vay, liên kết với các cửa hàng bán lẻ, các nhãn hàng để thực hiện các chương trình cho vay lãi suất thấp, trả góp 0%… đặc biệt là tín dụng tiêu dùng dịp cuối năm.

Room tín dụng nếu giữ cần dự báo chính xác nhu cầu tín dụng

PV: Tại Hội nghị bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn về tăng trưởng tín dụng cho sản xuất, kinh doanh thúc đẩy tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô diễn ra ngày 7/12, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết sẽ cân nhắc việc có nên bỏ room tín dụng hay không vào thời gian tới. Ông có đánh giá như thế nào về mặt được và chưa được của việc thực hiện room tín dụng nhiều năm qua?

PGS. TS. Nguyễn Hữu Huân: Mặt tích cực của việc sử dụng room tín dụng là chúng ta có thể kiểm soát tương đối chính xác tăng trưởng tín dụng tối đa trong năm, từ đó dựa vào tăng trưởng tín dụng để kiểm soát lượng cung tiền ra nền kinh tế nhằm thực hiện các mục tiêu về tăng trưởng hay lạm phát. 

Tuy nhiên, quá trình thực hiện room tín dụng cũng phát sinh nhiều bất cập như không điều hành cung - cầu tín dụng theo nhu cầu và tín hiệu thị trường, dễ dẫn đến việc thừa tiền trong ngân hàng. Như năm 2023, room tín dụng còn nhiều nhưng không cho vay được do cầu tín dụng thấp. Song cũng có tình trạng thiếu cung tín dụng, như trong năm 2022, khi nền kinh tế có nhu cầu tín dụng cao nhưng hệ thống ngân hàng đã hết room và không cho vay thêm được nữa. 

Chính vì thế, việc điều hành tín dụng theo room cũng cần linh hoạt hơn theo cơ chế và nhu cầu tín dụng thực tế của nền kinh tế, tránh việc điều hành theo hướng cứng nhắc, kế hoạch hóa và không theo tín hiệu thị trường. 

PV: Vậy quan điểm của ông như thế nào trong câu chuyện giữ hay bỏ room tín dụng này? 

PGS. TS. Nguyễn Hữu Huân: Theo tôi, việc duy trì room tín dụng cũng có thể là một chỉ báo và thông báo với mọi người về mục tiêu của chính sách tiền tệ trong năm, từ đó cả người dân và doanh nghiệp có một "cái neo" để kỳ vọng theo lý thuyết kỳ vọng. Điều này sẽ giúp việc điều hành kinh tế dễ hơn, cũng như người dân không bị bất ngờ với những động thái của Ngân hàng Nhà nước trong việc điều hành chính sách tiền tệ.

Có thể nói, điều quan trọng nhất trong việc điều hành chính sách tiền tệ là tính nhất quán và tính có thể dự báo được. Vì người dân và doanh nghiệp cần thời gian để có thể thích nghi với các chính sách mới. Ví dụ, doanh nghiệp thường lập kế hoạch sản xuất kinh doanh trong một vài năm, nếu chính sách tiền tệ thay đổi liên tục sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến kế hoạch hoạt động của họ và có thể gây ra các "cú sốc" không đáng có. Vì vậy, tính dễ dự báo của chính sách đóng vai trò then chốt trong việc điều hành chính sách. 

Tính dễ dự báo của chính sách đóng vai trò then chốt trong việc điều hành chính sách. (Ảnh minh họa: Reatimes)

Tuy nhiên, như đã đề cập, nếu vẫn giữ room tín dụng thì phải đảm bảo room tín dụng có sự linh hoạt theo tín hiệu thị trường, và cần dự báo chính xác nhu cầu tín dụng trong năm để đưa ra room tín dụng trong năm phù hợp - điều này quả thật không hề dễ dàng. Và nếu như trong quá trình điều hành nhận thấy room tín dụng hoạch định chưa sát với nhu cầu thực tế thì cần điều chỉnh linh hoạt, tránh việc cứng nhắc có thể kìm hãm tính hiệu quả của việc thực thi các mục tiêu chính của chính sách tiền tệ là tăng trưởng và kiềm chế lạm phát. 

Nói tóm lại, room tín dụng nếu giữ thì cần có sự dự báo chính xác nhu cầu tín dụng để đưa ra room tín dụng phù hợp, nhưng vẫn phải đảm bảo tính nhất quán và khả năng dự báo được về chính sách. Đồng thời phải linh hoạt điều chỉnh trong tình hình thực tế nếu như có sự thay đổi về cung - cầu tín dụng và sự điều chỉnh này ở mức tương đối để tránh gây bất ngờ cho nền kinh tế.

Còn với ý kiến bỏ room tín dụng, khi đó chúng ta sẽ điều hành chính sách tiền tệ dựa trên các công cụ phổ biến của chính sách tiền tệ như nghiệp vụ thị trường mở, tỷ lệ dự trữ bắt buộc hay cửa sổ chiết khấu. Điều này cũng nên khuyến khích vì nó đảm bảo yếu tố thị trường hơn và tránh việc điều hành mang tính hành chính, dễ gây ra những tổn thất xã hội không đáng có hay thất bại thị trường khi cung - cầu không gặp nhau. 

Tôi cho rằng, chúng ta cũng cần đảm bảo tính độc lập của chính sách tiền tệ và Ngân hàng Nhà nước nên điều hành chính sách tiền tệ theo mục tiêu lạm phát là chủ yếu, thể hiện tính trung lập của tiền tệ. 

Không phải cứ tăng cung tiền là tăng trưởng kinh tế

PV: Nhiều người đang có quan điểm: “Tăng cung tiền là tăng trưởng kinh tế”. Ông nghĩ sao về điều này?

PGS. TS. Nguyễn Hữu Huân: Không phải cứ tăng cung tiền là kinh tế tăng trưởng, bởi tính trung lập của chính sách tiền tệ trong dài hạn cũng như các biến số thực của nền kinh tế như sản lượng hay tỷ lệ thất nghiệp sẽ không phụ thuộc vào cung tiền. 

"Không phải cứ tăng cung tiền là kinh tế tăng trưởng, bởi tính trung lập của chính sách tiền tệ trong dài hạn cũng như các biến số thực của nền kinh tế như sản lượng hay tỷ lệ thất nghiệp sẽ không phụ thuộc vào cung tiền".

PGS. TS. Nguyễn Hữu Huân

Việc tăng cung tiền chỉ có tác dụng kích thích kinh tế trong ngắn hạn khi nó tác động lên lượng cầu hàng hóa và dịch vụ từ đó tác động lên sản lượng ngắn hạn. Nhưng lạm dụng cung tiền quá nhiều không những không thúc đẩy tăng trưởng mà còn có thể gây ra lạm phát cao trong nền kinh tế.

Nếu chỉ tăng cung tiền có thể giúp tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ trong dài hạn thì chắc hẳn tất cả các quốc gia đều giàu có. Cần lưu ý, chính sách tiền tệ không phải là cây đũa thần và bất kể Ngân hàng Nhà nước theo đuổi chính sách tiền tệ như thế nào thì sản lượng và thất nghiệp luôn ở mức tự nhiên của chúng trong dài hạn.

Trân trọng cảm ơn ông!

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top