Tương tự nhiều quốc gia khác trên thế giới, diễn biến căng thẳng của đại dịch Covid-19 khiến thị trường bất động sản nói chung và bất động sản du lịch nói riêng tại Thái Lan diễn ra trầm lắng, ảm đạm. Tuy nhiên, khi nhìn lại chặng đường phát triển của bất động sản du lịch Thái Lan, có thể thấy thị trường này đã trải qua một thời kỳ hoàng kim với nhiều dự án lớn về quy mô và đa dạng về loại hình.
Những dự án nghỉ dưỡng cao cấp đã xuất hiện từ lâu tại các thủ phủ nghỉ dưỡng của Xứ sở Chùa Vàng như Bangkok, Pattaya, Phuket… được săn đón bởi nhiều nhà đầu tư trong nước và quốc tế nhờ tính ổn định cũng như giá trị tài sản. Trên nền tảng nhu cầu dồi dào này, những dịch vụ phụ trợ cũng phát triển theo để phục vụ các khách hàng tiềm năng. Vì vậy, hầu hết những người mua bất động sản du lịch nghỉ dưỡng tại Thái Lan đều tính đến đầu tư lâu dài và coi đây là một nơi tạm trú. Để có được điều này, một trong những yếu tố quyết định quan trọng là chính sách ưu tiên phát triển bất động sản du lịch của Thái Lan, đặc biệt là việc mở rộng thông thoáng khung pháp lý trong vấn đề thu hút nhà đầu tư cả trong và ngoài nước.
Tại Hội thảo Khoa học quốc tế: “Chính sách, pháp luật về bất động sản du lịch - Những vấn đề đặt ra cho Việt Nam” diễn ra ngày 16/11, TS. Sopon Pornchokchai - Chủ tịch Hội đồng định giá Bất động sản Thái Lan, Chủ tịch Liên đoàn Bất động sản Thái Lan đã có những chia sẻ về kinh nghiệm xây dựng chính sách, pháp lý cho thị trường bất động sản ở Thái Lan và một số gợi mở cho Việt Nam.
Bốn đặc điểm của bất động sản du lịch Thái Lan
Hiện nay, Thái Lan đang sở hữu đa dạng các loại hình du lịch, khu nghỉ dưỡng phù hợp với nhu cầu, mong muốn của đông đảo du khách đến từ nhiều nước, khu vực trên thế giới. Đây là một đặc điểm không phải quốc gia nào cũng có được.
Thứ nhất, Thái Lan không thiếu những địa điểm nghỉ dưỡng được cả du khách châu Á hay châu Âu ưa thích. Đơn cử như Phuket - một thành phố nghỉ dưỡng nổi tiếng ở Thái Lan rất được lòng du khách Trung Quốc, Nhật Bản; hay Pattaya được ưa chuộng bởi du khách châu Âu với những villa, bể bơi riêng. Đặc biệt, Pattaya còn có vị trí gần với Bangkok (chỉ mất 1h30 di chuyển) nên địa điểm này được nhiều du khách quan tâm.
Bên cạnh đó, những khu nghỉ dưỡng tại các thành phố du lịch này cũng phát triển hình thức condotel nên du khách không chỉ có thể đến nghỉ ngơi mà còn dễ dàng đầu tư sở hữu và cho thuê lại. Đây là một loại hình khá mới nhưng rất phù hợp với nhu cầu chuyển hoá đa dạng của thị trường bất động sản hiện nay.
Đặc điểm thứ hai của bất động sản du lịch Thái Lan là sự tổng hòa, kết hợp giữa khu du lịch và thể thao. Hiện nay ở Thái Lan có Bộ Du lịch - Thể thao chuyên phụ trách những vấn đề liên quan đến phát triển du lịch và công tác thể thao của cả nước. Thêm vào đó, tại vùng hạ lưu sông Mê Kông, Thái Lan đã thành lập các vùng tích hợp nhằm khuyến khích du lịch chung giữa các nước Thái Lan, Trung Quốc, Myanmar, Lào, Campuchia và Việt Nam.
Đặc điểm thứ ba, Thái Lan đã cho ra đời một đơn vị quảng bá thông tin bất động sản du lịch. Hoạt động của đơn vị này đã tạo thuận lợi lớn cho các du khách cũng như nhà đầu tư. Bởi nếu muốn đầu tư hay giao dịch mua bán bất động sản du lịch, khách hàng có thể dễ dàng tìm kiếm thông tin tại đây.
Đặc điểm cuối cùng, cũng là đặc điểm có nhiều nét tương đồng nhất với sự phát triển của thị trường bất động sản Việt Nam, đó là Thái Lan hướng đến phát triển bất động sản du lịch xanh, bền vững
Những người có thu nhập cao rất muốn đầu tư vào các sản phẩm bất động sản xanh. Ở Thái Lan có tầng lớp tinh hoa, Việt Nam cũng có thể xây dựng nhóm nhà đầu tư, du lịch tinh hoa. Đây là nhóm nhà đầu tư rất tiềm năng với thị trường bất động sản du lịch và bất động sản cao cấp.
Trong tương lai, loại hình bất động sản này sẽ là một tất yếu, bởi những đối tượng khách hàng có điều kiện, khả năng chi trả cao đang có nhu cầu đầu tư và quan tâm vào loại hình này. Vì vậy, các quốc gia cần nghĩ và bàn nhiều hơn để thúc đẩy du lịch xanh, du lịch bền vững.
Những kinh nghiệm gợi mở cho Việt Nam
Việc bất động sản du lịch Thái Lan phát triển nhanh chóng và trở thành “điểm sáng” của khu vực cũng như trên thế giới có một phần nguyên nhân lớn là nhờ những chính sách pháp lý được xây dựng phù hợp, thông thoáng.
Thái Lan có rất nhiều các điều luật, chính sách chi phối hoạt động của thị trường bất động sản du lịch, song những quy định pháp lý này rất rõ ràng và cụ thể. Từ đó, Nhà nước dễ dàng quản lý và nhà đầu tư cũng thuận tiện trong quá trình thực hiện, triển khai.
Cụ thể, trong vấn đề phát triển bất động sản du lịch, Thái Lan đã tập trung vào 4 chính sách.
Thứ nhất là chính sách phân vùng. Ở Thái Lan có sự phân vùng rõ ràng, mỗi vùng có một mục đích sử dụng và quy hoạch khác nhau. Không được phép sử dụng sai mục đích, nếu không mức xử phạt khi vi phạm sẽ rất nghiêm trọng.
Vì vậy khi đầu tư, nhà đầu tư cần phải nắm rõ mình đang đầu tư loại hình gì, mô hình ra sao và được cho phép thực hiện ở vùng nào.
Thứ hai là chính sách về an ninh quốc gia. Đây là một vấn đề được Việt Nam rất quan tâm, chính xác hơn là quan ngại.
Tuy nhiên thực tế chứng minh rằng, điều này là không cần thiết phải lo lắng. Bởi ở Thái Lan có rất nhiều khu du lịch gần doanh trại quân đội, cung điện hoàng gia, những cơ quan đầu não của nhà nước nhưng vẫn phát triển ổn định. Chỉ có một vấn đề lưu ý duy nhất là không được xây các toà nhà xung quanh cao hơn tòa nhà ngoại giao của Đại sứ quán Hoa Kỳ bởi cơ quan này mong muốn như vậy. Còn lại, việc phát triển bất động sản du lịch hoàn toàn không ảnh hưởng gì đến trật tự xã hội hay an ninh quốc gia. Kể cả khi nhà đầu tư mua đất gần biên giới, Thái Lan vẫn cho phép đầu tư xây dựng các khu du lịch.
Thứ ba là chính sách về đầu tư, quỹ uỷ thác cho bất động sản. Trong du lịch, với một dự án bất động sản có giá trị 1 triệu USD, có thể sử dụng đưa vào quỹ uỷ thác đầu tư bất động sản. Đây là một dạng quỹ huy động, Bộ Tài chính, các nhà đầu tư có thể tham gia quỹ này nhằm tài trợ cho hoạt động phát triển bất động sản. Tương tự với ngành chứng khoán, bất động sản cũng có những cách huy động vốn khác nhau. Điều này là cần thiết và hợp lý để thu hút các nhà đầu tư tham gia vào thị trường.
Cuối cùng là quy định liên quan đến mua và sở hữu bất động sản đối với người nước ngoài. Ở Thái Lan không thắt chặt vấn đề này và có cách nhìn mở rộng. Bởi khi người nước ngoài đến và sở hữu bất động sản du lịch sẽ kéo theo nhiều nhu cầu khác, dòng người khác, thậm chí là dòng tiền khác đi kèm. Vì vậy đây là một lợi ích cho quốc gia hơn là một bất lợi cần lo lắng.
Với những chính sách như vậy trong phát triển bất động sản du lịch ở Thái Lan, Việt Nam hoàn toàn có thể tham khảo và áp dụng. Đặc biệt khi Thái Lan và Việt Nam có vị trí gần nhau, là quốc gia láng giềng thì việc phát triển bất động sản du lịch sẽ có những nét tương đồng nhất định./.