Khoảng cách ngày càng gần lại
Chưa bao giờ thị trường lại được chứng kiến sự biến động trái chiều như vậy giữa tỷ giá trung tâm và tỷ giá giao dịch giữa các ngân hàng. Trong khi tỷ giá trung tâm được điều chỉnh tăng lên liên tục thì tỷ giá trên thị trường lại gần như đứng im trong một thời gian dài.
Tính từ cuối năm 2018 đến nay, trong khi tỷ giá trên thị trường không thay đổi, giữ nguyên ở mức giá mua vào của NHNN là 23,200 đồng/đô la Mỹ thì tỷ giá trung tâm đã tăng tới 1,47%. Nhờ vậy mà khoảng cách giữa hai tỷ giá đã được thu hẹp từ mức 370 đồng vào đầu năm 2019 xuống chỉ còn 40 đồng/đô la Mỹ vào thời điểm hiện tại.
Diễn biến này được dự báo sẽ tiếp tục diễn ra trong thời gian tới khi mà nguồn cung về ngoại tệ trên thị trường tiếp tục tăng cao, trong khi nhu cầu về ngoại tệ được dự báo sẽ duy trì ổn định. Theo đó, cán cân thương mại sẽ tiếp tục thặng dư ở mức cao trong tháng 9/2019. Bên cạnh đó, các thương vụ bán vốn của một số ngân hàng cho các đối tác nước ngoài như Vietcombank, MB sẽ mang lại hàng tỷ đô la Mỹ cho hệ thống ngân hàng. Bên cạnh đó thì quý 4 hàng năm là thời điểm mà kiều hối sẽ tăng dần và đạt mức cao nhất vào thời điểm trước Tết Âm lịch.
Khi hai tỷ giá chạm nhau thì đây sẽ là cơ hội để NHNN giành lại quyền dẫn dắt thị trường của mình thông qua một cơ chế điều hành mới. Theo đó, NHNN có thể sẽ thu hẹp biên độ ±3% như hiện nay và sẵn sàng để tiền đồng tăng hoặc giảm giá so với đô la Mỹ theo tín hiệu thị trường.
Trong khi đó, cầu về ngoại tệ để phục vụ cho nhu cầu nhập khẩu hàng hóa tiêu dùng vào dịp cuối năm khá ổn định trong khoảng hai năm gần đây (2017 và 2018). Nhờ vậy mà cán cân thương mại chỉ thâm hụt trong tháng cuối cùng năm tài chính.
Nếu vậy, một kịch bản mà có lẽ sẽ không ai dám đưa ra từ đầu năm có thể sẽ trở thành hiện thực, đó là việc tỷ giá trung tâm sẽ tiệm cận và bám sát vào tỷ giá của thị trường.
Chủ đích hay là ngẫu nhiên?
Đây là một câu hỏi rất khó để có một câu trả lời chính xác. Bởi lẽ, về nguyên tắc, tiền đồng, thông qua tỷ giá trung tâm, đang được NHNN điều chỉnh giảm giá so với đô la Mỹ giống như hàng hoạt các đồng tiền khác trên thế giới.
Động thái này của NHNN được xem là phù hợp trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu đang có những dấu hiệu suy giảm đà tăng trưởng trong năm 2020. Do vậy mà đô la Mỹ vẫn được xem là nơi trú ẩn an toàn khi mà lãi suất vẫn còn đang ở mức khá cao so với nhiều khu vực khác trên thế giới. Lãi suất cơ bản của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) hiện ở mức 1,75-2%, trong khi lãi suất tiền gửi vừa được Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) hạ xuống mức âm 0,5%/năm, lãi suất điều hành tại Nhật Bản hiện ở mức âm 0,1%/năm và lãi suất tại Anh chỉ ở mức 0,75%/năm. Chính vì vậy euro đã mất giá tới 4,2% so với đô la Mỹ từ đầu năm 2019 đến nay. Trong khi đó, nhân dân tệ của Trung Quốc và đặc biệt là won của Hàn Quốc cũng đã mất giá mạnh so với đô la Mỹ, tương ứng ở các mức 3,4% và 7,5%.
Châu Âu, Trung Quốc và Hàn Quốc đều là những đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam. Do đó, việc đồng tiền của các quốc gia này mất giá sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến giá trị của tiền đồng Việt Nam.
Tuy nhiên, tỷ giá trên thị trường lại không diễn ra như vậy, ngoại trừ diễn biến trong tháng 5/2019. Nguyên nhân là do cung về ngoại tệ liên tục duy trì ở mức cao. Theo số liệu không chính thức thì NHNN đã mua được trên 13 tỷ đô la Mỹ từ đầu năm 2019 đến nay và nâng dự trữ ngoại hối quốc gia lên mức trên 70 tỷ đô la. Đây là mức cao nhất trong lịch sử của Việt Nam. Điều đó cho thấy nền kinh tế của Việt Nam tiếp tục duy trì được sự ổn định và thu hút được sự quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài bất chấp những biến động khó lường trên thị trường quốc tế.
Như vậy thì rõ ràng diễn biến ở trên vừa là chủ đích của NHNN nhưng rất ngẫu nhiên khi thị trường lại không nghĩ như vậy.
Sẽ sớm hình thành một cơ chế tỷ giá mới?
Với những nhận định ở trên thì khả năng hai tỷ giá sẽ chạm nhau với cùng một mức giá là rất hiện hữu và cũng rất gần. Vậy câu hỏi vào lúc này là điều gì sẽ xảy ra khi hai tỷ giá có cùng mức giá như nhau? Có lẽ đó chính là thời điểm mà NHNN đang mong chờ nhất hiện nay.
Từ trước đến nay thị trường luôn cho rằng tỷ giá trung tâm của NHNN không có vai trò gì, hay nói chính xác hơn là chưa đáp ứng được vai trò dẫn dắt thị trường như bản chất của nó. Bởi lẽ, việc điều chỉnh tăng hay giảm tỷ giá trung tâm của NHNN gần như không có tác dụng đến diễn biến của tỷ giá trên thị trường. Do đó, khi hai tỷ giá chạm nhau thì đây sẽ là cơ hội để NHNN giành lại quyền dẫn dắt thị trường của mình thông qua một cơ chế điều hành mới. Theo đó, NHNN có thể sẽ thu hẹp biên độ ±3% như hiện nay và sẵn sàng để tiền đồng tăng hoặc giảm giá so với đô la Mỹ theo tín hiệu thị trường thay vì đưa ra mức biến động dự kiến trong khoảng 2% mỗi năm như đã thực hiện trong nhiều năm gần đây.
Để có thể thực hiện được cơ chế này thì đòi hỏi dự trữ ngoại hối ở mức độ đủ lớn và NHNN cũng sẵn sàng bán ra bất cứ khi nào thị trường cần. Với mức dự trữ trên 70 tỷ đô la như hiện nay thì có thể nói rằng NHNN đã có cả điều cần và đủ để gửi một thông điệp đến thị trường rằng sẽ định hướng và dẫn dắt được tỷ giá. Khi đó, NHNN hoàn toàn có thể xóa bỏ hẳn cơ chế vay mượn ngoại tệ và chuyển hẳn sang cơ chế mua bán. Như vậy, tâm lý găm giữ ngoại tệ của cả nền kinh tế sẽ không còn và giá trị của tiền đồng sẽ ngày càng được nâng cao.