Ngày 25/20, chia sẻ tại “Diễn đàn nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trong nền kinh tế số”, ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam (VACC) cho rằng, chuyển đổi số là cơ hội, là bước ngoặt cho tất cả các ngành nghề kinh doanh và với doanh nghiệp nhà thầu cũng không ngoại lệ. Chuyển đổi số góp phần quản lý về tài chính, quản lý về thiết kế, quy hoạch, quản lý về nhân lực, quản lý về dự án, quản lý về vật tư, vật liệu đầu ra, đầu vào chặt chẽ hơn, đối với cả người quản lý và và người sử dụng.
Do đó, để doanh nghiệp cũng như thị trường có những bước phát triển thuận lợi, ông Nguyễn Quốc Hiệp kiến nghị, Việt Nam cần có những chính sách, cơ chế rõ ràng trong quản lý hồ sơ qua mạng, đấu thầu qua mạng, cũng như chính sách chuyển đổi số cho doanh nghiệp nhà thầu.
Cụ thể, theo ông Nguyễn Quốc Hiệp, hiện trong ngành xây dựng đã có công nghệ này và đây được coi là mô hình quản lý hiện đại hiệu quả - công nghệ BIM (Building Information Modeling) - quá trình tạo lập và sử dụng mô hình thông tin trong các giai đoạn thiết kế, thi công và vận hành công trình. Với công nghệ này, các đơn vị có thể quản lý thiết kế giữa chủ đầu tư với nhà thầu và các thay đổi trong quá trình thực hiện dự án, tiết kiệm được rất nhiều về vật tư, tiết kiệm rất nhiều nhân lực.
“Để thực hiện được thì cũng cần kinh phí rất lớn, thực hiện đồng bộ hóa dữ liệu đầu vào, kết với hợp với chủ đầu tư, tức là chủ đầu tư và nhà thầu có một cái sự đồng bộ với nhau”, ông Hiệp thông tin.
Tuy nhiên, theo Chủ tịch VACC, đây không phải là điều có thể thực hiện được một cách dễ dàng. Với các doanh nghiệp quy mô dưới 100 tỷ đồng thì mặc dù biết là công nghệ này rất "lợi hại" nhưng không phải doanh nghiệp nào cũng đủ khả năng để áp dụng. Thực tế, đây là đặc thù của ngành xây dựng vì mọi doanh nghiệp hiểu biết về chuyển đổi số rất là rõ, nhưng có áp dụng được không không phải là vấn đề dễ dàng.
Bên cạnh đó, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam (VACC) nhìn nhận rằng, vấn đề quản lý hồ sơ cũng cần có những quy định rõ ràng hơn về tính pháp lý. Cụ thể, với các hồ sơ đã được số hóa thì có được công nhận, có tính pháp lý hay không. Bởi có những hồ sơ từ rất lâu và trong quá trình quản lý có thể bị hư hỏng.
Và với quản lý dữ liệu về nhà thầu, hiện nay cũng chưa có thể chế, quy chế nào quy định cụ thể là những dữ liệu nào thì doanh nghiệp nhà thầu phải công bố lên mạng để cho các cơ quan quản lý nhà nước nắm được. Có những dữ liệu của doanh nghiệp là dữ liệu mở, có dữ liệu lại là dữ liệu kín.
Theo đó, ông Hiệp cho rằng cần có quy định thống nhất giúp cho cơ quan quản lý nhà nước nắm được tình hình, đồng thời các doanh nghiệp cũng nắm được thị trường.
Đặc biệt, đối với ngành xây dựng, liên quan đến hồ sơ đấu thầu qua mạng vẫn còn nhiều bất cập, những điều kiện riêng và đặc thù. Do đó, dù doanh nghiệp nhận thức rất rõ vai trò của chuyển đổi số, nhưng vẫn còn những khó khăn, rào cản.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Ô tô Việt Nam cũng cho rằng, chuyển đổi số được triển khai sâu rộng và sớm trong ngành vận tải và thu được các kết quả tích cực. Tuy nhiên, để nâng cao hiệu quả áp dụng chuyển đổi số về mặt quản lý Nhà nước và nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, ông Nguyễn Văn Quyền đã đưa ra một số kiến nghị, cụ thể:
Đối với các cơ quan quản lý Nhà nước, cần nghiên cứu có chủ trương, kế hoạch cụ thể để nâng cấp Trung tâm tích hợp dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình.
“Hiện nay trung tâm này phần mềm được sử dụng vẫn còn là phần mềm thí điểm chưa đủ độ thông minh, tiện lợi để khai thác dữ liệu; phần cứng chưa được nâng cấp cũng khó đáp ứng được nhu cầu phát triển phương tiện. Do đó, Nhà nước nên có kế hoạch nâng cấp hàng năm để duy trì, nâng cấp cơ sở quản lý dữ liệu”, ông Quyền cho biết.
Cùng với đó, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Ô tô Việt Nam cũng cho rằng, để nâng cao hiệu quả khai thác các dữ liệu, Nhà nước có thể chỉ đạo nghiên cứu hình thành cơ chế chính sách thúc đẩy chuyển đổi số trong các cơ quan quản lý, đổi mới trong công tác quản lý.
Đặc biệt, về chủ trương chung thúc đẩy chuyển đổi số, ông Quyền kiến nghị nên có kinh phí trong ngân sách để thúc đẩy chuyển đổi số vào trong các doanh nghiệp như: Phục vụ cho các công tác tập huấn, tổ chức đánh giá chuyển đổi số…
Cuối cùng, liên quan đến quản lý hoạt động vận tải, ông Nguyễn Văn Quyền cho rằng, chuyển đổi số cũng đang được diễn ra mạnh mẽ. Và quan trọng hơn hết, những nội dung về chuyển đổi số doanh nghiệp nên gắn với chuyển đổi số trong công tác quản lý nhà nước để nâng cao hiệu quả quản lý và tạo ra môi trường minh bạch cho các hoạt động vận tải./.