Aa

Kịp thời kiểm soát lạm phát, rà soát toàn diện lĩnh vực bất động sản

Thứ Tư, 01/06/2022 - 06:30

Sáng 1/6, Quốc hội bắt đầu phiên thảo luận toàn thể đầu tiên về kinh tế, xã hội, ngân sách và kéo dài Nghị quyết số 42 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng.

Nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị Chính phủ đánh giá, dự báo sát tình hình để có giải pháp kịp thời kiểm soát lạm phát, rà soát toàn diện lĩnh vực bất động sản, để có biện pháp lành mạnh hóa thị trường này.

Tiếp tục kỳ họp thứ ba, sáng 1/6, Quốc hội sẽ bắt đầu phiên thảo luận toàn thể đầu tiên về kinh tế, xã hội, ngân sách và kéo dài Nghị quyết số 42 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng. 

Tổng thư ký Quốc hội cũng đã gửi đến các vị đại biểu Quốc hội tổng hợp ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội thảo luận tại 19 tổ thảo luận với 205 lượt  ý kiến về những nội dung nêu trên.

Các nội dung thảo luận bao quát, toàn diện, các ý kiến phong phú, sâu sắc, đã thể hiện được tâm huyết của các đại biểu đối với các vấn đề quan trọng của đất nước và các vấn đề mà đông đảo cử tri quan tâm, báo cáo đánh giá khái quát.

Áp lực ổn định lạm phát là rất lớn

Về tình hình những tháng đầu năm 2022, Tổng thư ký Quốc hội phản ánh, có ý kiến cho rằng, sự phục hồi của nền kinh tế nước ta chưa thực sự ổn định, đề nghị không được chủ quan, cần tiếp tục nỗ lực, cố gắng hơn nữa.

Đại biểu đề nghị làm rõ rủi ro tiềm ẩn đối với lạm phát khi chỉ số CPI tháng 4 tăng 2,1% (gấp 2 lần so với cùng kỳ giai đoạn trước), đánh giá khả năng hoàn thành chỉ tiêu kiểm soát lạm phát dưới 4% của năm 2022 và cần có chiến lược dự trữ xăng dầu, lương thực .

Nhiều đại biểu lo ngại, nền kinh tế hiện đang phải đối mặt với rất nhiều thách thức khi áp lực lạm phát có nguy cơ tăng cao, tác động lớn đến an sinh xã hội, đời sống người dân.

Do xung đột Nga - Ukraina đã tác động trực tiếp lên giá đầu vào của các hoạt động sản xuất kinh doanh, khiến giá xăng dầu thế giới tăng cao làm giá xăng dầu trong nước tăng cao, giá tiêu dùng, giá phân bón, giá nhiên liệu, nguyên vật liệu và chi phí vận chuyển tăng theo, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và hoạt động của người dân, ảnh hưởng đến việc thực hiện Nghị quyết số 128/NQ-CP về ban hành quy định tạm thời “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” và lạm phát. Nhiều ý kiến đề nghị báo cáo của Chính phủ đánh giá kỹ hơn vấn đề này, Tổng thư ký Quốc hội phản ánh.

Trong hai ngày 1 và 2/6 Quốc hội thảo luận tại hội trường về kinh tế, xã hội, ngân sách.

Theo phân tích của nhiều đại biểu, xu hướng lạm phát của nhiều nền kinh tế lớn trên thế giới tăng cao. Sự đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu do tác động của dịch bệnh và chính sách chống Covid-19 của một số quốc gia, trong đó có Trung Quốc (theo đuổi chính sách Zero-Covid).

Đại biểu cũng nêu dự báo của Ngân hàng Thế giới (WB), dự kiến giá năng lượng và xăng dầu năm 2022 sẽ tăng khoảng 50% so với năm 2021, giá lương thực, thực phẩm cũng sẽ tăng so với năm 2021.

Báo cáo nêu rõ, có ý kiến cho rằng, Chính phủ đã thực hiện tốt kiểm soát lạm phát, kịp thời ban hành các chính sách giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu, giảm thuế giá trị gia tăng để góp phần giảm bớt áp lực tăng giá xăng dầu, thực phẩm, hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng cho doanh nghiệp và người dân.

Tuy nhiên, việc can thiệp của Chính phủ vào giá là chưa hiệu quả. Hiện nay, trong cơ cấu giá xăng dầu thì mỗi lít xăng dầu bán ra đang có 4 loại thuế: thuế giá trị gia tăng (10%), thuế nhập khẩu (10%), thuế tiêu thụ đặc biệt (10%) và thuế bảo vệ môi trường; trong kỳ họp bất thường của Quốc hội, theo chỉ đạo của Quốc hội và Chính phủ, Bộ Tài chính, Bộ Công thương có điều chỉnh giá xăng dầu; từ cuối tháng 4 đến đầu tháng 5/2022, giá xăng bán lẻ đã 9 lần tăng và 3 lần giảm. Mặc dù chính sách giảm 50% thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu chính thức có hiệu lực, nhưng việc giảm giá xăng dầu vẫn không đáng kể.

Nhận định áp lực ổn định lạm phát là rất lớn trước xu hướng tăng chỉ số giá tiêu dùng của thế giới và áp lực giải ngân các dự án quan trọng quốc gia trong 6 tháng cuối năm, đại biểu đề nghị xem xét, đánh giá kỹ lưỡng hơn, vì trong gói hàng hóa để tínhCPI chưa phản ánh thực tế nhóm những mặt hàng thiết yếu có tác động lớn đến cuộc sống của người dân và doanh nghiệp tăng rất cao (như: xăng dầu, hàng hóa nhu yếu phẩm, vật liệu xây dựng...). Đề nghị cân nhắc, nghiên cứu gói hàng hóa để tính CPI phản ánh thực chất đời sống thực tế hơn.

Nhiều ý kiến đề nghị Chính phủ đánh giá, dự báo sát tình hình để có giải pháp kịp thời kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, điều hành giá xăng dầu, điều tiết phân phối, tránh đứt gãy nguồn cung, đảm bảo nguồn cung trong nước và ngoài nước; ổn định giá nhiên, nguyên vật liệu các ngành, nhất là nông nghiệp, vật tư xây dựng; tiếp tục thực thi hiệu quả các chính sách kích thích kinh tế theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội, đảm bảo an sinh xã hội và đời sống người dân, nhất là những người dân có thu nhập thấp.

Kinh tế khó khăn, giá bất động sản vẫn phi mã

Thảo luận tại tổ, đại biểu Quốc hội cũng lo ngại khi hoạt động kinh doanh giảm sút do ảnh hưởng của dịch bệnh nhưng thị trường bất động sản sôi động và so với thời điểm cách đây 18 tháng thì hiện giá đất đã tăng gấp 3 lần.

Đã xuất hiện tình trạng “sốt” đất ở các địa phương, nguy cơ xuất hiện bong bóng thị trường bất động sản nhưng công tác dự báo còn chậm, thụ động. Thuế chuyển quyền sử dụng đất đang bị thất thu trầm trọng, nhất là nơi có quy hoạch hạ tầng trong tương lai do sự chênh lệch giữa giá đất thực tế với giá do Hội đồng nhân dân tỉnh quy định.

Quy trình, thủ tục hành chính đối với những trường hợp chuyển nhượng quyền sử dụng đất hợp pháp hợp lệ bị tắc nghẽn do mất thời gian trong xác minh giá đất theo thị trường cũng là vấn đề được đại biểu đề cập.

Nêu ý kiến về giải pháp khôi phục kinh tế từ nay đến cuối năm, đại biểu cho rằng cần tiến hành rà soát toàn diện lĩnh vực bất động sản, để có biện pháp lành mạnh hóa thị trường này.

Đồng thời, có giải pháp xử lý những bất cập trong quản lý, sử dụng đất đai (trục lợi, thổi giá, giao đất không qua đấu giá), trong trường hợp cần thiết thu hồi đất nhằm tăng cường kỷ cương, trách nhiệm của các chủ thể trong khai thác, sử dụng đất; đánh thuế cao đối với người sở hữu đất với số lượng lớn.

Có cơ chế để tháo gỡ cho số lượng lớn các sản phẩm du lịch codotel tồn đọng cũng là vấn đề được đại biểu đề nghị khi thảo luận tại tổ.

Các phiên thảo luận về kinh tế, xã hội, ngân sách sẽ diễn ra trong hai ngày liên tục và được truyền hình trực tiếp để cử tri cả nước theo dõi.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top