Trao đổi với Reatimes, ông Đặng Hữu Lên - Bí thư Thị ủy Điện Bàn (Quảng Nam) cho biết đã chỉ đạo UBND TX. Điện Bàn lập đoàn kiểm tra, xác minh việc cải tạo, chỉnh trang đồng ruộng tại thôn Hà Tây 2, xã Điện Hòa. Nếu đơn vị thi công không thực hiện theo đúng quy định thì sẽ có kiến nghị đến UBND tỉnh Quảng Nam thu hồi giấy phép.
Nhiều khuất tất cần được làm rõ
Sáng ngày 15/6, UBND TX. Điện Bàn đã tổ chức đoàn kiểm tra liên ngành để xác minh những phản ánh của người dân tại thôn Hà Tây 2 (xã Điện Hòa) xung quanh việc cải tạo, chỉnh trang đồng ruộng tại đây. Theo ông Nguyễn Minh Hiếu, Phó Chủ tịch UBND TX. Điện Bàn: “Thị xã đã giao cho Phòng Tài nguyên và Môi trường chủ trì kiểm tra những nội dung mà Reatimes đã phản ánh trong thời gian vừa qua”.
Trước đó, người dân thôn Hà Tây 2 (xã Điện Hòa, TX. Điện Bàn) hết sức bức xúc xung quanh việc cải tạo, chỉnh trang đồng ruộng do Công ty TNHH MTV Phước Điệp là đơn vị thi công. Người dân cho rằng thay vì cải tạo đồng ruộng theo đúng phương án được duyệt, thì công ty này chỉ chú ý đến việc khai thác đất mang đi bán là chính.
Theo đó, nhiều khu vực bị múc quá sâu, ruộng sau cải tạo thấp hơn mực nước chết của sông Bàu Nít (sông nằm sát với cánh đồng thôn Hà Tây 2 – PV) nên khi có mưa cả cánh đồng đã ngập nước. Chưa hết, khu vực đất trồng màu cũng bị đơn vị này tận thu, cày xới để khai thác đất.
Đáng chú ý, trước đó chính quyền có tổ chức họp dân để thông tin về phương án cải tạo, chỉnh trang đồng ruộng nhưng đa phần người dân nơi đây không đồng ý với phương án trên, bởi những lo ngại về việc thay đổi độ sâu của thửa ruộng sẽ gây khó khăn trong việc canh tác. Dù chưa có đầy đủ chữ ký xác nhận của người dân, đơn vị thi công vẫn tiến hành đưa xe múc tiến vào đồng ruộng để khai thác đất.
Theo ông Nguyễn Xuân Thu, Chủ tịch HĐND xã Điện Hòa, mục đích của chủ trương này là tạo nên sự đồng bộ trên cánh đồng, đưa đất từ những đám ruộng cao đến những đám ruộng thấp, tạo thuận lợi để áp dụng khoa học kỹ thuật và máy móc vào sản xuất giúp nâng cao hiệu quả. “Để thực hiện được thì trước tiên phải có sự đồng tình từ người dân. Chủ của mỗi đám ruộng sẽ làm những tờ đơn đề nghị cải tạo, trên cơ sở đó thì mới được thực hiện”, ông Nguyễn Xuân Thu, nói thêm. Thế nhưng, trong các buổi họp, nhiều người dân không đồng ý với việc cải tạo trên, không ký xác nhận, nhưng các thửa ruộng của họ vẫn bị máy múc cày xới và đất sét vẫn theo các đoàn xe ben đến với lò gạch. “Mình không đồng ý, nhưng rồi họ cũng làm thôi”, bà Lê Thị Tịnh (thôn Hà Tây 2, xã Điện Hòa) chia sẻ.
Thất thoát ngân sách?
Bên cạnh những ý kiến bức xúc của người dân, PV Reatimes cũng ghi nhận được nhiều sai phạm của Công ty TNHH MTV Phước Điệp trong quá trình khai thác đất sét làm vật liệu xây dựng thông thường trong quá trình cải tạo, chỉnh trang đồng ruộng tại xã Điện Hòa.
Theo giấy phép khai thác khoáng sản số 76/GP-UBND do UBND tỉnh Quảng Nam cấp cho Công ty TNHH MTV Phước Điệp, công ty này có trách nhiệm lắp đặt camera và trạm cân để cơ quan chức năng giám sát về khối lượng khai thác. Quy định này, nhằm hạn chế tình trạng “ăn cắp vật liệu” trong quá trình cải tạo, chỉnh trang đồng ruộng. Và đây cũng là cơ sở để truy thu ngân sách nếu khai thác vượt quá khối lượng cho phép.
Tuy nhiên, theo ghi nhận của PV, có rất nhiều xe chở đất sét từ khu vực đồng ruộng không đi qua trạm cân của đơn vị này. Ông Nguyễn Văn Hải, Chủ tịch UBND xã Điện Hòa, xác nhận trạm cân tại khu vực khai thác trên đã hư hỏng, nên xe chở đất không qua trạm cân để làm gì? Vì vậy, để kiểm tra khối lượng đất, UBND xã Điện Hòa, dựa trên cao trình, phương án đã được phê duyệt. Nếu vậy thì nội dung yêu cầu lắp đặt camera, trạm cân trước khi cho phép Công ty TNHH MTV Phước Điệp tiến hành khai thác đất sét của tỉnh Quảng Nam phải chăng đã bị công ty này xem thường?
Cùng với đó, đơn vị này thi công không theo hình thức cuốn chiếu như phương án đã được phê duyệt mà thực hiện cày xới, múc đất tràn lan trên cánh đồng. Theo kế hoạch, từ ngày 1/12/2020 – 30/11/2021 là thời gian thực hiện giai đoạn 2 của phương án cải tạo, chỉnh trang đồng ruộng tại thôn Hà Tây 2, giai đoạn này đơn vị thi công sẽ thực hiện cải tạo các vùng 5, 6, 9 và 10. Tuy nhiên hiện đơn vị thi công vẫn đang cho xe múc hoạt động trên các khu vực cánh đồng thuộc vùng 4 (vùng 4 thuộc giai đoạn 1, hạn hoàn thành là ngày 30/11/2020).
Lý giải chuyện này, ông Nguyễn Văn Hải, Chủ tịch UBND xã Điện Hòa, cho rằng một số khu vực ruộng thuộc giai đoạn 1 có mặt bằng chưa đảm bảo nên đơn vị thi công phải đưa xe vào san, ủi lại để giao cho người dân. Ngay như đường giao thông và hệ thống kênh mương nội đồng thuộc các khu vực giai đoạn 1 chưa xây dựng theo phương án đã được phê duyệt.
Mặc dù chưa hoàn thành các công việc trong giai đoạn 1, nhưng Công ty TNHH MTV Phước Điệp vẫn chuyển sang thực hiện cải tạo, chỉnh trang đồng ruộng kết hợp khai thác đất sét tại các thửa ruộng thuộc giai đoạn 2. Đây là một điều bất hợp lý, bởi trong hợp đồng kinh tế giữa UBND xã Điện Hòa (chủ đầu tư) và Công ty TNHH MTV Phước Điệp đã nêu rõ phương thức thực hiện: “Cải tạo xong giai đoạn 1, báo UBND xã tổ chức nghiệm thu mới tiếp tục thực hiện giai đoạn 2, đồng thời tạm chia đất cho nhân dân sản xuất,…”. Vậy, chủ đầu tư đã nghiệm thu như thế nào mà đến khi thực hiện giai đoạn 2, một số hạng mục công trình thuộc giai đoạn 1 vẫn chưa đảm bảo và phải thực hiện lại?
Reatimes sẽ tiếp tục thông tin./.