Aa

Kỳ 2: Rất nguy hiểm khi “giải khát bằng nước biển”!

Thứ Sáu, 28/02/2020 - 06:10

Bạn đọc đã bao giờ thấy một chính quyền địa phương dùng một văn bản không có giá trị pháp lý để hành pháp chưa? Tựa như một bác sĩ đã quyết định cho bệnh nhân đang mất nước nghiêm trọng uống nước biển!

Như kỳ trước đã phân tích, hiện nay, tòa nhà 8B Lê Trực rất cần có sự trong sạch về pháp lý. Có nghĩa là, nếu nó được xây dựng một cách bất hợp pháp, rồi lại vì những vấn đề liên quan đến an ninh quốc gia hoặc quốc kế dân sinh, kể cả tháo dỡ bỏ toàn bộ tòa nhà thì cũng cần phải làm. Đó là điều cần thiết bởi đây sẽ là một tấm gương để “cấp nước” cho cả một Thủ đô đang “mất nước” nghiêm trọng, đang “bị băm nát” trong quản lý xây dựng đô thị.

Vậy Hà Nội đang làm gì để giữ gìn kỷ cương này?

Thực ra, với một cơ thể bị mất nước, chữa không khó, đó là cấp nước trở lại, nhưng lại phải là nước phù hợp với sinh lý của con người, tức là nước ngọt, chứ không phải là nước biển hay loại nước nào khác. Cũng như muốn lập lại kỷ cương phép nước trong lĩnh vực xây dựng, Hà Nội cần cung cấp cho dân chúng một môi trường pháp lý minh bạch và chuẩn chỉ, phù hợp với hệ thống pháp luật của quốc gia.

Thế nhưng cho đến nay, suốt 5 năm qua, với những gì đã được thông tin đại chúng đưa về quá trình xử lý, tôi có thể nhận xét rằng, các cấp chính quyền của Hà Nội dường như đang cho tòa nhà 8B Lê Trực “giải khát bằng nước biển”?

Tại sao vậy?

Các chuyên gia y tế đã phân tích rằng, con người không thể giải khát bằng nước biển vì càng uống sẽ càng khát nước hơn. Bởi lẽ nếu sử dụng nước biển để đỡ khát thì chắc chắn sẽ phản tác dụng! Việc có quá nhiều muối vào cơ thể sẽ khiến cho chúng ta mất nhiều nước hơn để thải chính lượng muối đó ra ngoài.

Hơn thế nữa, thận người chỉ có thể điều tiết lượng muối trong cơ thể ở mức 9g/L (tương đương 0,9%), nếu bổ sung thêm nước biển, nó sẽ khiến thận phải làm việc nhiều hơn gấp bội. Điều đó chưa kể với nồng độ 3,5%, lượng muối vào vượt quá cả giới hạn tối đa công suất làm việc của thận! Nếu uống quá nhiều nước biển, dần dần, lượng muối trong cơ thể ngày càng tăng, vượt đến ngưỡng ngộ độc, gây ra ngập máu, loạn nhịp tim và có thể gây tử vong nhanh chóng!

Vậy hiện nay, UBND quận Ba Đình đang định “cấp nước” cho tòa nhà 8B Lê Trực một môi trường pháp lý nào?

Đó chính là tựa vào Giấy phép xây dựng số 11/GPXD-SXD mà Sở Xây dựng Hà Nội đã cấp cho tòa nhà 8B Lê Trực ngày 24/3/2014. Mà theo lẽ thông thường, vi phạm các quy định của Giấy phép xây dựng thì sẽ bị tháo dỡ, nhưng mấy ai biết đâu, nếu vi phạm các văn bản quy phạm pháp luật, có thể bị ở mức hình phạt cao hơn, đó là bị tước quyền tự do thân thể.

Theo phân tích của nhiều chuyên gia, Giấy phép xây dựng số 11/GPXD-SXD mà Sở Xây dựng Hà Nội đã cấp cho tòa nhà 8B Lê Trực ngày 24/3/2014 là vi phạm pháp luật bởi 2 lẽ. Thứ nhất, trong khi Quyết định số 2452/QĐ-UBND do Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Thảo ký ngày 05/12/2008 đã cho phép chiều cao công trình không vượt quá 70m và số tầng không quá 20 tầng, thì Giấy phép số 11/GPXD-SXD kia đã phủ nhận giá trị pháp lý của một văn bản cấp cao hơn.

Thứ hai, giấy phép này đã bất chấp một văn bản quy phạm pháp luật, đó là các tiêu chuẩn trong Quyết định của Bộ trưởng Bộ Xây dựng về việc ban hành TCXDVN 323:2004 "Nhà ở cao tầng - Tiêu chuẩn thiết kế".

Tại tiêu chuẩn 6.2.4.12 quy định: Chiều cao thông thủy các phòng ở không được nhỏ hơn 3m và không được lớn hơn 3,6m. Chú thích: Chiều cao thông thủy là chiều cao từ mặt sàn đến mặt dưới của trần.

Về GPXD này, thông tin từ Công ty May Lê Trực cho hay, công trình được cấp phép chiều cao là 53m và 18 tầng nổi, có 4 tầng hầm. Chiều cao bình quân của các tầng là 2,94m (53m chia 18 tầng bằng 2,94m). Trừ đi chiều dày bê tông dầm sàn, trần 0,6m, chiều cao thông thủy của một tầng chỉ còn khoảng 2,36m.

Thật là may, chủ đầu tư đã không thực hiện theo cái “lệnh” vô lý này của Sở Xây dựng thành phố. Bởi nếu theo sẽ vi phạm các tiêu chuẩn do Bộ Xây dựng ban hành.

Với những căn cứ ấy, vậy UBND quận Ba Đình có đủ sức mạnh để có thể cứu tòa nhà 8B Lê Trực ra khỏi tình trạng “mất nước”, làm trong sạch tính pháp lý để cho tòa nhà thoát khỏi những tai tiếng mà nó đã phải oằn mình gánh chịu trong suốt thời gian qua, hay là lại tiếp cho nó một nguồn nước thiếu sạch sẽ hơn, thiếu minh bạch hơn?

Người dân vô cùng bức xúc vì đã 5 năm trôi qua vẫn chưa được nhận nhà tại dự án 8B Lê Trực. 

Giả sử sắp tới, UBND quận Ba Đình coi như đã thực hiện theo đúng kế hoạch của mình, đã phá dỡ xong những phần định phá dỡ, tức là tựa như tiếp một khối lượng lớn nước biển vào một cơ thể đang mất nước nghiêm trọng, điều gì xảy ra chắc là nhiều người cũng sẽ tự hiểu: “Nếu uống quá nhiều nước biển, dần dần, lượng muối trong cơ thể ngày càng tăng, vượt đến ngưỡng ngộ độc, gây ra ngập máu, loạn nhịp tim và có thể gây tử vong nhanh chóng”!

Trở lại vấn đề về tư duy pháp lý, bạn đọc đã bao giờ thấy một chính quyền địa phương dùng một văn bản không có giá trị pháp lý để hành pháp chưa? Tựa như một bác sĩ đã quyết định cho bệnh nhân đang mất nước nghiêm trọng uống nước biển! Một thứ nước mà chỉ làm cho cơ thể mất nước thêm, một thứ quyết định mà chắc chắn dẫn họ đến với tử thần!

Tôi đã từng được chừng kiến cảnh người dân mua nhà ở tòa nhà 8B Lê Trực uất ức như thế nào mỗi khi đề cập đến việc họ đã phải đi thuê nhà đến 5 năm trời mà lỗi không thuộc về họ. Thiệt hại đến như thế mà những người họ đã đặt biết bao niềm tin trong lá phiếu bầu, họ đã nộp rất nhiều loại thuế để hy vọng các dịch vụ công bảo vệ quyền lợi cho họ. Vậy mà bây giờ, niềm tin của họ đã không biết bấu víu vào đâu.

Đây mới là điều chúng ta cần cân nhắc nhất!

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top