Aa

Huyện Đại Lộc nói gì về các bãi cát trái phép trên địa bàn?

Thứ Ba, 16/11/2021 - 16:30

UBND huyện Đại Lộc (Quảng Nam) đã có báo cáo kết quả kiểm tra, xử lý các bãi tập kết cát, sỏi trên địa bàn huyện sau phản ánh của Reatimes.

Theo UBND huyện Đại Lộc, ngày 12/10/2021, đoàn kiểm tra liên ngành huyện đã phối hợp với các cơ quan, ban ngành, địa phương liên quan tổ chức kiểm tra tại các vị trí tập kết cát, sỏi theo phản ánh của Reatimes.

Bãi cát trái phép tại khu đất quy hoạch Cụm công nghiệp Đại An thuộc xã Đại Hiệp.

Đất sử dụng hoàn toàn sai mục đích

Qua kiểm tra, các ngành chức năng đã xác định các doanh nghiệp sử dụng đất tập kết cát, sỏi trái phép như Reatimes đã phản ánh. Theo đó, tại thôn Phú Quý, xã Đại Hiệp, Công ty Cổ phần Du lịch và Bất động sản Việt Nam đã đổ cát, sỏi tại vị trí khu đất quy hoạch cụm công nghiệp Đại An chưa đưa vào sử dụng (do UBND xã Đại Hiệp quản lý), diện tích 3.735m2 với khối lượng khai báo là 20.400m3.

Tại bãi cát trái phép thuộc mặt bằng nhà máy gạch Tuynel Tân Phước (Công ty TNHH Tân Phước) thuộc Cụm công nghiệp Đại Tân, xã Đại Tân, lượng cát tập kết cũng được xác định là của Công ty Cổ phần Du lịch và Bất động sản Việt Nam. Theo đó, khối lượng cát tại bãi chứa nguyên liệu và sản phẩm của nhà máy Tuynel Tân Phước được Công ty Cổ phần Du lịch và Bất động sản Việt Nam khai báo với đoàn kiểm tra là 5.136m3.

Về nguồn gốc đất đang được sử dụng làm mặt bằng tại các bãi chứa cát trái phép này là đất được Nhà nước cho doanh nghiệp thuê làm bãi chứa nguyên liệu cho nhà máy gạch Tuynel (đang hoạt động), diện tích 1.520m2; đất ở và đất trồng cây lâu năm của hộ gia đình có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, diện tích 539m2; đất nằm trong quy hoạch cụm công nghiệp chưa được giải phóng mặt bằng, diện tích 3.735m2 và đất bằng chưa sử dụng, diện tích 1.795m2 đều do UBND xã quản lý.

Trong quá trình kiểm tra, các doanh nghiệp không cung cấp được hồ sơ pháp lý về thuê đất, giao đất (trừ Công ty TNHH Tân Phước) hoặc quyết định cấp phép bãi tập kết cát, sỏi.

Dư luận chờ đợi sự nghiêm minh từ chính quyền H. Đại Lộc trong việc xử lý các bãi cát trái phép trên địa bàn.

Được biết, Công ty Cổ phần Du lịch và Bất động sản Việt Nam do ông L.V.B làm người đại diện pháp lý. Ngoài ra, ông L.V.B còn là người đại diện pháp lý cho 3 doanh nghiệp khác, trong đó có Công ty TNHH Vật liệu xây dựng Hiệp Hưng. Được biết, đây là đơn vị trước đó đã được UBND tỉnh Quảng Nam cấp phép khai thác khoáng sản cát, sỏi làm vật liệu xây dựng thông thường tại thôn Thuận Mỹ, xã Đại Phong, huyện Đại Lộc (Quyết định số 684/QĐ-UBND ngày 12/2/2018), đến nay đã hết phép khai thác.

Còn tại bãi tập kết cát trái phép thuộc khu vực để xe của Công ty TNHH Thương mại - Dịch vụ Vận tải Kim Thành (thôn Ngọc Thạch, xã Đại Hồng), công ty này đã sử dụng 2.334m2 đất để tập kết trái phép khoảng 13.800m3 cát.

Trước đó, đối với việc chiếm và sử dụng đất của Công ty TNHH Thương mại - Dịch vụ Vận tải Kim Thành tại thôn Ngọc Thạch, xã Đại Hồng để làm bãi đỗ xe, đoàn kiểm tra đã đề nghị UBND xã Đại Hồng phối hợp với Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai tổ chức đo đạc, chồng ghép hồ sơ pháp lý về sử dụng đất của ông Nguyễn Thành Trung (Giám đốc Công ty TNHH Thương mại - Dịch vụ Vận tải Kim Thành) để xác định hành vi sử dụng đất của ông Trung.

Bãi chứa không đúng quy định vẫn… tiếp tục tồn tại

Theo UBND huyện Đại Lộc, việc sử dụng đất để làm bãi chứa cát của các doanh nghiệp trên là không đúng với quy định của pháp luật về đất đai.

Sau khi thống nhất ý kiến với đoàn kiểm tra liên ngành, các ban ngành và địa phương, Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện đã lập biên bản vi phạm hành chính về lĩnh vực đất đai đối với hành vi lấn chiếm đất của Nhà nước và sử dụng sai mục đích đối với 2 doanh nghiệp là Công ty TNHH Thương mại - Dịch vụ Vận tải Kim Thành và Công ty Cổ phần Du lịch và Bất động sản Việt Nam.

Công ty TNHH Thương mại - Dịch vụ Vận tải Kim Thành có lấn chiếm đất của nhà nước để làm bãi đỗ xe?

Trước đó, theo trình bày của các doanh nghiệp này, việc sử dụng đất để tập kết cát, sỏi làm vật liệu xây dựng thông thường trong thời gian qua chỉ mang tính tạm thời và trong điều kiện bất khả kháng. Nguyên nhân chính là do các hợp đồng mua cát, sỏi thương mại đã ký kết với số lượng lớn và có thời hạn nhất định. Bên cung ứng cát, sỏi liên tục buộc hai công ty trên nếu đã mua phải chở hết khối lượng trong hợp đồng trước khi lũ lụt xảy ra.

Nhưng do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 bùng phát mạnh tại tỉnh Quảng Nam và các tỉnh, thành phố lân cận từ năm 2020 đến nay, hoạt động xây dựng bị đóng băng, nhu cầu cát, sỏi trên thị trường giảm mạnh. Mặt khác, do tình hình lũ lụt xảy ra liên tục, các doanh nghiệp khai thác không thể tập kết cát, sỏi tại các bãi ven sông nên công ty phải vận chuyển đủ khối lượng ra khỏi khu vực mỏ.

Lý do trình bày là thế, nhưng theo ghi nhận của PV, 1 tháng trở lại đây, khi mà tình hình dịch bệnh cơ bản đã ổn định, các công trình đã hoạt động và thậm chí còn được đẩy nhanh tiến độ thi công, các đoàn xe chở cát vẫn hàng ngày di chuyển trên tuyến Quốc lộ 14B nhưng các bãi cát trái phép này vẫn tồn tại.

Ở khu vực để xe của Công ty TNHH Thương mại - Dịch vụ Vận tải Kim Thành (thôn Ngọc Thạch, xã Đại Hồng), đến thời điểm ngày 12/11/2021, núi cát tại đây đã vơi đi một phần và khu vực này nước chảy lênh láng, tràn ra đường. Trong khi đó, các xe chở cát của Công ty TNHH Thương mại - Dịch vụ Vận tải Kim Thành hàng ngày vẫn đến lấy cát tại mỏ cát trên địa bàn và vận chuyển đi các công trình.

Theo giải trình của doanh nghiệp này, do ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 bùng phát mạnh tại tỉnh Quảng Nam và các tỉnh, thành phố lân cận, hoạt động xây dựng bị đóng băng, nhu cầu cát, sỏi trên thị trường giảm mạnh và không tiêu thụ được. Vậy tại sao khi mọi hoạt động đã cơ bản trở lại bình thường thì Công ty TNHH Thương mại - Dịch vụ Vận tải Kim Thành lại không ưu tiên vận chuyển số cát tập kết trái phép này đi mà thực hiện việc này một cách chậm rãi?

Nếu Công ty TNHH Thương mại - Dịch vụ Vận tải Kim Thành đã vận chuyển một phần cát tập kết trái phép ra khỏi bãi thì cát tại 2 bãi tập kết trái phép của Công ty Cổ phần Du lịch và Bất động sản Việt Nam vẫn còn nguyên hiện trạng.

Theo ghi nhận của PV, đến thời điểm ngày 12/11/2021, bãi cát trái phép tại bãi chứa nguyên liệu nhà máy gạch Tuynel thuộc Cụm công nghiệp Đại Tân, xã Đại Tân vẫn không thay đổi gì so với thời điểm ngày 9/10/2021. Còn đối tại bãi cát trái phép ở khu đất quy hoạch Cụm công nghiệp Đại An (ngay sau Cửa hàng xăng dầu Long Bình 3 tại thôn Phú Quý, xã Đại Hiệp), nếu nhìn từ Quốc lộ 14B thì vẫn dễ dàng thấy được ngọn của núi cát khổng lồ này.

Cũng giống như giải trình của Công ty TNHH Thương mại - Dịch vụ Vận tải Kim Thành thì các bãi tập kết trái phép của Công ty Cổ phần Du lịch và Bất động sản Việt Nam chỉ mang tính tạm thời và trong điều kiện bất khả kháng, nguyên nhân chính là do các hợp đồng mua cát, sỏi thương mại đã ký kết với số lượng lớn và có thời hạn nhất định nhưng vì ảnh hưởng của dịch bệnh nên không thể tiêu thụ được.

Tại sao khi hoạt động vận tải và hoạt động xây dựng tại các công trình đã trở lại nhưng số cát này vẫn yên vị tại các vị trí trên? Phải chăng, việc các bãi cát trái phép này bị phát giác và các cơ quan chức năng vào cuộc kiểm tra, lập biên bản được xem như là việc hợp thức hóa cho những bãi cát trái phép này tiếp tục tồn tại với danh nghĩa là chờ cơ quan chức năng có những quyết định xử lý tiếp theo?

Các bãi tập kết cát sỏi tại huyện Đại Lộc

Cũng xin được nói thêm, trong báo cáo kết quả kiểm tra, xử lý các bãi tập kết cát, sỏi trên địa bàn của UBND huyện Đại Lộc chỉ đề cập đến việc xử lý vi phạm hành chính đối với các doanh nghiệp này, không hề có một mốc thời gian nào về việc yêu cầu di chuyển số cát, sỏi tập kết trái phép ra khỏi các khu vực trên.

Cũng theo báo cáo này, UBND huyện cho biết đang xem xét ban hành Quyết định xử lý vi phạm hành chính về đất đai theo quy định của pháp luật. Phải chăng công tác quản lý khoáng sản, xử lý các vi phạm liên quan trên địa bàn huyện Đại Lộc đang có vấn đề?

Reatimes sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc này đến đọc giả trong các bài viết tiếp theo.

Vẫn chưa công khai việc xử lý nạo vét tại Khe Bò

Như Reatimes đã phản ánh, trong quá trình nạo vét hồ chứa nước Khe Bò (xã Đại Hồng) đã xảy ra tình trạng vận chuyển cát đi tiêu thụ tại Thừa Thiên - Huế thay vì dùng để san lấp mặt bằng các dự án đầu tư công tại xã Đại Hồng theo phương án được duyệt.

Từ tháng 5/2021, UBND huyện Đại Lộc cho biết đã vào cuộc kiểm tra và sẽ công khai việc xử lý vi phạm cho cơ quan ngôn luận, nhưng từ đó đến nay, mọi việc vẫn chưa được thông tin rõ ràng.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top