Aa

Không bọc nilon, sách đã đủ đẹp rồi!

Thứ Tư, 29/07/2020 - 07:00

Tôi yêu cuốn sách của tôi. Nhưng niềm vui của tôi sẽ trọn vẹn hơn nếu quyển sách đó không bọc nilon. “Em thế nào thì cứ thế mà đến” - Nhà thơ Tagor đã từng bảo vậy…

Hôm nọ, nhân ngồi café với mấy bạn văn, tôi dè dặt mang tặng quyển sách của tôi vừa mới ra lò. Sách đẹp. Vẫn nguyên đai nguyên kiện, từng quyển được bọc một lớp nilon mỏng trong suốt.

Đưa sách cho mấy bạn xong, tôi bảo các bạn hãy tự mở sách cho vui, để rồi tôi xin ký tặng. Một hai người loay hoay tìm chỗ xé. Một hai người khác phải tìm chìa khóa xe hoặc cái bấm móng tay để làm dụng cụ phá lớp nilon bọc sách.

Bỗng nhiên có một vị trong số đó hô lớn, bảo: “Hãy xem đây!”. Nói rồi, anh ấy bẻ cong cuốn sách lại. Tiếng vỡ rôm rốp. Hóa ra lớp nilon ấy thuộc loại giòn. Tất cả nhìn ngạc nhiên, rồi tất cả đều bắt chước. Thì ra nếu biết cách, chẳng khó khăn gì. Anh ấy bảo: “Tớ cũng không biết trò này đâu. Gần đây, một biên tập viên của một nhà xuất bản bầy cách thì mình mới biết”. 

Ra là thế!

Bỗng nhiên, tôi cứ lẩn thẩn nghĩ: in 1000 bản, vậy có 1000 tấm nilon bị xả vào môi trường.

Rác thải nhựa, trong đó phần lớn là túi nilon đang trở thành thảm họa của môi trường. (Ảnh sưu tầm) 

Theo con số thống kê năm 2019 của Cục Xuất bản, In và Phát hành, mỗi năm nước ta xuất bản khoảng 400 triệu đầu sách. Nếu tất cả các sách đó đồng loạt bọc nilon như vậy, thì tính ra mỗi năm sẽ có tương đương ngần ấy tấm nilon trôi nổi trong môi trường đất, nước, và cả không khí nữa nếu như bị đốt. Ấy là chưa kể dịch vụ bọc, túi đựng… kèm theo. Thật kinh khủng.

Nhà tôi có nuôi một con chó Poodle. Con này vốn tính nhát. Nghe tiếng động nhẹ bên cạnh hoặc từ xa vọng tới, nó co người lại rồi tìm cách lủi vào gầm giường. Trong số tiếng động, nó sợ nhất tiếng loạt soạt của nilon. Khi có một tấm nilon bị rơi xuống nền nhà chưa kịp dọn, gặp quạt gió, nó bay phất phơ. Con chó nhìn thấy, liền ba chân bốn cẳng tránh cho xa. Nhất là khi trong đêm, nếu nghe tiếng nilon lách rách do ai đó trong nhà đang mở, gói, bọc gì đó, là nó vùng dậy chạy xa. Trông mặt nó rất hốt hoảng tội nghiệp.

Chẳng biết trong số các quý vị, có ai giống tôi không. Tôi cũng như con chó poodle nhà tôi, trong đêm đang chập chờn đi vào giấc ngủ, lỡ nghe tiếng nilon loạt xoạt bên tai cho dù rất nhỏ là tôi lập tức tỉnh liền, rồi sau đó cầm chắc mất trắng một đêm không ngủ.

Đả đảo nilon!

Trong gia đình nhà tôi, lắm khi vợ chồng con cái mặt nặng mày nhẹ với nhau, giận dỗi nhau cũng chỉ vì mấy cái túi nilon. Thí dụ, vợ đi chợ về, tay xách nách mang khệ nệ hàng đống túi đựng đủ các loại thịt rau củ quả… Đã thế, có khi người bán hàng hào phóng lại dúi thêm mấy chiếc túi nữa vào tay, với ý ra chiều ưu tiên, quý mến… Nhìn thấy bịch to bịch nhỏ, không chịu được, gã chồng ngứa mồm: “Làm gì mà phải lắm túi nilon thế. Lần sau có thể bơn bớt đi được không?”. 

Thế là lời qua tiếng lại. Từ chuyện nilon có khi dẫn sang những chuyện đẩu đâu, có khi cả cái chuyện ngày xưa yêu con ấy sao không lấy nó cho nó rảnh… Khổ thế đấy.

Đả đảo túi nilon!

Túi nilon thân thiện với môi trường, dễ dàng phân hủy đang trở thành sự lựa chọn thay thế thông minh trong thói quen mua sắm của nhiều người dân. (Ảnh sưu tầm)

Tôi làm nghề dạy học. Đã từ nhiều năm nay, khi các sinh viên của tôi làm tiểu luận hoặc bài tập lớn, việc đầu tiên của tôi là nhắc: “Cấm các bạn khi đóng quyển sử dụng giấy bóng kính, vừa không cần thiết, vừa gây ô nhiễm môi trường, lại vừa tốn tiền. Bạn nào vi phạm sẽ bị trừ điểm”. Nói mãi rồi chúng nó quen. Khóa trước bảo khóa sau, không thấy đứa nào vi phạm nữa.

Trái đất và sự sống con người đang khổ vì ô nhiễm môi trường, trong đó có việc sử dụng rác thải nhựa vô tội vạ. Đã có nhiều chiến dịch phát động phong trào hạn chế sử dụng túi nilon, đồ dùng nhựa (chai, bịch, ống hút…) sử dụng một lần. Có thể cũng đã có ít nhiều tác dụng, nhưng chưa thấm tháp vào đâu như mong muốn. Nơi nơi, từ bãi biển, đến khu du lịch, đến các cánh rừng, công viên, chợ búa, siêu thị, nhà hàng… nơi nơi vẫn rác nhựa.

Trở lại với ngành xuất bản, nếu có thể được, nên chấm dứt bọc sách bằng chất liệu nilon. Thoạt nhìn quyển sách bọc nilon, có vẻ cũng óng ánh đẹp mã. Nhưng khi bóc lớp nilon ra khỏi sách, bỗng thấy có gì không ổn. Nói theo cách nói tuổi teen: Cứ sai sai thế nào í.

Tôi yêu cuốn sách của tôi. Nhưng niềm vui của tôi sẽ trọn vẹn hơn nếu quyển sách đó không bọc nilon. “Em thế nào thì cứ thế mà đến” - Nhà thơ Tagor đã từng bảo vậy…

                                                                                         Hà Nội, 7/2020

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Liên kết hữu ích
Lên đầu trang
Top