Aa

Kỳ 2: Vì sao hoạt động tại mỏ cát Pha Lê (Quảng Nam) liên tục sai phạm?

Thứ Năm, 14/09/2023 - 11:00

Đoàn kiểm tra H. Đại Lộc đã thực hiện kiểm tra tại mỏ cát Pha Lê (thôn Hội Khách, xã Đại Sơn), phát hiện hàng loạt sai phạm như số lượng phương tiện vượt mức cho phép, khai thác ra ngoài phạm vi được cấp phép,…

Trong tháng 7/2023, Đoàn kiểm tra H. Đại Lộc đã tiến hành cuộc kiểm tra tại mỏ cát Pha Lê. Vào thời điểm kiểm tra, tại khu vực mỏ đang ngừng hoạt động (tạm ngừng hoạt động từ ngày 8/7/2023 theo Thông báo số 06/TB-PLQN ngày 7/7/2023 của Công ty TNHH Thương mại Pha Lê Quảng Nam).

Hiện trường việc tập kết cát, sỏi khai thác tại mỏ cát Pha Lê

Quá nhiều sai phạm nguy cơ gây thất thoát ngân sách

Tuy nhiên, tại hiện trường có 24 tàu chở cát, sỏi tập kết tại khu vực mỏ và bến thuỷ, các tàu neo đậu phía trên và phía dưới gần khu vực bến thuỷ nội địa, không hút, không chứa cát, sỏi và không hoạt động. Trong khi đó, theo quy định thì mỏ cát Pha Lê chỉ được sử dụng 1 tàu chở cát. Có 9 máy hút gắn trên phao nổi – theo quy định thì chỉ sử dụng 1 máy hút. Có 13 máy múc, gàu cộp từ 0,7 – 0,9m3 – theo quy định thì chỉ sử dụng 1 máy múc.

Cùng với đó, khu vực dưới lòng sông, hệ thống phao nổi cảnh báo, phân luồng đường thuỷ nội địa có 1 phao chưa đảm bảo quy định. Đặc biệt, ngoài việc mở vỉa, moong khai thác trong khu vực mỏ, Công ty TNHH Thương mại Pha Lê Quảng Nam có khai thác cát, sỏi một số diện tích ngoài các điểm mốc giới được cấp phép về phía bờ Nam của khu vực mỏ.

Ngoài ra, Công ty TNHH Thương mại Pha Lê Quảng Nam có lắp đặt camera quan sát hoạt động khai thác mỏ; có lắp đặt trạm cân, camera quan sát trạm cân, thiếu 1 camera quan sát thùng xe. Tuy nhiên, phần mềm thể hiện trên máy tính về thao tác cân trọng tải xe, hàng hoá (cát, sỏi) bị lỗi. Các thiết bị của camera giám sát trạm cân và trạm cân không tích hợp được để in xuất dữ liệu phiếu cân là không đảm bảo theo quy định. Hoạt động thao tác trên máy tính khi điều hành trạm cân còn mang tính thủ công chưa được tự động hoá. Nhìn chung, việc lắp đặt trạm cân, camera giám sát trạm cân thực hiện chưa đảm bảo theo quy định tại Công văn số 3305/UBND-KTN ngày 30/5/2023 của UBND tỉnh Quảng Nam và Công văn số 1681/UBND-TNMT ngày 27/4/2022 của UBND H. Đại Lộc.

Hoạt động tại mỏ cát Pha Lê luôn tấp nập, vượt số lượng phương tiện theo giấy phép được UBND tỉnh Quảng Nam cấp

Về sản lượng khai thác, theo báo cáo của Công ty TNHH Thương mại Pha Lê Quảng Nam, sản lượng khai thác và tiêu thụ thực tế từ tháng 1/2022 đến hết tháng 6/2023 là 26.231,77m3, riêng trong năm 2022 là 21.289m3 (cát: 20.389m3; sỏi: 900m3), 6 tháng đầu năm 2023 là 12.103m3 (cát: 11.627m3; sỏi: 476m3). Theo Quyết định số 831/QĐ-UBND ngày 19/3/2019 của UBND tỉnh Quảng Nam về cho phép Công ty TNHH Đầu tư Thương mại Pha Lê khai thác khoáng sản cát, sỏi làm vật liệu xây dựng thông thường, công suất khai thác tại mỏ cát Pha Lê là 23.000m3/năm (nguyên khối).

Ngày 13/9, liên quan bài viết "Lỏng lẻo trong quản lý khai thác khoáng sản: Phạt hành chính thôi đã đủ?" trên Reatimes, ông Võ Ngọc Tốt, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Đại Lộc, cho biết sẽ tổ chức kiểm tra việc chấp hành pháp luật về khai thác khoáng sản tại khu vực mỏ của Công ty TNHH Thương mại Pha Lê Quảng Nam mà Reatimes phản ánh.

Vậy Công ty TNHH Thương mại Pha Lê Quảng Nam (khi cấp phép đầu tư, UBND tỉnh Quảng Nam có hướng dẫn yêu cầu Công ty TNHH Đầu tư Thương mại Pha Lê phải thành lập 1 công ty mang tên Pha Lê - PV) với tổng số lượng phương tiện tại mỏ theo ghi nhận của Đoàn kiểm tra là 46 (gồm tàu hút, tàu vận chuyển và xe múc), vượt gấp 15 lần số lượng phương tiện cho phép, cộng thêm việc công ty khai thác ra ngoài các điểm mốc giới được cấp phép và việc lắp đặt trạm cân, camera giám sát trạm cân thực hiện chưa đảm bảo theo quy định thì liệu việc kê khai sản lượng khai thác trên đã chính xác? Thiết nghĩ vấn đề này cần có sự vào cuộc kiểm tra, thanh tra toàn diện từ các ngành chức năng của tỉnh Quảng Nam để làm rõ, hạn chế vấn đề thất thu thuế cho Nhà nước.

Khi kiểm tra, Đoàn kiểm tra đã xác định những tồn tại tại mỏ cát Pha Lê, vừa được chấn chỉnh khắc phục trước đó nhưng vẫn không thực hiện và để kéo dài, đến nay tiếp tục để xảy ra tồn tại hạn chế mới. Đoàn kiểm tra căn cứ vào những tồn tại có tính chất kéo dài, không cầu thị khắc phục và không báo cáo tình hình về UBND huyện Đại Lộc đúng thời gian quy định,… phối hợp với Phòng Tài nguyên và Môi trường đề xuất UBND huyện đình chỉ hoạt động 1 tháng để khắc phục. Đến ngày 15/7/2023, tất cả các tồn tại hạn chế nêu trên phải khắc phục ngay lập tức và báo cáo kết quả hoàn thành về UBND huyện để kiểm tra, giải quyết. Sau thời gian trên, áp dụng tình tiết tăng nặng để xử lý vi phạm hành chính, đình chỉ hoạt động hoặc tước Giấy phép khai thác khoáng sản theo quy định pháp luật.

Cam kết một đằng, thực tế một nẻo?

Vừa qua, UBND H. Đại Lộc đã tổ chức cuộc họp sơ kết công tác quản lý khoáng sản trên địa bàn huyện 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2023. Trên cơ sở tăng cường công tác quản lý và nỗ lực đưa hoạt động khai thác khoáng sản vào nề nếp, các đơn vị, doanh nghiệp hoạt động khai thác khoáng sản tại H. Đại Lộc đều thực hiện ký cam kết nghiêm túc tuân thủ, chấp hành các quy định của pháp luật; văn bản chỉ đạo của các cấp, các ngành; quyết định phê duyệt hồ sơ môi trường, cấp phép khai thác khoáng sản của UBND tỉnh và hồ sơ kinh tế - kỹ thuật của doanh nghiệp…

Cần có sự vào cuộc từ cơ quan chức năng để làm rõ và xử lý triệt để những hành vi vi phạm trong hoạt động khai thác cát, sỏi lòng sông.

Trong đó, các doanh nghiệp khai thác cát cam kết chấp hành đúng và đầy đủ các quy định của pháp luật, cụ thể là Giấy phép khai thác mỏ, hồ sơ môi trường đã được phê duyệt, Báo cáo kinh tế - kỹ thuật do công ty tự đăng ký, tự thẩm định và các văn bản chỉ đạo của các cấp, các ngành liên quan đến hoạt động khai thác, tập kết, vận chuyển khoáng sản, sử dụng đất đai cho thuê và thực hiện công tác bảo vệ môi trường… Tuyệt đối không để xảy ra các vi phạm pháp luật. Thực hiện mở moong, mở vỉa đúng vị trí, khai thác đúng vị trí, diện tích mỏ được cấp phép. Đưa phương tiện, máy móc, thiết bị khai thác đúng số lượng, công suất, chủng loại theo đúng quy định trong Báo cáo kinh tế - kỹ thuật hồ sơ môi trường được phê duyệt và Quyết định cấp phép khai thác,…

Tự nguyện cam kết thực hiện đúng, đầy đủ, nghiêm túc những nội dung nêu trên trước UBND huyện, các cơ quan, phòng, ban chức năng của huyện và địa phương. Nếu để tái phạm các hành vi xử lý vi phạm hành chính trước đây hoặc để xảy ra các hành vi vi phạm mới, công ty sẽ chấp hành các biện pháp xử lý của cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật; đồng thời tạm dừng, đình chỉ hoạt động từ 1 – 3 tháng để chấn chỉnh, khắc phục và không có ý kiến khiếu kiện, khiếu nại gì khác.

Thế nhưng, đó chỉ là lời cam kết trên giấy còn trên thực tế tại mỏ cát Pha Lê doanh nghiệp này bất chấp đã ký cam kết, cũng như "phớt lờ" các văn bản chỉ đạo của các cấp, các ngành khi mà số lượng phương tiện phục vụ khai thác lớn hơn rất nhiều so với số lượng phương tiện được cơ quan chức năng cho phép.

Cần nhìn nhận rằng, việc sử dụng số lượng phương tiện kỹ thuật vượt nhiều lần so với số lượng được cho phép có thể kéo theo nhiều vấn đề liên quan như vượt công suất khai thác cho phép, khai thác vượt phạm vi cho phép; nguy cơ thất thu thuế cho ngân sách Nhà nước,…

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top