Aa

Khởi đầu ấn tượng, Hòa Phát đặt mục tiêu doanh thu kỷ lục nhưng vẫn thận trọng trước biến động quốc tế

Thứ Năm, 17/04/2025 - 21:38

Khởi đầu năm 2025 đầy ấn tượng với doanh thu và lợi nhuận sau thuế tăng mạnh, Hòa Phát đặt mục tiêu doanh thu 170.000 tỷ đồng trong năm 2025, cao nhất từ trước tới nay. Dù tự tin có nhiều yếu tố hỗ trợ, nhưng Hòa Phát vẫn rất thận trọng trước các biến động quốc tế.

Đặt mục tiêu lợi nhuận cao nhất từ trước đến nay và sẽ không điều chỉnh

Ngày 17/4, Tập đoàn Hòa Phát tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2025. Chủ tịch HĐQT Trần Đình Long cho biết, quý I/2025, ước tính Hòa Phát đạt 37.000 tỷ đồng doanh thu và 3.300 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng 19% và 15% so với cùng kỳ năm trước.

Năm 2025, Hòa Phát lên kế hoạch với doanh thu đạt 170.000 tỷ đồng, tăng khoảng 21%, là kế hoạch doanh thu cao nhất từ trước tới nay của Hòa Phát. Mục tiêu lợi nhuận sau thuế đạt 15.000 tỷ đồng, tăng gần 25% so với năm 2024.

Theo ông Long, Hòa Phát mạnh dạn xây dựng kế hoạch kinh doanh rất cao. Để hoàn thành, 3 quý còn lại mỗi quý phải lãi 4.000 tỷ đồng. Đây vừa là thách thức vừa là cơ hội và Hòa Phát sẽ không điều chỉnh kế hoạch kinh doanh.

Khởi đầu ấn tượng, Hòa Phát đặt mục tiêu doanh thu kỷ lục nhưng vẫn thận trọng trước biến động quốc tế- Ảnh 1.

Theo Chủ tịch Trần Đình Long, Hòa Phát mạnh dạn xây dựng kế hoạch kinh doanh rất cao, để hoàn thành, 3 quý còn lại mỗi quý phải lãi 4.000 tỷ.

Hòa Phát đã trải qua quý I/2025 với kết quả kinh doanh tốt đẹp. Ước tính Hòa Phát đạt 37.000 tỷ đồng doanh thu và 3.300 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng lần lượt 19% và 15% so với cùng kỳ năm trước, nhờ hoạt động xây dựng và triển khai các dự án đầu tư công, các công trình hạ tầng đường cao tốc, sân bay… sôi động quý đầu năm. Cùng với đó, nhờ đà tăng trưởng mạnh của năm 2024, doanh thu thuần đạt 138.855 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 12.020 tỷ đồng, tương ứng tăng 17% và 77% so với năm 2023.

Trong quý I/2025, sản lượng thép cuộn cán nóng (HRC) đạt 993.000 tấn, tăng 23% so với cùng kỳ, chủ yếu là thị trường nội địa (tiêu thụ 874.000 tấn HRC, tăng 9% so với cùng kỳ); các sản phẩm thép xây dựng, thép chất lượng cao đạt 1,19 triệu tấn, tăng 25%; phôi thép đạt 198.000 tấn, tăng hơn hai lần cùng kỳ; ống thép đạt 185.000 tấn, tăng 42%; thép dự ứng lực các loại đạt 38.500 tấn, tăng 7%. Chỉ có sản phẩm tôn mạ giảm 9% so với quý I năm ngoái, đạt 89.000 tấn.

Năm nay, Hòa Phát có “át chủ bài” là dự án Dung Quất 2 - dự án trọng điểm mà Hòa Phát đã dồn lực đầu tư từ năm 2022, với quy mô 280ha, tổng vốn 85.000 tỷ đồng. Dự án này là giai đoạn mở rộng của Khu liên hợp gang thép Hòa Phát Dung Quất, với mục tiêu nâng tổng công suất thép thô lên khoảng 14 triệu tấn/năm, tập trung vào các dòng sản phẩm thép chất lượng cao như thép cuộn cán nóng (HRC), thép xây dựng, thép chế tạo.

Cuối năm 2024, Hòa Phát đã khánh thành lắp đặt dây chuyền sản xuất HRC tại nhà máy. Phân kỳ 1 của dự án sẽ đi vào hoạt động từ năm nay và có thể sản xuất 1,4 triệu tấn thép HRC, tăng 47% so với năm 2024. Phân kỳ 2 dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2025, đầu 2026 và có thể vận hành tối đa công suất trong năm 2028 với 5,6 triệu tấn HRC/năm.

Dự án Dung Quất giai đoạn 2 sau khi hoàn thành có thể đóng góp lên tới 80.000 tỷ đồng doanh thu mỗi năm cho Hòa Phát, tăng khoảng 50 - 60% so với trước đó.

Bên cạnh đó, kết quả kinh doanh của Hòa Phát cũng được kỳ vọng cải thiện nhờ nhu cầu phục hồi từ thị trường bất động sản trong nước và đẩy mạnh triển khai các dự án đầu tư công trọng điểm.

Chính thức thông báo có dự án sản xuất ray ở Dung Quất 2 với tổng vốn đầu tư 14.000 tỷ

Trả lời cổ đông về việc cung cấp thép cho các dự án trọng điểm quốc gia ngành đường sắt, ông Trần Đình Long cho biết, với cả đường sắt thông thường và cao tốc, Hòa Phát có thể cung cấp sắt thép đường ray từ phần nền trở xuống, còn đầu máy toa xe có thể không làm, nhưng có thể cung cấp nguyên vật liệu.

Lãnh đạo Hòa Phát cũng chính thức thông báo có dự án sản xuất ray ở Dung Quất 2 với tổng vốn đầu tư 14.000 tỷ đồng, trên cơ sở cân đối nguồn lực. Ông Long chia sẻ, đó là dự án mới và rất khó, chưa sản xuất ở Việt Nam bao giờ. Nhưng Hòa Phát quyết tâm sản xuất thành công đường ray này và cam kết cung cấp được tất cả các loại thép cho phần nền của đường sắt.

Khởi đầu ấn tượng, Hòa Phát đặt mục tiêu doanh thu kỷ lục nhưng vẫn thận trọng trước biến động quốc tế- Ảnh 2.

Hòa Phát ký hợp đồng với Tập đoàn Primetals (Anh) để đầu tư thêm dây chuyền đúc và cán thép chất lượng cao tại Dung Quất – Quảng Ngãi.

Ngoài ra, ông Long cũng thông tin việc Bộ Xây dựng đã trình Chính phủ Nghị định giao nhiệm vụ và đơn hàng cụ thể cho doanh nghiệp trong nước. Việc này sẽ giúp các doanh nghiệp như Hòa Phát yên tâm đầu tư và phát triển sản xuất trong lĩnh vực này.

Về thép cuộn cán nóng (HRC), ông Long thông tin, hiện tại, toàn bộ sản lượng HRC do Hòa Phát sản xuất ra đều đã được tiêu thụ hết. Kết quả này có được nhờ chính sách bán hàng B2B (Doanh nghiệp tới Doanh nghiệp), trong đó các khách hàng doanh nghiệp đặt hàng trước từ 1 đến 2 tháng và thực hiện thanh toán trước khi nhận hàng.

Hiện tổng nhu cầu tiêu thụ HRC của Việt Nam hiện nay là khoảng 13 triệu tấn/năm nên Hòa Phát đang trong quá trình nghiên cứu, cân nhắc và thăm dò thị trường về khả năng sản xuất HRC tại Phú Yên. Dự án này có tiềm năng bổ sung thêm năng lực sản xuất khoảng 3 - 5 triệu tấn HRC mỗi năm.

Mảng kinh doanh sản xuất vỏ container cũng ghi nhận tình hình khả quan khi Hòa Phát đã nhận đủ đơn hàng sản xuất vỏ container cho đến hết tháng 6 năm nay. Trong tháng 4/2025, sản lượng xuất khẩu dự kiến đạt khoảng 4.000 TEU và Hòa Phát vẫn tiếp tục tìm kiếm các đơn hàng trong tương lai.

Thận trọng trước những thách thức

Tuy vậy, việc Hòa Phát có đạt được kế hoạch doanh thu kỷ lục năm nay hay không, một phần còn phụ thuộc vào những chính sách thuế quan thời gian tới. Trong đó, việc Bộ Công Thương vào ngày 21/2/2025 đã công bố thuế chống bán phá giá tạm thời (trong 120 ngày) đối với thép HRC nhập khẩu từ Trung Quốc sau quá trình khởi xướng điều tra từ tháng 7/2024 theo yêu cầu của Hòa Phát và Formosa. Quyết định này giúp Hòa Phát tăng sức cạnh tranh đối với HRC nhập khẩu từ Trung Quốc, đặc biệt trong thời điểm công ty sắp vận hành Dung Quất 2. Nhưng vẫn cần chờ xem chính sách trong dài hạn diễn ra theo xu hướng nào.

Trước đó, từ ngày 12/3/2025, Mỹ áp thuế nhập khẩu 25% đối với thép nhập khẩu và xóa bỏ các quy định trước đó. Quyết định mới có thể tạo ra môi trường cạnh tranh lành mạnh hơn giữa thép Việt Nam, trong đó có Hòa Phát với các quốc gia khác. Vì từ năm 2018, tthép Việt Nam đã chịu thuế 25%, cao hơn các quốc gia khác như Mexico, Canada, Hàn Quốc, Brazil, EU. 

Kể cả Mỹ áp mức thuế cao hơn, thì với sản lượng xuất khẩu vào thị trường này chỉ chiếm 8% doanh thu, tương đương 11.200 tỷ đồng, chuyên gia nhận định, khả năng Hòa Phát sẽ chịu ảnh hưởng không đáng kể, trừ sản phẩm tôn mạ có thể bị áp thuế chống phá giá ở mức 49,42%, theo quyết định sơ bộ do phía Mỹ công bố ngày 4/4.

Khởi đầu ấn tượng, Hòa Phát đặt mục tiêu doanh thu kỷ lục nhưng vẫn thận trọng trước biến động quốc tế- Ảnh 3.

Chia sẻ với nhu cầu đảm bảo nguồn vốn tiền mặt trước những biến động quốc tế của Hòa Phát, hầu hết cổ đông đều ủng hộ quyết định không chia cổ tức bằng tiền mặt.

Một tin vui khác đối với Hòa Phát là ngày 7/4, Tổng cục thương mại và an ninh kinh tế thuộc Ủy ban châu Âu (EC) đã ban hành thông báo áp dụng biện pháp chống bán phá giá (CBPG) tạm thời đối với một số sản phẩm thép cán nóng (HRC) nhập khẩu từ Việt Nam, Ai Cập và Nhật Bản vào thị trường Liên minh châu Âu (EU), nhưng mức áp thuế đối với Hòa Phát Dung Quất là 0%.


Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top