Aa

Khơi thông "dòng chảy" bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng Khánh Hòa

Thảo Vân (thực hiện)
Thảo Vân (thực hiện) thaovanno@gmail.com
Thứ Tư, 20/11/2024 - 06:45

Theo Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Khánh Hòa Trần Đình Quý, bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng không thể tách rời khỏi ngành du lịch địa phương và quốc gia. Sự phục hồi và phát triển của bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng trong giai đoạn tới cần được định hình dựa trên nét văn hóa riêng biệt và các yếu tố thu hút du khách bền vững, thay vì chỉ tận dụng những vị trí đẹp để xây dựng dự án rồi bán lại.

Du lịch và bất động sản du lịch nghỉ dưỡng là hai lĩnh vực có mối quan hệ gắn bó mật thiết. Sự phát triển của ngành du lịch thúc đẩy nhu cầu về bất động sản trong lĩnh vực này và ngược lại, bất động sản du lịch gia tăng nhanh chóng sẽ tạo ra nguồn cung đa dạng về cơ sở lưu trú du lịch cho các đối tượng khách khác nhau, góp phần thúc đẩy du lịch phát triển mạnh mẽ. Bởi vậy, chừng nào du lịch còn phát triển, chừng đó bất động sản nghỉ dưỡng sẽ vẫn còn cơ hội tăng trưởng tốt.

Sau một giai đoạn chịu nhiều tác động nặng nề của đại dịch Covid-19, ngành du lịch Việt Nam nói chung và tỉnh Khánh Hòa nói riêng đã ghi nhận sự phục hồi tích cực. Tin vui đến với Khánh Hòa ngay sau 9 tháng đầu năm khi địa phương này đã "về đích" với mục tiêu đón 9 triệu lượt du khách của năm 2024, trong đó có 3,6 triệu lượt khách quốc tế, vượt 20% so với kế hoạch năm nay.

Kết quả này đặt ra nhiều kỳ vọng về sự hồi phục của thị trường bất động sản du lịch nghỉ dưỡng, vốn đang nằm trong "nhóm cuối bảng" trên hành trình phục hồi của thị trường chung sau một giai đoạn trầm lắng. Ban Nghiên cứu thị trường và Tư vấn xúc tiến đầu tư (Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam - VARS) cũng đánh giá: "Hậu thuẫn lớn nhất cho bất động sản du lịch nghỉ dưỡng trong năm 2024 đến từ cơ hội hồi phục và phát triển của ngành du lịch".

Trên cơ sở đó, Tạp chí điện tử Bất động sản Việt Nam (Reatimes) đã có cuộc trao đổi với ông Trần Đình Quý, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Khánh Hòa để cung cấp cái nhìn rõ hơn về sự hồi phục của thị trường du lịch và những cơ hội, thách thức của bất động sản du lịch nghỉ dưỡng tỉnh Khánh Hòa trong năm 2025 và giai đoạn tiếp theo.

Khơi thông "dòng chảy" bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng Khánh Hòa- Ảnh 1.

Ông Trần Đình Quý, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản tỉnh Khánh Hòa.

Nhận diện tiềm năng phát triển của bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng Khánh Hòa

PV: Trước tiên, ông đánh giá như thế nào về sự phục hồi của ngành du lịch tại Khánh Hòa hiện nay?

Ông Trần Đình Quý: Du lịch Khánh Hòa trong giai đoạn hiện nay cho thấy nhiều dấu hiệu tích cực với sự hồi phục mạnh mẽ sau đại dịch. Như đã biết, Khánh Hòa là địa phương có nhiều lợi thế về điều kiện tự nhiên, vị trí địa lý, tài nguyên thiên nhiên để phát triển kinh tế - xã hội nói chung và phát triển du lịch nói riêng. Ngoài lợi thế về thiên nhiên, Khánh Hòa còn là nơi lưu giữ nhiều nét truyền thống văn hóa lâu đời, những công trình kiến trúc độc đáo, tiêu biểu là Tháp Bà Ponagar - biểu tượng của văn hóa Chăm Pa với lịch sử khoảng 1.000 năm, hay thành cổ Diên Khánh và hệ thống đình, chùa đậm nét văn hóa Việt... Những di sản này tạo nên sự khác biệt, giúp Khánh Hòa không chỉ hấp dẫn khách du lịch nghỉ dưỡng mà còn thu hút du khách yêu thích khám phá văn hóa, lịch sử.

Trong năm 2024, Khánh Hòa ghi nhận thành tích ấn tượng khi vượt mục tiêu thu hút khách du lịch đặt ra từ đầu năm. Theo kế hoạch, tỉnh phấn đấu đón 9 triệu lượt khách lưu trú, trong đó có 3 triệu khách quốc tế. Tuy nhiên, đến hết tháng 9, Khánh Hòa đã hoàn thành mục tiêu trên. Với đà tăng trưởng này, ngành du lịch Khánh Hòa đang nỗ lực đón thêm từ 1 - 2 triệu lượt khách trong 3 tháng cuối năm, qua đó nâng tổng số lượt khách lưu trú trong năm lên từ 10 - 11 triệu lượt.

Với lượng du khách quốc tế đến ổn định qua sân bay Cam Ranh, mỗi ngày, sân bay tiếp nhận gần 35 chuyến bay quốc tế từ các quốc gia như Hàn Quốc, Trung Quốc, Kazakhstan, Thái Lan và Malaysia... Điều này không chỉ thúc đẩy sự tăng trưởng của ngành du lịch mà còn tạo nền tảng vững chắc cho những mục tiêu phát triển dài hạn của địa phương.

Tính đến nay, hạ tầng cơ sở vật chất phục vụ du lịch tại Khánh Hòa cũng đạt được những bước tiến mạnh mẽ, tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển của bất động sản du lịch nghỉ dưỡng. Toàn tỉnh hiện có 1.181 cơ sở lưu trú, cung cấp hơn 64.689 phòng, trong đó các khách sạn 4 - 5 sao chiếm đến 40%, chứng tỏ mức độ phát triển cao của loại hình lưu trú cao cấp. Cùng với đó, các sân golf quốc tế như sân golf 18 lỗ của khu du lịch Vinpearl và Diamond Bay, hay sân golf 21 lỗ của KN Golf Links Cam Ranh, cũng là những điểm nhấn quan trọng thu hút du khách và các nhà đầu tư.

Ngoài ra, với 233 doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành, trong đó có 187 doanh nghiệp lữ hành quốc tế, tỉnh Khánh Hòa đã và đang gia tăng kết nối quốc tế, làm phong phú thêm sản phẩm du lịch, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của thị trường bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng.

Những yếu tố trên là minh chứng rõ ràng cho thấy du lịch Khánh Hòa đang trên đà phục hồi và phát triển mạnh mẽ.

PV: Trong bối cảnh đó, thị trường bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng tại Khánh Hòa cũng được hưởng lợi?

Ông Trần Đình Quý: Đúng vậy, sự tăng trưởng ấn tượng của ngành du lịch tại Khánh Hòa, đặc biệt với lượng khách lưu trú vượt kế hoạch năm 2024 đã tạo ra nhiều điều kiện thuận lợi để thúc đẩy thị trường bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng phát triển.

Giai đoạn này, dòng vốn đầu tư vào lĩnh vực bất động sản nghỉ dưỡng tại Khánh Hòa tăng trưởng đáng kể, không chỉ nâng cao giá trị của các dự án mà còn đóng góp vào sự phát triển chung của kinh tế địa phương. Khánh Hòa hiện đang đứng trước cơ hội vàng để trở thành điểm đến hàng đầu trong lĩnh vực bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng, nhờ kết hợp giữa lợi thế thiên nhiên, chính sách phát triển hạ tầng và sự quan tâm của các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Khơi thông "dòng chảy" bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng Khánh Hòa- Ảnh 2.

Du lịch Khánh Hòa phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch tạo đà cho bất động sản du lịch nghỉ dưỡng phát triển trong giai đoạn tới.

PV: Ngoài du lịch, còn có những yếu tố nào là trợ lực có thể giúp thị bất động sản du lịch nghỉ dưỡng Khánh Hòa bứt tốc trong giai đoạn tới, thưa ông?

Ông Trần Đình Quý: Thị trường bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng Khánh Hòa trong thời gian qua ghi nhận khởi sắc với nhiều yếu tố tích cực, góp phần thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ và bền vững. Bên cạnh điểm sáng về du lịch, tôi cho rằng còn có 3 động lực chính được xem là trụ cột cho sự tăng trưởng này.

Đầu tiên, phải kể đến sự chủ động và quyết liệt của UBND tỉnh Khánh Hòa trong việc tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc để phục hồi thị trường bất động sản. Với tinh thần triển khai nghiêm túc Nghị quyết số 33/NQ-CP của Chính phủ về giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, bền vững, tỉnh đã thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ nhằm định hướng thị trường phát triển lành mạnh, bảo đảm cân bằng cung cầu và khuyến khích các dự án trọng điểm, đặc biệt là các dự án bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng - thế mạnh vốn có của địa phương. 

Đồng thời, Nghị định 10/2023/NĐ-CP tháo gỡ cho hoạt động cấp sổ hồng của loại hình condotel, officetel… thời gian tới có thể đạt độ ngấm nhất định, đem lại hy vọng cho chủ đầu tư và nhà đầu tư, từ đó hỗ trợ sự bứt phá trở lại. Song song đó, việc 3 luật mới liên quan trực tiếp đến lĩnh vực bất động sản có hiệu lực đã góp phần tháo gỡ điểm nghẽn trong quá trình giao dịch và triển khai dự án giúp thị trường bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng Khánh Hòa hưởng lợi trực tiếp từ sự khởi sắc chung của thị trường bất động sản Việt Nam.

Thứ hai, động lực thúc đẩy thị trường bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng Khánh Hòa đến từ những bước đột phá trong công tác quy hoạch. Việc Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP. Nha Trang đến năm 2040 chính thức được phê duyệt vào đầu năm nay không chỉ mở ra cơ hội phát triển toàn diện cho TP. Nha Trang mà còn tạo sức hút lớn với các nhà đầu tư trong và ngoài nước, mang đến kỳ vọng về sự đột phá mạnh mẽ cho thị trường bất động sản du lịch tại đây. Những nỗ lực của địa phương trong hoàn thiện quy hoạch, kết hợp với sự hỗ trợ từ Trung ương, đã và đang định hình một bức tranh phát triển mới, hứa hẹn sẽ đưa Nha Trang nói riêng và thị trường bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng Khánh Hoà lên tầm cao mới cả về kinh tế, hạ tầng và vị thế trong khu vực.

Động lực thứ ba tôi muốn nhắc đến là sự cải thiện vượt bậc về hạ tầng giao thông. Tuyến đường bộ cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo đã được thông xe giúp thời gian di chuyển từ TP.HCM đến Nha Trang được rút ngắn đáng kể, chỉ còn khoảng 4 - 5 giờ đồng hồ, việc này đã tạo ra một cú huých lớn cho ngành du lịch biển, kéo theo đó là thị trường bất động sản nói chung và bất động sản du lịch nghỉ dưỡng nói riêng có cơ hội hồi phục. 

Đồng thời, các dự án giao thông trọng điểm khác như cao tốc Buôn Mê Thuột - Nha Trang, cao tốc Liên Khương - Nha Trang hay dự án nâng cấp, mở rộng sân bay quốc tế Cam Ranh đang được đẩy mạnh triển khai không chỉ tăng cường khả năng kết nối của Khánh Hòa với khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên mà còn mở ra nhiều cơ hội thu hút đầu tư từ các tỉnh Tây Nguyên. 

Hạ tầng giao thông ngày càng hoàn thiện đã kéo theo sự phát triển mạnh mẽ của thị trường bất động sản, đặc biệt là phân khúc bất động sản du lịch nghỉ dưỡng. Với sự thuận tiện trong di chuyển, Nha Trang trở thành điểm đến hấp dẫn cho cả người dân và nhà đầu tư tại TP.HCM cũng như các tỉnh phía Nam. Nhu cầu sở hữu ngôi nhà thứ hai vừa để nghỉ dưỡng, vừa để kinh doanh cũng đang gia tăng, thúc đẩy thị trường bất động sản Khánh Hòa có cơ hội khởi sắc.

Vẫn còn những thách thức

PV: Việt Nam nói chung và tỉnh Khánh Hoà nói riêng sở hữu tiềm năng vượt trội để phát triển bất động sản du lịch nghỉ dưỡng, nhưng thực tế cho thấy chúng ta vẫn còn đi sau một số quốc gia trong khu vực. Theo ông, đâu là nguyên nhân dẫn đến thực trạng này?

Ông Trần Đình Quý: Nhìn nhận một cách tổng thể, mặc dù có nhiều tiềm năng, lợi thế phát triển, tuy nhiên bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng Khánh Hòa cũng như một số địa phương có thế mạnh du lịch khác ở nước ta đang đối mặt với một yếu điểm chung, theo tôi đó là thiếu một chiến lược định hướng quốc gia mang tính nhất quán và lâu dài.

Dù sở hữu lợi thế tự nhiên vượt trội như "rừng vàng, biển bạc" và nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng, ngành du lịch Việt Nam vẫn chưa thực sự có thể khai thác hiệu quả để tạo sức cạnh tranh. Các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á như Thái Lan, Indonesia hay Malaysia không chỉ đầu tư bài bản vào chiến lược quảng bá mà còn tối ưu hóa chất lượng dịch vụ với mức giá cạnh tranh, mang đến trải nghiệm đồng bộ và đa dạng hơn cho du khách.

Trong khi đó, Việt Nam, dù sở hữu bờ biển đẹp hơn, nhiều lợi thế phát triển, tuy nhiên vẫn chưa định hình rõ nét về phân khúc thị trường, chiến lược khai thác du lịch nghỉ dưỡng và phát triển bền vững. Theo đó, sản phẩm du lịch tại Khánh Hòa hiện nay chưa thực sự đa dạng hóa các hoạt động để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách. Phần lớn các dịch vụ tại đây vẫn tập trung vào du lịch nghỉ dưỡng truyền thống, thiếu sự đột phá về các loại hình vui chơi, giải trí hoặc các hoạt động mang tính trải nghiệm. Đơn cử như tại khu vực Nha Trang, hiện chỉ có một điểm nhấn đáng kể là quần thể nghỉ dưỡng - vui chơi - giải trí tại đảo Hòn Tre của Vingroup. 

Trong khi đó, khu vực Bãi Dài - Cam Ranh, dù được quy hoạch và phát triển với nhiều dự án khách sạn và bất động sản nghỉ dưỡng cao cấp, nhưng vẫn thiếu các hạng mục dịch vụ khác như khu vực phi thuế quan, casino hay chợ đêm. Những yếu tố này không chỉ giúp tăng trải nghiệm cho du khách mà còn là động lực thúc đẩy chi tiêu, nâng cao giá trị ngành du lịch và bất động sản tại địa phương. Nhìn một cách khách quan, tôi cho rằng bất động sản du lịch nghỉ dưỡng tại đây thiếu sự đầu tư bài bản và lâu dài vào các khâu quan trọng như chăm sóc, hậu mãi, quản lý và hạ tầng dịch vụ. Thực trạng này không chỉ làm giảm tính bền vững của ngành mà còn khiến chúng ta phải đối mặt với những rủi ro trong dài hạn.

Bên cạnh đó, việc mất cân đối giữa không gian phát triển và quy mô phát triển thể hiện qua lượng du khách tới Khánh Hòa tăng nhanh trong khi hệ thống cơ sở hạ tầng, không gian phát triển đô thị và giao thông chưa theo kịp dẫn tới những vấn đề về giao thông, cảnh quan và trật tự đô thị phải chịu áp lực lớn. Hạ tầng du lịch Khánh Hòa tuy đã phát triển nhưng chưa thực sự đủ lực phục vụ mùa du lịch cao điểm. Quỹ đất phát triển du lịch tại khu vực TP. Nha Trang còn khá hạn chế, một số chủ đầu tư dự án nghỉ dưỡng hiện cũng đang tìm quỹ đất để phát triển mở rộng hơn.

Có thể nói, thị trường bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng của Việt Nam chưa thực sự tạo ra được điểm nhấn khác biệt, dẫn đến việc cạnh tranh nội bộ thay vì bổ trợ lẫn nhau để cùng nâng tầm thương hiệu du lịch quốc gia. Việc thiếu một kế hoạch tổng thể mang tầm quốc gia khiến thị trường này phát triển một cách tự phát, kém bền vững, dễ dẫn đến tình trạng bão hòa thị trường.

Cần tầm nhìn dài hạn và chiến lược bài bản để phát triển phân khúc bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng Khánh Hòa

PV: Theo ông, yếu tố then chốt nào sẽ quyết định sự phát triển bền vững, dài hạn của bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng Việt Nam nói chung và Khánh Hoà nói riêng? Trong đó, giải pháp cấp bách nào cần được thực hiện ngay để tạo nền móng vững chắc cho thị trường này có cơ hội tăng trưởng mạnh mẽ trong năm 2025 và giai đoạn tiếp theo?

Ông Trần Đình Quý: Trong phát triển bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng, không phải cứ đơn thuần "vẽ" ra những dự án lớn như sân golf hay khu nghỉ dưỡng cao cấp là thành công. Mấu chốt nằm ở sự phân tích, nghiên cứu và hoạch định chiến lược phù hợp. Câu hỏi đầu tiên cần đặt ra là: Ai sẽ là khách hàng mục tiêu? Nếu khách quốc tế là trọng tâm, chúng ta phải đáp ứng kỳ vọng về trải nghiệm độc đáo, dịch vụ chất lượng cao và giá trị văn hóa. Nếu khách nội địa là đối tượng chính, cần tính đến khả năng chi trả, nhu cầu nghỉ dưỡng và tiện ích thực sự hấp dẫn.

Hiện nay, một số nhà đầu tư bất động sản chỉ tập trung khai thác tối đa các nguồn tài nguyên sẵn có, mà vô tình bỏ qua giá trị bền vững. Tiện ích của bất động sản không phải chỉ nằm ở giá trị xây dựng, mà còn ở những gì có thể tạo dấu ấn văn hóa lâu dài, như "36 phố phường" của Hà Nội - một minh chứng về sự hòa quyện giữa giá trị truyền thống và du lịch trải nghiệm. Du khách đến không chỉ để chi tiền mà còn để cảm nhận và khám phá nét độc đáo, đây mới chính là "chìa khóa" để giữ chân du khách.

Thực tế, bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng không thể tách rời khỏi ngành du lịch địa phương và quốc gia. Sự phát triển cần được định hình dựa trên nét văn hóa riêng biệt và các yếu tố thu hút khách bền vững, thay vì chỉ tận dụng các vị trí đẹp để xây dựng rồi bán lại.

Khánh Hòa không chỉ sở hữu tiềm năng phát triển vượt trội nhờ vị trí chiến lược, thiên nhiên ưu đãi, mà còn nhờ các chính sách quy hoạch và kêu gọi đầu tư từ các cấp chính quyền. Để biến tiềm năng đó thành kết quả tăng trưởng, vai trò của các bên liên quan đều không thể bị xem nhẹ. 

Nhà nước đã xây dựng khung chính sách, lập quy hoạch, mời gọi các nhà đầu tư. Tuy nhiên, cơ chế và chính sách chỉ là "điều kiện cần". Một chủ đầu tư bước vào thị trường không chỉ cần đem theo nguồn vốn lớn mà còn phải chú trọng tạo ra giá trị. Giá trị này phải phục vụ không chỉ lợi ích của chính doanh nghiệp mà còn là lợi ích lâu dài cho địa phương, xã hội và khách hàng. Hiện tại, một số nhà đầu tư có xu hướng tập trung khai thác ngắn hạn, ưu tiên lợi nhuận trước mắt mà bỏ qua trách nhiệm phát triển bền vững. Câu chuyện này cần thay đổi. Một sản phẩm bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng lý tưởng không chỉ là công trình đẹp, mà phải là "tác phẩm" thực sự, mang lại dấu ấn văn hóa và giá trị phát triển lâu dài cho vùng miền.

Theo tôi, để bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng Khánh Hoà phát triển bền vững trong giai đoạn tới, đòi hỏi một chiến lược tổng thể với sự hợp tác giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người dân, mỗi "mắt xích" đều đóng một vai trò vô cùng quan trọng, không thể tách rời.

Để bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng Khánh Hoà phát triển bền vững trong giai đoạn tới, đòi hỏi một chiến lược tổng thể với sự hợp tác giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người dân, mỗi "mắt xích" đều đóng một vai trò vô cùng quan trọng, không thể tách rời.
Khơi thông "dòng chảy" bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng Khánh Hòa- Ảnh 3.Ông Trần Đình Quý, Chủ Hội Môi giới Bất động sản Khánh Hòa

Về phía các cơ quan Nhà nước, cần tiếp tục thực hiện vai trò định hướng chiến lược, giám sát và điều chỉnh các quy hoạch, chính sách phát triển hợp lý nhằm duy trì sự ổn định và phát triển lâu dài của thị trường bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng. Các chiến lược phát triển cần được thiết kế dựa trên khảo sát thực tế và nghiên cứu bài bản để phù hợp với đặc thù của từng vùng. Đồng thời, các cơ chế hỗ trợ nhà đầu tư và tạo điều kiện thuận lợi cho các dự án bất động sản du lịch cần được thiết lập rõ ràng và minh bạch, để không chỉ thúc đẩy kinh tế địa phương mà còn góp phần tạo dựng một hình ảnh du lịch bền vững, mang lại lợi ích lâu dài cho cộng đồng và nhà đầu tư. 

Hiện nay, chúng tôi nhận thấy Luật Kinh doanh bất động sản vẫn chưa thực sự quy định cụ thể đối với các sản phẩm hình thành trong tương lai là bất động sản nghỉ dưỡng, dù các sản phẩm nhà ở hình thành trong tương lai đã có quy định chặt chẽ. Điều này gây khó khăn cho các cơ quan quản lý, doanh nghiệp cũng như ngành môi giới trong việc xác định các sản phẩm bất động sản nghỉ dưỡng có đủ điều kiện để đưa ra thị trường hay không. Vì vậy, kỳ vọng rằng thời gian tới, Bộ Xây dựng sẽ có thêm hướng dẫn chi tiết về các sản phẩm này để hỗ trợ thị trường bất động sản nghỉ dưỡng phục hồi và phát triển minh bạch, hiệu quả, bền vững hơn trong tương lai.

Về phía doanh nghiệp, cần có trách nhiệm hơn trong việc tạo ra các sản phẩm có giá trị thực, thay vì chỉ khai thác lợi nhuận trước mắt. Các doanh nghiệp cần nhìn xa hơn, nỗ lực nhiều hơn để đem tới những trải nghiệm mới, những sản phẩm tiếp cận với nhu cầu thực tế của khách hàng. Điều này đòi hỏi trách nhiệm xã hội từ doanh nghiệp, khi không chỉ xây dựng một dự án mà còn kiến tạo một hệ sinh thái bao gồm thiên nhiên, văn hóa, ẩm thực và trải nghiệm du lịch độc đáo.

Về phía khách hàng, họ cần đóng vai trò là đối tác đồng hành, thúc đẩy sự phát triển bền vững thông qua các lựa chọn tiêu dùng thông minh. Những quyết định của khách hàng không chỉ ảnh hưởng đến doanh thu của các dự án mà còn góp phần thúc đẩy các doanh nghiệp tập trung vào chất lượng và tính bền vững. Khi khách hàng ưu tiên các sản phẩm du lịch có tính bảo vệ môi trường, gắn kết với văn hóa địa phương, và đảm bảo giá trị lâu dài, họ đang gián tiếp thúc đẩy các doanh nghiệp xây dựng dự án phù hợp với những tiêu chuẩn này. Điều này không chỉ giúp nâng cao chất lượng sản phẩm mà còn tạo ra một thị trường bất động sản du lịch ngày càng bền vững. Ngoài ra, với sự hiểu biết và nhận thức ngày càng cao của khách hàng về trách nhiệm xã hội và bảo vệ thiên nhiên, họ có thể yêu cầu các doanh nghiệp cải tiến sản phẩm, tạo ra trải nghiệm thực sự, đồng thời hỗ trợ nền kinh tế địa phương.

Đặc biệt, sự phối hợp đồng bộ giữa các ngành là yếu tố cốt lõi. Hàng không, khách sạn, dịch vụ vận chuyển hay các nhà cung cấp dịch vụ du lịch phải "liên hợp" để tạo ra giá trị chung. Ví dụ, dù có dự án tốt nhưng giá vé máy bay hoặc dịch vụ vận chuyển quá cao sẽ làm giảm sức hút đối với du khách. Đây là bài toán không thể giải quyết riêng lẻ mà cần sự kết nối liên ngành.

Nếu các bên tham gia thực sự đồng lòng, Khánh Hòa hoàn toàn có thể trở thành một biểu tượng phát triển bền vững trong lĩnh vực du lịch và bất động sản du lịch, đưa tiềm năng vô giá của vùng đất này vươn xa.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top