Aa

Nhiều bãi tập kết cát, sỏi trái phép ngang nhiên hoạt động tại Quảng Nam

Thứ Ba, 12/10/2021 - 11:15

Thời gian gần đây, tại huyện Đại Lộc (Quảng Nam) xuất hiện nhiều bãi cát trái phép với trữ lượng khổng lồ nằm xen lẫn với các khu vực sản xuất, kho bãi, bãi xe, nghĩa địa…

 

Núi cát khổng lồ tại thôn Phú Quý, xã Đại Hiệp, huyện Đại Lộc

Dư luận đang đặt câu hỏi, liệu có hay không sự buông lỏng quản lý, “nhắm mắt làm ngơ” của chính quyền địa phương để những bãi cát trái phép ngang nhiên lộng hành?

Bãi cát trái phép như “nấm mọc sau mưa”

Từ Quốc lộ 14B, men theo con đường cạnh Cửa hàng xăng dầu Long Bình 3 (thôn Phú Quý, xã Đại Hiệp) đi vào khoảng 500m, đập vào mắt chúng tôi là một bãi tập kết cát “khổng lồ” nằm cạnh mỏ đá của Công ty TNHH Xây dựng và Phát triển nông thôn Đại Lộc. Nếu nhìn từ Quốc lộ 14B thì sẽ rất khó để phát hiện bãi tập kết cát này, bởi vì nó nằm ngay khu vực nghĩa địa, ít người đi lại, cùng với đó, hoạt động xe chở cát ra vào bãi xen lẫn với hoạt động của mỏ đá và xe ra vào nhà máy dăm kế bên nên dễ gây nhầm lẫn cho nhiều người.

Theo lãnh đạo UBND xã Đại Hiệp, bãi tập kết cát nêu trên là trái phép, chỉ mới xuất hiện trong thời gian gần đây, khi xã đang tập trung cho công tác phòng chống dịch Covid-19. Sau khi xem qua hình ảnh mà PV cung cấp, lãnh đạo xã Đại Hiệp nhận định bãi cát này được tập kết với tốc độ rất nhanh, chỉ trong thời gian ngắn mà quy mô rất lớn. Ngay sau khi nhận được phản ánh, UBND xã Đại Hiệp đã cử ngay cán bộ chuyên trách đến hiện trường để kiểm tra, nhưng không gặp được chủ bãi cát trái phép này.

Bãi cát trái phép tại thôn Nam Phước, xã Đại Tân, huyện Đại Lộc.

Ông Phạm Bảy, Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng và Phát triển nông thôn Đại Lộc, chủ khu vực mỏ đá có bãi tập kết cát trái phép cho biết bãi cát này là của ông L.V.B xin đổ nhờ. “Ông L.V.B xin đổ nhờ rồi qua tháng chở đi nhưng đổ nhiều quá”, ông Phạm Bảy trần tình. Theo tìm hiểu của PV Reatimes, ông L.V.B là đại diện Công ty TNHH Vật liệu xây dựng Hiệp Hưng. Có lẽ vì số lượng cát quá nhiều, đổ nhờ một bãi không đủ nên ông L.V.B phải xin nhờ mặt bằng ở nhiều nơi khác.

Qua tìm hiểu, Pv tiếp tục phát hiện một bãi cát trái phép khác tại thôn Nam Phước, xã Đại Tân. Theo ông Hồ Xuân Hội, Chủ tịch UBND xã Đại Tân, bãi cát này nằm trong khu vực của Nhà máy gạch tuynel Đại Tân (thuộc Công ty TNHH Tân Phước - PV). Trước đó, ông Phạm Sinh, chủ nhà máy gạch có cho người khác thuê lại mặt bằng để tập kết cát nhưng không xin ý kiến của địa phương, ông Hội cho biết thêm.

Trao đổi với PV, ông Phạm Sinh cho biết khu vực đó là bãi đất trống của nhà máy, cỏ mọc nhiều và thường xuyên bị bò vào phá. Thấy ông L.V.B đi tìm mặt bằng để đổ cát nên đã cho ông L.V.B thuê khu vực trên. “Nhưng ông ấy mới đổ được vài ngàn khối thì bị công an kinh tế mời lên làm việc rồi”, ông Phạm Sinh nói thêm.

Rời hai bãi cát trái phép của ông L.V.B, chúng tôi tiếp tục phát hiện một bãi tập kết cát trái phép khác nằm trên địa bàn xã Đại Hồng. Tại khu vực để xe của Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Kim Thành (thôn Ngọc Kinh Đông, xã Đại Hồng), những chiếc xe ben phải nằm “khép nép” sang một bên để nhường diện tích cho bãi cát to tướng, bao quanh là tường rào bằng tôn che chắn cẩn thận. Cùng với đó, khu vực phía sau bãi xe cũng được Công ty Kim Thành dùng cát để san lấp chiếm dụng mặt bằng.

Những chiếc xe nằm san sát nhau, nhường đất cho núi cát tại nhà xe của Công ty Kim Thành (thôn Ngọc Kinh Đông, xã Đại Hồng, huyện Đại Lộc)

Tìm đến UBND xã Đại Hồng để thông tin lại những sự việc đã ghi nhận được trên địa bàn xã, một lãnh đạo UBND xã Đại Hồng cho hay, thời gian vừa qua xã Đại Hồng thực hiện Chỉ thị 16 của Chính phủ, có thể doanh nghiệp này không thể vận chuyển cát đi nơi khác nên trữ cát tại đó tạm một thời gian rồi chuyển đi.

Có hay không việc tận thu, tích trữ cát?

Việc cát xây dựng trong giai đoạn này được thu mua với giá thấp nên nhiều người găm hàng, đổ xô tích trữ. Không có bãi, cát được tập kết trái phép tại nhiều khu vực khác nhau trên địa bàn huyện nhằm chờ thời cơ xuất bán. Những bãi tập kết trái phép này sẽ gây ra những hệ lụy lớn như ảnh hưởng đến môi trường xung quanh, hoạt động vận chuyển cát ra vào bãi tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông, nhất là tại những điểm đấu nối với trục đường chính. Đặc biệt, việc sử dụng đất sai mục đích sẽ tạo ra một tiền lệ xấu, kéo theo nhiều trường hợp vi phạm tương tự xảy ra trong tương lai, cùng với đó là làm phá vỡ quy hoạch sử dụng đất của địa phương…

Những chiếc xe nằm san sát nhau, nhường đất cho núi cát tại nhà xe của Công ty Kim Thành (thôn Ngọc Kinh Đông, xã Đại Hồng, huyện Đại Lộc)

Trong số những bãi tập kết cát trái phép mà chúng tôi ghi nhận thì bãi tập kết của ông L.V.B, Công ty TNHH Vật liệu xây dựng Hiệp Hưng có khối lượng tích trữ nhiều nhất. Theo tìm hiểu của PV, công ty này được UBND tỉnh Quảng Nam cấp phép khai thác khoáng sản cát, sỏi làm vật liệu xây dựng thông thường tại thôn Thuận Mỹ, xã Đại Phong, huyện Đại Lộc (Quyết định số 684/QĐ-UBND ngày 12/2/2018).

Thời gian khai thác là 3 năm 7 tháng 22 ngày, kể từ ngày ký Quyết định; thời gian đóng cửa mỏ, phục hồi môi trường là 4 tháng. Như vậy, đến tháng 10/2021 là thời gian mà mỏ cát của công ty này bắt đầu thực hiện việc đóng cửa mỏ và phục hồi môi trường. Vậy, phải chăng Công ty TNHH Vật liệu xây dựng Hiệp Hưng đã thực hiện tận thu khoáng sản trong thời gian cuối cùng, trước khi mỏ cát hết phép khai thác? Số lượng tận thu quá lớn, trong khi mỏ cát tại thôn Thuận Mỹ, xã Đại Phong không có bãi tập kết (được các cấp chính quyền cấp phép) nên công ty này phải xin đổ nhờ ở khắp nơi?

Nếu là sự thật thì những hoạt động tận thu khoáng sản này nếu không ngăn chặn kịp thời, về lâu dài sẽ gây ra hậu quả lớn như làm thay đổi mạnh địa hình lòng sông, xói lở hai bên bờ, thay đổi dòng chảy, tiềm ẩn nguy cơ về lũ lụt trong mùa mưa bão. Ngoài những hệ lụy đã nêu trên, vẫn còn những hệ lụy lớn nữa mà Nhà nước và người dân sẽ phải gánh chịu.

Hệ lụy đó là gì và những ghi nhận tại rất nhiều bãi tập kết cát trái phép khác, xin mời quý độc giả đón đọc phần tiếp theo trên Reatimes./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top