Việt Nam đã qua 30 năm đổi mới-mở cửa và hội nhập quốc tế (1986-2018) và bây giờ đang nỗ lực bước vào cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 với nhiều khát vọng lớn lao. Hơn 30 năm, chừng ấy thời gian đủ để các nhà hoạch định chính sách và quản trị đất nước tổng kết, nhìn nhận, phân tích, đánh giá một cách toàn diện những thành tựu, những hạn chế (kể cả thất bại) bằng một tầm nhìn mới, một tư duy mới, biện chứng khoa học, khách quan và công bằng, từ đó có được những chủ trương, những định hướng quan trọng để phát triển đất nước bền vững trong nhiều thập kỷ tiếp theo. Đây là công việc rất hệ trọng ở tầm quốc gia, nhưng nếu nhìn rộng hơn thì đó cũng là việc của xã hội, của các ngành, các giới và của nhân dân- những người đã, đang trực tiếp tạo dựng nên thành quả, hưởng thụ thành quả và cả gánh chịu những hậu quả do chính thành quả ấy gây ra. Mà trong đó, Kiến trúc là hình ảnh phản ánh rõ nét nhất, trung thực nhất, sinh động nhất, sâu sắc nhất diện mạo phát triển của đất nước trong suốt chặng đường hơn 30 năm đổi mới lớn lao ấy.
Tôi là người yêu kiến trúc, gắn bó cả đời với kiến trúc, nhưng lại không phải là người làm lý luận-phê bình kiến trúc chuyên nghiệp. Và có lẽ vì thế mà tư duy của tôi không bị phụ thuộc vào cách tư duy hàn lâm, kinh viện của nghiên cứu kiến trúc truyền thống. Tôi nhìn kiến trúc, nghề của tôi, bằng cái nhìn cởi mở đa chiều để tìm thấy ở đó sự tương tác giữa kiến trúc với con người, giữa kiến trúc với thiên nhiên và cả giữa kiến trúc với văn hóa.
1. Nhìn lại những năm trước 1986, cả nước sống trong thời kỳ bao cấp. Tất cả xã hội được quản lý bằng tem phiếu, phân phối theo kế hoạch của nhà nước. Từ lương thực, thực phẩm đến hàng hóa tiêu dùng thiết yếu của đời sống. Như cân gạo, lít dầu hỏa, mét vải may quần áo, chiếc săm, lốp xe đạp hiệu sao vàng, bao thuốc lá Trường Sơn, Điện Biên…v.v và v.v…Nhà ở cũng do nhà nước quản lý xây dựng và phân phối cho những đối tượng thuộc biên chế ăn lương nhà nước (kể cả các lực lượng vũ trang quân đội, công an). Nhà dân tự xây ở đô thị hầu như không có. Bởi nếu ai đó có tiền muốn xây cũng không thể mua nổi bao xi măng, chứ đừng nói đến sắt thép, hay các vật liệu xây dựng khác ngoài thị trường. Kiến trúc đô thị thời kỳ sau chiến tranh khoác một màu đơn điệu đến buồn tẻ, nhưng trật tự và ngăn nắp.
Các khu nhà ở tập thể 4-5 và 6 tầng được quy hoạch bài bản theo mô hình tiểu khu nhà ở của Liên Xô và xây dựng bằng phương pháp lắp ghép bê tông tấm nhỏ, tấm lớn, có cấu trúc căn hộ khép kín rộng từ 24 đến 36 m2 ở khu vực Thanh Xuân (nơi tập trung nhiều trường đại học và nhà máy); Thanh Nhàn, Quỳnh Mai, Kim Liên, Trung Tự, Thành Công, Giảng Võ…cùng nhiều công trình phúc lợi công cộng như trường học, bệnh viện, nhà văn hóa, công viên…được xây dựng, cải tạo trong thành phố bằng nguồn đầu tư công hạn hẹp đã đem đến cho các đô thị sau chiến tranh một khởi sắc mới, đáp ứng phần nào yêu cầu của xã hội đương thời, thúc đẩy phát triển kinh tế, góp phần hoàn thành các kế hoạch 5 năm của nhà nước.
Khi ấy, sinh viên kiến trúc sau khi tốt nghiệp đều được nhà trường phân công công tác. Và nếu ai đó may mắn được về làm việc tại các đơn vị tư vấn của nhà nước như Viện Thiết kế nhà ở và công trình công cộng, Viện Quy hoạch đô thị-nông thôn (Bộ Xây dựng) thì quả là hạnh phúc. KTS thời đó làm việc theo kế hoạch được giao và có nhiệm vụ phải hoàn thành đúng tiến độ. KTS hành nghề tự do hầu như rất hiếm, nếu có chăng thì ở một vài đô thị lớn phía Nam được giải phóng sau 1975.
Quy hoạch – Kiến trúc thời 4.0 liệu rồi có thay đổi?! Sẽ có rất nhiều vấn đề đặt ra cho kiến trúc. Như, kiến trúc thời 4.0 là gì? Bản sắc thế nào? Mối quan hệ tương tác giữa con người với kiến trúc, với thiên nhiên ra sao? Rồi KTS Việt Nam, đặc biệt là thế hệ KTS trẻ, những người nắm quyền lực sáng tạo để quyết định nền nghệ thuật kiến trúc nước nhà, sẽ được chuẩn bị hành trang thế nào cho cuộc cách mạng 4.0 này?
Công cuộc đổi mới (bắt đầu từ Đại hội lần thứ VI của Đảng vào cuối năm 1986) đã như cơn lốc phá vỡ những rào cản, trói buộc trong quản lý hành chính và cả phần nào lối tư duy bảo thủ, trì trệ của một thời kỳ dài quan liêu bao cấp và duy ý chí. Cả nước như một đại công trường với quá trình đô thị hóa mạnh mẽ và rộng khắp. Người dân được tự do cải tạo, xây nhà ở cho riêng mình…Đã xuất hiện những “phố hàng” mới chuyên bán vật liệu xây dựng và các trang thiết bị nội thất nhà ở từ bình dân đến cao cấp như phố Cát Linh, Thanh Nhàn và nhiều nơi trong thành phố. Kiến trúc bắt đầu vào cuộc đổi thay cả về lượng và chất.
Sự xuất hiện Khu đô thị mới Bắc Linh Đàm ở Hà Nội và Khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng ở TP.Hồ Chí Minh đầu thập niên 90 là khởi đầu đầy ấn tượng cho việc hình thành các khu nhà ở kiểu mới, cao tầng, kiến trúc hiện đại và tiện nghi tại các đô thị mới những năm tiếp theo, góp phần làm cho kiến trúc đô thị đổi thay tích cực theo hướng văn minh hiện đại. Đội ngũ KTS cũng ngày thêm đông đảo tỷ lệ thuận với sự ra đời của nhiều trường đại học dân lập có đào tạo KTS như Đông Đô, Phương Đông…ở Hà Nội, hay Văn Lang…ở TP.Hồ Chí Minh, Kiến trúc Đà Nẵng… ở TP.Đà Nẵng.v.v… Hàng vạn Cty TNHH tư vấn kiến trúc do KTS lập ra theo Luật Doanh nghiệp hoạt động bình đẳng cùng các đơn vị tư vấn truyền thống chịu sự quản lý của các Bộ, ngành, UBND các Tỉnh-TP. Nhiều tổ chức tư vấn nước ngoài đã sớm có mặt tại Việt Nam khi nhận ra rằng, đây là thị trường kiến trúc mới mẻ, đầy hấp dẫn (lợi nhuận).
Chính phủ Việt Nam thực thi chính sách ưu đãi, mở rộng cánh cửa hội nhập, mời gọi đầu tư đặc biệt là các dự án kinh tế có nguồn đầu tư lớn. Sự xuất hiện các tổ chức tư vấn kiến trúc nổi tiếng của Nhật Bản, Hàn Quốc, Sigapore, Đức, Pháp… đã làm cho thị trường kiến trúc thêm sôi động. Bằng công nghệ thiết kế hiện đại, tư duy sáng tạo mang tính toàn cầu và dày dạn kinh nghiệm, các KTS ngoại quốc nhanh chóng xác lập vị thế của mình với sự tin cậy của chính quyền. Nhiều dự án kiến trúc công trình và quy hoạch lớn cấp vùng tỉnh và quốc gia do tư vấn nước ngoài thực hiện.
Một vài công ty tư vấn trong nước chấp nhận làm thuê cho tư vấn nước ngoài dưới danh nghĩa là liên danh, liên kết và tất nhiên, khoản tiền thiết kế được nhận ít hơn rất nhiều so với giá trị thực mà các KTS nước ngoài nhận được bằng ngoại tệ mạnh. Sự phát triển đến chóng mặt của công nghệ thông tin bắt đầu từ cuối những năm 90 đã tác động mạnh mẽ (cả tích cực lẫn tiêu cực) đến hoạt động của giới kiến trúc. Với công cụ Goggle và chỉ một vài cái “nhấp chuột”, kho tư liệu khổng lồ về văn hóa-kiến trúc nhân loại được mở ra đem đến cho sinh viên kiến trúc, KTS và cả các nhà nghiên cứu một cách tiếp cận mới với thế giới đương đại.
Các trường đào tạo KTS sau hàng thập niên giảng dạy với giáo trình cũ mèm được soạn đi soạn lại đã phải giật mình trước công nghệ đào tạo hiện đại của các nước trong khu vực và thế giới. KTS bị ngập chìm trong cái hỗn mang của các trường phái kiến trúc. Không kể hội chứng “đá rửa” từ miền Nam lan ra sau 1975 và kết thúc vào những năm cuối 80, thì trong thời kỳ đổi mới, kiến trúc Việt Nam đã chứng kiến sự xuất hiện và lây lan đến chóng mặt của các xu hướng từ kiến trúc “chóp”, “ nhại cổ”, “ nhại kiến trúc Pháp” , kiến trúc “hiện đại”, “hậu hiện đại”, “hiện đại mới”, “chiết trung” và bây giờ là “ kiến trúc xanh”, “kiến trúc bền vững” rồi sắp tới đây là “kiến trúc 4.0”. Được hành nghề trong một môi trường cởi mở, thuận lợi, dễ dàng, KTS Việt Nam, nhất là những người thuộc thế hệ 6X-7X đã thỏa sức sáng tạo theo “cái tôi” đầy kiêu hãnh?! Thế nhưng, dù rất háo hức khi từ “ao làng” ra “biển lớn” nhưng do thiếu hành trang cơ bản, nên KTS Việt Nam đã rất lung túng khi lựa chọn hướng sáng tác giữa cũ và mới, giữa truyền thống và hiện đại, giữa phong cách bản địa và phong cách quốc tế.
Sự lười nhác trong sáng tạo cùng với tư tưởng sính ngoại quá mức đã tạo ra một lớp KTS sao chép, mà sản phẩm là những kiến trúc nhại cổ, lai căng, hiện đại nửa vời, xa rời điều kiện tự nhiên và văn hóa của dân tộc. Nguy hại hơn, sự lúng túng, mất định hướng trong sáng tác cùng sự yếu kém trong quản lý quy hoạch đô thị đã làm cho bộ mặt kiến trúc nhiều TP, đô thị của chúng ta trở nên hỗn độn, na ná nhau, miền núi cũng như đồng bằng, trở thành những bản sao 3D vô hồn xa lạ, không bản sắc.
Nhiều khu đô thị mới được xây dựng tại các vị trí đắc địa của thành phố với những chung cư cao cấp hào nhoáng nhưng lại thiếu gắn kết với hệ thống hạ tầng kỹ thuật- cấp thoát nước và giao thông đô thị; thiếu không gian xanh, không gian sinh hoạt cộng đồng, thiếu dịch vụ công như nhà trẻ, trường học, cơ sở y tế…trở thành những ốc đảo cô độc. Đã xuất hiện tràn lan theo kiểu phong trào xây dựng những cổng chào, tượng đài, biểu tượng, điểm nhấn đồ sộ, hoành tráng với vốn đầu tư hàng chục, hàng trăm tỷ đồng, nhưng lại lạc lõng với văn hóa dân tộc. Kiến trúc nông thôn truyền thống bị đô thị hóa cưỡng bức đang có nguy cơ mất bản sắc, trở thành “nơi chứa rác thải” của văn minh đô thị.
Có thể nói, chưa bao giờ đô thị nước ta lại có diện mạo kiến trúc phong phú, đa dạng nhưng cũng nhiều hỗn loạn như thời kỳ này!
Nhiều khu đô thị mới được xây dựng tại các vị trí đắc địa của thành phố với những chung cư cao cấp hào nhoáng...
KTS bị ngập chìm trong cái hỗn mang của các trường phái kiến trúc. Không kể hội chứng “đá rửa” từ miền Nam lan ra sau 1975 và kết thúc vào những năm cuối 80, thì trong thời kỳ đổi mới, kiến trúc Việt Nam đã chứng kiến sự xuất hiện và lây lan đến chóng mặt của các xu hướng từ kiến trúc “chóp”, “ nhại cổ”, “ nhại kiến trúc Pháp” , kiến trúc “hiện đại”, “hậu hiện đại”, “hiện đại mới”, “chiết trung” và bây giờ là “ kiến trúc xanh”, “kiến trúc bền vững” rồi sắp tới đây là “kiến trúc 4.0”.
Được hành nghề trong một môi trường cởi mở, thuận lợi, dễ dàng, KTS Việt Nam, nhất là những người thuộc thế hệ 6X - 7X đã thỏa sức sáng tạo theo “cái tôi” đầy kiêu hãnh?! Dù rất háo hức khi từ “ao làng” ra “biển lớn” nhưng do thiếu hành trang cơ bản, nên KTS Việt Nam đã rất lúng túng khi lựa chọn hướng sáng tác giữa cũ và mới, giữa truyền thống và hiện đại, giữa phong cách bản địa và phong cách quốc tế. Sự lười nhác trong sáng tạo cùng với tư tưởng sính ngoại quá mức đã tạo ra một lớp KTS sao chép, mà sản phẩm là những kiến trúc nhại cổ, lai căng, hiện đại nửa vời, xa rời điều kiện tự nhiên và văn hóa của dân tộc.
Nguy hại hơn, sự lúng túng, mất định hướng trong sáng tác cùng sự yếu kém trong quản lý quy hoạch đô thị đã làm cho bộ mặt kiến trúc nhiều TP, đô thị của chúng ta trở nên hỗn độn, na ná nhau, miền núi cũng như đồng bằng, trở thành những bản sao 3D vô hồn xa lạ, không bản sắc.
Nhiều khu đô thị mới được xây dựng tại các vị trí đắc địa của thành phố với những chung cư cao cấp hào nhoáng nhưng lại thiếu gắn kết với hệ thống hạ tầng kỹ thuật, cấp thoát nước và giao thông đô thị; thiếu không gian xanh, không gian sinh hoạt cộng đồng, thiếu dịch vụ công như nhà trẻ, trường học, cơ sở y tế… trở thành những ốc đảo cô độc. Đã xuất hiện tràn lan theo kiểu phong trào xây dựng những cổng chào, tượng đài, biểu tượng, điểm nhấn đồ sộ, hoành tráng với vốn đầu tư hàng chục, hàng trăm tỷ đồng, nhưng lại lạc lõng với văn hóa dân tộc. Kiến trúc nông thôn truyền thống bị đô thị hóa cưỡng bức đang có nguy cơ mất bản sắc, trở thành “nơi chứa rác thải” của văn minh đô thị.
Có thể nói, chưa bao giờ đô thị nước ta lại có diện mạo kiến trúc phong phú, đa dạng nhưng cũng nhiều hỗn loạn như thời kỳ này!
2. Kiến trúc là một ngành nghệ thuật đặc biệt, là cỗ máy cái sản sinh ra các ngành nghệ thuật khác. Lịch sử nhân loại đã gọi kiến trúc là âm nhạc, là thi ca được viết bằng đá. Và vì thế, KTS là một nghề được xã hội kính trọng.
Thế nhưng, trong nền kinh tế thị trường (cho dù có sự điều tiết của nhà nước và theo định hướng xã hội chủ nghĩa), thì kiến trúc không phải lúc nào cũng mang danh cao cả vì cộng đồng, vì xã hội, mà thực tế, kiến trúc còn vì lợi nhuận, vì lợi ích của các nhà đầu tư (hay các ông chủ?!) và nhu cầu của mọi tầng lớp trong xã hội. Từ người lao động làm công ăn lương (kể cả các trí thức) cho đến các nhà tư bản mới (và cả trọc phú mới). Vào cuối thập niên 90 trở lại đây đã xuất hiện những những xu hướng kiến trúc như thế.
Tôi rất ấn tượng và thú vị với thương hiệu “Nhà Vui” mà người sáng lập nó là Nguyễn Thu Phong, một KTS thuộc thế hệ 7X, thủ lĩnh của phong trào KTS trẻ do Hội KTS Việt Nam khởi xướng, với các kỳ liên hoan KTS trẻ toàn quốc nổi tiếng đình đám trong giới. Không như nhiều KTS mải miết tìm kiếm những dự án hoành tráng, hay những giải thưởng kiến trúc danh giá trong nước và quốc tế, thì Thu Phong đã rất nhanh nhạy tìm thấy ở TP.HCM, một TP trẻ đầy sức sống với hơn 10 triệu dân, đang chuyển mình mạnh mẽ về kinh tế và đô thị hóa, một thị trường nhà ở bình dân đầy hấp dẫn. Và thế là Công ty tư vấn kiến trúc Nhà Vui ra đời với một Slogan tươi mới (chẳng có vẻ gì kiến trúc) “Trọn niềm vui sống”.
Khởi nghiệp từ năm 2000 tại TP.HCM, chỉ trong khoảng vài năm, Nhà Vui từ một văn phòng tư vấn thiết kế đã nhanh chóng phát triển thành chuỗi với gần 20 Văn phòng “Nhà Vui Center” và “Nhà Vui Construction” tại các quận trong TP và nhiều tỉnh, thành trên cả nước, trong đó có Hà Nội, Hải Phòng, Bình Dương… Để quảng bá và tiếp thị cho Công ty của mình, các KTS của Nhà Vui đã tận tình tư vấn tại chỗ cho khách hàng về các mẫu thiết kế, giúp khách hàng có được sự hiểu biết nhất định về nhà ở, về trang thiết bị nội thất, về vật liệu xây dựng cho ngôi nhà tương lai của mình.
Khách hàng của Nhà Vui ngày một đông, chủ yếu là tầng lớp bình dân, trung lưu tại đô thị. Hợp đồng thiết kế ngày càng nhiều, kèm theo đó là chuỗi cửa hàng bán vật liệu xây dựng, nội thất… cũng mang tên Nhà Vui, đã đem đến cho ông chủ của nó và các cộng sự một nguồn thu ổn định, dồi dào. Đến hôm nay, Nhà Vui đã trở thành thương hiệu có uy tín trên thị trường nhà ở đô thị.
Tôi chợt liên tưởng đến thương hiệu “Phở 24” của doanh nghiệp Lý Quý Trung xuất hiện vào năm 2003 với vốn đầu tư ban đầu khoảng 1 tỷ đồng. Sau 5 năm khởi nghiệp với hàng trăm cửa hàng, Phở 24 đã trở thành ông kễnh trên thị trường đồ ăn nhanh ở Việt Nam. Và đến năm 2013, ông chủ Phở 24 đã bán 100% cổ phần thương hiệu này cho một tỷ phú nước ngoài với giá trị là 20 triệu đô la Mỹ để khởi nghiệp qua một lĩnh vực khác.
Vậy thương hiệu Nhà Vui có giá trị bao nhiêu nếu ông chủ của nó chuyển nhượng? Tôi không biết, nhưng có điều chắc chắn sau gần 20 năm hoạt động, Cty Nhà Vui vẫn đang đứng vững và phát triển trong một thị trường cạnh tranh đầy khốc liệt bởi hoạt động của hàng ngàn Cty, Văn phòng Tư vấn kiến trúc.
Một trường hợp khác thuộc thế hệ 6X mà tôi cũng quan tâm, đó là KTS Văn Chương, ông chủ của Công ty Tư vấn AC nổi tiếng và cả “tai tiếng” với Slogan “Kiến trúc dành cho người đẳng cấp”. Tôi biết Văn Chương từ rất lâu. Đó là một KTS tài hoa. Con trai nghệ sỹ nhiếp ảnh nổi tiếng trong thời kỳ chiến tranh chống Mỹ Phạm Huy Lượng. Trước khi thành lập Công ty Tư vấn kiến trúc AC của riêng mình vào năm 2001, Văn Chương đã từng làm việc tại Viện Thiết kế nhà ở và công trình công cộng (nay là Tập đoàn tư vấn xây dựng Việt Nam – VNCC) thuộc Bộ Xây dựng.
Vào lúc này tôi lại nhớ những lời tâm huyết của F.L.Wright, KTS lừng danh thế giới, cây đại thụ của kiến trúc thế kỷ XX, cha đẻ của trường phái kiến trúc hữu cơ “Hãy coi việc xây một cái chuồng gà cũng quan trọng như xây một tòa thành. Trong lĩnh vực nghệ thuật, độ lớn của một bản thiết kế không có mấy ý nghĩa, nếu bỏ qua khía cạnh tiền nong. Sức diễn cảm mới là điều thực sự cần tính đến. Một KTS có thể lớn trong một cái nhỏ, hoặc có thể nhỏ trong một cái lớn”
Văn Chương là tác giả của hàng trăm công trình từ khách sạn, trụ sở cơ quan đến nhà ở, đặc biệt là nhà ở dành cho những người giàu, được xây dựng trên nhiều tỉnh, thành trong cả nước, mà nhiều nhất là khu vực phía Bắc. Cái mà Văn Chương chịu nhiều tai tiếng (trong giới kiến trúc) là anh quá kiên trì đến cực đoan khi theo đuổi sáng tác theo phong cách kiến trúc cổ điển châu Âu, mà điển hình là kiến trúc cổ điển Pháp. Công trình của Văn Chương mỗi khi xây dựng lên đều được các nhà đầu tư khen ngợi, nhưng lại dị ứng với giới phê bình kiến trúc. Theo họ, kiến trúc của anh là nệ cổ, đi ngược với xu thế phát triển của thời đại. Thậm chí, có công trình của Văn Chương còn được đăng trên trang “đen” của Tạp chí Kiến trúc (Hội KTS Việt Nam)?!.
Thế nhưng, ít người biết rằng, tác giả của các công trình “nệ cổ” kia lại là một người lao động sáng tạo rất nghiêm túc. Với Văn Chương, nghệ thuật kiến trúc cổ điển châu Âu, trong đó có kiến trúc Pháp, là tinh hoa của kiến trúc nhân loại, nhưng để hiểu để cảm thụ được những tinh túy của nghệ thuật kiến trúc sang trọng này thì không chỉ qua sách vở, mà phải đi để trải nghiệm, để cảm nhận thực tế. Những chuyến đi qua Pháp, Ý, Hy Lạp, Đức, Hà Lan… rồi cả Mỹ, Canada và nhiều nước khác đã bồi đắp cho Văn Chương một kiến thức phong phú về nghệ thuật kiến trúc cổ điển châu Âu và kiến trúc Pháp, giúp anh trả lời câu hỏi, vì sao ở Việt Nam, kiến trúc Pháp lại có sức hấp dẫn đến mê hoặc như thế.
Kiên trì với sáng tác theo phong cách cổ điển châu Âu nhưng phù hợp với điều kiện tự nhiên và văn hóa Việt, các thiết kế của Văn Chương được xã hội đón nhận, đặc biệt là ở thể loại khách sạn, nhà ở kiểu biệt thự, cho dù hiện có rất nhiều KTS cũng đang thiết kế nhái theo xu hướng này. Khách hàng của Văn Chương không chỉ là các đại gia lớn, mà còn là những người có tiền, có tri thức. Cho đến thời điểm này, sau gần 20 năm thành lập, tên tuổi của KTS Văn Chương và Công ty AC đã trở thành địa chỉ tin cậy để các chủ đầu tư (tư nhân và cả nhà nước) tìm đến.
Khi trào lưu kiến trúc xanh, kiến trúc bền vững, kiến trúc thân thiện với môi trường tràn vào Việt Nam vào cuối thập niên 90, được Hội KTS Việt Nam đón nhận, cổ súy và vận động. Người đầu tiên sáng tác theo xu hướng này không ai khác, theo tôi, là KTS Võ Trọng Nghĩa. Với tác phẩm “Cà phê gió và nước”, một công trình kiến trúc hiện đại, theo xu hướng kiến trúc xanh được xây dựng hoàn toàn bằng vật liệu tre, lá truyền thống, Võ Trọng Nghĩa đã mang đến một luồng gió mới trong trẻo cho nền kiến trúc Việt Nam những năm đầu đổi mới.
“Cà phê Gió và Nước” đem lại vinh quang cho Võ Trọng Nghĩa với vô số giải thưởng kiến trúc danh giá của Việt Nam và quốc tế. Và cũng từ đó, nhiều tác phẩm kiến trúc xanh của Nghĩa ra đời được thế giới đón nhận và tôn vinh. Võ Trọng Nghĩa đã trở thành hiện tượng của Kiến trúc Việt Nam thời mở cửa, là cái tên hot nhất của truyền thông và là thần tượng của rất nhiều lớp sinh viên kiến trúc. Rồi khoảng 10 năm gần đây, nổi lên các gương mặt như KTS Hoàng Thúc Hào; Nguyễn Hoàng Mạnh; Đoàn Thanh Hà; Hồ Khuê; Nguyễn Xuân Minh, v.v…với nhiều thành công trong sáng tạo theo hướng kiến trúc xanh.
Kể ra một số trường hợp trong rất nhiều trường hợp, để thấy rằng, trong cái sự bề bộn và hỗn độn của kiến trúc hiện nay, đã và đang định hình những xu hướng với những tên tuổi mới đầy khao khát sáng tạo. Và đây chính là mảnh đất màu mỡ để các nhà lý luận và phê bình kiến trúc khai thác.
Kinh tế thị trường dù rất nghiệt ngã, nhưng cũng lại mở ra cơ hội cho những ai dám làm, dám dấn thân. Sự thành công của các KTS nói trên và rất nhiều KTS khác, không chỉ là những giải thưởng (mà thực tế có người chưa hề nhận được một giải thưởng kiến trúc nào kể cả trong nước và quốc tế), mà cái quan trọng là bằng tài năng, niềm đam mê và kiên trì trong lao động sáng tạo họ đã khẳng định được vị trí của mình với cộng đồng, được cộng đồng và xã hội đón nhận, trân trọng. Chính họ đã và đang góp phần làm phong phú nền kiến trúc Việt Nam thời kỳ đổi mới.
3. Kiến trúc hôm nay đang đứng trước ngã ba đường của sự phát triển kỹ thuật số, của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, của internet kết nối vạn vật và sự bất ổn ngày càng tăng bởi biến đổi khí hậu gây ra trên phạm vi toàn cầu. Toàn cầu hóa, quốc tế hóa đã xóa nhòa biên giới mềm của mỗi quốc gia, làm cho kiến trúc bản địa được nhận diện rõ ràng hơn, khách quan hơn (kể cả tôn vinh và phê phán) trước ánh sáng soi chiếu và giao thoa của kiến trúc nhân loại.
Những ngày tháng 9 vừa qua, trên Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) về ASEAN tổ chức tại Hà Nội với hơn 1000 đại biểu đến từ nhiều nước trong khu vực và thế giới, trong đó có nhiều nguyên thủ quốc gia đã bàn thảo về cơ hội hợp tác, khả năng nối kết kinh tế giữa các nước ASEAN để cùng phát triển trong thời kỷ cách mạng 4.0, trong đó có xây dựng TP thông minh (Smart City) với TP số hóa (Digital City). Kiến trúc của chúng ta cũng phải chuẩn bị để bước vào cuộc chơi lớn này. Công nghệ số sẽ làm thay đổi tư duy truyền thống của quy hoạch đô thị và kiến trúc.
Việt Nam hiện nay chưa có đô thị nào được ghi nhận trên bản đồ các TP thông minh trên thế giới. Và vì thế, sự lựa chọn đúng đắn cho bước đi của cách mạng 4.0 ở nước ta là phải tìm ra các điểm kết nối phù hợp trong điều kiện thực tế của đô thị hiện nay, ngoài việc xây dựng một Chính phủ điện tử, một nền hành chính kết nối, thì đó là giao thông kết nối, y tế kết nối, đào tạo kết nối, mạng lưới dịch vụ kết nối…
Sẽ ra sao, khi đời sống đô thị được công nghệ số hóa. Khi ấy (theo suy nghĩ của tôi) đường phố sẽ không còn cảnh tắc nghẽn giao thông bởi người ta sẽ làm việc trong những văn phòng ảo. Trung tâm thương mại, siêu thị sẽ đâu còn rộng lớn như bây giờ, thậm chí còn không tồn tại và nhà phố với cửa hàng san sát cũng sẽ dần biến mất bởi người ta mua hàng qua mạng và được phục vụ nhanh chóng bởi hệ thống “ship” chuyên chở đến tận nhà. Con người sẽ chỉ cần biết đến một Amazon hay Alibaba và eBay là có đầy đủ mọi thứ cho đời sống.
Quy hoạch – Kiến trúc thời 4.0 liệu rồi có thay đổi?! Sẽ có rất nhiều vấn đề đặt ra cho kiến trúc. Như, kiến trúc thời 4.0 là gì? Bản sắc thế nào? Mối quan hệ tương tác giữa con người với kiến trúc, với thiên nhiên ra sao? Rồi KTS Việt Nam, đặc biệt là thế hệ KTS trẻ, những người nắm quyền lực sáng tạo để quyết định nền nghệ thuật kiến trúc nước nhà, sẽ được chuẩn bị hành trang thế nào cho cuộc cách mạng 4.0 này? Đây là câu hỏi lớn cần được trả lời.
Vào lúc này tôi lại nhớ những lời tâm huyết của F.L.Wright, KTS lừng danh thế giới, cây đại thụ của kiến trúc thế kỷ XX, cha đẻ của trường phái kiến trúc hữu cơ “Hãy coi việc xây một cái chuồng gà cũng quan trọng như xây một tòa thành. Trong lĩnh vực nghệ thuật, độ lớn của một bản thiết kế không có mấy ý nghĩa, nếu bỏ qua khía cạnh tiền nong. Sức diễn cảm mới là điều thực sự cần tính đến. Một KTS có thể lớn trong một cái nhỏ, hoặc có thể nhỏ trong một cái lớn” (F.L.Wrigt-The Future of Architecture). Còn mới đây, trong thư gửi KTS nhân kỷ niệm 70 năm thành lập Hội KTS Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ rõ “Kiến trúc là văn hóa, là kiến tạo. Vì thế, KTS phải là con người văn hóa, con người kiến tạo”.
Mong sao KTS của chúng ta sẽ là những người như thế! Và nền Kiến trúc Việt Nam hiện đại sẽ được xây dựng lên và phát triển bởi chính những con người như thế!
(Hà Nội, mùa Thu 2018)