Tôi có ông anh họ là bác sĩ lâu năm ở viện K.
Thỉnh thoảng trong làng ngoài phố có người ra khám ung thư ở viện. Người thì ở lại điều trị. Người thì về. Tôi đến thăm thường hỏi, thế ông ấy bảo sao?
“Ông ấy bảo là về cắt ít thuốc Bắc uống cho nó mát! Thuốc Tây nóng không hợp!”
Tôi hiểu. Người nhà bệnh nhân cũng hiểu. Ấy là căn bệnh ung thư đã đến thời kỳ cuối, vô phương cứu chữa. Đành âm thầm chuẩn bị tinh thần và vật chất để tiễn người thân về cõi Phật.
Vậy thuốc Bắc là gì?
Thật ra đó là cách nói ngắn gọn của dân ta, chứ gọi đầy đủ chính xác thì ta phải nói là: Thuốc Đông y.
Đó là những loại thuốc của nền y học dân tộc phương Đông. Ở đó các loại dược liệu thường được thái lát rồi sao tẩm, chia thành các gói, đem sắc uống. Những dược liệu đó có thể xuất xứ ở ta, trồng hoặc thu hái trong tự nhiên - gọi là thuốc Nam. Nhưng phần lớn được nhập khẩu từ Trung Quốc - phương Bắc, gọi là thuốc Bắc. Thế rồi gia đình những bệnh nhân kia ra các hiệu thuốc Đông Y cắt lấy ít thang thuốc về sắc cho người nhà mình uống. Có nhà thì lại nghe tin đồn ở trên mán mường gì đó có ông (bà) lang thần kỳ lắm, bệnh gì chữa cũng khỏi thế là đi lên núi tìm theo. Cũng có nhà nghe nói sang tai rằng, có loại cây abc gì đó quanh ta có thể đánh tan khối ung thư đáng sợ kia, thế là đi tìm kiếm đem về cho người nhà dùng...
Theo kết quả quan sát của tôi mấy chục năm nay thì, thật buồn. Chả trường hợp nào thành công. Kết quả cuối cùng đều như nhau. Đều là cái chết nhanh chóng và ác nghiệt. Và thậm chí, sau cái chết của bệnh nhân, có nhà sạt nghiệp nghèo đói. Bởi có đồng nào ném hết vào những thang thuốc, bài thuốc vô vọng rồi.
Thuốc Bắc xuất từ Trung Quốc sang, tất nhiên. Đa số là nhập tiểu ngạch, nhập lậu qua đường biên. Rất ít thuốc nhập chính ngạch.
Điểm trung chuyển lớn nhất về thuốc Bắc của cả nước là làng Nành, Ninh Hiệp, Gia Lâm, Hà Nội: Thuốc Bắc qua biên giới tập trung hết về đây, làm hàng “mông má” lại rồi luân chuyển đi khắp nước. Thậm chí, thời tôi còn đang đi làm dược, tôi biết một tổng công ty chuyên về bán buôn dược liệu cho các tỉnh phía Nam đặt cả văn phòng đại diện ở Ninh Hiệp để gom đánh hàng thuốc Bắc vào Nam kia!
Cách đây khoảng hơn ba mươi năm trước, tôi phụ trách một xưởng pha chế dược phẩm. Dịp tết này bọn tôi hay sản xuất một loại rượu thuốc bổ bán cho dân. Trong đó có một vị chủ chốt là thục địa do bọn tôi mua củ sinh địa từ trong năm về chế thành thục địa, bảo quản trong kho dùng dần. Thục địa ấy được đem ra hầm lấy nước cốt dùng pha chế rượu thuốc. Còn bã đem bỏ, đổ góc sân rồi thuê chở ra bãi rác. Thế mà có hôm một bà chuyên buôn thuốc Bắc ở Ninh Hiệp đi qua nhìn thấy, xin mua! Lấy làm lạ, tôi để ý tìm hiểu thì ra bà con buôn thuốc Bắc này đem xác thục về “hồ” lại rồi đem đi bán cho các hiệu thuốc Đông Y nơi khác, như là thục địa chính hãng. Kinh quá, tôi cấm không cho nhân viên bán xác dược liệu nữa... Thế nên khi dịp này báo chí nước nhà khui ra chuyện xác dược liệu từ Trung Quốc chuyển về hay chuyện họ tổ chức chiết xuất trích ly hết hoạt chất chính của dược liệu rồi bán sang ta tôi cũng không lấy gì làm bất ngờ lắm!
Còn chuyện mới gần đây, tôi có người bạn làm ở Trạm kiểm nghiệm dược. Một hôm tổ chức đoàn vào Ninh Hiệp lấy mẫu dược liệu theo quy định về kiểm nghiệm xem có đạt tiêu chuẩn làm thuốc không. Kết quả là chả lấy được mẫu nào mà còn phải tháo chạy nhanh ra khỏi làng không thì cả người lẫn ô tô xuống ao ráo! Bởi một điều đơn giản là các mẫu dược liệu từ Trung Quốc nhập vào kia, nếu đem kiểm nghiệm theo tiêu chuẩn dược điển Việt Nam thì đã gần như 100% không đủ tiêu chuẩn làm thuốc chứ đừng nói đến áp tiêu chuẩn Anh, Pháp, Mỹ!
Thế mà thuốc Bắc từ biên giới, tập trung về làng Nành rồi cứ ùn ùn tỏa đi khắp nước. Ra các hiệu thuốc Đông Y. Vào cả các bệnh viện y học dân tộc. Và người dân vẫn cứ uống! Ngành y tế có biết chuyện này không? Biết! Thế nhưng làm gắt gao thì dân sẽ không có thuốc uống! Bởi một số khá đông người dân vẫn cứ đòi uống thuốc Bắc!
Để cải thiện từ gốc vấn đề cung cấp dược liệu sao đạt tiêu chuẩn làm thuốc là cả một quá trình lâu dài và gian nan. Ngành dược đã có quy định khá đầy đủ về thực hành tốt việc nuôi trồng thu hái dược liệu GACP theo khuyến cáo của Tổ chức y tế thế giới (Good Agricultural and Collection Pratices- WHO). Hiện cũng có khá nhiều công ty trồng dược liệu của nước ta công bố áp dụng quy trình này. Thậm chí việc thu hái cây thuốc hoang dã trên rừng cũng đã có quy trình tiêu chuẩn GCP (Good Collection Pratices) rất cẩn thận. Nhưng việc thực hiện trên thực tế và kết quả đến đâu thì vẫn là một vấn đề còn bỏ ngỏ.
Trở lại câu chuyện ông bác sĩ anh tôi hay khuyên bệnh nhân ung thư thời kỳ cuối dùng thuốc Bắc. Ông ấy có biết là những thang thuốc đó chẳng có tác dụng gì không? Tất nhiên là biết rõ. Thế nên thực chất đấy hầu như là một lời khuyên cho người nhà, là một sự chăm sóc an ủi bệnh nhân, là để tạo hiệu ứng tâm lý, placebo mà thôi.
Còn tôi, với tư cách của một dược sĩ, lại đã nhiều năm là hội viên Hội Đông Y Việt Nam khi được bạn bè tham vấn thì tôi thường trả lời thẳng là, xin cho tôi miễn nói đến các loại thuốc Bắc ở trên cái nước này!