“Hụt hơi” với condotel
Mới đây, đại diện Savills Việt Nam đã đưa ra một số so sánh đáng chú ý. Theo đó, Việt Nam đang dẫn đầu về tỷ lệ cam kết lợi nhuận từ bất động sản nghỉ dưỡng so với một số khu nghỉ dưỡng nổi tiếng ở khu vực Đông Nam Á như Phuket (Thái Lan) ở mức 7% trong 3 - 5 năm và Bali cũng 7% trong 2 - 3 năm.
Ông Lê Anh Đức - Chủ tịch HĐQT Công ty Vịnh Nha Trang cho rằng, đưa ra mức cam kết lợi nhuận để bán hàng đang là bước đi thiếu thận trọng của chủ đầu tư. Bởi thực chất các cam kết hiện nay trên thị trường đều được chủ đầu tư áp dụng vào giá bán nên giá bán cực kỳ cao. Khi giá bán cao buộc giá thuê căn hộ cũng phải cao nên khó cho thuê, lợi nhuận thấp đi vì khó kiếm khách hàng. Do vậy việc không đủ mức lợi nhuận như cam kết ban đầu là điều hoàn toàn dễ hiểu.
Ở góc độ luật pháp, PGS. TS. Trần Kim Chung - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương đề nghị cần luật hóa các hoạt động bảo lãnh cam kết lợi nhuận ở phân khúc condotel, tiến tới bổ sung vào Luật Kinh doanh BĐS 2015 để điều chỉnh hành vi kinh doanh của các bên. “Chứ không thể để rủi ro chỉ nghiêng về phía khách hàng như hiện nay” – ông Chung khẳng định.
Về phía doanh nghiệp, ông Đức cũng chỉ rõ, phát sinh mâu thuẫn phần lớn là do sự không minh bạch và tin tưởng nhau giữa chủ đầu tư và chủ căn hộ. Thay vì đưa ra cam kết lợi nhuận, các doanh nghiệp hãy mời kiểm toán uy tín trên thế giới - tức bên thứ 3 vào cuộc hoạch toán độc lập thu chi, phân chia lợi nhuận rõ ràng qua từng năm. Chủ đầu tư muốn bắt tay với kiểm toán để làm khống số liệu cũng khó vì chẳng dại gì họ đánh đổi uy tín với một công ty nhỏ. Còn khách hàng vẫn có quyền tự cho thuê căn hộ của mình.
Xem chi tiết tại đây.
Dự án khu Nam dồn dập ra hàng
Thời điểm cuối năm thường là mùa cao điểm sức cầu của thị trường bất động sản, vì vậy các doanh nghiệp đang chạy đua chuẩn bị nguồn hàng để kịp bung vào những tháng cuối nhằm đáp ứng nhu cầu an cư đón tết của người dân và lượng kiều hối cuối năm.
Cuối tuần qua, Công ty cổ phần Nhà Mơ kết hợp cùng đơn vị tiếp thị phân phối độc quyền DKRS chính thức công bố thông tin dự án Khu cao ốc ven sông Dream Home Riverside. Đây là dự án nằm trong tổng thể Khu dân cư hiện hữu ven sông rộng 51,5 ha, được xây dựng theo phong cách châu Âu sang trọng, hiện đại, tạo nên nét nổi bật cho khu Tây Nam Sài Gòn. Với 728 căn hộ có mức giá chỉ từ 19 triệu đồng/m2, căn 2 phòng ngủ cùng với phương án thanh toán linh hoạt.
Nguồn tin từ Công ty cổ phần Đầu tư Căn Nhà Mơ Ước (DRH), chủ đầu tư dự án căn hộ Aurora Residence, cho biết, đầu tháng 1/2018 tới sẽ chính thức công bố ra thị trường dự án này. Đây là dự án có vị trí khá đắc địa mặt tiền số 277 Bến Bình Đông, phường 14, quận 8, TP.HCM. Đây là trục đường nhìn về tam giang sông Sài Gòn, kênh Đôi, kênh Tàu Hủ và là nơi giao thoa kiến trúc đô thị xưa và nay.
Không chỉ có quận 8, tại thị trường quận 7, khá nhiều doanh nghiệp cũng lên kế hoạch đưa dự án ra thị trường. Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Dư Lực, Chủ tịch HĐQT Công ty Bất động sản Hưng Lộc Phát cho biết, ngay đầu năm 2018 Hưng Lộc Phát sẽ chào bán ra thị trường dự án The Green Star (đường Phạm Hữu Lầu, Phú Mỹ Hưng, quận 7) với 100 căn biệt thự nhà phố và 1.000 căn hộ chung cư thương mại. Toàn bộ dự án được xây dựng theo quy chuẩn compound khép kín với khoảng 7.000 m2 đất công viên và hồ cảnh quan rộng 4.000 m2.
Xem chi tiết tại đây.
Đất nông nghiệp vùng ven TP.HCM dậy sóng sau quyết định tách thửa mới
Giai đoạn cuối năm và đặc biệt là sau khi UBND TP.HCM ban hành Quyết định 60/2017 quy định diện tích tối thiểu được tách thửa theo hướng giảm xuống còn tối thiểu 36 m2, tại khu vực các quận Bình Tân, huyện Hóc Môn, Bình Chánh, việc phân lô bán đất nền theo chuẩn mới diễn ra khá sôi động, khiến thị trường đất nền khu vực này nóng lên.
Bên cạnh những lô đất ở được tách thửa đúng quy định thì hoạt động phân lô đất nông nghiệp bán đất nền diễn ra khá công khai. Nhất là tại các điểm nóng về xây dựng trái phép của TP.HCM như xã Vĩnh Lộc A, Vĩnh Lộc B (huyện Bình Chánh), xã Xuân Thới Thượng, Bà Điểm (huyện Hóc Môn), hiện tượng này diễn ra khá phổ biến.
Theo ghi nhận của phóng viên, dọc theo các tuyến đường liên ấp 1-2-3, ấp 4B… thuộc xã Vĩnh Lộc A, Vĩnh Lộc B có rất nhiều khu đất nông nghiệp được san lấp mặt bằng để rao bán.
So với những đợt cao điểm phân lô bán nền trên đất nông nghiệp trước đây, lần này các chủ đất thực hiện tinh vi hơn. Theo đó, chủ đất đầu tư san lấp mặt bằng lô đất, kèm theo bản vẽ phác họa thửa đất được phân lô để tạo niềm tin và thu hút người mua.
Nhiều lô đất nông nghiệp có diện tích từ 1.000 - 5.000m2 được san lấp, sau đó tách thành từng thửa có diện tích 4x14 m, 4x15 m, 4x18 m để bán. Hiện giá bán những “nền đất” này dao động từ 10 - 17 triệu đồng/m2 tùy vị trí.
Trong vai người tìm mua đất, phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản được một chủ đất tại xã Vĩnh Lộc B giới thiệu một khu đất nằm giáp ranh với Quận Bình Tân. “Trước sau gì khu này cũng được quy hoạch dân cư, lại được anh đầu tư ‘bài bản’ (đầu tư gần 200 triệu đồng để san lấp 5.000 m2) và xung quanh xây nhà kín cả rồi nên không phải lo việc không xây nhà được”, vị này quảng cáo.
Xem chi tiết tại đây.
Căn hộ giá rẻ “bung lụa” đầu năm 2018
Theo ông Phạm Lâm – TGĐ Công ty BĐS DKRA, năm 2017 hàng loạt dự án căn hộ trung cấp chào bán ra thị trường đều ghi nhận giao dịch khả quan. Điều này đã phản ánh rõ nhất nhu cầu thực tế của thị trường và tạo tiền đề để các chủ đầu tư mạnh dạn tiếp tục phát triển dòng sản phẩm này.
Lượng giao dịch thật của thị trường thời gian qua cũng là minh chứng rõ nhất cho thấy căn hộ trung cấp, bình dân sẽ vẫn dẫn đầu về xu hướng giao dịch của thị trường 2018.
Tiến sĩ Vũ Đình Ánh - Chuyên gia kinh tế cho rằng, thị trường bất động sản năm 2018 sẽ có nhiều yếu tố tốt hơn năm 2017. Việt Nam đang có cơ hội lớn để phát triển thị trường bất động sản vì quá trình đô thị hóa vẫn tiếp diễn mạnh đồng thời đang có dân số trẻ nên nhu cầu về nhà ở rất lớn. Do đó, những dòng sản phẩm phục vụ cho số đông, cho người trẻ có thu nhập ổn định vẫn còn dư địa để phát triển.
Ông Ánh dự báo thời gian tới thị trường sẽ có sự tăng trưởng mạnh ở phân khúc nhà ở có giá vừa túi tiền, đáp ứng nhu cầu thật của đa số người có thu nhập trung bình, người có thu nhập thấp.
Còn ông Nguyễn Trần Nam - Nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho biết, không chỉ trong năm 2018 mà trong vòng 5-10 năm tới, nhà chung cư giá tầm trung vẫn là thị phần "nóng" được quan tâm nhiều nhất và cũng là phân khúc có nhu cầu ở thật lớn nhất thị trường. "Nguồn cầu và khả năng chi trả cho nhà ở có giá trị trong ngưỡng 1,5 - 2 tỷ đồng luôn chiếm ưu thế so với căn hộ trung - cao cấp" - ông Nam khẳng định.
Xem chi tiết tại đây.
Doanh nghiệp bất động sản vào cuộc đua thị trường
Đây được coi là tháng quyết định của nhiều doanh nghiệp địa ốc, đặc biệt là những đơn vị đang có dự án chuẩn bị đưa ra thị trường. Để làm được điều này, các doanh nghiệp phải thực hiện nhiều hình thức truyền thông dự án để tạo độ phủ và tiếp cận khách hàng.
“Trước đây, doanh nghiệp thường lấy sim điện thoại rác nhắn tin giới thiệu dự án cho khách hàng nhưng nay chính sách quản lý sim rác của Bộ Thông tin Truyền thông khiến các doanh nghiệp không thể thực hiện chiến lược này, buộc phải thực hiện hình thức khác để khách hàng biết tới dự án chuẩn bị mở bán”, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM nói.
Tìm hiểu của phóng viên, cách tiếp cận thị trường của các doanh nghiệp địa ốc, đặc biệt là doanh nghiệp lớn hiện nay khá bài bản. Đơn cử như việc Công ty Cổ phần bất động sản Vạn Phúc chuẩn bị cho sự ra mắt dự án Vạn Phúc City tại quận Thủ Đức, TP.HCM. Để tiếp cận khách hàng, ngoài chạy truyền thông trên báo chí, băng rôn tại các tuyến đường trong khu vực, đơn vị này còn chạy trên các trang mạng xã hội như Facebook, zalo, youtube… đây được coi là phương thức tiếp cận khách hàng tốt nhất thay cho việc nhắn tin quảng cáo trên SMS điện thoại.
Số tiền bỏ ra cho các chương trình quảng cáo dự án là không lớn, đơn cử như một dự án tại Thủ Thiêm thuộc quận 2, để quảng cáo tới khách hàng, đơn vị chủ đầu tư là HungThinh Land đã phải bỏ ra số tiền trên 10 tỷ đồng chi phí truyền thông dự án đến với khách hàng.
Cuộc chiến lấy thị trường càng trở nên căng thẳng trong những tháng cuối 2017 khi tỷ lệ dự án thông báo mở bán cao hơn các quý khác trong năm, đặc biệt các dự án này đều chung một phân khúc đó là nhà ở tầm trung với giá từ 1,2 - 2 tỷ đồng.
Xem chi tiết tại đây.
10 năm tới là giai đoạn bùng nổ lớn nhất của thị trường bất động sản
Ông Jeremy Bates, Trưởng bộ phận Dịch vụ khách thuê của Savills tin rằng, có nhiều yếu tố gây ảnh hưởng đến thị trường bất động sản cần phải được chú trọng hơn trong tương lai.
Theo ông Jeremy Bates, cuộc cách mạng kỹ thuật số đã thay đổi hướng đi của thị trường và tạo ra nhiều cơ hội mới. Những thị trường được khám phá 10 năm trước đây hiện đang phát triển với tốc độ chóng mặt. Các loại hình bất động sản truyền thống cung cấp nguồn thu nhập ổn định, lâu dài đang nhanh chóng chuyển mình. Hành vi xã hội cũng đang thay đổi.
“Tuy nhiên, những vấn đề toàn cầu quan trọng như khan hiếm tài nguyên thiên nhiên hay phát triển đi đôi với bền vững hiện đang bị xem nhẹ ở nhiều nơi trên thế giới, thường là do những bất ổn về chính trị. Tương lai những yếu tố này sẽ có tác động lớn hơn đến thị trường bất động sản toàn cầu”, ông Bates đánh giá.
Đưa ra một nhận định trung lập về tương lai của thị trường bất động sản, Richard Florida, Chủ biên của tờ CityLab nói: “Tương lai là một bức tranh sáng - tối. Tuy cơ hội của thị trường là lớn nhất từ trước đến nay nhưng có một nhược điểm là cộng đồng bất động sản đã quá hào hứng xây dựng các thành phố xa hoa. Cơ hội thực nằm ở việc xây dựng các thành phố vừa túi tiền cho tất cả mọi người. Bất động sản cần nắm bắt vai trò dẫn dắt, hướng đến “sự thịnh vượng chung”.
Xem chi tiết tại đây.
Giới đầu tư ngoại đã rót 53,1 tỷ USD vào bất động sản Việt
Năm nay, các nhà đầu tư ngoại đã rót thêm 3,05 tỷ USD vào thị trường bất động sản Việt Nam, chiếm 8,5% tổng vốn đầu tư đăng ký. Lĩnh vực thu hút nhiều vốn đầu tư nước ngoài nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo với 15,87 tỷ USD, chiếm 44,2% tổng vốn. Xếp thứ 2 là sản xuất, phân phối điện với 8,37 tỷ USD vốn đầu tư.
Đến nay, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 19/21 ngành, lĩnh vực tại Việt Nam. Trong đó, lĩnh vực nhận nguồn vốn nhiều nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo, lũy kế đạt 186,1 tỷ USD, tương đương 58,4% tổng vốn đầu tư.
Xếp thứ 2 trong danh mục thu hút nhiều vốn đầu tư nước ngoài là lĩnh vực kinh doanh bất động sản, đạt 53,1 tỷ USD. Tiếp theo đó là sản xuất, phân phối điện, khí nước với 20,8 tỷ USD.
Trong năm qua, hàng loạt dự án hạ tầng BOT cũng được các doanh nghiệp nước ngoài tham gia đầu tư, như dự án nhà máy nhiệt điện BOT Nghi Sơn 2 (vốn 2,79 tỷ USD) và Nhà máy nhiệt điện BOT Vân Phong 1 (vốn 2,58 tỷ USD) đều do doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư.
Các dự án nhà máy nhiệt điện BOT Nam Định 1 (vốn 2,07 tỷ USD) và dự án đường ống dẫn khí lô B – Ô Môn (vốn 1,27 tỷ USD) cũng có sự hiện diện của các doanh nghiệp đến từ Singapore và liên doanh Nhật Bản-PVN-PVGAS Việt Nam đầu tư. Hay dự án khu phức hợp thông minh tại Thủ Thiêm, quận 2, TP.HCM cũng được doanh nghiệp đến từ Hàn Quốc đầu tư mới, với tổng vốn đăng ký 885,85 triệu USD...
Xem chi tiết tại đây.