Aa

Khách thuê vật vã “cõng“ chi phí mặt bằng: Chuyên gia chỉ loạt cách cứu

Thứ Năm, 16/09/2021 - 07:00

Theo chuyên gia, để phục hồi kinh tế sau dịch và tiếp tục tăng trưởng, các cửa hàng kinh doanh ăn uống cần hoạch định các chiến lược mở rộng cửa hàng phù hợp.

Vật vã với khoản tiền mặt bằng lớn

Mở quán cà phê chưa đầy 3 tháng, chị My Lan (Hà Đông, Hà Nội) giờ như ngồi trên đống lửa sau khoảng thời gian dài thành phố thực hiện giãn cách. Chị Lan thuê mặt bằng khá rộng với diện tích sàn 150m2 nhân trên 3 tầng. Khoản tiền thuê được chị đóng theo năm với số tiền rất lớn, lên tới cả tỷ đồng.

Nghe thông tin Hà Nội xem xét nới lỏng giãn cách, chị khấp khởi chuẩn bị mọi thứ để sẵn sàng hoạt động trở lại. Với gánh nặng mặt bằng quá lớn, bỏ không ngày nào chị Lan thấy xót ngày đó.

Làm chủ một quán ăn uống kết hợp cà phê gần các đại học, anh Hùng cũng phải bỏ ra số tiền thuê mặt bằng lên tới 500 triệu đồng/năm. Khi cửa hàng đóng cửa để thực hiện giãn cách, một số chi phí khác tạm dừng song theo anh Hùng, khoản tiền thuê mặt bằng vẫn cứ phải đóng đều.

Sắp tới mở cửa lại sau thời gian dài giãn cách cũng là thời điểm cửa hàng anh phải thu xếp tiếp tiền đóng cho kỳ thanh toán tiếp theo. Cũng giống như nhiều người làm kinh doanh dịch vụ ăn uống thời điểm này, anh Hùng tranh thủ lên phương án để có thể tồn tại, xoay xở trong đại dịch như việc tiết giảm mọi chi phí, sẵn sàng các phương án "chỉ bán mang về", thiết kế lại không gian để đảm bảo giãn cách…

"Số tiền mặt bằng quá lớn khiến tôi không thể phí phạm bất kỳ ngày nào khi Hà Nội thực hiện nới lỏng giãn cách cho phép dịch vụ ăn uống hoạt động trở lại", anh Hùng chia sẻ.

Kể từ đợt dịch bùng đại dịch Covid-19 vào cuối tháng 4 tại TP.HCM và tiếp tục phức tạp trong những tháng gần đây, thị trường bán lẻ Việt Nam đã chứng kiến nhiều doanh nghiệp phải đóng cửa, trả mặt bằng hoặc thu hẹp mô hình kinh doanh.

Ghi nhận của phóng viên tại một loạt trang thông tin rao bán bất động sản, nhà hàng, quán xá được bán, sang nhượng rất nhiều. Đặc biệt ở những nơi có chi phí mặt bằng đắt đỏ như khu vực Hoàn Kiếm hay các quận trung tâm khác, hoạt động rao bán càng diễn ra mạnh hơn.

Theo quan sát của giới chuyên gia, bên cạnh những trường hợp quá khó khăn phải từ bỏ "cuộc chơi", nhiều doanh nghiệp và tiểu thương ngành dịch vụ ăn uống F&B đã có rất nhiều hình thức thay đổi trong phương pháp kinh doanh để thích ứng với đại dịch.

Ngay đổi với các nhà hàng ăn uống thương hiệu lớn, chất lượng cao cấp với mô hình phục vụ tại chỗ sang trọng cũng đang dần thay đổi chiến lược, chuyển sang phân khúc khách địa phương. Phân khúc khách hàng này tuy thuộc tầng lớp thu nhập trung bình - khá nhưng có nhu cầu ăn uống ổn định và bền vững hơn nhiều, đảm bảo tăng trưởng doanh thu bình ổn hơn cho các doanh nghiệp.

Lời khuyên chuyên gia trong chọn mặt bằng

Bà Trần Phạm Phương Quyên, Quản lý cho thuê mặt bằng bán lẻ tại Savills Việt Nam, nhận định, để phục hồi kinh tế sau dịch và tiếp tục tăng trưởng các cửa hàng kinh doanh ăn uống cần hoạch định các chiến lược mở rộng cửa hàng phù hợp.

Trong đó, cần lựa chọn địa điểm kỹ càng, không cần tập trung nhiều cửa hàng tại một khu vực trung tâm mà nên xây dựng mạng lưới cửa hàng dàn trải trên diện rộng tại nhiều quận, thành phố, địa phương.

"Điều này để tối đa hóa sự tiếp cận đến càng nhiều khách hàng nội địa càng tốt, vừa cung cấp sự tiện lợi ăn uống ngay tại khu vực khách hàng ở, vừa bao phủ diện rộng cho mạng lưới vận chuyển và bán hàng mang đi của hãng", bà Quyên nói.

Vị chuyên gia cũng cho rằng, cần thu gọn lại diện tích không gian quán chỉ nên vừa đủ, hợp lý để tránh lãng phí không gian và chi phí. Trước đây, các nhà hàng hay quán cà phê thường hay chú trọng vào hình thức trải nghiệm không gian tại quán, làm ảnh hưởng tới biên lợi nhuận.

"Quản lý các chi phí thuê mặt bằng chỉ nên tối đa 10 - 16% doanh thu để duy trì hiệu quả cửa hàng", bà Quyên nhấn mạnh.

Ngoài ra, vị này cho rằng cần tinh gọn bộ máy và chi phí hoạt động của quán bao gồm giảm số lượng nhân viên làm việc tại cửa hàng với chương trình huấn luyện đa nhiệm cho mỗi nhân viên để sử dụng nguồn lực nhân sự hiệu quả hơn.

"Tập trung nguồn lực và phần tài chính tiết kiệm được đó để đầu tư và nuôi dưỡng hệ thống phân phối và kênh giao nhận hiệu quả, chăm chút vào các thông điệp marketing online, chăm sóc giá trị tinh thần và trải nghiệm của khách hàng tại nhà đối với sản phẩm của mình", bà Quyên khuyên.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top