Aa

Không thể làm cho quá khứ và hiện tại tách biệt nhau

Thứ Hai, 10/07/2017 - 05:49

Dưới góc nhìn của một chuyên gia văn hóa, TS. Nguyễn Thị Hồng cho rằng, nếu bảo tồn theo hướng “đóng cửa để đấy” ở các khu có di sản, danh lam thắng cảnh thì sẽ có tác hại rất lớn, nó làm ngưng lại dòng chảy của cuộc sống, làm cho quá khứ và hiện tại tách biệt nhau.

Câu chuyện về bảo tồn và phát triển vẫn đang là đề tài nóng tranh cãi chưa có hồi kết. Theo quan điểm của một số chuyên gia kinh tế, phát triển BĐS du lịch, nghỉ dưỡng ở những vùng di sản, những nơi có cảnh sắc thiên nhiên đặc thù là điều tất yếu. Tuy nhiên, bảo tồn có thể thực sự song hành với phát triển? Để có góc nhìn đa chiều về vấn đề này, PV Reatimes đã phỏng vấn TS. Nguyễn Thị Hồng (Phó trưởng khoa Tuyên truyền, Học viện Báo chí và Tuyên truyền).

Theo TS. Nguyễn Thị Hồng, điều đầu tiên phải hiểu đúng thế nào là bảo tồn và bảo tồn cái gì. Bà Hồng cho rằng bảo tồn ở đây là bảo tồn các yếu tố tĩnh tại, những yếu tố có giá trị, không phải là bảo tồn cấu trúc. Phải cân bằng giữa giá trị văn hóa tâm linh với giá trị của văn hóa giải trí.

PV: Quan điểm giữa bảo tồn và phát triển dường như đang rất khó tìm được tiếng nói chung. Theo TS, nguyên nhân mấu chốt của mâu thuẫn này là gì?

TS. Nguyễn Thị Hồng: Hiện nay, đang có một số ý kiến khác biệt nhau giữa bảo tồn và phát triển; nhiều người nói rằng để một khu văn hóa hoặc khu du lịch nào đó phát triển có nghĩa là không được bảo tồn nữa. Người ta hiểu nghĩa bảo tồn như vậy nghĩa là giữ nguyên hiện trạng, không phải là vận động và phát triển.

Tôi lại không nghĩ như vậy. Tôi cho rằng cách bảo tồn tốt nhất là vừa giữ nguyên giá trị nhưng cũng vừa vận động, phát triển. Cụ thể, bảo tồn ở đây là bảo tồn các yếu tố tĩnh tại, những yếu tố có giá trị, không phải là bảo tồn cấu trúc. Hay nói cách khác, bảo tồn phải vì mục đích là phục vụ cho phát triển. Cho nên muốn để thúc đẩy du lịch và BĐS phục vụ cho văn hóa du lịch của người Việt Nam nói riêng và cả thế giới nói chung, một mặt phải phát triển, mặt còn lại vẫn bảo tồn.

Nếu bảo tồn theo hướng “giữ khư khư hay đóng cửa để đấy” các khu có di sản, di tích, danh lam thắng cảnh thì sẽ có tác hại rất lớn. Nó làm ngưng lại dòng chảy của cuộc sống, làm cho quá khứ và hiện tại tách biệt nhau và không tạo cho người ta một nhu cầu, cảm hứng.

Bởi vì văn hóa du lịch đang rất phát triển ở cả Việt Nam và thế giới, khi đi du lịch họ sẽ có hai nhu cầu: Một là nhu cầu nâng cao nhận thức để người ta hiểu biết thêm, bổ sung cho vốn tri thức của mình; Nhu cầu thứ hai chính là nhu cầu giải trí, được nghỉ ngơi và nhu cầu của cuộc sống hiện tại. Với cách làm theo kiểu giữ nguyên hiện trạng, những khu vực được bảo tồn sẽ biệt lập hoàn toàn. Vì thế, người ta đến đó, tham quan mà không có chỗ nghỉ ngơi.

PV: Như vậy trong câu chuyện bảo tồn, không thể thiếu được yếu tố phát triển, hay nói cách khách là 2 yếu tố này có mối quan hệ tương hỗ lẫn nhau?

TS. Nguyễn Thị Hồng: Lấy Làng Văn hóa Du lịch các Dân tộc Việt Nam là ví dụ. Những năm trở lại, nơi này làm rất tốt việc bảo tồn và phát triển BĐS nghỉ dưỡng ở xung quanh. Trước đây, nơi này chỉ có những khu tham quan mà không có các không gian dành cho nghỉ ngơi, du lịch. Do đó, khách đến tham quan nhưng lại không biết đi đâu để ăn, để nghỉ và cũng không lưu trú được.

GVCC, TS. Nguyễn Thị Hồng

TS. Nguyễn Thị Hồng, Phó trưởng khoa Tuyên truyền, Học viện Báo chí và Tuyên truyền. Ảnh: Aikeo Sibounwang

Trong khi đó, ở nhiều khu danh thắng khác cần được bảo tồn cả ở Việt Nam và trên thế giới, họ làm rất tốt điều này, vừa phục vụ cho nhu cầu khám phá, nâng cao tri thức của khách du lịch, vừa cho phép họ được thụ hưởng những giá trị vật chất.

Từ đó, du khách được thụ hưởng đầy đủ những tiện nghi vì có hệ thống khách sạn, hệ thống cơ sở hạ tầng tốt, thậm chí có cả khu mua sắm. Thay vì du khách chỉ đến một vùng danh thắng để tham quan trong một ngày, họ sẽ thay đổi kế hoạch và ở lại đó đến hai hoặc ba ngày.

Ngược lại, nếu phát triển thiên hướng đẩy mạnh hạ tầng du lịch mà ít chú trọng đến bảo tồn thì di tích, di sản, danh lam thắng cảnh sẽ mất đi giá trị thiêng liêng của nó. 

Ví dụ như câu chuyện về một ngôi chùa 400 năm tuổi, việc trùng tu sửa sang là điều tất yếu nhưng phải dựa trên cơ sở là kế thừa cái cũ. Tuy nhiên nó lại bị phá vỡ toàn bộ nét cổ và kết quả là chỉ trong có 1 tháng, một ngôi chùa 400 năm tuổi “lột xác” trở thành ngôi chùa chỉ có mấy tháng tuổi. Khi đó, du khách đến tham quan không còn cảm nhận dược sức hút của danh thắng đó nữa bởi những nét trầm tư tích tụ theo thời gian và các giá trị của lịch sử đã không còn.

Do đó, luôn phải giữ bảo tồn và phát triển trong mối quan hệ biện chứng, tương tác, quyết định lẫn nhau và phải phối kết hợp làm sao cho hợp lý. Hay nói cách khác là cân bằng giữa hai yếu tố đó và phải chọn lựa những yếu tố tích cực phù hợp với thực tại cuộc sống. Bảo tồn theo quan niệm chủ quan, cách cũ là không được, phát triển không tôn trọng sự bảo tồn cũng không được mà phải rất cân bằng.

PV: Theo bà, khi cân bằng được mối quan hệ này, cái được lớn nhất là gì?

TS. Nguyễn Thị Hồng: Ngoài lợi ích về văn hóa có thể thấy rõ, việc bảo tồn và phát triển BĐS nghỉ dưỡng tại các vùng danh thắng cũng đem lại lợi ích lớn về kinh tế. Du khách chỉ đến với một khu danh thắng khi ở đó có cái hay để xem, cái ngon để ăn, có nhiều giá trị để khám phá.

Nếu như thỏa mãn được những nhu cầu trên thì kinh tế sẽ thu được rất nhiều, bản thân người dân sống gần các khu danh thắng đã có thể bán được cho du khách các sản vật địa phương, giúp họ nâng cao đời sống kinh tế.

Mặt khác, khi đến với các danh thắng, du khách cũng phải mua vé và những nguồn lợi kinh tế đó sẽ là nguồn lực giúp cải tạo và nâng cao đời sống vùng cũng như là nguồn vốn để đầu tư bảo tồn danh thắng. 

PV: Nhưng phải thừa nhận, phát triển BĐS nghỉ dưỡng ở những "vùng cấm" như thế nào để không đi quá giới hạn quả thực không dễ dàng, thưa bà?

TS. Nguyễn Thị Hồng: Trên thế giới, có nhiều danh thắng đã được áp dụng mô hình lấy chính danh thắng làm tâm quy hoạch, xung quanh đó là các hạ tầng phục vụ du lịch. Việt Nam rất nên áp dụng mô hình đó và nhiều nơi đã thành công.

Có thể lấy ví dụ ở Huế, Huế được coi là một di sản văn hóa thế giới với kiến trúc Đại đô Huế. Kiến trúc Đại đô Huế nằm ở trong chính giữa; sự tôn tạo, trùng tu, bảo tồn đều được dựa theo các quy chuẩn mà UNESCO cho phép và theo luật di sản của Việt Nam.

Xung quanh đó, hệ thống khách sạn và các khu BĐS nghỉ dưỡng được phát triển để phục vụ cho du khách. Các công trình trên được xây dựng trong bán kính từ 2 đến 3km tính từ khu danh thắng.

Huế là một trong các địa phương phát triển rất thành công nhờ vào sự cân bằng giữa bảo tồn và phát triển BĐS nghỉ dưỡng

Huế là một trong các địa phương phát triển rất thành công nhờ vào sự cân bằng giữa bảo tồn và phát triển BĐS nghỉ dưỡng

Như vậy, mô hình quy hoạch bảo tồn và phát triển BĐS nghỉ dưỡng ở các vùng danh thắng sẽ thỏa mãn cho các nhu cầu của con người, việc đi lại cũng không quá xa và khó khăn.

Một ví dụ khác là Tràng An – Bái Đính, một di sản kép duy nhất và đầu tiên của Việt Nam, vừa là di sản thiên nhiên, vừa là di sản văn hóa. Chúng ta có thể thấy nơi đây được phát triển rất tốt với mô hình quy hoạch lấy hạt nhân trung tâm là quần thể của Tràng An, chùa Bái Đính. Và xung quanh đó, có vô số những công trình phụ trợ, phục vụ cho hoạt động du lịch ở các tâm quy hoạch trên trong bán kính từ 2 đến 3km để phục vụ tốt nhất cả nhu cầu về vật chất và tinh thần của du khách.

Nếu đứng từ trên cao có thể thấy vòng ngoài của khu di sản này là hệ thống BĐS nghỉ dưỡng, cách một khoảng sau đó là vòng Bái Đính tân tự và trong cùng chính là Bái Đính cổ tự với tâm điểm chính là Giếng Ngọc tạo cảm giác về sự quy tâm .

PV: Dưới góc nhìn của một chuyên gia văn hoá, theo bà nên xây dựng BĐS du lịch, nghỉ dưỡng như thế nào để cân bằng yếu tố bảo tồn và phát triển?

TS. Nguyễn Thị Hồng: Thứ nhất, BĐS nghỉ dưỡng và cơ sở hạ tầng phải được xây dựng đầy đủ và đáp ứng được tương đối các điều kiện của con người.

Thứ hai, phải cân bằng giữa giá trị văn hóa tâm linh với giá trị của văn hóa giải trí.

Trước khi xây dựng các khu nghỉ dưỡng thì các nhà quy hoạch cần phải khảo sát địa hình và xem xét một cách cụ thể bởi ở các vùng miền khác nhau thì địa hình khác nhau, khí hậu và các yếu tố tự nhiên khác nhau.

Mặt khác, việc xây dựng và quy hoạch phải có các điều kiện và nhất là phải có một mô hình quy hoạch chung, tổng thể. Từ quy hoạch tổng thể đó, chúng ta mới xác định được yếu tố cơ sở hạ tầng nào cần phát triển trước, cơ sở hạ tầng nào cần làm sau.

Đối với vùng tâm quy hoạch, tức là các danh thắng, sẽ được đặt trong một tâm điểm được bảo tồn, là tâm của các đường tròn đồng tâm. 

Muốn xây dựng BĐS nghỉ dưỡng để bảo tồn và phát triển ở thế cân bằng, các hạ tầng du lịch cần được xây dựng ở những vị trí đảm bảo được cảnh quan môi trường, đảm bảo được vị trí phù hợp với nhu cầu nghỉ dưỡng của du khách nhưng không được phép phá vỡ cảnh quan chung.

Tôi lấy ví dụ tại Huế, trước kia cũng đã từng có một câu chuyện gây xôn xao. Đó là việc quy hoạch lại toàn bộ vùng đồi Vọng Cảnh và xây dựng khu khách sạn. Sau nhiều nghiên cứu và trao đổi, quyết định cuối cùng là, nếu muốn phát triển BĐS để phục vụ cho văn hóa du lịch thì trên cơ sở phải giữ nguyên cảnh quan môi trường bởi vì núi Ngự và sông Hương đã trở thành biểu tượng của Huế.

Xin cảm ơn bà!

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top