Cuối năm 2023, UBND tỉnh Hòa Bình đã phê duyệt dự án Cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu (đoạn Km19+00-Km53+00 trên địa bàn tỉnh Hoà Bình).
Dự án có tổng mức đầu tư 9.997 tỷ đồng (8.243 tỷ đồng từ ngân sách trung ương, 1.754 tỷ đồng của Hòa Bình) với chiều dài 34km. Điểm đầu thuộc thị trấn Đà Bắc, huyện Đà Bắc, Hòa Bình; điểm cuối ở xã Chiềng Yên, huyện Vân Hồ, Sơn La. Thời gian thực hiện từ năm 2022-2028.
Chủ đầu tư của dự án là Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Hòa Bình.
Giai đoạn đầu, đường được thiết kế 2 làn xe, nền đường rộng 12m, mặt đường rộng 11m. Giai đoạn hoàn chỉnh, tuyến đường được thiết kế tiêu chuẩn cao tốc, vận tốc 80km/h. Tuyến đường có 3 hầm, 30 cầu, trong đó 29 cầu bằng bêtông cốt thép và bêtông cốt thép dự ứng lực, một cầu dây văng vượt lòng hồ thủy điện Hòa Bình.
Ngày 15/4, trao đổi với Lao Động, ông Nguyễn Trường Huy, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Hòa Bình - thông tin, đơn vị đang khẩn trương tổ chức lựa chọn nhà thầu. Dự kiến trong tháng 4.2024 sẽ hoàn thành công tác lựa chọn nhà thầu, ký kết hợp đồng và triển khai thực hiện các gói thầu theo kế hoạch đã được phê duyệt.
Về công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) giai đoạn 1, đoạn qua địa phận huyện Đà Bắc (từ Km19+000 - Km40+869) và Mai Châu (từ Km41+800 - Km50+900) chủ đầu tư đã bàn giao cọc GPMB và bàn giao hồ sơ trích đo bản đồ giải thửa cho UBND huyện Đà Bắc, Mai Châu để tổ chức kiểm kê, đo đạc. Trong đó, đoạn qua huyện Mai Châu dự kiến khởi công xây dựng trong quý II/2024.
Đoạn qua địa phận huyện Vân Hồ, Sơn La (từ Km50+900 - Km53+000), chủ đầu tư đã hoàn thành công tác cắm cọc và bàn giao cho UBND huyện Vân Hồ.
Dự án đã được giao tổng số vốn là trên 4.500 tỷ đồng và đến thời điểm hiện nay đã giải ngân được 39 tỷ đồng.
Còn theo báo cáo của Ban cán sự Đảng UBND tỉnh Hòa Bình, quá trình triển khai, dự án gặp khó khăn khi đi qua đoạn địa hình đồi, núi, điều kiện địa chất phức tạp. Công tác đo đạc bản đồ giải thửa còn gặp nhiều khó khăn do các hộ cung cấp không kịp thời các thông tin, tài liệu, căn cứ pháp lý về quyền sử dụng đất.
Mặt khác, công tác xin chủ trương chuyển đổi mục đích sử dụng rừng; chủ trương chuyển đổi mục đích sử dụng đất lúa, đất rừng phòng mất nhiều thời gian làm ảnh hưởng trực tiếp đến tiến độ thực hiện.
Theo lãnh đạo UBND tỉnh Hòa Bình, thời gian tới, địa phương sẽ tập trung lãnh đạo, chỉ đạo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh khẩn trương hoàn thiện thủ tục thiết kế kỹ thuật và đấu thầu lựa chọn nhà thầu xây lắp; hoàn thành các thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, chuyển đổi mục đích sử dụng đất lúa, đất rừng phòng hộ... để khởi công, công trình trong quý II/2024./.