QUỸ ĐẤT MỚI ĐỂ HÌNH THÀNH ĐÔ THỊ SINH THÁI
Việc nghiên cứu, triển khai quy hoạch và xây dựng đô thị xanh, đô thị sinh thái hay đô thị bền vững về mặt môi trường đã trở thành xu hướng chung của các nước trên thế giới. Tại Việt Nam, một số khu đô thị sinh thái cũng đã được xây dựng tại các thành phố lớn, điển hình phải kể đến Ecopark, Phú Mỹ Hưng, Vinhome Riverside, Gamuda,…
Tuy nhiên, các thành phố lớn cũng đang gặp vướng mắc đó là quỹ đất rộng để quy hoạch xây dựng đô thị sinh thái hoàn chỉnh không còn nhiều. Để có quỹ đất mới, cả Nhà nước và doanh nghiệp đang trông chờ vào quỹ đất từ các quy hoạch mở rộng địa lý và các dự án quy hoạch mới mang tầm quốc gia.
Đáng chú ý trong số này là đồ án Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng đang nhận được sự quan tâm lớn. Trong đồ án, người đứng đầu thành phố Hà Nội cũng đã chỉ đạo: Quy hoạch thực hiện theo nguyên tắc thuận thiên, là đô thị xanh, không chồng tải cao ốc hai bên bờ sông.
Ngoài ra, việc hình thành con đường ven sông cũng được xem là cánh cửa rộng, tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội, quản lý dân cư, xây dựng điểm đến hấp dẫn thu hút các nhà đầu tư, cải thiện chất lượng sống cho người dân Thủ đô…
Nhận định về đồ án quy hoạch đô thị sông Hồng, ông Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch đô thị Việt Nam cho hay: “Việc quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng được lập là cơ sở, cơ hội tốt để khai thác hiệu quả những tiềm năng của con sông này, đưa sông Hồng trở thành thương hiệu của Thủ đô. Hai bờ sông và bãi bồi hình thành các khu không gian công cộng.
Khi đó, không chỉ người dân hai bên sông mà toàn bộ người dân Thủ đô cũng như du khách quốc tế có thể đến vui chơi, giải trí, ngắm cảnh. Đồng thời cũng có những khu vực phù hợp dành để tạo dựng nên các khu đô thị khang trang, hiện đại, thay cho các khu ở nhếch nhác bên sông hiện nay...”.
Còn TS. KTS. Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội cho hay, nếu quy hoạch lần này được phê duyệt sẽ có những thay đổi lớn đối với Hà Nội.
Thứ nhất, góp phần tạo nên trục cảnh quan trung tâm thành phố.
Thứ hai, đồ án lần này cụ thể hóa quy hoạch chung được duyệt năm 2011, đồng thời cũng bổ sung thêm Quyết định của Thủ tướng về an toàn hành lang thoát lũ. Điều này sẽ giúp cho người dân hai bên bờ sông khu vực này an tâm hơn và kiểm soát được hành lang thoát lũ.
Thứ ba, một khi đồ án lần này được duyệt thì tiềm năng quan trọng nhất mà đến hơn 20 năm nay có rất nhiều các doanh nghiệp cả trong và ngoài nước quan tâm đề xuất dự án nhưng không phê duyệt được, đó là quỹ đất khoảng 6.000ha. Nếu quy hoạch được duyệt sẽ tăng được chỉ tiêu không gian xanh công cộng cho thành phố, đáp ứng được những nhu cầu về không gian vui chơi, giải trí thể dục, thể thao của mọi lứa tuổi.
Đặc biệt sẽ kiến tạo lại được cuộc sống của người dân tại khu vực quy hoạch. Hiện nay, dân cư sinh sống ngoài bãi khoảng 23.000 hộ. Nếu quy hoạch được duyệt sẽ xác định được khu nào phải tái định cư, khu nào được ở lại, từ đó sẽ có những giải pháp nâng cao chất lượng sống cho người dân, cải thiện điều kiện hạ tầng xã hội như trường học, nhà trẻ và giải quyết hạ tầng kỹ thuật...
Cuối cùng, đồ án lần này nếu được duyệt sẽ tạo ra đột phá mới cho giao thông vận tải đường sông, phát triển dịch vụ du lịch bởi vì quanh khu vực này có rất nhiều di tích lịch sử, làng nghề truyền thống hai bên sông.
Các chuyên gia cũng cho rằng, Hà Nội là một thành phố hội tụ đầy đủ các yếu tố thuận lợi để phát triển đô thị xanh bền vững. Do lợi thế tự nhiên, với hệ thống sông hồ dày đặc, những vùng nông nghiệp hoàn chỉnh về thổ nhưỡng và thủy hệ, có khả năng tự cung tự cấp, tạo vòng tuần hoàn khép kín về tiêu dùng và tái tạo năng lượng và dưỡng chất từ rác thải, nước thải đô thị.
Đặc biệt, với quy hoạch đô thị sông Hồng, nếu quy hoạch tốt sẽ tạo ra hệ sinh thái đô thị xanh có cảnh quan khác biệt với nững khu vui chơi, công viên xanh, du lịch xanh… Đây cũng là giải pháp cải thiện môi trường sống cho người dân thành phố.
ĐÔ THỊ SINH THÁI PHÍA ĐÔNG NAM THỦ ĐÔ LÀ HÌNH MẪU TIÊU BIỂU
Đồ án quy hoạch phân khu sông Hồng được nghiên cứu trên không gian đoạn sông Hồng dài khoảng 40km từ cầu Hồng Hà đến cầu Mễ Sở, bao phủ diện tích khoảng 11.000ha, thuộc địa bàn của 55 phường, xã thuộc 13 quận, huyện. Với quỹ đất rộng lớn hai bên bờ, hình thành đô thị sinh thái như thế nào, thiết kế, kiến trúc ra sao sẽ là bài toán lâu dài với thành phố. Hơn nữa, các đô thị xanh, sinh thái cần có quy hoạch bài bản, đảm bảo hiện thực hoá được những bản vẽ đẹp thành những khu đô thị có sức sống.
Giới chuyên gia cho rằng, thực tế, dải đất ven sông Hồng thuộc phía Đông Nam đã có nền tảng là các đô thị xanh, sinh thái xuất hiện cách đây cả chục năm. Đầu tiên phải nhắc đến là khu đô thị Ecopark, với diện tích phát triển lên tới gần 500ha, trong đó có hơn 110ha cây xanh, hồ nước.
Sau hơn một thập kỷ hình thành và phát triển, khu đô thị Ecopark đã trở thành một biểu tượng đô thị sinh thái kiểu mới với môi trường sống xanh và trong lành phía Đông Nam Hà Nội. Cùng với quy hoạch bài bản và kết nối hạ tầng đồng bộ, Ecopark còn được xem là một trong những đại đô thị thành công trên thị trường bất động sản nói chung.
Giờ đây, Ecopark được ví như lá phổi khổng lồ nằm ở cửa ngõ Đông Nam Thủ đô Hà Nội - nơi cuộc sống được bao phủ bởi một màu xanh thiên nhiên.
Nhìn nhận sự thành công củaa Ecopark, phía Đông Nam Hà Nội thời gian gầy đây đang hình thành những đô thị sinh thái mới với sự hiện diện của ngày càng nhiều các “ông lớn” dọc theo sông Hồng. Có thể kể tới như: Vingroup với chuỗi sản phẩm Vinhomes; BRG & Mitsubishi với dự án Thành phố thông minh; hay như Him Lam và MIKGroup với hàng loạt dự án quy mô lớn ở tả ngạn sông Hồng.
Khu vực này cũng đang được đầu tư hệ thống giao thông đồng bộ, hệ thống tiện ích đa dạng trong khu vực bao gồm những tiện ích của khu đô thị Ecopark, Vinhomes,… Dự báo đây sẽ là động lực rất lớn biến khu vực Đông Nam Hà Nội là nơi đáng sống nhất trong vòng 10 năm tới.
Ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam nhìn nhận: “Khu vực phía Đông Nam đang có lợi thế lớn ở quỹ đất dồi dào với những dự án đô thị sinh thái thành công, được nhiều người thủ đô lựa chọn là nơi sinh sống cũng như điểm tham quan cuối tuần.
Với quy hoạch đô thị sông Hồng, khu vực Đông Nam càng có thêm nhiều cơ hội để phát triển các mô hình bất động sản theo xu thế tương lai như khu đô thị sinh thái, khu đô thị thông minh tích hợp đầy đủ chức năng và tiện ích trong bối cảnh khách hàng ngày càng có yêu cầu cao hơn về chất lượng cuộc sống”.
Hà Nội đang đứng ở một giai đoạn phát triển đô thị kiểu mới. Phát triển về chất chứ không phải theo số lượng. Bởi vậy, không có lý do gì chúng ta không quan tâm nhiều hơn đến phát triển không gian công cộng, để chứng minh rằng chúng ta dù không phải thành phố giàu nhất nhưng là thành phố vì con người nhiều nhất.
Với hình mẫu đô thị sinh thái của phía Đông Nam, Hà Nội hoàn toàn có thể nhân rộng những đô thị kiểu mẫu này dọc hai bên bở sông Hồng. Từ đó, đô thị sông Hồng sẽ là một đại đô thị sinh thái có sự hài hòa giữa màu xanh cây lá với không gian mặt nước theo quy hoạch có tầm nhìn lâu dài.