Aa

Vợ nhà văn, phía sau những cánh đồng chữ

Thứ Năm, 30/04/2020 - 07:20

Phía sau những tác phẩm văn học, những giải thưởng vinh quang và cay đắng của nhà văn là những người vợ hiền. Họ chỉ sống bình dị thuần khiết, có người ở nông thôn ra, có người gốc thị thành.

Tôi có dịp may mắn được trò truyện với vợ các nhà văn nổi tiếng, ghi chép, học hỏi, thì thấy các bà, các chị chỉ chăm chăm nói về cái bếp nhà mình, còn chuyện văn chương thì “ông ấy viết dài thế làm gì có thì giờ để đọc. Còn, nếu viết ngắn quá, thì đọc lúc nào chả được!”. Với lý do ấy mà tôi rất thích “buôn” với vợ nhà văn. Mà tả thực chân dung nhà văn, tôi thiển nghĩ, không ai tả hay hơn các bà vợ tả chồng. Bài viết này chỉ ghi chép mấy ví dụ, về chuyện bếp núc của vợ các nhà văn nước Việt mà thôi.

Câu chuyện giống như thước phim đen trắng, tua chậm khoảnh khắc viết, đọc, những lát cắt đầy ánh sáng trong lao động của cố nhà văn Tô Hoài. Một cuộc đời cầm bút chưa có công nghệ 4.0, ông chỉ viết bằng bút trên trang giấy, với gần 200 tác phẩm. Thật đáng kính trọng. 

Bà Cúc, vợ cố nhà văn Tô Hoài, có lần ngồi nhặt rau ở phía sân sau ngôi nhà trong ngõ Đoàn Nhữ Hài, bà nói với tôi: “Nhà tôi gần một thế kỷ cũng chẳng sửa sang lại nhiều, nó vẫn cũ như thế. Cái bàn ông nhà tôi ngồi viết không to quá, cũng không nhỏ hẹp. Cứ thế, ông ấy đi về rồi ngồi viết ở chỗ đó thôi. Ông viết ở căn phòng gác 2, không rộng cũng không hẹp, nhà tôi viết buổi sáng, ông viết tới năm 90 tuổi, buổi chiều đọc báo và nghỉ ngơi”.

“Tôi có bếp ga nhưng rất hay nhóm lò cho nhà có hơi lửa, cốt để ấm nhà. Con cái bận đi làm, các cháu đi học. Hồi còn khỏe, ông nhà tôi đi suốt, về nhà chỉ cắm cúi viết, thế nên tôi hay vẽ việc nấu nướng, nhóm bếp cho đỡ buồn. Cứ mỗi khi nhà tôi ra tác phẩm mới là tôi mừng. Ông ấy bảo còn hơi thở thì còn viết, chứ không viết thì buồn tay buồn lòng lắm”.

Vợ chồng nhà văn Tô Hoài (ngồi), nhà văn Lý Thị Trung (áo nâu), nhà Nghiên cứu phê bình văn học Ngọc Trai (áo tím) (Ảnh: HVH)

“Ông nhà tôi viết rất chăm chỉ, sáng nào cũng viết, chiều chiều đọc báo, đọc cả giá tờ báo mấy đồng, mấy xu mới buồn cười chứ. Xong, cuối chiều mới vung tay vung chân mấy cái, gọi là tập thể dục đấy. Sau mấy cái đập tay đập chân đến ruồi cũng không chết ấy, là khoác áo đi chơi, đến nhà ông Bổng (nhà văn Nguyễn Văn Bổng) hay họa sỹ Phan Kế An, làm chầu bia... Tính nhà tôi thương người nghèo hơn mình, hay cho bạn, nhưng giúp người là chỉ mình biết mình thôi, người cho mà nhắc là không thích đâu. Bạn văn chương, xem cung cách ứng xử thì họ thương nhau lắm. Tôi vốn không nệ vào đồng tiền nên nhà tôi và tôi hợp nhau. Ông ấy đi đâu thì đi, cuối cùng vẫn về nhà, ngồi viết ở cái bàn xuềnh xoàng kia, cứ khi cúi xuống bàn viết thì ông ấy không biết gì tới xung quanh”.

“Còn tôi chỉ chăm cái bếp lò sao cho ông dùng bữa ngon miệng, ngồi viết, chứ tôi thì đọc xong cũng có chuyện nhớ, chuyện không. Giờ thì cứ nhìn gáy sách là nhớ ông ấy ngồi kia; chắc ông ấy vẫn đợi tôi một ngày xuống cơm nước cho nhà tôi đấy. Ở dưới đó ông ấy vẫn ăn cá một bữa không bao giờ ăn cá sang bữa thứ hai. Uống rượu thì chỉ uống ực một lần chén hạt mít. Tôi hiểu nhà tôi lắm”. Đúng là chân dung nhà văn quá lời kể của các bà vợ không dính dáng đến văn chương, đều là những câu tả thực rất hay, chỉ có điều họ không biết viết văn mà thôi.

Khác với vợ cố nhà văn Tô Hoài, vợ cố nhà văn Nguyễn Minh Châu, người nổi tiếng với tác phẩm: Cỏ lau, Miền cháy, Mảnh trăng cuối rừng, Khách ở quê ra, Dấu chân người lính… là chị Nguyễn Thị Doanh, một người cũng khoác áo lính, cùng binh nghiệp, nhưng không viết lách gì. 

Nhà văn Nguyễn Minh Châu và vợ - nguồn ảnh: Internet

Mới đầu, chị Doanh rất ngạc nhiên khi thấy anh ngồi đâu cũng viết được. Viết ở bên phòng nhà số 4 (số 4 Lý Nam Đế, Tạp chí Văn nghệ Quân đội) thì sáng ra chỉ thấy thuốc lào khét lẹt và nước trà, cốc chén bừa bãi, anh Châu nhìn vợ cứ như nhìn đi đâu ấy. Sau này, chị Doanh mới hiểu ra, không ngờ nhà văn lại lao động khổ não đến thế, thất thần đến thế. 

Chị nhớ nhất một lần xa lắm, anh Châu đưa mẹ và chị đi chợ quê, cái chợ Giát nghèo khổ, cái thời nghèo khổ không để đâu cho hết. Chợ Giát y như trong chuyện anh Châu viết “Khách ở quê ra”, nỗi nhớ con bò, nhân vật lão Khúng, nhớ cái nghèo xác xơ đong đầy thương cảm. Chị đọc anh Châu viết và hiểu ra nhiều thứ, cả vùng quê cơ cực một thời, cả tình thương không bến bờ mà nhà văn đã dành cho mẹ và cho vợ. 

Sau ngày anh Châu mất, chị đọc lại những di cảo của anh, những lá thư của anh gửi cho vợ từ thế kỷ trước, thư tình thuở ấy khác với thời 4.0 bây giờ. Những lá thư tay làm chị Doanh nhớ lại nhiều thứ. 

"Đời làm vợ, cũng có nhiều lần chị giận anh mà anh Châu không biết. Khổ thế. Chị cáu với anh đấy em ạ, thời đó vì cực quá thôi. Con nhỏ, ba đứa, vừa thiếu thốn nên hay sinh ra cáu gắt với chồng. Anh Châu thấy chị cáu thì lặng lẽ bỏ đi. Rồi khi về nhà thì ngồi cười hiền như lúa còn bảo: “Anh phải đợi em đấy”, chị hỏi: “Anh đợi gì?”, “Đợi em hết cáu anh mới về!”...".

Chị Doanh bảo, giây phút hạnh phúc nhất của chị là khi anh Châu mở cửa về nhà. Có khi anh viết xong từ nhà số 4 về, có khi anh đi thực tế về cùng với balo hay túi xách, cứ thấy anh mở cửa nhà là chị thấy hạnh phúc. Thì ra, hạnh phúc đơn sơ thế thôi, có gì to tát đâu với người vợ lính, vợ một nhà văn xứ Nghệ.

Có lần, anh Châu nói như nấc bên chị, anh không có tiền để mua lấy khoanh giò cho con nhân ngày sinh nhật. Lại có lần, anh thèm ăn cơm với cá biển rim nước mắm ngon, mà không có món cá rim cho anh ăn. Người xứ Nghệ ăn mặn em ạ. Vì lúc đó cá thì ít, con đông, bố nhịn cho con ăn, anh lại là nhà văn nên nói khéo lắm “bố vừa ăn tiệc bên cơ quan, bố ăn chán rồi, các con ăn hộ bố nhé”. 

Ngày ấy kiếm cá biển ngon đâu có dễ. Anh nói nhẹ nhàng thuyết phục, đến vợ cũng tin, tin rằng bố ăn tiệc bên nhà số 4 (cơ quan anh Châu ở Tạp chí Văn nghệ quân đội). Mãi sau này, chị Doanh mới ngớ ra, vô tình hỏi thăm một chị cùng cơ quan, mới hay cơ quan có tiệc tùng gì đâu. Thì ra anh nhường nhịn thức ăn cho vợ con, thế là chị nợ anh suốt đời một món cơm cá rim mắm ngon. 

Sau này, có cá ăn thì anh Châu bị ung thư máu, không được ăn mặn. Rồi đến lúc ra đi, chị Doanh mãi mãi nợ anh món cá biển rim nước mắm ở kiếp này. Rồi sau ngày anh mất, chị làm di cảo tác phẩm Nguyễn Minh Châu, những bè bạn viết về anh, sách anh in ra chị Doanh đều để sách và món cá biển rim trên ban thờ cho anh. Không ngờ món nợ này chị không sao trả được. 

Thì ra vợ nhà văn cứ quanh quẩn bên cái bếp, món ăn của chồng, với bao chi tiết mà nhà văn vắt óc cũng không nghĩ ra. Tình thương vợ chồng thật ra không bao giờ có bến bờ, nó như bản giao hưởng không lời nghe trong chiều mưa phùn ấy, gió mùa ấy đủ giữ lại trong lòng ngọn lửa của người vợ hiền luôn đứng khuất sau cánh gà kia, để cho chồng tỏa ánh hào quang trên sân khấu, với những tác phẩm chiến tranh để đời .

Lưu bút của nhà biên kịch, nhà thơ duy nhất viết thơ bằng chữ Hán - Tào Mạt, tặng nhà văn Triệu Bôn (Ảnh: HVH)

Lại nhớ đến vợ nhà văn Nguyễn Xuân Khánh, chị em chúng tôi hay ríu rít chuyện chợ búa cơm nước. Có lần, tôi đến thăm anh chị, chị đang vác thằng cháu nội lên bậc thang như vác quả bí đao. Chị vừa bảo nó không được đụng vào sách tiểu tuyết của ông nội. Rồi cho nó ăn, rồi chị hét tướng lên, rằng cháu không được đi tiểu vào cái cây trúc nhật trên ban công. Nước đái vào cây nó xót, cây nó chết. 

Thử hỏi đứa cháu ba tuổi làm sao nó biết nước đái xót thì cây sẽ chết cơ chứ? Chị Hoàn cười tít, xởi lởi, chăm chút cho chồng ngồi viết, những tác phẩm như Trư cuồng (sau đổi tên là Chuyện ngõ nghèo), “Hồ Quý Ly”, Mẫu Thượng Ngàn, Đội gạo lên chùa... và bao cuốn sách dịch khác. 

Phía sau tác phẩm của anh là biết bao công sức thu vén gia đình của người vợ đảm; thu vén nuôi bốn người con phương trưởng. Bốn đứa con đều đọc sách và thuộc hết các nhân vật của tiểu thuyết bố viết ra. 

“Nhà này chỉ có mỗi mình tớ không đọc sách”, có bận chị Hoàn bảo với tôi: “Anh cô viết dài bỏ xừ, đọc mệt chết đi được, mới lại không mệt cũng không thể đọc, lũ cháu nội bâu lấy suốt ngày. Thời gian đánh vật với chúng nó lấy đâu thời gian mà đọc sách”.

Ngay cả hỏi tên mấy ông nhà văn chơi thân với nhà văn Nguyễn Xuân Khánh, thì các ông ấy cũng lặng đi, cười trừ. Có anh kêu, mình chỉ quen gọi chị Khánh thôi, có hỏi tên đâu mà nhớ, mà vợ nhà văn có viết văn đâu, có tác phẩm đâu, nhớ tên làm gì?

Chân dung nhà biên kịch Tào Mạt - nguồn ảnh: Internet

Viết đến những dòng này tôi lại nhớ lay lắt chị Bát lam lũ, bình dị vô cùng, vợ nhà biên kịch Tào Mạt. Mỗi lần tôi đi qua chợ Hòe Nhai lại nhớ chị Bát, phơi mặt, phơi lưng, bán trứng gà trứng vịt, lạc vừng, để thêm đồng tiền thuốc cho chồng những ngày anh Tào Mạt bị ung thư nằm ở viện Quân y 108. 

Thương chị tần tảo, không biết đến thơ phú, những tập thơ chữ Hán, đến các vở chèo “Bài ca giữ nước” nổi danh một thời của chồng. Chị nuôi con và chăm gia đình đã đủ mệt rồi. Tôi đọc thơ chữ Hán của Tào Mạt “sáu mươi ba xuân đi qua/chỉ để lại một tiếng đàn buồn/từng trải qua bao nhiêu cuộc chiến trận/chỉ để lại một tiếng nổ không vang”. 

Vâng, tác phẩm của ông còn lưu mãi còn trong Thư viện Quốc Gia Việt Nam, trong cuốn từ điển văn học, và từ điển Kịch. Chỉ có tên tuổi của vợ các nhà văn là không có, không vang, chỉ lặng lẽ, khuất lấp. Họ là những người vợ hiền, yêu chồng theo cách riêng của phụ nữ Việt, chính họ để lại một tiếng nổ không vang, họ chìm, để đứng sau tiếng vang, những tác phẩm danh tiếng của chồng!

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top