Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cùng lãnh đạo Ban Dân vận Trung ương; Uỷ ban T.Ư MTTQ Việt Nam và lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên - Huế đã chứng kiến và tiến hành nghi thức bấm nút khởi công Dự án đường Nguyễn Hoàng và cầu vượt sông Hương, cây cầu thứ 4 qua sông Hương đoạn trung tâm TP. Huế.
Công trình giao thông cấp đặc biệt
Sáng 23/12, tại nút giao thông đường Nguyễn Hoàng - Nguyễn Phúc Nguyên - Kim Long bên bờ Bắc sông Hương, TP. Huế, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã tổ chức khởi công Dự án đường Nguyễn Hoàng và cầu vượt bắc qua sông Hương, đoạn trung tâm TP. Huế (sau cầu Trường Tiền và cầu Phú Xuân/cầu Mới và cầu Dã Viên). Buổi lễ có sự chứng kiến của đông đảo người dân địa phương hai bên bờ Bắc - Nam sông Hương, nơi ảnh hưởng dự án, cùng cán bộ, đội ngũ kỹ sư, công nhân lành nghề - những người sẽ có 1.090 ngày (3 năm) để triển khai giai đoạn 1 dự án.
Như Reatimes đã thông tin, tháng 9/2022, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế có Quyết định phê duyệt Dự án đường Nguyễn Hoàng và cầu vượt sông Hương. Về phương án kiến trúc công trình cầu vượt sông Hương (nằm trong tổng thể dự án này) được lựa chọn dựa trên kết quả cuộc thi thiết kế kiến trúc công trình cầu vượt sông Hương từng được trao giải nhất cho phương án dự thi của Liên danh Công ty TNHH WSP Phần Lan và Công ty CP Tư vấn Kỹ thuật E&R.
Theo quyết định đã được phê duyệt, quy mô đầu tư dự án đường Nguyễn Hoàng, trùng với tim tuyến đường Vành đai 3. Điểm đầu tuyến, tại nút giao đường Lý Nam Đế (đầu cầu An Ninh Hạ) thuộc phường Hương Long (TP. Huế), điểm cuối tuyến, tại nút giao đường Bùi Thị Xuân, thuộc phường Đúc (TP. Huế). Tổng chiều dài phạm vi xây dựng cả đường và cầu là 1,67km. Trong đó, chiều dài phần đường Nguyễn Hoàng khoảng 1,08km và chiều dài phần tuyến cầu vượt sông Hương khoảng 0,59km; tổng mức đầu tư 2.281,569 tỷ đồng.
Dự án nói trên có 2 hạng mục chính, gồm công trình cầu vượt sông Hương và đường Nguyễn Hoàng. Trong đó cầu vượt sông Hương có chiều dài cầu khoảng 380m, cầu vòm thép gồm 5 nhịp; chiều rộng cầu 43m (bằng bề rộng đường Nguyễn Hoàng và đường Vành đai 3). Làn đi bộ rộng 3m được bố trí khác mức ở cả hai bên cầu.
Dự án đường Nguyễn Hoàng và cầu vượt sông Hương có tổng mức đầu tư 2.281,569 tỷ đồng, trong đó ngân sách Trung ương đầu tư giai đoạn 1 (2021 - 2025) là 800 tỷ/1.855,665 tỷ đồng, phần còn lại là ngân sách tỉnh. Dự án do Ban QLDA Đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh Thừa Thiên - Huế làm chủ đầu tư.
Trên mặt bằng, các lề bộ hành được rẽ nhánh xuống công viên hai bên bờ sông Hương bằng 4 cầu nhánh cong. Khổ thông tàu thuyền đảm bảo tối thiểu chiều rộng 30m, chiều cao 6m. Kết cấu cầu theo phương án được lựa chọn qua thi tuyển kiến trúc, chiều cao kiến trúc giới hạn của công trình 100m. Nút giao thông, cả hai nút giao thông đầu cầu vượt sông Hương được thiết kế theo phương án giao cùng mức. Cầu được thiết kế theo cấp động đất cấp 6 (theo thang MSK-64); quy mô công trình vĩnh cửu.
Theo quy mô đầu tư phân kỳ, giai đoạn 1 dự án sẽ xây dựng mới 1 cầu vượt sông Hương nối đường Kim Long và Bùi Thị Xuân (hai tuyến bờ Bắc và bờ Nam ven sông Hương, TP. Huế) với chiều dài toàn cầu khoảng 590m (kể cả đường 2 đầu cầu). Trong đó, điểm đầu thiết kế cầu tại khu vực nút giao đường Kim Long - Nguyễn Phúc Nguyên - Nguyễn Hoàng (bờ Bắc sông Hương) và điểm cuối tại khu vực nút giao đường Bùi Thị Xuân (bờ Nam sông Hương); tổng mức đầu tư giai đoạn 1 hơn 1.855 tỷ đồng; riêng đoạn tuyến đường dẫn vào cầu phía Bắc, nối từ nút giao đường Kim Long đến Lý Nam Đế, trùng đường Nguyễn Hoàng (dài khoảng 1,08km) chưa đầu tư trong giai đoạn này.
Phát biểu tại lễ khởi công, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế Nguyễn Văn Phương, nhấn mạnh Dự án đường Nguyễn Hoàng và cầu vượt sông Hương là công trình giao thông cấp đặc biệt, được chọn lọc qua nhiều đợt thi tuyển, với ý tưởng kiến trúc độc đáo, mang theo thông điệp về sự trường tồn của vùng đất cố đô linh thiêng; hài hòa với danh lam thắng cảnh, di sản và văn hoá Huế. Dự án do liên danh công ty tư vấn có uy tín của nước ngoài và Việt Nam thực hiện. Đây là bước hiện thực hoá chủ trương của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 649/QĐ-TTg ngày 06/05/2014 về phê duyệt quy hoạch chung TP. Huế đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050; tạo động lực, điểm nhấn cho khu vực phía Tây TP. Huế.
Sau khi hoàn thành, dự án sẽ góp phần hoàn thiện mạng lưới giao thông, nâng cao năng lực thông hành, chống ùn tắc và giảm tải lưu lượng giao thông cho tuyến Quốc lộ 1A và các tuyến qua trung tâm TP. Huế; tạo động lực, hình thành và phát triển các đô thị vệ tinh, khu đô thị mới phía Tây TP. Huế; phát triển kinh tế - xã hội, du lịch dịch vụ và cải thiện, nâng cao đời sống dân sinh./.
Cụ thể hóa chủ trương của tỉnh và Trung ương
Theo Ban quản lý Dự án đầu tư và xây dựng công trình giao thông thuộc UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, đơn vị chủ đầu tư dự án, mục tiêu đầu tư là nhằm góp phần hoàn thiện mạng lưới giao thông chính trong khu vực theo quy hoạch đã được duyệt, nâng cao năng lực thông hành, chống ùn tắc và giảm tải lưu lượng giao thông cho tuyến Quốc lộ 1A và các tuyến nội thị đoạn qua trung tâm TP. Huế; tạo động lực thúc đẩy việc phát triển kinh tế - xã hội, du lịch dịch vụ và cải thiện đời sống dân sinh; tạo điều kiện hình thành, phát triển các đô thị vệ tinh, khu đô thị hoặc dân cư mới, tạo tiền đề mở rộng diện tích đô thị Huế về các phía; đồng thời khai thác hiệu quả các quỹ đất đã được quy hoạch hai bên tuyến dự án, tạo thêm nguồn thu cho ngân sách tỉnh.
“Dự án đường Nguyễn Hoàng và cầu vượt sông Hương” khởi công sáng hôm nay; cùng với các dự án đang triển khai như: “Tuyến đường bộ ven biển và cầu qua cửa biển Thuận An, Đê chắn sóng cảng Chân Mây (giai đoạn 2)... là những bước khởi đầu, cụ thể hoá, hiện thực hoá mục tiêu, chủ trương của tỉnh và của Trung ương về “Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại”, Chủ Tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế Nguyễn Văn Phương, nhấn mạnh./.