Năm 2024, Hà Nội đặt mục tiêu thu hút sự tham gia của 20 - 25 doanh nghiệp với khoảng 30-35 sản phẩm được công nhận sản phẩm công nghiệp chủ lực thành phố; 100% các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực thụ hưởng các chính sách hỗ trợ của thành phố...
Với định hướng trên, cơ quan chức năng đã tập trung các giải pháp giúp các doanh nghiệp sản phẩm công nghiệp chủ lực thành phố nâng cao năng lực cạnh tranh, thúc đẩy hợp tác, tham gia sâu hơn vào chuỗi sản xuất, cung ứng toàn cầu.
Giữ vai trò tiên phong
Theo Cục Thống kê Hà Nội, quý 1/2024, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) Hà Nội tăng 3,6% so với cùng kỳ năm 2023, trong đó một số ngành chế biến, chế tạo đạt mức tăng khá so với cùng kỳ như: Sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy tăng 13,5%; sản xuất thiết bị điện tăng 10,1%. Sản xuất thuốc lá tăng 9,8%; sản xuất giường, tủ, bàn, ghế tăng 7,7%; sản xuất trang phục tăng 5,8%. Sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu tăng 5,7%.
Đóng góp vào kết quả trên là nhờ sự nỗ lực của các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố trong việc đổi mới công nghệ, thiết bị, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế qua đó tăng năng suất lao động, đáp ứng các yêu cầu của bên mua hàng.
Ông Nguyễn Ngọc Chung, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Dụng cụ cơ khí xuất khẩu (EMTC) cho biết doanh nghiệp đang hướng tới mục tiêu làm ra sản phẩm của người Việt đạt chất lượng quốc tế, phục vụ người Việt và vươn tầm ra khu vực và trên thế giới.
Là một trong những doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực của Hà Nội, công ty đang sản xuất thang máy Made in Vietnam tiêu chuẩn châu Âu, trong đó, phần động cơ thang máy, doanh nghiệp đã ký kết hợp tác chiến lược toàn diện với tập đoàn cung cấp động cơ thang máy hàng đầu châu Âu - Tập đoàn CSAG của Tây Ban Nha.
"Việc này mở ra cơ hội cho người tiêu dùng Việt Nam sử dụng các sản phẩm tiêu chuẩn châu Âu với mức chi phí hợp lý”, ông Nguyễn Ngọc Chung chia sẻ.
Trong khi đó, ông Nguyễn Ngọc Hiếu, Giám đốc Thương hiệu của iTEK ELEVATOR chia sẻ, nhằm nâng cao trải nghiệm khách hàng khi lựa chọn sản phẩm, đưa sản phẩm đến gần hơn với người tiêu dùng, doanh nghiệp đã xây dựng trung tâm thang máy tại Khu công nghiệp Quang Minh (huyện Mê Linh, Hà Nội).
Ngoài việc trưng bày tất cả các sản phẩm, linh phụ kiện, động cơ hàng đầu dành cho thang máy như: tủ điều khiển, bảng điều khiển, bộ chuyển động cửa và các linh kiện quan trọng được nhập khẩu chính hãng; các sản phẩm cơ khí do EMTC sản xuất như buồng thang, khung thép... mà còn là nơi kết nối kinh doanh, gặp gỡ đối tác, trao đổi về nghề nghiệp, thiết kế… trong lĩnh vực này.
Tương tự, là một trong số những doanh nghiệp tiên phong phát triển và áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế vào các sản phẩm quạt công nghiệp, ông Nguyễn Đặng Bình Thành, đại diện Công ty cổ phần Cơ điện TOMECO cho hay, nhằm thúc đẩy quá trình Chuyển đổi Số, năm 2023 doanh nghiệp đã ứng dụng giải pháp mới công nghệ mới, tiếp cận công nghệ 4.0 kết nối vạn vật IoT, cho phép giám sát hiện trạng cũng như chế độ vận hành của sản phẩm theo thời gian thực.
Thông qua sự đầu tư, áp dụng các thành tựu của khoa học kỹ thuật, nhiều sản phẩm công nghiệp chủ lực đã có chỗ đứng vững chắc trên thị trường, khẳng định thương hiệu của doanh nghiệp.
"Nâng chất" tạo giá trị gia tăng lớn hơn
Thực tế cho thấy, sự đóng góp của các doanh nghiệp chủ lực đã giúp nhiều lĩnh vực công nghiệp có sự tăng trưởng mạnh mẽ. Theo Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan, các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực ngày càng thể hiện và khẳng định được vai trò tiên phong, trụ đỡ và là động lực cho phát triển công nghiệp Thủ đô; có tác động lan tỏa mạnh đến kinh tế thành phố, đóng góp tỷ trọng lớn vào tổng giá trị sản xuất công nghiệp và phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế-xã hội của Thủ đô.
Từ năm 2018 - 2023, Ủy ban Nhân dân TP. Hà Nội đã công nhận 229 sản phẩm của 156 doanh nghiệp đạt danh hiệu sản phẩm công nghiệp chủ lực. Các doanh nghiệp có sản phẩm được thành phố Hà Nội công nhận là sản phẩm công nghiệp chủ lực phần lớn là những đơn vị có quy mô lớn, có sức cạnh tranh cao trên thị trường, có khả năng hội nhập kinh tế quốc tế, tham gia vào chuỗi sản xuất, cung ứng toàn cầu.
Thông qua hoạt động sản xuất - kinh doanh, các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực đã khẳng định được vai trò tiên phong, trụ đỡ và là động lực cho phát triển công nghiệp Thủ đô. Mỗi năm, các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực đạt doanh thu gần 200.000 tỷ đồng, chiếm gần 35% tổng giá trị sản xuất công nghiệp thành phố; kim ngạch xuất khẩu đạt gần 2 tỷ USD; tạo việc làm cho gần 80.000 lao động.
Tuy vậy, để tăng số doanh nghiệp tham gia mạng lưới sản xuất toàn cầu, cung ứng cho các tập đoàn đa quốc gia… thì bên cạnh sự nỗ lực của mỗi doanh nghiệp, rất cần sự trợ lực của cơ quan chức năng.
Đại diện Sở Công Thương Hà Nội thông tin, mới đây TP. Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 302/KH-UBND về thực hiện Đề án phát triển sản phẩm công nghiệp chủ lực thành phố Hà Nội năm 2024.
Theo đó, Hà Nội sẽ thực hiện cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh cho các doanh nghiệp sản phẩm công nghiệp chủ lực Hà Nội, hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực phát triển khoa học công nghệ, phát triển nguồn nhân lực, xét chọn và tôn vinh sản phẩm công nghiệp chủ lực, đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực thành phố…
Với các giải pháp đồng bộ, Hà Nội phấn đấu 100% các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực thụ hưởng các chính sách hỗ trợ của thành phố, đồng thời giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, thúc đẩy hợp tác, liên kết sản xuất giữa doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực Hà Nội với doanh nghiệp của các tỉnh, thành trong nước và nước ngoài./.