Aa

Khi bạn bỏ qua từ điển

Thứ Tư, 31/07/2019 - 06:00

Bằng kinh nghiệm của mình, tôi muốn nói rằng, học qua từ điển (tốt nhất là cùng một dữ liệu, cần đối chiếu nhiều nguồn đáng tin) là cách học nhằm đến sự chính xác gần như tuyệt đối.

Bạn có trí nhớ tuyệt vời, xin chúc mừng. Nhưng bạn rất có thể đã, hoặc sẽ gặp tai họa chỉ vì ỷ vào trí nhớ. 

Hằng ngày, bạn vẫn nói rất trôi chảy những câu đủ để người nghe hiểu bạn muốn gì. Nhưng bộp một cái, có em bé hoặc người lớn nào đó hỏi ý nghĩa của chữ nọ, từ kia là gì khiến bạn cứ ngẩn ra rồi… chịu cứng lưỡi.

Chuyện đó không quá nguy hiểm, nhưng nhiều khi cũng khiến ta… mất điểm và là nguyên nhân tiềm ẩn của nhiều sai lầm mang tính thảm họa khó lường.

Bạn có thể trích dẫn một câu thành ngữ, tục ngữ… không ăn nhập gì với điều mà bạn đang muốn truyền đạt tới người khác. Chuyện này không chỉ gây khó hiểu, khó chịu, vô duyên, buồn cười mà còn có thể tạo ra sự hiểu lầm vô cùng tai hại.

Bạn vẫn thường nhớ tên người này người kia không chính xác, nhất là với những người đã thuộc về lịch sử. Nhớ được tên thì nhầm họ, nhớ đúng họ thì nhầm tên. Tai hại nhất là nhớ sai năm sinh tháng đẻ của họ. Nếu là một văn bản nghiên cứu nghiêm túc, thì chuyện nhỏ này không thể là chuyện có thể dễ dàng được bỏ qua.

Một sự kiện nào đó bạn cứ nhớ mang máng và một hôm nào đó được bạn đưa ra làm ví dụ. Rồi có ai đó phát hiện bạn nhớ sai, nhưng lúc ấy bút đã sa, không thể làm cho gà sống lại. Bạn có thể vì thế mà ôm hận mãi không thôi.

Từ điển chưa hẳn đã là cứu cánh cho chân lý

Từ điển chưa hẳn đã là cứu cánh cho chân lý

Hay gặp nhất, và cũng tai hại nhất, là hằng ngày luôn có những bài báo mang tinh thần “khai trí dân chúng” nhưng lại cung cấp sai các sự kiện, kiến thức lịch sử, nhân vật, số liệu, thậm chí cả ngày tháng xảy ra sự kiện nào đó nữa. Tai hại ở chỗ, bạn đọc hoàn toàn phó thác sự tin tưởng cho người viết.

Vì thế, họ sẽ lưu rất lâu, thậm chí là mãi mãi, những cái sai đó trong bộ nhớ mà vẫn tưởng nó đúng. Và như một nghĩa vụ của lương tâm, họ sẽ phổ biến, quảng bá những gì mình đọc được, học được cho nhiều người khác. Và thế là xảy ra hiện tượng mà giới học giả gọi là “cả làng cùng sai”, “cả làng rủ nhau sai”, “cả làng quyết tâm sai”…

Các bạn trẻ, những nhà báo, người viết nói chung… mới vào nghề, là dễ mắc những sai sót này nhất.

Nhưng tôi cũng xin nói ngay: Không chỉ các bạn trẻ đâu, tất cả đều có thể mắc phải những sự cố xứng đáng là thảm họa vừa nêu, không chừa một ai.

Có cách nào để hạn chế tới mức tối đa các sai sót đó khi viết?

Có đấy và vô cùng đơn giản, nếu bạn có thói quen tra cứu từ điển, đối chiếu với từ điển.

Bằng kinh nghiệm của mình, tôi muốn nói rằng, học qua từ điển (tốt nhất là cùng một dữ liệu, cần đối chiếu nhiều nguồn đáng tin) là cách học nhằm đến sự chính xác gần như tuyệt đối (tôi nói gần như, vì ngay cả từ điển cũng có tỷ lệ sai sót nào đó). Nó đòi hỏi phải có sự kiên trì, phải ép thành thói quen cho bản thân và nhất định chỉ trích dẫn điều gì đó khi đã có tra cứu, bạn đọc có thể dẫn nguồn nếu muốn tham chiếu.

Lời cảnh báo cuối cùng của tôi dành cho bạn, là chớ có lười biếng khi chỉ biết gõ bàn phím tìm nguồn tư liệu qua Google. 

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top