Aa

Huyện Đại Lộc chú trọng phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường

Thứ Bảy, 25/12/2021 - 13:36

Huyện Đại Lộc thuộc hành lang phát triển Bắc Quảng Nam và là điểm kết nối Cụm Tây Bắc, bao gồm 3 huyện: Nam Giang - Đông Giang - Tây Giang với Cụm động lực số 1: Hội An - Điện Bàn - Đại Lộc.

Với nhiều tiềm năng lợi thế đất đai, khí hậu, văn hoá, lịch sử, du lịch… đặc biệt là tài nguyên khoáng sản, Đại Lộc là khu vực phát triển mạnh về công nghiệp, dịch vụ và nông nghiệp, vùng cung cấp nguyên liệu lâm sản, khoáng sản cho tỉnh Quảng Nam. Là vùng trung du, trong đó địa hình đồi núi chiếm 70% diện tích tự nhiên, bị chia cắt bởi hai con sông lớn Thu Bồn và Vu Gia. Với địa hình, địa mạo đặc trưng, Đại Lộc được thiên nhiên ưu ái với nguồn tài nguyên khoáng sản đa dạng, phong phú như cát, sỏi, đá, đất sét đồi, than đá… tạo tiền đề để địa phương phát triển.

Đại Lộc có nhiều tiềm năng và lợi thế về phát triển kinh tế - xã hội.

Tài nguyên khoáng sản giữ vai trò quan trọng cho tăng trưởng kinh tế

Với 2 con sông lớn nằm trên địa bàn là sông Thu Bồn và sông Vu Gia, cùng với đó là khí hậu mang đậm tính nhiệt đới, nóng ẩm, mưa nhiều và mưa theo mùa, trong năm có hai mùa rõ rệt là mùa khô và mùa mưa tạo cho huyện tiềm năng rất lớn trong việc khai thác cát, sỏi làm vật liệu xây dựng.

Hiện nay, trên địa bàn huyện có 4 mỏ khai thác cát đang hoạt động, chủ yếu tập trung tại khu vực xung quanh cầu Hà Nha (thuộc 2 xã Đại Đồng và Đại Hồng). Trước đó, trong quý II và quý III/2021, đã có 4 mỏ khai thác cát tại huyện đã hết thời gian khai thác, thực hiện quy trình, thủ tục đóng cửa mỏ.

Theo ông Lê Văn Quang - Chủ tịch UBND huyện Đại Lộc, hoạt động khai thác khoáng sản trong thời gian qua đã thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào các cụm công nghiệp trên địa bàn huyện để chế biến, sản xuất các sản phẩm từ nguồn nguyên liệu khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường như: Nhà máy gạch Tuynen, nhà máy gạch Prime.

Trong giai đoạn 2016 - 2020, thu ngân sách từ hoạt động khai thác khoáng sản đạt hơn 42 tỷ đồng, trong đó thu tiền thuê đất hơn 3,4 tỷ đồng, tiền phí bảo vệ môi trường hơn 7 tỷ đồng, tiền cấp quyền khai thác khoáng sản đã phê duyệt khoảng trên 12 tỷ đồng và thuế tài nguyên hơn 19,5 tỷ đồng đồng.

Trung bình hằng năm ngân sách Nhà nước thu từ 8 - 8,5 tỷ đồng. Cùng với đó, việc khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường đã đáp ứng được kịp thời nguồn nguyên liệu tại chỗ cho việc xây dựng các công trình trên địa bàn huyện, phục vụ nhu cầu nguyên liệu cho dân sinh góp phần thúc đẩy phát triển ngành xây dựng, vận tải…

Các dòng sông lớn như Vu Gia chảy qua Đại Lộc mang lại nguồn khoáng sản làm vật liệu thông thường.

Ngoài ra, các hoạt động liên quan đến khai thác khoáng sản đã tạo công ăn việc làm cho hàng ngàn lao động phổ thông trên địa bàn huyện, đáp ứng được nhu cầu việc làm tại chỗ cho gần 2.000 lao động địa phương; các mỏ khai thác khoáng sản tạo việc làm cho khoảng 500 lao động với thu nhập bình quân từ 5 - 8 triệu đồng/người/tháng.

Quyết tâm xử lý các vi phạm, quản lý hoạt động khai thác khoáng sản theo đúng quy định

Khai thác khoáng sản là một lĩnh vực khá nhiều nhạy cảm khi mà một số doanh nghiệp vì lợi nhuận đã cố tình phớt lờ đi các quy định của pháp luật để tăng lợi nhuận, sử dụng phương tiện khai thác vượt số lượng cho phép, thời gian khai thác chưa đảm bảo…

Trong năm 2021, UBND huyện đã thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra hoạt động khoáng sản trên địa bàn. Đoàn đã kiểm tra 32 đợt đối với 12 các doanh nghiệp khai thác, kinh doanh khoáng sản cát, sỏi, quản lý bến thủy nội địa và bãi tập kết trên địa bàn, đồng thời tham gia phối hợp với Đoàn kiểm tra liên ngành trực thuộc UBND tỉnh, Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh tổ chức thanh, kiểm tra toàn diện 6 đợt tại 6 doanh nghiệp về tình hình chấp hành pháp luật trong hoạt động khai thác khoáng sản.

Theo ông Lê Văn Quang, những vi phạm chủ yếu của một số doanh nghiệp là các điểm cắm mốc giới không đủ về số lượng, số lượng phương tiện vượt so với quy định, khai thác không đúng công nghệ, hệ thống trạm cân và camera đôi lúc không hoạt động. Nguyên nhân chính là do các doanh nghiệp khai thác chưa tuân thủ, chấp hành các quy định của pháp luật về khai thác khoáng sản. Việc kiểm tra, của các địa phương cấp xã chưa thường xuyên, né tránh va chạm…

Hoạt động khai thác khoáng sản thúc đẩy ngành công nghiệp chế biến phát triển.

Qua công tác kiểm tra và tham mưu từ các ngành, UBND huyện Đại Lộc đã cương quyết xử lý mạnh tay đối với các doanh nghiệp vi phạm quy định như: Ban hành quyết định đình chỉ hoạt động 1 tháng đối với 2 doanh nghiệp khai thác cát trên địa bàn; Xử phạt vi phạm hành chính tổng cộng 199 triệu đồng đối với các doanh nghiệp vi phạm như sử dụng phương tiện khai thác vượt số lượng cho phép, sử dụng bến bãi tập kết cát không đúng vị trí; Cắm mốc các điểm khép góc khu vực được phép khai thác khoáng sản đúng quy cách nhưng chưa đủ về số lượng; Khai thác không đúng công nghệ và sử dụng bến bãi tập kết cát không đúng vị trí.

Đặc biệt, huyện đã thể hiện sự cầu thị, lắng nghe các ý kiến, nội dung phản ánh của các cơ quan báo chí về những tồn tại trong các hoạt động liên quan đến khai thác khoáng sản trên địa bàn. Từ tháng 9/2021 đến nay, UBND huyện đã chỉ đạo Đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra một số nội dung phản ảnh của Báo chí về các doanh nghiệp cá nhân lợi dụng địa hình và sự thiếu kiểm tra, giám sát của chính quyền cơ sở để tập kết khoáng sản cát, sỏi trái phép tại một số khu đất trống được che khuất bởi cây trồng, đồi cao hoặc tôn bao quanh dọc trục đường chính (QL14B thuộc các xã Đại Đồng, Đại Quang, ĐT609 xã Đại Hồng).

Qua đó, đã xử phạt vi phạm hành chính theo đúng quy định của pháp luật và buộc di dời ra khỏi vị trí đất sử dụng trái phép đối với 3 doanh nghiệp. Hướng dẫn các địa phương lập biên bản và ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính xử phạt đối với 1 doanh nghiệp và 4 cá nhân, tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính là 78 triệu đồng.

“Thời gian tới, UBND huyện tiếp tục chỉ đạo các ngành và địa phương tiếp tục tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra, giám sát hoạt động khai thác khoáng sản của các doanh nghiệp trên địa bàn huyện, kịp thời phát hiện và xử lý vi phạm theo quy định. Mục đích đưa công tác quản lý khoáng sản đi vào nề nếp hơn, tạo được niềm tin của cơ quan cấp trên, nhân dân và báo chí”, Chủ tịch UBND huyện Đại Lộc Lê Văn Quang nhấn mạnh.

Phát triển kinh tế hài hòa với tự nhiên

Tận dụng lợi thế về nguồn tài nguyên khoáng sản để phát triển kinh tế, tuy nhiên nó cũng có thể mang lại những tác động tiêu cực đối với xã hội và môi trường nếu hoạt động khai thác khoáng sản không tuân theo quy củ, quy định của pháp luật và thiếu sự giám sát, quản lý từ các cấp chính quyền.

Đơn cử như việc khai thác cát, sỏi ở lòng sông để làm vật liệu xây dựng, trước khi các mỏ cát được cấp phép thì các cơ quan chức năng đã tiến hành khảo sát, đo đạc, tính toán và nghiên cứu tác động đến môi trường xung quanh. Từ đó quy định cụ thể về vị trí, khối lượng, thời gian khai thác… của mỏ cát đó.

Chính quyền huyện Đại Lộc khẳng định thực hiện hiệu quả các nội dung nhằm đáp ứng mục tiêu kép vừa phát triển kinh tế, vừa bảo vệ môi trường

Trên thực tế, vì lợi nhuận mà một số cá nhân, doanh nghiệp đã bất chấp các quy định như tự ý thay đổi công nghệ khai thác, khai thác sai địa điểm cho phép… tiềm ẩn nguy cơ gây ra nhiều hệ lụy cho môi trường như làm thay đổi dòng chảy, gây xói mòn, sạt lở bờ sông, ảnh hưởng đến đời sống người dân.

Ông Lê Văn Quang cho biết thêm: “Vừa phát triển kinh tế, vừa bảo vệ môi trường nhằm hướng đến sự phát triển bền vững là nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm mà Huyện ủy, HĐND giao UBND huyện phải thực hiện bằng được”.

Để thực hiện mục tiêu kép này, UBND huyện Đại Lộc đã đẩy mạnh tuyên truyền và triển khai thực hiện Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và các văn bản hướng dẫn thi hành. Cùng với đó là tăng cường công tác quản lý Nhà nước về tài nguyên khoáng sản, môi trường, kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm theo đúng quy định của pháp luật. Thực hiện phát triển kinh tế gắn với khai thác, sử dụng hiệu quả và bền vững tài nguyên thiên nhiên, giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Thu hút các dự án đầu tư, khuyến khích dự án, công nghệ xanh thân thiện với môi trường. Đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực có chất lượng cao phục vụ nhu cầu quản lý Nhà nước về tài nguyên và môi trường.

Với những kết quả đạt được, có thể thấy rằng huyện Đại Lộc đang đi đúng hướng và thực hiện hiệu quả các nội dung nhằm đáp ứng mục tiêu kép vừa phát triển kinh tế, vừa bảo vệ môi trường. Trong đó, công tác tuyên truyền đã mang lại những kết quả thiết thực như các doanh nghiệp trên địa bàn cơ bản chấp hành tốt những quy định trong hoạt động khai thác khoáng sản. Ý thức người dân được nâng cao, những vi phạm trong việc khai thác khoáng sản đã được người dân phản ánh để các cơ quan chức năng kịp thời ngăn chặn, xử lý.

Với định hướng như vậy, trong tương lai, Đại Lộc khẳng định được vai trò là vùng động lực phát triển kinh tế, xã hội của hành lang Bắc Quảng Nam, cùng với đó là phát triển về công nghiệp, thương mại và dịch vụ của tỉnh./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top