1. Từ đề xuất của em Nguyễn Nguyệt Linh, học sinh lớp 5 Trường Marie Curie trong thư gửi tới hơn 40 trường học ở Hà Nội: “trường mình có thể đừng thả bóng bay vào hôm khai giảng hoặc hạn chế số lượng bóng bay, có được không ạ?”, ngay lập tức, thầy Hiệu trưởng Nguyễn Xuân Khang cam kết “sẽ không còn bóng bay trong ngày này của trường năm nay và cả những năm tiếp theo nữa”. Hơn thế, thầy còn đặt tên cho Lễ khai giảng năm học 2019 - 2020 của trường Marie Curie là “Lễ khai giảng Nguyệt Linh” để ghi nhận ý kiến tuyệt vời của em. Nhiều trường ở Hà Nội và trong cả nước cũng lập tức hưởng ứng.
Không cần phải bình luận gì thêm, chắc ai ai cũng đều nhận thấy ý nghĩa và lợi ích to lớn từ việc “khai giảng không bóng bay” ở các trường học. Và tôi chắc chắn một điều, hành động thiết thực này sẽ nhanh chóng lan tỏa, để đến một ngày nào đó, sẽ trở thành phổ biến. Khai giảng không bóng bay, nhưng các em lại vui gấp bội vì đã góp phần bảo vệ ngôi nhà xanh trái đất, bảo vệ chính sự sống của nhân loại.
2. Từ việc “khai giảng không bóng bay”, tôi bỗng nhớ khi ra nước ngoài, nhiều siêu thị tính tiền túi nilon đựng đồ, mà tính khá đắt; và đặc biệt, hầu hết các khách sạn ở Hàn Quốc và Châu Âu mà tôi nghỉ chân đều không để bàn chải đánh răng.
Thông qua việc tính tiền túi nilon, siêu thị sẽ mặc nhiên khuyến khích khách hàng tự mang túi đựng đồ để hạn chế sử dụng túi nilon dùng một lần, như thế sẽ góp phần hạn chế rác thải nhựa, một vấn nạn đang ngày càng nhức nhối, đe dọa trực tiếp sự sống trên trái đất.
Còn chuyện để sẵn bàn chải đánh răng ở khách sạn thì sao? Lâu nay, cả chủ và khách đều nghĩ như một điều hiển nhiên, thậm chí còn là một việc làm “văn minh”. Tuy nhiên, sâu mỗi ngày thì các khách sạn đều phải thay bàn chải mới, trong khi đây lại là thứ dùng được nhiều lần. Như vậy, bàn chải dùng một lần ở các khách sạn vừa gây lãng phí, vừa làm phát sinh lượng rác thải nhựa rất lớn hằng ngày.
Trong khi đó, việc lữ khách mang theo bàn chải trong hành trang của mình không những không phải là điều khó khăn, mà còn là thói quen của không ít người vì vừa bảo đảm vệ sinh, vừa phù hợp với răng miệng của từng người. Do đó, chính phủ nhiều nước kêu gọi hoặc quy định các khách sạn không để bàn chải đánh răng cho khách, nhằm hạn chế rác thải nhựa và được các khách sạn hưởng ứng.
3. Việc em Nguyễn Nguyệt Linh kêu gọi “khai giảng không bóng bay” mang lại hiệu ứng lớn hay việc nhiều nước thực hiện “khách sạn không bàn chải” mang lại hiệu quả tích cực có liên quan đến vấn đề khoa học trong quản lý. Chọn đối tượng để tác động có vai trò hết sức quan trọng, thậm chí quyết định sự thành công hay thất bại của một chính sách.
Thay vì phải vận động từng cá nhân, chỉ cần một trường “khai giảng không bóng bay”, lập tức quyết định đó tác động đến toàn bộ học sinh trong trường; cũng như vậy, một cơ sở lưu trú thực hiện “khách sạn không bàn chải” lập tức hiệu quả sẽ được nhân lên theo số phòng và số khách lưu trú hằng ngày.
Chỉ cần một cơ sở lưu trú lấp đầy 50 phòng không để bàn chải, một ngày đã bớt được 100 bàn chải rác thải ra môi trường. Nếu con số ấy nhân với một tháng, một năm; và nếu lại nhân với nhiều cơ sở lưu trú “không bàn chải” thì thực sự sẽ hạn chế được một lượng lớn rác thải nhựa.
Vì vậy đã đến lúc, ở Việt Nam cần kêu gọi, tiến tới thực hiện “siêu thị không túi nilon”, “khách sạn không bàn chải”; sau đó lan tỏa sang các các lĩnh vực khác. Để bảo vệ môi trường và sự sống trên trái đất nói chung và ngăn chặn rác thải nhựa nói riêng, rất cần những hành động cụ thể và quyết liệt. Hãy bắt đầu từ những việc tưởng là nhỏ nhặt nhất./.