Nhiệm vụ bất khả thi đã… khả thi
Một cách hồ hởi, khi công bố số liệu thống kê về tình hình kinh tế – xã hội năm 2017, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm cho biết, tăng trưởng GDP năm nay ước đạt 6,81%. Đây là mức tăng trưởng vượt mục tiêu đề ra và cũng vượt mọi dự báo, ước tính trước đó của các tổ chức quốc tế, các chuyên gia kinh tế, cũng như của chính phủ Việt Nam. Đây cũng là mức tăng trưởng cao nhất trong vòng 6 năm qua. Kết quả này thậm chí càng đáng khích lệ hơn khi chỉ năm ngoái thôi nền kinh tế chỉ tăng trưởng 6,21%.
“Kết quả này đã khẳng định tính kịp thời và hiệu quả của các giải pháp được Chính phủ ban hành, cũng như sự chỉ đạo quyết liệt, nỗ lực thực hiện của các cấp, ngành, địa phương”, ông Nguyễn Bích Lâm nói.
Cũng cần nhắc lại một điều rằng, sau khi Tổng cục Thống kê chính thức công bố tăng trưởng GDP quý I/2017 chỉ là 5,15%, thấp hơn mức tăng trưởng 5,48% của quý I/2016 và 6,12% của quý I/2015, rất nhiều chuyên gia kinh tế đã bày tỏ lo ngại, tăng trưởng kinh tế 2017 có thể còn không thể đạt con số 6,21% của năm 2016.
Và ngay cả khi tăng trưởng GDP quý II được công bố là 6,17% (sau này được cập nhật thành 6,28%), đưa tăng trưởng GDP 6 tháng lên 5,73%, hầu hết các chuyên gia kinh tế cả trong và ngoài nước đều cho rằng, mục tiêu tăng trưởng 6,7% trong năm nay là “nhiệm vụ bất khả thi”, đồng thời đề nghị điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng. Chỉ có Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ là kiên định mục tiêu này và công bố hàng loạt giải pháp nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Quý III/2017, tăng trưởng GDP đã đột phá với mức 7,46%. Khi ấy, Tổng cục Thống kê đã tính toán rằng, để đạt mục tiêu tăng trưởng 6,7% của cả năm thì quý IV/2017 GDP phải tăng trưởng 7,31%. Tuy nhiên, vượt mọi dự kiến, tăng trưởng GDP quý IV đã đạt tới 7,65%, đưa tăng trưởng GDP cả năm lên tới 6,81%. Nền kinh tế đã có một hành trình vượt dốc ngoạn mục.
Thậm chí, trong phiên họp Chính phủ cuối năm được tổ chức trực tuyến với các địa phương trong hai ngày 28-29/12/2017, với sự có mặt lần đầu tiên của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, câu chuyện này đã được nhắc đến như một điều tuyệt vời của công tác điều hành nền kinh tế.
Không chỉ là tăng trưởng GDP, báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, lần đầu tiên sau nhiều năm, cả 13 chỉ tiêu kinh tế – xã hội đều đạt và vượt mục tiêu đề ra. Thậm chí, năm 2017 còn được coi là năm của những kỷ lục. Vốn đầu tư nước ngoài đạt được gần 36 tỷ USD, cao nhất trong vòng 10 năm qua. Số lượng doanh nghiệp thành lập mới cũng là kỷ lục, với 126.859 doanh nghiệp. Chưa bao giờ lượng doanh nghiệp thành lập mới trong một năm đạt được mức cao như thế. Và cũng là lần đầu tiên, kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam đã chạm ngưỡng 400 tỷ USD (con số ước tính vào thời điểm cuối năm là gần 425 tỷ USD), nền kinh tế ước xuất siêu 2,7 tỷ USD. Trong khi đó lạm phát cả năm được kiềm chế ở mức 3,53%, thấp hơn mục tiêu đề ra.
Nỗi niềm còn lại
Hôm họp báo ở Tổng cục Thống kê, ông Nguyễn Bích Lâm cứ mãi băn khoăn về mức tăng năng suất lao động trong năm chỉ ở mức 6%. Tỷ lệ này là cao so với năm trước. Nhưng nếu tính về giá trị tuyệt đối, năng suất lao động trung bình của Việt Nam ước tính chỉ đạt 93,2 triệu đồng/lao động.
“Tính theo sức mua tương đương năm 2011, năng suất lao động của Việt Nam năm 2016 đạt 9.894 USD, chỉ bằng 7% của Singapore, 17,6% của Malaysia và 36,5% của Thái Lan. Mỗi lao động của Việt Nam chỉ có năng suất bằng 42,3% của người Indonesia 56,7% của Philippines và đặc biệt là chỉ bằng 87,4% năng suất lao động của Lào”, ông Nguyễn Bích Lâm nói và cho biết, điều đáng lo hơn cả là chênh lệch về năng suất lao động giữa Việt Nam với các nước vẫn tiếp tục gia tăng.
“Đây là một trong những thách thức. Việt Nam sẽ đối mặt với nguy cơ tụt hậu nếu không có chính sách để vượt thách thức, tránh bẫy thu nhập trung bình”, ông Nguyễn Bích Lâm cảnh báo.
Nhưng đó chỉ là một trong những vấn đề còn tồn tại của nền kinh tế. Báo cáo Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cũng đã thừa nhận rằng, chất lượng tăng trưởng cải thiện còn chậm, hiệu quả đầu tư chưa cao, tiến trình tái cơ cấu nền kinh tế chưa đạt kỳ vọng.
“Nợ công còn cao, xử lý nợ xấu còn nhiều khó khăn, tình hình sản xuất – kinh doanh cũng vậy. Chưa kể, năm qua chúng ta còn phát hiện thêm nhiều dự án đầu tư của doanh nghiệp nhà nước chậm tiến độ, hiệu quả chưa cao, thua lỗ, thất thoát, ảnh hưởng tới tăng trưởng và chất lượng của nền kinh tế”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.
Con số được Bộ Tài chính công bố mới nhất, nợ công vào cuối năm 2017 vào khoảng 3,1 triệu tỷ đồng (tăng 300.000 tỷ đồng so với năm trước), bằng 62,6% GDP – tức là đã giảm so với mức 63,6% GDP của năm 2016. Tuy nhiên nợ công cao vẫn luôn là cảnh báo.
Còn theo tính toán của Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, tỷ lệ nợ xấu của ngành ngân hàng năm 2017 lên tới 9,5%, cao hơn nhiều so với con số do hệ thống ngân hàng tự tính toán là dưới 3% tổng dư nợ.
Trước đó, khi trao đổi với báo giới, TS. Võ Trí Thành, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cũng đã chỉ dám chấm điểm 6 trên thang điểm 10 cho chất lượng tăng trưởng của Việt Nam năm 2017.
Kỳ vọng gì ở 2018?
Năm 2018, Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng GDP là 6,5 – 6,7%. Dựa trên nền tảng của năm 2017, mức tăng trưởng này là có thể. Ngân hàng Thế giới cũng đã đưa ra dự báo rằng, năm 2018, tăng trưởng GDP của Việt Nam sẽ là 6,5%; Ngân hàng Phát triển châu Á đưa ra con số cao hơn là 6,7%. Thậm chí, ngân hàng ANZ còn dự báo mức tăng trưởng mà Việt Nam có thể đạt được trong năm 2018 là 6,8%.
Nhận định về triển vọng kinh tế năm 2018, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng đã nhấn mạnh tới những yếu tố thuận lợi nhất định, như dự báo khá lạc quan về tăng trưởng kinh tế và thương mại toàn cầu trong năm 2018, tạo điều kiện để thúc đẩy gia tăng xuất khẩu và tăng trưởng kinh tế; kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định; cải cách thể chế và thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư – kinh doanh, giảm chi phí sản xuất – kinh doanh…
Tuy nhiên, Bộ trưởng Dũng cũng vẫn cẩn trọng nhắc đến những yếu tố khó lường của kinh tế Việt Nam và thế giới để khẳng định, “sẽ phải nỗ lực rất lớn mới có thể đạt được mục tiêu đó’’.
Từ góc độ của chuyên gia, ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM cho rằng, một khi các cải cách được thực hiện trên nhiều phương diện; tái cơ cấu và chuyển đổi mô hình tăng trưởng diễn ra trên quy mô rộng lớn hơn, nhanh hơn, nhất quán và đồng bộ hơn thì tốc độ tăng trưởng sẽ còn bứt phá hơn nữa.
“Tôi muốn và kỳ vọng mức tăng trưởng GDP phải 7,5-8% hay 8,5%”, ông Cung nói về năm 2018.