Aa

Khu đô thị mới Dương Nội (Hà Nội): Ai phê duyệt “nới” tiến độ cho dự án kéo dài nhiều năm?

Thứ Ba, 09/11/2021 - 13:41

Sau khi tiếp nhận văn bản xin gia hạn tiến độ thực hiện dự án Khu đô thị mới Dương Nội của Tập đoàn Nam Cường và đề xuất của Sở Kế hoạch và Đầu tư, UBND TP. Hà Nội chấp thuận gia hạn tiến độ hoàn thành dự án trên.

Lời tòa soạn:

Qua quá trình khảo sát nhiều dự án tại Hà Nội, có thể thấy rằng không ít dự án chậm tiến độ, “ôm” đất hàng chục năm nhưng chưa bị thu hồi hoặc kiến nghị thu hồi. Không chỉ vậy, những dự án này còn nhiều lần được gia hạn tiến độ, điều chỉnh quy hoạch, tăng diện tích thu hồi đất với mục tiêu tiếp tục triển khai. Thậm chí, có những dự án còn dính phải kiện cáo dai dẳng nhiều năm sau khi đi vào hoạt động.

Vốn được kỳ vọng sẽ làm "thay da đổi thịt" bộ mặt Thủ đô, giờ đây hiện trạng tại những dự án này lại trái ngược hoàn toàn khi chủ đầu tư để đất hoang hóa, thậm chí còn sử dụng sai mục đích...

Điều này không chỉ khiến bộ mặt thành phố trở nên nhếch nhác, mất mỹ quan mà còn khiến người dân sống trong vùng quy hoạch dự án rơi vào cùng cực, gây bức xúc dư luận, đặc biệt là làm lãng phí tài nguyên đất đai…

Trên tinh thần nghiên cứu, thông qua thu thập tài liệu và khảo sát thực tế, Reatimes khởi đăng tuyến bài Hà Nội cần mạnh tay với dự án "ôm" đất hàng chục năm rồi bỏ hoang hóa với bài viết "Khu đô thị mới Dương Nội (Hà Nội): Ai phê duyệt “nới” tiến độ cho dự án kéo dài nhiều năm?".

Trân trọng giới thiệu tới độc giả!

Tập đoàn Nam Cường xin gia hạn tiến độ dự án bệnh viên quốc tế?

Trong báo cáo mới đây, HĐND TP. Hà Nội đã đề nghị UBND TP tiếp tục theo dõi, giám sát nhiều dự án sử dụng đất chậm triển khai, vi phạm Luật Đất đai trên địa bàn, trong đó có loạt dự án của Tập đoàn Nam Cường đang làm chủ đầu tư.

Cụ thể, tại danh sách các dự án chậm tiến độ, chậm đưa đất vào sử dụng, kiến nghị gia hạn sử dụng đất 24 tháng thì chủ đầu tư phải nộp tiền cho Nhà nước khoản tiền tương ứng với tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với thời gian gia hạn. Hết thời hạn được gia hạn mà chủ đầu tư vẫn chưa đưa đất vào sử dụng thì Nhà nước thu hồi đất mà không bồi thường về đất và tài sản gắn liền với đất.

Trong danh sách kể trên có dự án Bệnh viện quốc tế Nam Cường (Khu đô thị mới Dương Nội, quận Hà Đông) với quy mô 500 giường, thời gian thực hiện dự án từ quý II/2014 đến quý IV/2018 của Tập đoàn Nam Cường. 

Hiện tại, Tập đoàn Nam Cường đang xin điều chỉnh tiến độ thực hiện dự án. Nội dung kiến nghị đã được UBND TP. Hà Nội giao các Sở, ngành xem xét báo cáo, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã có văn bản xin ý kiến các ngành. Đồng thời, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cũng đã có kết luận kiểm tra ngày 24/10/2019. 

Dự án Khu đô thị mới Dương Nội chậm tiến độ
Các ô đất ở dự án Khu đô thị mới Dương Nội đã hoàn thiện 60/169 lô, các lô đất còn lại chủ đầu tư đang triển khai hoặc chưa thi công. Các ô đất cây xanh, công trình công cộng chủ yếu là đất trống.

Đối với dự án này, Đoàn giám sát của HĐND TP. Hà Nội đề nghị tiếp tục đôn đốc Tập đoàn Nam Cường khẩn trương đầu tư xây dựng công trình thuộc dự án theo tiến độ được điều chỉnh theo quy định và theo dõi thực hiện. Bên cạnh đó, Đoàn giám sát của HĐND TP. Hà Nội cũng đề nghị UBND TP tiếp tục theo dõi, giám sát tiến độ thực hiện dự án. Hiện tại, dự án này cũng chưa xác định nghĩa vụ tài chính và cơ quan thuế tính miễn giảm theo thẩm quyền.

Tại dự án Khu đô thị mới Dương Nội và phần đấu nối giao thông, đất xen kẹt và dải cây xanh được giao đất năm 2008, sau đó, Đoàn giám sát HĐND TP. Hà Nội giám sát trực tiếp vì chậm hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng.

Theo kết luận thanh tra ngày 29/7/2019, UBND TP. Hà Nội đã yêu cầu chủ đầu tư hoàn thành tiến độ dự án theo Văn bản số 4081 của UBND TP. Hà Nội, phối hợp với UBND quận Hà Đông và các đơn vị liên quan hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng phần diện tích còn lại gần 25ha và gia hạn đến quý IV/2020. 

Tính đến thời điểm hiện tại, dự án này vẫn còn vướng công tác giải phóng mặt bằng 2,3ha, một số hạng mục công trình thuộc dự án chưa đầu tư xây dựng. Trong đó, khu D vẫn đang vướng mắc về giải phóng mặt bằng.

UBND TP. Hà Nội cũng đã yêu cầu chủ đầu tư khẩn trương xây dựng công trình thuộc dự án và phối hợp với UBND quận Hà Đông thực hiện công tác giải phóng mặt bằng theo tiến độ được gia hạn. Do chưa thực hiện xong theo nội dung kết luận thanh tra, UBND TP. Hà Nội sẽ tiếp tục giám sát dự án này. Với dự án Khu đô thị mới Dương Nội, Đoàn giám sát của HĐND TP. Hà Nội đề nghị UBND TP chỉ đạo hậu kiểm việc thực hiện kết luận thanh tra và xử lý dứt điểm các vi phạm.

Ai phê duyệt "nới" tiến độ dự án cho Tập đoàn Nam Cường?

Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội cho biết, dự án đầu tư xây dựng Khu đô thị mới Dương Nội được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư ngày 15/11/2007, được UBND tỉnh Hà Tây phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng 1/500 ngày 26/12/2007 và phê duyệt điều chỉnh quy hoạch ngày 2/7/2008 (Quyết định số 1955/QĐ-UBND). Chính quyền cũng phê duyệt tiền sử dụng đất phải nộp của dự án vào ngày 8/1/2008.

Mặc dù dự án được cho phép triển khai từ tháng 1/2008, tuy nhiên, việc chủ đầu tư tập đoàn Nam Cường kéo dài 13 năm chưa hoàn thiện các hạng mục thuộc dự án đã khiến nhiều cư dân sinh sống trong Khu đô thị mới Dương Nội phải liên tục có đơn kiến nghị khẩn cấp gửi các cơ quan ban ngành TP. Hà Nội, đề nghị làm rõ các vấn đề về quy hoạch và tiến độ xây dựng của dự án. 

Theo Kiểm toán Nhà nước, việc thực hiện dự án đã chậm gần 5 năm so với quyết định cho phép đầu tư. Qua quá trình kiểm tra hiện trạng tại dự án, UBND TP. Hà Nội cũng chỉ ra rằng, các ô đất ở dự án Khu đô thị mới Dương Nội đã hoàn thiện 60/169 lô, các lô đất còn lại chủ đầu tư đang triển khai hoặc chưa thi công. Các ô đất cây xanh và công trình công cộng chủ yếu là đất trống.

Dự án Khu đô thị mới Dương Nội chậm tiến độ
Ngày 4/9/2018, ông Nguyễn Thế Hùng  - Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội đã ký ban hành văn bản chấp thuận gia hạn tiến độ hoàn thành dự án Khu đô thị mới Dương Nội, quận Hà Đông đến hết quý IV/2020.

Theo tìm hiểu, trước đó ngày 4/9/2018, ông Nguyễn Thế Hùng - Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội đã ký ban hành văn bản chấp thuận gia hạn tiến độ hoàn thành dự án Khu đô thị mới Dương Nội, quận Hà Đông đến hết quý IV/2020.

Trong đó, khi hoàn thành các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, nhà đầu tư phải có trách nhiệm đầu tư, bàn giao không bồi hoàn và các hạng mục khớp nối hạ tầng bổ sung chậm nhất quý IV/2019. Hoàn thành các công trình kiến trúc (nhà cao tầng, thấp tầng thương mại) chậm nhất quý IV/2020. Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cũng có văn bản đôn đốc Tập đoàn Nam Cường thực hiện các nội dung trên, đảm bảo đúng tiến độ UBND TP. Hà Nội đã chỉ đạo.

Đáng chú ý, UBND TP. Hà Nội cũng yêu cầu Tập đoàn Nam Cường liên hệ với Sở Quy hoạch - Kiến trúc để được hướng dẫn thực hiện kết nối, điều chỉnh về hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật của đồ án, dự án phù hợp với quy hoạch phân khu đô thị S4, tỷ lệ 1/5000 được duyệt. Trên cơ sở đó, hoàn thiện các thủ tục trình UBND TP điều chỉnh dự án Khu đô thị mới Dương Nội chậm nhất quý I/2019. Đến thời điểm này, thực trạng cho thấy nhiều lô đất bên trong dự án vẫn để cỏ dại mọc um tùm trước sự bức xúc của cư dân.

Cũng liên quan đến dự án này, mới đây, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản đề nghị Bộ Tài nguyên - Môi trường, Bộ Tài chính và Bộ Xây dựng cho ý kiến về nội dung báo cáo của UBND TP. Hà Nội về việc rà soát, làm rõ nội dung công dân tố cáo vi phạm đất đai, xây dựng, thực hiện dự án trên địa bàn phường Dương Nội (Hà Đông, Hà Nội). Trong đó có nội dung yêu cầu chủ đầu tư hoàn thành nghĩa vụ tài chính khi thực hiện dự án này.

Cụ thể, Phó Thủ tướng chỉ đạo UBND TP. Hà Nội yêu cầu chủ đầu tư Khu đô thị mới Dương Nội khẩn trương thực hiện dứt điểm nghĩa vụ tài chính với số tiền hơn 606 tỷ đồng theo kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước.

Theo báo cáo của UBND TP. Hà Nội, Kiểm toán Nhà nước khu vực I đã thực hiện 3 cuộc kiểm toán liên quan đến khu đô thị này do Tập đoàn Nam Cường đầu tư. 

UBND TP. Hà Nội cho biết, đối với các kiến nghị tài chính về xử lý thu hồi ngân sách, chủ đầu tư đã thực hiện dứt điểm. Đối với kiến nghị xử lý tài chính khác với số tiền hơn 606 tỷ đồng, tháng 9/2019, UBND TP đã có văn bản giao Sở Tài chính đôn đốc các sở, ngành liên quan xử lý dứt điểm kiến nghị kiểm toán hoạt động xây dựng và việc quản lý vốn đầu tư dự án, đồng thời có báo cáo kết quả thực hiện gửi Kiểm toán Nhà nước khu vực I.

Đề nghị Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước, Bộ Xây dựng và UBND TP. Hà Nội vào cuộc kiểm tra, làm rõ những thông tin phản ánh liên quan đến việc đầu tư xây dựng dự án Khu đô thị mới Dương Nội và các dự án thành phần, đặc biệt là dự án Bệnh viện quốc tế Nam Cường.

Kết quả kinh doanh của Tập đoàn Nam Cường đi thụt lùi

Theo tìm hiểu của PV, Tập đoàn Nam Cường tiền thân là Tổ hợp dịch vụ Vận tải vật tư nông nghiệp và xây dựng Xuân Thủy, được thành lập từ năm 1984. Sau gần 37 năm phát triển, dưới dự lãnh đạo của cố Chủ tịch Trần Văn Cường và đương nhiệm Chủ tịch Lê Thị Thuý Ngà (SN 1966, phu nhân của ông Cường), Tập đoàn Nam Cường lớn mạnh và được coi như một thế lực trong giới phát triển bất động sản.

Đến cuối năm 2016, doanh nghiệp này có vốn điều lệ 4.500 tỷ đồng, trong đó Chủ tịch Lê Thị Thuý Ngà góp 4.230 tỷ đồng, tương đương sở hữu 94%. Bà Trần Thị Quỳnh Ngọc (SN 1991) là ái nữ của bà Ngà nắm giữ 3% vốn.

Thực tế, nhiều năm nay, tình hình tài chính của Tập đoàn Nam Cường không mấy khả quan, nhìn từ con số công bố trong báo cáo tài chính. Trong 5 năm trở lại đây, kết quả kinh doanh của Nam Cường đều đi thụt lùi. Năm 2020, doanh thu thuần của Tập đoàn Nam Cường chỉ đạt 79 tỷ đồng, giảm 34% so với cùng kỳ năm 2019. Lãi ròng tụt dốc xuống mức -5,5 tỷ đồng, so mới mức lợi nhuận năm 2019 là 28,6 tỷ đồng.

Những con số kể trên không chỉ thấp so với những năm trước mà ngày càng nhỏ đi nếu so với quy mô của tập đoàn này. Tính đến cuối năm 2020, tổng tài sản của Tập đoàn Nam Cường đạt hơn 6.403 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu ở mức 5.039 tỷ đồng.

Điều lạ là một số chi nhánh của Tập đoàn Nam Cường tại các địa phương có quy mô thậm chí còn lớn trụ sở chính. Đơn cử, năm 2019, doanh thu thuần chi nhánh Hà Tây của Nam Cường đạt 1.067 tỷ, lãi ròng ở mức 390 tỷ đồng. Đến cuối năm 2019, tổng tài sản của chi nhánh này đạt gần 7.500 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu hơn 900 tỷ đồng. Đối với chi nhánh Hải Dương, doanh thu hai năm 2017 và 2018 đều đạt trên 300 tỷ đồng với lãi ròng đạt lần lượt 51 tỷ và 100 tỷ đồng.

Bên cạnh các chi nhánh, Tập đoàn Nam Cường cũng mở rộng mạng lưới với hàng loạt đơn vị thành viên để thực hiện phát triển dự án. Đáng chú ý, quy mô tài sản một số doanh nghiệp nhóm này cũng đã vượt ngưỡng nghìn tỷ đồng. Có thể kể đến một số công ty như: Công ty CP Xây dựng và Thương mại Đông Hải, Công ty CP Phát triển Hạ tầng Đô thị Evergreen, Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Đô thị, Công ty CP Dịch vụ Du lịch Nam Cường,…

Đáng chú ý, tình hình lưu chuyển tiền tệ của Nam Cường kém, có vẻ như các hoạt động xây dựng chậm. Lưu chuyển tiền trong hoạt động kinh doanh, hoạt động tài chính giai đoạn 2015-2020 chỉ vài chục tỷ đến hơn 100 tỷ đồng. Con số này là rất khiêm tốn đối với một tập đoàn bất động sản đang nắm trong tay hàng loạt dự án "khủng". 

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top