Aa

Lần đầu vào Sài Gòn, năm ấy...

Thứ Bảy, 02/05/2020 - 18:00

Sài Gòn thật đẹp trong cái nhìn bỡ ngỡ của tôi. Tôi mượn một chiếc xe máy của cô bạn gái đang dạy học trong đó, một mình một bản đồ thành phố trên tay, cứ thế mà đi. Sài Gòn lúc ấy chưa đông lắm.

Nói ra kể cũng tội, đến tận năm 1997, tôi mới được vào Sài Gòn lần đầu tiên, nghĩa là sau ngày thống nhất già 20 năm. Ngày ấy, thế hệ chúng tôi, ai cũng mong mỏi được “Nam tiến” một chuyến xem Sài Gòn và xứ sở phương Nam ra sao, nơi mà chúng tôi chỉ được nghe kể, được đọc trên sách báo.

Năm 1993, thấy nhà văn Hòa Vang, nhà thơ Nguyễn Lương Ngọc (cả hai người nghệ sĩ này với tôi đều là chỗ thân gần) thực hiện chuyến đi bộ xuyên Việt, lòng chúng tôi lại càng rạo rực. Cái ý muốn vào Nam lại được thôi thúc. Bụng bảo dạ, để xem chuyến đi của hai ngài trở về thế nào, thì rồi sẽ tính sau…

Năm 1995, tôi và nhà Nghiên cứu phê bình Chu Văn Sơn cùng đoạt giải cuộc thi Bình văn của Tạp chí Kiến thức ngày nay, giải không cao hẳn nhưng cũng đủ được mời vé vào nhận giải. Hai thằng chúng tôi háo hức lắm. Lúc ấy vào dịp cuối năm. Cả hai chưa có dịp vào lần nào, nên đã toan tính vay mượn chút tiền đâu đó rồi cố vào một chuyến. Đành rằng tòa soạn họ lo vé vào, quá lắm cho một bữa... đánh chén, chứ làm gì có điều kiện đãi đằng những ăn cùng ở. Cũng phải tính toán cho kỹ kẻo sểnh nhà ra thất nghiệp.

Sài Gòn thuở ấy... (Ảnh: Internet)

Đang dùng dằng đi hay không thì đùng một cái tôi nhận được thông báo lịch bảo vệ luận án, đúng vào ngày Tết ông Công ông Táo, nếu tính theo năm Tây là đã vào cuối tháng 1/1996 rồi. Thế là thôi, giấc mộng Sài Gòn tan tành mây khói. Cái sự bảo vệ luận án là lo lắm. Lo làm thủ tục giấy tờ, lo mượn phòng, lo mời mọc, nếu thành viên Hội đồng nào già cả hoặc có nhu cầu đi taxi lại còn phải có người đi đón; rồi thì nếu xôm trò ra cũng nên có một bữa liên hoan… Nghĩa là đủ thứ phải lo. Rồi tôi đành phải quên đi dự định vào Nam. Thấy tôi không đi, Chu Văn Sơn cũng mất cảm hứng, rồi thôi. Đận ấy, cả hai tiếc mãi…

May mà cũng chẳng phải chờ lâu, năm 1997, tôi có một chuyến vào giảng dạy lớp Đại học Báo chí tại chức ở Sài Gòn. Thật là thỏa lòng mong ước. Sau năm ngày dạy, tôi ở lại Sài Gòn để thăm thú vài nơi được coi là nổi tiếng, thăm thú vài anh em bạn viết, gặp vài người bạn cũ đã chuyển công tác trong này và nhất là tranh thủ đi thư viện để tầm tư liệu báo chí trước 1975. Lúc bấy giờ tôi đang theo đuổi một dự án riêng: Sưu tầm, khảo cứu sự nghiệp nhà văn Vũ Bằng, một người mà lúc ấy đang bị cái án nghi ngờ là lúc sinh thời đã theo địch, phản động…

Sài Gòn thật đẹp trong cái nhìn bỡ ngỡ của tôi. Tôi mượn một chiếc xe máy của cô bạn gái đang dạy học trong đó, một mình một bản đồ thành phố trên tay, cứ thế mà đi. Sài Gòn lúc ấy chưa đông lắm. Chả đi được nhiều thì cũng phải biết Dinh Độc lập, Nhà thờ Đức Bà, Bến Nhà Rồng, Sở thú, Bưu điện, những nơi người ta hay nhắc đến. Ngày đó chưa có Iphone, muốn chụp hình làm kỷ niệm lại phải thuê các tay máy săn khách tại chỗ, chụp xong, sau ít phút đã có ảnh ngay.

Dấu ấn Sài Gòn xưa. (Ảnh sưu tầm)

Rồi nữa, phải đến mấy thư viện lớn. Ngoài Thư viện Thành phố, tôi đã đến Thư viện Khoa học xã hội, nhất là Thư viện Thành ủy – nơi lưu giữ được nhiều sách báo trước 1975 nhất. Lúc ấy, phần lớn sách báo trước 75 vẫn thuộc loại tài liệu hạn chế, muốn đọc phải có giấy giới thiệu, và đọc tại chỗ, chỉ được ghi chép, chứ không được photo. May sao, tôi đã làm quen với một thủ thư của Thư viện Thành ủy. Cô ấy giúp tôi rất nhiều tư liệu quý. Nếu không có cô ấy, chắc chắn tôi đã bị từ chối từ vòng… gửi xe. Ân tình ấy chẳng bao giờ quên.

Cái dân viết lách ở những miền đất khác nhau thường là “Văn kỳ thanh bất kiến kỳ hình”. Trước đó, nhà Nghiên cứu phê bình Huỳnh Như Phương (nay đã là Giáo sư danh tiếng) và tôi cũng đã có thư từ công việc trao đổi với nhau, nhưng chưa bao giờ gặp nhau. Anh ấy đã có lần “rủ rê” tôi bỏ Hà Nội để vào đấy công tác. Một lời mời thật hấp dẫn đối với một người sẵn máu phiêu du như tôi. Giá như lúc ấy vẫn một thân một mình, chưa vợ mọn con thơ thì chắc tôi cũng đã gật đầu rồi. 

 Lần này vào Sài Gòn, tôi hẹn gặp. Tay bắt mặt mừng, vào cuối buổi chiều hôm đó, anh rủ tôi và mấy người bạn của anh đi nhậu. Cái quán ấy có một cái tên mà vào thời điểm đó nghe rất lạ, gây ấn tượng: “Bò tùng xẻo”, một cái quán mênh mông, vào lúc cao điểm cuối chiều đó, có dễ đến suýt soát nghìn người ăn nhậu. Chỉ ít ngày sau đó, loại quán mang tên “Bò tùng xẻo” đã nhanh chóng có mặt ngoài Hà Nội. Nhớ mãi cuộc nhậu hôm ấy, tôi bị trận ho gần chết do sặc mù tạt, cái thứ mà lúc bấy giờ ở ngoài Bắc chưa nhiều người biết ăn.

Trong rất nhiều cái nhớ về đận vào Sài Gòn lần đầu tiên ấy, có một chuyện thật là cắc cớ. Ấy là chiếc xe máy của cô bạn gái tôi. Thấy tôi đi lại vất vả, sợ cứ xe ôm suốt thì tốn kém, nên đã đưa cho tôi chiếc xe máy để đi trong mấy ngày. 

Thật là ái ngại. Cô ấy bảo nhà em có hai xe, anh cứ lấy mà dùng. Em đi làm thì ông xã em đưa em qua trường, còn khi về thì em đi với bạn em gần nhà, anh đừng phải ngại… Đã nói thế thì còn biết tính sao. Mấy ngày lang bang thư viện, phố xá, bạn bè “thật đã” (nói theo người Sài Gòn). Sau khoảng 4 ngày lăn lóc phố phường, đến ngày thứ 5 là có thể không cần nhòm vào bản đồ trên tay nữa. Trước khi lên tàu (chứ không có tiền đi máy bay) về Bắc, tôi gọi cô bạn đến nhận xe máy giúp. Cô ấy bảo đang bận không thể đến được, cứ mang vào cơ quan cô ấy, dặn anh bảo vệ giùm. Tôi đành làm theo.

Chuyện chưa dừng ở đó. Mấy tháng sau, tôi lại có dịp được vào Sài Gòn lần nữa. Gặp lại cô bạn. Sau hồi trò chuyện, cô ấy toe toét cười, rồi khoe cái xe máy đó đã bị bọn trộm chôm chỉa mất rồi, rằng hôm tôi để nó ở cơ quan, cô ấy bận việc, đi công tác một tuần sau mới về; đầu tuần đến cơ quan lấy xe thì chiếc xe đã bị bốc hơi, chả là tường rào của cơ quan có những chỗ rất hớ hênh… Cô ấy lại toe toét bảo: “Thì ra cái xe ấy đáng giá nhất là trước khi nó mất, anh đã dùng nó trong suốt 5 ngày”.

Sau này do công việc, tôi đi lại Sài Gòn khá nhiều lần. Cũng đã mấy lần đi cùng với anh bạn thân họ Chu xấu số (đã mất do bệnh hiểm nghèo). Bạn bè qua năm tháng cũng đã đông tuổi thêm lên. Rồi con trai lớn cũng mới nhận một công việc trong đó. Thế nên, Sài Gòn với tôi ngày càng gắn bó, thân thương.

Khi nơi nào đó có những người thân quý, ta luôn cảm thấy rất gần…

                                                                                                      Ngày thống nhất, 30/4/2020

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top