Aa

Không chỉ có dấu chân voi ở Luông Pha Bang

Thứ Năm, 21/05/2020 - 13:40

Tháng 5, tôi đi qua chùa Thạt Luổng, qua vườn tượng Phật với rất nhiều thiện cảm về dân tộc Lào. Và không chỉ có chùa, có vườn, nói như nhà văn Chăn Tha Phon thì “khi đến Luông Pha Bang, chị sẽ có nhiều ngạc nhiên khác".

Tháng 5 chết đuối vui buồn...

Ấy là câu thơ viết về tháng 5 trong tâm hồn nhà thơ Trương Thị Kim Dung, còn tôi, chắc sẽ không chọn "chết đuối buồn vui" tháng 5 theo cách đó. 

Tôi đến Thủ đô Viêng Chăn vào tháng 5. Nơi đây nổi tiếng với những ngôi chùa cổ cùng không gian tĩnh tại, để mỗi người đều có thể an nhiên dạo gót nơi chùa Thạt Luổng, ngôi chùa với những bức tượng sơn son thếp vàng dưới nắng vàng. Cách đó không xa, có một địa chỉ khác hấp dẫn, ấn tượng hơn là vườn tượng Phật, vốn là điểm nhấn đối với khách du lịch khi tới thăm đất nước Lào.

Vườn tượng Phật có hàng trăm pho tượng được đúc bằng xi măng. Mỗi pho tượng đều có vẻ đẹp và sự gắn kết với sử thi nhà Phật. Cùng nhiều tích dăn dạy để đời, tượng khơi gợi điều tử tế ở những người ở hiền, và cả kẻ ở ác. Nơi này được thiết kế để khắc dựng lên một địa ngục trần gian, để từ đó người xem hình dung và tránh xa cái ác. 

Vườn tượng Phật (Ảnh: HVH)
Nơi cổng vào thế giới địa ngục (Ảnh: HVH)

Tháng 5, tôi đi qua chùa Thạt Luổng, đi qua vườn tượng Phật với rất nhiều thiện cảm về dân tộc Lào, không chỉ có vườn tượng Phật điêu khắc, nói như nhà văn Chăn Tha Phon thì “khi đến Luông Pha Bang, chị sẽ có nhiều ngạc nhiên khác”. 

Nhưng, sau khi rong ruổi hơn 300 cây số để đến Luông Pha Bang, thì tôi không thể quên được những nét khắc họa chi tiết của mỗi ngôi chùa cổ truyền thống không thể lẫn với các nước Đông Nam Á. Nó khiến ta liên tưởng đến ngôi chùa Một Cột ấn tượng của Việt Nam. 

Những ngôi chùa cổ bên dòng sông Nậm Khan hiền hòa, con sông bắt nguồn từ phía Nam Ninh Trung Quốc chảy qua Xiêng Khoảng rồi chảy tới Luông Pha Bang, dài rộng hơn 90 cây số, bên núi Phou Si (Lào). Ngọn núi ấy không cao lắm, nhưng đứng trên đỉnh núi ta vẫn có thể nhìn thấy cả thành cổ, cố đô cổ và những nét hiền hòa thanh bình của miền đất này. 

Từ trên núi Phou Si nhìn xuống cố đô Luông Pha Bang
Chùa cổ ở Luông Pha Bang (Ảnh: HVH)

Dọc đường từ Viêng Chăn đến Luông Pha Bang, tôi đã đi qua những cánh rừng xăng lẻ, rừng cỏ gianh, rừng cây gỗ tếch, những rừng thông Lào xanh thẫm, mênh mông và u buồn. Chợt nhà văn người Lào tên Chăn Tha Phon, tên tiếng Việt là nhà văn E, đã nhắc đến ngôi mộ gió của nhà văn Văn Linh, có tên tiếng Lào là Thao Bun Linh, ở gần đâu đó. Nhà văn Văn Linh đã hai lần đánh thổ phỉ, bị truy lùng, và được nhân dân Lào bảo vệ, họ cũng từng lập mộ gió cho ông, để ông sống ẩn mình, tiếp tục hoạt động cách mạng. Một nhà văn Văn Linh, đã đặt những viên gạch đầu tiên cho nền móng Văn học của đất nước Lào từ thế kỷ trước, đào tạo ra lứa những nhà văn trẻ đầu tiên. Sau này, nhiều nhà văn Lào trở thành nhà văn lớn, nhận giải văn học Mê Kông, như nữ bác sỹ khoa nhi, nhà văn Văn May Súc Kong My, và nhiều nhà văn khác đã cống hiến cho nền văn học dân chủ nhân dân Lào.

Nhà văn Văn Linh, người Việt Nam, nổi tiếng với tác phẩm “Mùa hoa dẻ”, “Xáo Khay”, “Pả xua”, “Tịnh Hà dấu yêu”. Cuộc đời ông gắn với gần 70 đầu sách, dù ông Văn Linh mất đã 6 năm, nhưng nhà văn Lào vẫn không quên nhắc đến tên ông, rồi lặng lẽ cúi đầu xuống một cách kính cẩn biết ơn. Thật đáng kiêu hãnh khi tên tuổi nhà văn Việt Nam vẫn còn đó, và được vinh danh ở bên ngoài đường biên giới. Đời một người cầm bút như nhà văn vẫn không hề mất đi, sau khi đã để lại những đóng góp vô giá cho nền văn hóa, nền văn học tại nước bạn láng giềng.

Tôi bất chợt thấy mình đang “chết đuối” ở một giá trị khác của phẩm chất nhà văn Việt Nam, ít nhất ở không gian sống ngoài biên giới Tây Nam Lào, nơi không có tượng đài cụ thể, không có bằng khen, không có huân chương, nhưng sẽ còn mãi một tượng đài không biên giới - dành cho nhà văn Việt Nam đã từng cống hiến cho nhân dân, cho hòa bình của nước bạn Lào.

Tôi đã đi qua nhiều dòng sông trong nước và nước ngoài, nhưng khi dừng chân bên dòng Nậm Khan, rồi mượn một con thuyền nhỏ đi kéo lưới vớt cá ở khúc sông nhỏ, chỉ chốc lát là có cá nướng trên bờ, chợt thấy buổi chiều ở dòng sông nhỏ đang đổ ra sông Mê Kông lớn, có ý nghĩa lớn laođến thế nào. 

Tôi ngồi nướng cá với em Sourasith Lin, rồi cùng vừa thổi vừa nhằn gỡ xương cá. Cá ngọt nhưng tôi mê câu chuyện của Lin hơn là ăn cá nướng. Em đang xây nhà, dù thiếu thốn lắm, nên chiều chiều vẫn phải đánh cá trên sông, hái rau ven sông. Thức ăn dưới sông đã nuôi sống gia đình Lin, còn tiền của có được đều dồn vào đóng gạch, xây nhà. Tôi và em cùng ngồi bên ngọn lửa nhòa khói, tiêu hết thời gian cho chiều và đêm bằng câu chuyện hạnh phúc của Lin và Pứng - vợ em. Em dặn tôi, trên đường về nhớ đến chùa cổ ở Luông Pha Bang để thắp hương ở ngôi mộ có tới gần 100 chiến sỹ vô danh của Việt Nam đã nằm lại thung lũng bên đường mòn thời chiến tranh chống Mỹ, nơi đó là cánh rừng già, cách Viêng Chăn khoảng hơn 200 cây số. 

Tôi ghi nhớ lời của Lin vì em có trái tim nhân hậu, đã dành nhiều thương nhớ cho những người lính Việt đã hy sinh quên mình cho đất nước của em. 

Nướng cá trên sông Nậm Khan (Ảnh: HVH)

Sáng sớm hôm sau, khi leo núi Phou Si. Ngọn núi này không cao, không có tuyết bao giờ và cũng không hùng vĩ như núi Phú Sĩ của Nhật Bản. Chỉ cần leo hơn 300 bậc ta sẽ tới đỉnh núi, đứng trên đó, du khách có thể chụp ảnh toàn thành cổ kinh đô cũ của Luông Pha Bang. 

Ở đây có những ngôi chùa cổ xưa lắm, mang nét đặc trưng của Lào với những mái cong và vòm được thiết kế tinh sảo, có nơi sơn thếp vàng, có nơi mạ vàng. Đặc biệt, buổi sớm ở đây có những đoàn nhà sư đi khất thực, những người dân mang đồ ăn chay dâng tặng nhà sư, thành kính và chân tình. 

Đường phố Luông Pha Bang (Ảnh: HVH)
Nhà ở Luông Pha Bang (Ảnh: HVH)

Một điểm đến đáng nhớ nữa là chợ đêm ở đường Sisavangvong, đầy ánh đèn và thổ cẩm Lào. Chợ đêm bên Lào giá cũng rẻ và rất dễ mua, nhất là đồ mỹ nghệ bạc hay đèn. Tôi đi lướt chợ đêm, đi xem chợ chứ không thích mua sắm, để dồn sức cho sáng hôm sau đi thăm Bảo tàng Cung điện Hoàng Gia. Cung điện đẹp và có nhiều hiện vật bằng vàng, vẻ đẹp trễ nải của thời gian cũng lưu dấu sự bình yên tuyệt đối của một quốc gia tin vào phật giáo, tin vào sự thánh thiện của con người. 

Chợ đêm bán đèn ở Lào (Ảnh: HVH)

Ở đây, không nghe thấy chuyện mất mát hay trộm cắp, chỉ thấy sự cho đi hào hiệp, thanh thản của người dân, ai xin thì cho chứ không lấy của ai. Họ xin chứ không lấy cắp. Thì cứ ngạc nhiên đi, thì cứ tin vào sự an nhiên của cố đô Luông Pha Bang, một di sản được thế giới công nhận, và tôi tin vào tình yêu của con người, dân tộc Lào chân thành và chịu nhiều thiếu thốn chứ không nhặt nhạnh của người khác để vơ vào cho mình.

Tôi cũng đến được thác Kuang Si, rất nhiều khách du lịch châu Âu, Bắc Âu đã tới đây. Họ đến từ vùng đầy tuyết, còn tôi đến từ xứ xở đầy nắng, không có tuyết. Với tôi thì thác Kuang Si đẹp ở mức trung bình, so với thác Voi Đà Lạt, Bản Giốc Cao Bằng, thác Đray Sáp, Đray Nur hay còn gọi bằng cái tên khác là thác Chồng và thác Vợ ở Tây Nguyên. 

Thác Kuang Si

Tôi đi để biết, để thầm thì với chính mình rằng: “Thác nước Việt của chúng tôi huyền diệu lắm bạn ạ”. Nhưng đi một ngày đàng không phải để học một sàng khôn mà để nhìn ra rằng, chân trời cho dù rộng hẹp, cho dù là thiên nhiên, là thác nước hay con đò, thì đều là những chân trời mới cho mỗi dấu giầy. Để âm thầm đi, để thức ngộ chính mình, biết trân quý vẻ đẹp dưới chân mình và trân trọng hơn mỗi ngày được sống đẹp, được tận hưởng vẻ sáng tươi vốn có mà thiên nhiên ban tặng cho cuộc sống của mỗi chúng ta.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Liên kết hữu ích
Lên đầu trang
Top