Aa

Kỳ 1: Vùng cát lên đời thành đô thị loại 5

Thứ Năm, 18/03/2021 - 11:30

Do tác động của Covid-19, cùng với các chính sách miễn, giảm, giãn thuế của Chính phủ, thu NSNN năm 2020 của huyện Duy Xuyên đạt 1.373 tỷ đồng, là một trong số rất ít cấp huyện miền Trung lọt vào CLB 1.000 tỷ.

Lời tòa soạn:

Duy Xuyên là huyện nằm ở phía Bắc của tỉnh Quảng Nam với diện tích tự nhiên 308,75km­­2, dân số trên 126.000 người. Theo quy hoạch vùng của tỉnh Quảng Nam, Duy Xuyên được xác định là huyện nằm trong cụm động lực số 2 thuộc hành lang kinh tế Trung Quảng Nam (cùng với các huyện Thăng Bình và Quế Sơn). Vị trí của Duy Xuyên có tầm ảnh hưởng quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Quảng Nam. Do tác động của đại dịch Covid-19, cùng với các chính sách miễn, giảm, giãn thuế của Chính phủ, nên thu ngân sách Nhà nước năm 2020 của huyện đạt 1.373 tỷ đồng. Đây là một trong số rất ít cấp huyện ở miền Trung đạt con số thu và lọt vào Câu lạc bộ 1.000 tỷ đồng.

Theo quy hoạch, huyện Duy Xuyên cơ bản được chia thành hai vùng phát triển, mang những đặc điểm và định hướng phát triển khác nhau, lấy đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, đoạn đi qua địa bàn huyện làm ranh giới. Vùng Đông Duy Xuyên (phía Đông đường cao tốc) là khu vực có tiềm năng phát triển các đô thị với sự hình thành cầu Cửa Đại, đường Võ Chí Công, có bãi tắm đẹp, nằm sát cửa sông, có hệ thống sinh thái phong phú, là khu vực sẽ liên kết thuận tiện với Hội An, Điện Bàn và Đà Nẵng. Vùng Tây Duy Xuyên (phía Tây đường cao tốc) có tiềm năng rất lớn về du lịch với Di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn, các làng nghề và lễ hội truyền thống kết hợp với lợi thế về tài nguyên đất đai sẽ tạo ra các sản phẩm du lịch sinh thái, du lịch tâm linh, dịch vụ đặc trưng của vùng.

ĐỒNG THUẬN DI DỜI, ĐẾN NƠI Ở MỚI

Theo quy hoạch vùng huyện, thị trấn Nam Phước và hai xã Duy Hải, Duy Nghĩa sẽ là trung tâm của tiểu vùng Đông. Trong đó, khu đô thị Nam Phước sẽ được phát triển mở rộng không gian đô thị với vùng lõi phát triển dịch vụ - thương mại dọc tuyến Quốc lộ 1A và trung tâm hành chính, chính trị dọc tuyến Quốc lộ 14H. Còn hai xã Duy Hải,  Duy Nghĩa không “tham gia vào chương trình Nông thôn mới” mà hướng đến phát triển thành đô thị hiện đại đạt loại 5, kết hợp du lịch, dịch vụ nghỉ dưỡng, tạo ra sự liên kết với Khu du lịch nghỉ dưỡng Nam Hội An…

Theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ lần thứ XXI của huyện Duy Xuyên, xác định phát triển cơ sở hạ tầng là một trong ba khâu đột phá. Thị trấn Nam Phước đang được xây dựng hướng đến đô thị loại 4. Từ giai đoạn 2020 - 2030, xây dựng Duy Hải - Duy Nghĩa đạt chuẩn đô thị loại 5. Sau 2030, sẽ tiến thẳng lên đô thị loại 3. Hiện nay, các cơ quan liên quan của tỉnh, huyện đang lập dự án nối Quốc lộ 1A với tuyến đường 129 để tạo nên sự liên kết đối với vùng Đông Duy Xuyên. Duy Hải - Duy Nghĩa và thị trấn Nam Phước là sẽ những trụ cột chính để phát triển thương mại dịch vụ gắn với du lịch.

“Thị trấn Nam Phước sẽ lan tỏa theo hướng Đông, hai xã Duy Hải, Duy Nghĩa sẽ lan tỏa theo hướng Tây đến các địa phương vệ tinh Duy Phước, Duy Thành, Duy Vinh, tạo nên mô hình tam giác để phát triển”, ông Nguyễn Thế Đức, Phó Chủ tịch UBND huyện Duy Xuyên chia sẻ.

Khu tái định cư Duy Hải
Nhiều căn nhà khang trang, đẹp đẽ ở Khu tái định cư Duy Hải
Nhà trẻ được xây dựng ngay khu tái định cư
Nhà trẻ được xây dựng ngay tại khu tái định cư, tạo thuận lợi cho người dân đưa con em đến trường

Duy Hải và Duy Nghĩa là những xã ven biển, nằm dọc theo đại lộ Võ Chí Công. Theo quy hoạch, xã Duy Hải sẽ bị giải tỏa gần 1.000ha để nhường đất cho dự án khu nghỉ dưỡng Nam Hội An và các khu tái định cư. Còn ở xã Duy Nghĩa cũng bị giải tỏa trắng 256ha với khoảng 400 hộ dân bị ảnh hưởng. Những ngôi nhà khang trang trong các khu tái định cư mới, có nhiều ngôi nhà được xây theo kiểu biệt thự, với phố xá thênh thang không thua kém các đô thị hiện đại đã và đang thành hình trên vùng cát trắng.

Ông Võ Văn Ba (53 tuổi, trú tại thôn 3, Khu tái định cư Duy Hải) cho biết: “Trước đây, gia đình sống ở vùng đất đi lại rất khó khăn, sau này lên đây (Khu tái định cư - PV) thì chuyển sang buôn bán nên cũng ổn định hơn. Con cháu được đi học gần hơn, thuận tiện, bà con sống với nhau hòa đồng, vui vẻ và đoàn kết. Nhờ giải tỏa lên đây mà cuộc sống thêm phần thoải mái, có nhiều người muốn đi như mình nhưng chưa đi được. Nói chung tôi rất ủng hộ chủ trương này của Nhà nước”.

Người dân có nhiều cơ hội nghề nghiệp hơn khi đến nơi ở mới
Người dân có nhiều cơ hội nghề nghiệp hơn khi đến nơi ở mới

Song song với việc đền bù giải tỏa, bố trí đất trong các khu tái định cư mới, sinh kế của người dân cũng được các cấp chính quyền quan tâm. Hiện nay, trên địa bàn xã Duy Hải có khoảng 125 tàu thuyền với tổng công suất 13.500CV, nhiều ngư dân đã mạnh dạn đầu tư nâng cấp, hoán cải phương tiện để nâng cao hiệu quả khai thác. Cảng cá An Lương luôn tấp nập tàu thuyền cập bến với sự phong phú, đa dạng về nguồn hải sản.

Trao đổi với Reatimes, ông Nguyễn Văn Thống, Chủ tịch UBND xã Duy Hải cho hay: “Hiện nay đời sống người dân được nâng lên, bộ mặt nông thôn và đô thị khang trang, đổi thay so với trước khi có dự án (Dự án khu du lịch nghỉ dưỡng Nam Hội An - PV). Đa số người dân đều làm nghề biển, giờ kết hợp làm thêm dịch vụ, thương mại để nâng cao đời sống. Tuy dịch bệnh Covid-19 có ảnh hưởng, nhưng nhìn chung đời sống người dân vẫn ổn định. Hiện nay xã Duy Hải cũng như xã Duy Nghĩa đang được đầu tư cơ sở hạ tầng, khớp nối hệ thống hạ tầng liên quan để hướng đến đạt chuẩn đô thị loại 5. Đơn cử như tuyến đường Thanh Niên là tuyến đường chính của xã hiện nay đang được đầu tư mở rộng với đầy đủ hệ thống thoát nước, điện đường khớp nối theo”.

Ông Nguyễn Văn Thống, Chủ tịch UBND xã Duy Hải 
Ông Nguyễn Văn Thống, Chủ tịch UBND xã Duy Hải 

Theo ông Nguyễn Thế Đức, Phó Chủ tịch UBND huyện Duy Xuyên, hiện các khu tái định cư giai đoạn 1 đã được đầu tư đồng bộ. Riêng có một số khu còn thiếu nước sạch. Trong quy hoạch, vấn đề này được giao cho Công ty CP Cấp thoát nước Quảng Nam thực hiện.

“Vừa qua, tỉnh đã có chỉ đạo công ty này khảo sát, lập quy hoạch để đưa nước sạch vào các khu vực này để phục vụ cho các hộ tái định cư khi bàn giao mặt bằng đến nơi ở mới, đảm bảo điều kiện tốt hơn nơi ở cũ”, ông Đức nhấn mạnh.

VÙNG ĐÔNG SẼ LÊN ĐỜI

Vùng Đông Duy Xuyên bao gồm các xã: Duy Hải, Duy Nghĩa, Duy Vinh, Duy Phước, Duy Thành, thị trấn Nam Phước và một phần các xã Duy Trung, Duy Sơn, Duy Trinh, chiếm 1/3 diện tích toàn huyện với hơn 100km2, dân số khoảng trên 75.000 người.

Từ khi Đại lộ Võ Chí Công (tuyến đường 129) và cầu Cửa Đại được hoàn thành, đi vào sử dụng đã biến vùng Đông Duy Xuyên trở thành khu vực có vị trí thuận lợi, có mối quan hệ gắn bó mật thiết trong không gian phát triển kinh tế với TP. Đà Nẵng, Hội An, Điện Bàn và không gian kinh tế ven biển đoạn Duy Xuyên - Thăng Bình, TP. Tam Kỳ và xa hơn là Núi Thành. Bên cạnh đó, Quốc lộ 1A đi qua địa phận huyện cũng là tuyến đường bộ quan trọng nối Duy Xuyên với các khu vực khác trong và ngoài tỉnh.

Đây cũng là khu vực cửa sông có hệ thống sông lớn như sông Thu Bồn - Vu Gia theo trục Đông - Tây (đoạn sông Thu Bồn chảy qua Duy Xuyên được gọi là sông Cái với chiều dài qua địa phận huyện là 36,5km), sông Trường Giang theo trục Bắc - Nam... Các hệ thống sông này hợp lưu với nhau trước khi đổ ra biển Đông qua Cửa Đại (Đại Chiêm Hải Khẩu). Chính những hệ thống sông lớn này đã tạo điều kiện thuận lợi để phát triển hệ thống giao thông đường thủy đi các vùng lân cận. Từ Duy Xuyên ngược dòng sông Thu Bồn sẽ đến được các huyện Đại Lộc, Nông Sơn, Hiệp Đức…, theo dòng Trường Giang sẽ đi vào các huyện Thăng Bình, TP. Tam Kỳ, Núi Thành.

lãnh đạo huyện Duy Xuyên thăm hỏi đời sống người dân ở vùng Đông Duy Xuyên
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh (thứ 2 từ phải qua) cùng lãnh đạo huyện Duy Xuyên kiểm tra, thăm hỏi đời sống người dân ở vùng Đông Duy Xuyên. (Ảnh: Tấn Châu)

Với điều kiện về vị trí địa lý thuận lợi, có nhiều tuyến giao thông đường thủy, đường bộ quan trọng theo trục Bắc - Nam, Đông - Tây đi qua địa bàn đã tạo ra nguồn động lực để vùng Đông Duy Xuyên có được những bước chuyển mình, đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội.

Theo định hướng phát triển chung, vùng Đông Duy Xuyên sẽ là vùng “Thương mại, dịch vụ, du lịch cao cấp và công nghiệp”. Cụ thể, vùng Đông sẽ phát triển mạnh theo hướng văn hóa - du lịch - dịch vụ cao cấp - sinh thái. Đây là sẽ khu vực giảm tải và gắn kết với TP. Hội An, hình thành nên những khu resort, nghỉ dưỡng cao cấp, tận dụng thế mạnh bờ biển để phát triển các loại hình du lịch, tạo sự phát triển mang tính bền vững cao. Bên cạnh đó cũng chú trọng phát triển du lịch sinh thái ven sông Thu Bồn, sông Trường Giang và sông Bà Rén. Trong đó, sông Trường Giang đã được lên kế hoạch để nạo vét, quy hoạch phát triển du lịch sinh thái hai bên bờ sông.

Định hướng phát triển Duy Hải - Duy Nghĩa thành khu đô thị kết hợp với Khu du lịch nghỉ dưỡng Nam Hội An. Đồng thời, xây dựng đô thị Nam Phước theo tiêu chí đô thị loại 4, khớp nối giữa Nam Phước và Duy Hải - Duy Nghĩa theo tiêu chuẩn đô thị với định hướng đô thị xanh, đô thị sinh thái, gắn với làng quê, sông nước, phát huy lợi thế của khu vực để hình thành chuỗi đô thị có bản sắc riêng.

Ngoài ra, đối với các Cụm công nghiệp Tây An, Tây An 1 và Duy Nghĩa 1 sẽ tiếp tục hoàn thiện kết cấu hạ tầng, thu hút đầu tư và hướng đến lấp đầy các cụm công nghiệp này. Song hành với đó sẽ chú trọng đầu tư phát triển các làng nghề, kết hợp du lịch như làng nghề dệt chiếu An Phước, làng nghề dệt chiếu Bàn Thạch, làng nghề tơ lụa Mã Châu, làng nghề chế biến hải sản Trung Phường,…

Từ những chính sách, chủ trương của các cấp chính quyền huyện Duy Xuyên, cùng với đó là sự đồng thuận cao của người dân sẽ là điều kiện tiên quyết để vùng Đông nói riêng và toàn huyện nói chung có những bước phát triển vượt bậc trong công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của huyện nhà, hình thành chuỗi đô thị động lực cho Quảng Nam.

Quảng Nam quyết tâm giải quyết rốt ráo vướng mắc ở vùng Đông

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh vừa có chuyến khảo sát các dự án vùng Đông Duy Xuyên, gồm: Dự án Khu nghỉ dưỡng Nam Hội An, Dự án Khu Đô thị Nồi Rang, và 5 khu tái định cư: Sơn Viên, Nồi Rang, Duy Hải (giai đoạn 2), Duy Hải (giai đoạn 3) và khu tái định cư Ven biển Bình Dương; với tổng diện tích mặt bằng gần 123ha, tổng giá trị đầu tư trên 435 tỷ đồng...

Theo báo cáo, tồn tại, vướng mắc lớn nhất của các dự án tại vùng Đông Duy Xuyên hiện nay là vướng mắc liên quan đến công tác quản lý đất đai như: Hồ sơ quản lý đất, vướng mắc về giải quyết yêu cầu đất tái định cư, giá đất tái định cư, một số khu vực do đất tái định cư có hạn, nên không thể đáp ứng yêu cầu lô phụ đối với đa số các hộ chưa chấp nhận phương án di dời...

Khẳng định tồn tại là những trường hợp khó khăn, kéo dài nhiều năm, vướng mắc liên quan đến những thay đổi về luật và các văn bản quy phạm pháp luật mới ban hành, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh yêu cầu trên cơ sở vận dụng hết khung quy định của pháp luật hiện hành, từng vướng mắc cần phải được tháo gỡ rốt ráo, tạo điều kiện trước hết là cho người dân trong diện giải toả, dì dời, tái định cư có thể an cư, ổn định cuộc sống và làm ăn sinh sống. Đồng thời, tạo điều kiện cho các dự án trọng điểm khu vực này nhanh chóng triển khai hoàn thiện, đi vào hoạt động, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top