Aa

Không giao doanh nghiệp làm quy hoạch - cách mạng mới cho phát triển đô thị?

Thứ Năm, 20/05/2021 - 10:00

Hiện tượng “xin - cho” điều chỉnh quy hoạch dự án gây nhiều tranh cãi và bức xúc trong thời gian qua. Theo đó, định hướng không giao cho doanh nghiệp làm quy hoạch đang được đánh giá cao.

Cải cách mới cho câu chuyện quy hoạch đô thị

Làm việc với Bộ Xây dựng ngày 18/5, Thủ tướng Phạm Minh Chính gợi mở hàng loạt định hướng chiến lược để phát triển ngành trong thời gian tới. Đáng chú ý, liên quan đến vấn đề quy hoạch, Thủ tướng nhận đinh, công tác quy hoạch đã đạt một số kết quả nhưng chưa được thực hiện bài bản, nền nếp, “chưa ăn sâu vào tiềm thức của người lãnh đạo”, cả về tư tưởng quy hoạch, không gian quy hoạch, hiệu quả quy hoạch, định hướng quy hoạch. Thủ tướng cho rằng, Luật Quy hoạch đã có, Bộ phải tập trung, tiếp tục xây dựng, hoàn thiện thể chế cho công tác quy hoạch.

Thủ tướng yêu cầu, quy hoạch phải xứng tầm với sự phát triển kinh tế, văn hóa và trình độ, năng lực của đất nước, xu thế của thời đại. Quy hoạch phải có tầm nhìn dài hạn, có lớp lang, vừa khắc phục những nhược điểm. Công tác quy hoạch kiến trúc phải được coi trọng, nâng tầm hơn và thay đổi nhận thức cho cả hệ thống.

Đặc biệt, Thủ tướng nhấn mạnh công tác quy hoạch dứt khoát phải do Nhà nước nắm, không giao cho doanh nghiệp làm quy hoạch. Công tác quy hoạch phải hướng tới mục tiêu phát triển sản xuất kinh doanh, từ đó thu hút dân cư và phát triển lĩnh vực bất động sản, phát triển đô thị.

“Nếu quy hoạch chỉ quan tâm tới xây dựng nhà ở, mất cân đối cung cầu, không phát triển sản xuất kinh doanh thì sẽ làm lãng phí nguồn lực xã hội”, Thủ tướng chỉ rõ. 

Thủ tướng cũng yêu cầu khắc phục cho được tình trạng chồng chéo trong quy hoạch, những bất cập trong việc thay đổi quy hoạch. Ông nhắc tới nhiều ví dụ cụ thể về phá vỡ quy hoạch khiến hạ tầng quá tải tại một số đô thị.

Có thể nói, trong bối cảnh nhiều đô thị đang có diễn biến xấu như hiện nay về tầng cao, mật độ xây dựng, hệ số sử dụng đất, tải hạ tầng đô thị… thì chỉ đạo của Thủ tướng là cần thiết, có thể coi đó là toa thuốc điều trị căn bệnh loạn quy hoạch vốn dĩ đã xảy ra nhiều năm nay.

Quy hoạch đô thị sông Hồng được đề xuất không giao cho doanh nghiệp làm
Quy hoạch đô thị sông Hồng được đề xuất không giao cho doanh nghiệp làm.

Trước đó không lâu, chia sẻ về đồ án quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng với tỷ lệ 1/5.000, đoạn 40km từ cầu Hồng Hà đến cầu Mễ Sở, lãnh đạo TP. Hà Nội đã nhấn mạnh: “Nhà nước làm, không giao cho doanh nghiệp”.

Theo đó, rất nhiều chuyên gia, nhà phân tích đã hoàn toàn đồng ý và tán thành với quan điểm này. Trong đó, KTS. Phạm Thanh Tùng, Chánh Văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam cho hay: “Trong quá trình đô thị hóa và mở rộng Hà Nội, chúng ta đã phải trả giá đắt khi lúc này, lúc khác để doanh nghiệp chi phối lập quy hoạch, thậm chí điều chỉnh cả quy hoạch của Nhà nước vì lợi nhuận. Vì thế mới có chuyện nhiều nơi bị chất tải bởi những cao ốc, tăng dân số, gây ách tắc giao thông, ô nhiễm môi trường. Nhiều khu đô thị thiếu hạ tầng kết nối. Nhà nước lập thì Nhà nước mới làm chủ được mục đích của mình. Tôi rất tâm đắc với quyết định của Hà Nội lần này. Đó là quyết định đúng đắn. Để doanh nghiệp làm thì phải hiểu rằng đằng sau việc họ tài trợ sẽ là nguy cơ về “lợi ích nhóm”.

KTS. Phạm Thanh Tùng, Chánh Văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam.

Còn TS. Trần Minh Tùng, Trường Đại học Xây dựng Hà Nội cho rằng: “Việc quy hoạch phải do Nhà nước làm một cách thận trọng, cầu thị, lắng nghe ý kiến từ các nhà chuyên môn công tâm, tâm huyết với sự phát triển của thành phố. Chủ đầu tư dự án cũng nên là chính quyền thành phố để tránh tình trạng các doanh nghiệp “cài cắm” những ý đồ riêng của mình thông qua việc khai thác triệt để giá trị kinh tế đất đai khổng lồ, dẫn đến nguy cơ thành phố khó có thể sửa sai trong tương lai”.

Các chuyên gia cùng có quan điểm đồng tình rằng, không thể cứ giao đất cho doanh nghiệp để họ toàn quyền xây dựng mà Nhà nước cần có kịch bản quy hoạch. Nhà nước phải làm chủ quy hoạch, để từ đó nhận thức rõ được giá trị của đất đai, của phát triển đô thị bền vững khi minh bạch các quỹ đất sau quy hoạch. Những lời tâm huyết của Thủ tướng, của lãnh đạo Hà Nội hay các chuyên gia đều là kim chỉ nam cho bài toán quy hoạch đô thị, thành phố hiện tại và tương lai, để có thể phát triển các thành phố đáng sống như người dân kỳ vọng.

Những bài học phá vỡ quy hoạch vẫn còn đó

Không thể phủ nhận, việc chạy đua với quy hoạch, phát triển các dự án bất động sản đã đem lại lợi ích kinh tế nhất định cho mỗi địa phương, thành phố, song thực trạng “quy hoạch chạy theo nhà đầu tư” hay nhóm lợi ích cũng đã và đang gây ra những hệ lụy đáng suy ngẫm, nhất là sự thất thoát tài nguyên thiên nhiên, gây ô nhiễm môi trường. Cảnh quan thiên nhiên bị phá nát, đô thị méo mó khó có thể phục hồi lại được. Thực tế này cũng đã được cử tri phản ánh, các đại biểu Quốc hội nêu ra rất nhiều trong các kỳ họp.

Minh chứng rõ ràng nhất để diễn tả về câu chuyện quy hoạch bị điều chỉnh, bị băm nát là khu đô thị Linh Đàm. Theo thiết kế ban đầu, khu chung cư tại khu đô thị Linh Đàm có diện tích khoảng 3ha, gồm 6 tòa nhà cao từ 25 đến trên 35 tầng. Nhưng sau nhiều lần “âm thầm” điều chỉnh, số tòa đã tăng lên gấp đôi là 12 tòa, cao 36 - 41 tầng với khoảng 20 căn hộ mỗi tầng.

Những sai phạm của của Tập đoàn Mường Thanh với tổ hợp chung cư HH Linh Đàm không chỉ làm biến dạng đô thị, mà còn khiến hàng chục vạn người dân mua nhà trở thành “con tin,” sống bất an bởi đã nhiều năm vẫn chưa có “sổ đỏ” nhà ở.

Hay như tại khu đô thị Nam Thăng Long (Ciputra, Hà Nội), chủ đầu tư đã nhiều lần xin điều chỉnh quy hoạch nhiều ô đất mà không lấy ý kiến người dân. Hay tại khu Ngoại giao đoàn (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) do Tổng công ty Xây dựng Hà Nội (Hancorp) làm chủ đầu tư, ngay cạnh khu đô thị Ciputra, cư dân đã nhiều lần gửi đơn thư đến các cấp chính quyền liên quan đến việc điều chỉnh quy hoạch tại đây nhưng vẫn chưa được giải quyết triệt để.

Theo phân tích, một trong những nguyên tắc cơ bản đầu tiên của câu chuyện xây dựng là đảm bảo đầu tư xây dựng công trình theo quy hoạch thiết kế; quy định phải thẩm định hồ sơ dự án… Nhưng với 1.390 quy hoạch bị điều chỉnh từ 1 đến 6 lần, quy hoạch được điều chỉnh tăng tầng cao, số tầng, tăng mật độ xây dựng và hệ số sử dụng đất, giảm diện tích đất cây xanh công cộng, hạ tầng kỹ thuật… mà báo cáo giám sát về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai đô thị đã nêu trước đó thì Luật Xây dựng nói chung và các nguyên tắc cơ bản nói riêng trong Luật Thủ đô, Luật Quy hoạch và Luật Quy hoạch đô thị được dày công nghiên cứu để chế định, có thể nói là đã bị xem thường. Các quy hoạch bị điều chỉnh dường như đang chạy theo lợi ích của doanh nghiệp hay lợi ích nhóm.

Với những ví dụ trên, đã đến lúc Bộ ngành, địa phương phải phát huy sự công khai minh bạch trong quy hoạch đô thị và các dự án đầu tư. Đặc biệt, đến lúc phải nhìn lại việc giao cho doanh nghiệp làm quy hoạch các dự án. Phải xét duyệt căn cứ các yếu tố nào để giao và giao thực hiện thì trách nhiệm của doanh nghiệp đến đâu? Thu hồi các dự án sai phạm quy hoạch như thế nào?

Thời gian gần đây, nhiều địa phương mạnh dạn thu hồi các dự án đã cấp trước đây để đem ra đấu giá, góp phần mang lại hiệu quả cao hơn cho ngân sách Nhà nước. Tuy nhiên, số lượng này chưa nhiều, do đó các cơ quan cần rà soát để có đánh giá tổng thể những dự án đã, đang và sẽ triển khai để có hình thức xử lý.

Nói như TS. KTS. Trương Văn Quảng, Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam: “Phải khẳng định rằng, một số chủ đầu tư dự án đô thị khi có miếng đất đẹp thì vì lợi ích mà họ tăng mật độ xây dựng nhà cao tầng xung quanh lên. Giả sử được phép xây dựng 30 tầng, nhưng người ta lại “cố” xin để xây lên 50 tầng chẳng hạn, hay khi phê duyệt dự án chỉ cho phép xây dựng với mật độ 50 - 60% thì lại xây lên 80% để bán được nhiều bất động sản hơn. Đấy là lỗ hổng trong cơ chế quản lý, quy hoạch ở một số đô thị lớn mà chúng ta cần quan tâm và có giải pháp thích hợp”.

Theo đó vị chuyên gia này cho rằng, phương án Nhà nước làm quy hoạch dựa trên đóng góp tự nguyện của doanh nghiệp, sau khi Nhà nước làm quy hoạch sẽ công khai đấu giá đất có thể xem là một phương án khả thi “giải cứu” cho quy hoạch đô thị. Nhà nước, khi tự làm quy hoạch sẽ không quá ư dễ dãi trong việc chấp thuận điều chỉnh quy hoạch cho các dự án. Các nhà quản lý quy hoạch sẽ buộc phải có trách nhiệm với tương lai lâu dài của đô thị, dần loại bỏ tư tưởng nhiệm kỳ, bởi vấn đề tham nhũng đất đai đã được nêu ra nhiều và “không có vùng cấm”./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top