Aa

Không gian văn hóa thờ trong ngôi nhà Việt

Thứ Bảy, 14/09/2019 - 06:30

Người Việt quan niệm, mình thì ở tạm được, nhưng tổ tiên thì không. Vì con cháu ở đâu ông bà ở đó, nên mình phải ở như thế nào cho xứng đáng. Nếp nhà "ăn", "ở" của người Việt hình thành từ quan niệm trên.

Không gian thờ là không gian quan trọng xứng đáng bậc nhất trong không gian văn hóa Việt.

Vì, "có thờ là có thiêng", nên chỗ nào "thiêng" thì đó là chỗ quan trọng nhất.

Thiêng, được hiểu là nơi cộng hưởng cao nhất năng lượng của con người với thiên nhiên, giữa thế giới hữu hình và vô hình trong tương tác thuận.

Do hiểu được như vậy nên người Việt hết sức thành tâm, chăm lo cẩn trọng trong việc lễ lạy, cúng bái, thờ tự.

Chỗ ở, với người Việt không quan trọng bằng chỗ thờ. Vì vậy, ở là để thờ. Nhà trong tâm thức người Việt, dựng lên là để có nơi thờ tự tổ tiên (có nơi tổ tiên ngự - ở).

Người Việt quan niệm, mình thì ở tạm được, nhưng tổ tiên thì không. Vì con cháu ở đâu ông bà ở đó, nên mình phải ở như thế nào cho xứng đáng. Nếp nhà "ăn", "ở" của người Việt hình thành từ quan niệm trên.

Gian thờ tự là không gian quan trọng cần được thành tâm chăm chút trong mỗi gia đình Việt. Ảnh: Internet

"Ở" là cả một nền văn hóa hành xử của tộc Việt: "ăn hiền ở lành".

"Ở" chính là chữ "cư" trong từ "an cư lạc nghiệp", có nghĩa là "sống", chứ không đơn giản là cái nhà che mưa nắng.

"Ở" sao mà tổ tiên có mặt "cùng ở" với mình.

"Ở" sao không trái với người đã sinh thành ra mình.

"Ở" sao cho an, theo quan điểm người Việt cũng có nghĩa là "sống" sao để hưởng được sự che chở bảo hộ của tổ tiên. Đó mới là "an cư".

Dân gian không nói "an cư" mà nói "ở lành". "Ở lành" lại phụ thuộc vào "ăn hiền". Muốn "ăn hiền" ta phải "biết kiêng". "Có kiêng có lành".

Như vậy, là hình thành cả một vòng tròn trong hành xử: do "có thờ có thiêng" mà ý thức về cội nguồn dân tộc không bao giờ mất, và thái độ tôn trọng, đùm bọc tạo ra đoàn kết trong đất nước vì đều là người đồng bào.

Muốn thắt chặt vững bền quan hệ đó phải biết kiêng. "Có kiêng có lành" hình thành. Như vậy con người là trung tâm của tương quan đó nên con người phải xây dựng việc "ăn hiền ở lành" thành một đạo lý sống thiện trong ứng xử!

Đạo thờ tổ tiên trở thành nét văn hóa đặc thù cho lối sống của đạo lý sống thiện: "ăn hiền ở lành" của Đại Việt mấy ngàn năm qua.

Nhà ba gian hay năm gian, gian giữa là gian đẹp nhất, người Việt dành để thờ, đó là nơi tổ tiên "ở". Nếp nhà gỗ, nếu đó là nhà khá giả thì chỉ cột, kèo và đòn tay ở gian giữa mới chạm trổ kỳ công. Ở hai cột chính gian giữa có đôi câu đối, có bức đại tự... Như vậy, ta thấy phần người sống ở là phụ, gian giữa để thờ là chính.

Gian giữa chính là gian nổi bật nhất về chạm trổ và trưng bày. Vì nơi đó có sự ngự trị của tổ tiên giống nòi ngàn đời. Có thờ là có biểu tượng của nguồn cội, có thờ là có thiêng.

Vậy nhà được tạo dựng là để thờ, và con người đang tồn tại trong ngôi nhà đó là người có bổn phận giữ trọng trách việc thờ cúng tổ tiên.

Thờ là để tiếp nhận năng lượng hùng thiêng của nguồn cội tổ tiên.

Thờ là để duy trì đạo lý sống thiện: "ăn hiền ở lành".

Thờ là khẳng định sự nối tiếp và tôn vinh tính đồng bào của dân tộc.

Thờ là biểu tượng đặc trưng của đạo làm người: đạo hiếu.

Không gian thờ trở thành không gian văn hóa thờ tiêu biểu cho không gian văn hóa Việt muôn thưở cần gìn giữ!

Chính vì vậy, khi chúng ta làm nhà ở tư gia, hoặc ngay cả khi chúng bạn làm cả dự án chung cư hay biệt thự, hãy lưu tâm đến gian thờ tự tổ tiên trong mỗi ngôi nhà. Đó chính là không gian cho lòng hiếu được biểu hiện, cho ngôi nhà trở nên ấm cúng hơn, lành hơn, thiêng hơn! 

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top