Aa

Lỏng lẻo trong quản lý khai thác khoáng sản: Phạt hành chính thôi đã đủ?

Thứ Ba, 12/09/2023 - 13:30

Thời gian qua, chính quyền Quảng Nam đã có nhiều chỉ đạo nhằm tăng cường công tác quản lý hoạt động khai thác khoáng sản, đặc biệt là khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường trên địa bàn tỉnh.

Với sự quyết liệt từ các cấp chính quyền trong thời gian qua, hoạt động khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường trên địa bàn tỉnh Quảng Nam cơ bản đã đi vào nề nếp, nhận được sự hưởng ứng tích cực từ người dân cũng như góp phần ổn định thị trường vật liệu xây dựng tại địa phương.

Bất cập trong hoạt động khai thác khoáng sản tại mỏ cát Pha Lê.

Qua đó, nhiều vụ việc về vi phạm trong hoạt động khai thác khoáng sản đã bị phát hiện, được các cơ quan chức năng xử lý như xử phạt 445 triệu đồng đối với Công ty TNHH Tấn Lợi Minh về hành vi khai thác cát, sỏi lòng sông vượt ra ngoài điểm gần nhất của ranh giới khu vực được phép khai thác, khai thác cát lòng sông mà không có giấy phép khai thác khoáng sản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, khai thác không đúng trình tự khai thác (trên địa bàn huyện Hiệp Đức); xử phạt 250 triệu đồng đối với Công ty TNHH Vật liệu xây dựng Hiệp Hưng về hành vi khai thác khoáng sản vượt công suất cho phép (trên địa bàn huyện Đại Lộc)…

Tuy nhiên, tại một số địa phương, những vi phạm trong lĩnh vực khai thác khoáng sản vẫn thường xuyên diễn ra song các cơ quan chức năng vẫn chưa xử lý dứt điểm. Lãnh đạo tỉnh Quảng Nam cũng thường xuyên có những chỉ đạo cụ thể, yêu cầu xử lý nghiêm những vi phạm này nhưng vẫn có tình trạng cấp huyện nghe xong rồi… để đó!

Tình trạng “trên bảo dưới không nghe” này chỉ có thể lý giải ở hai góc độ: Không loại trừ có hiện tượng “nói đằng làm nẻo” với những doanh nghiệp có sai phạm trong khai thác khoáng sản hoặc năng lực của cấp thừa hành trong việc kiểm tra, ngăn chặn, xử lý quá kém.

Nhiều tàu hút, sà làn và máy xúc được sử dụng đồng thời trong khu vực mỏ cát Pha Lê vượt số lượng được cấp phép, nhưng không được kiểm tra, xử phạt.

Nhiều dấu hiệu sai phạm tại mỏ cát Pha Lê

Mỏ cát Pha Lê tại thôn Hội Khách, xã Đại Sơn, huyện Đại Lộc được UBND tỉnh Quảng Nam cho phép Công ty TNHH Đầu tư Thương mại Pha Lê khai thác khoáng sản cát, sỏi làm vật liệu xây dựng thông thường tại Quyết định số 831/QĐ-UBND ngày 19/3/2019. Theo đó, mỏ cát Pha Lê có trữ lượng khai thác là 219.450m3, trong đó gồm 194.130m3 cát và 27.296m3 sỏi; công suất khai thác 23.000m3/năm. Thời hạn khai thác khoáng sản và thuê đất của Công ty TNHH Đầu tư Thương mại Pha Lê đối với mỏ cát này là 9 năm 6 tháng 15 ngày.

“Tấp nập” có lẽ là tính từ miêu tả chính xác về hoạt động khai thác khoáng sản tại mỏ cát Pha Lê hiện nay. Theo ghi nhận của Reatimes, trong tháng 8 – 9/2023 trên tuyến sông Vu Gia, đoạn chảy qua khu vực mỏ cát Pha Lê, số lượng phương tiện, máy móc, thiết bị phục vụ cho hoạt động khai thác như: phao nổi có gắn máy hút, kèm sàn tách lọc cát riêng sỏi riêng; tàu chở cát, sỏi vận chuyển từ vị trí hút trong khu vực mỏ vận chuyển về bến thủy nội địa; xe múc gàu ngược được cải đổi công năng hoạt động thành gàu cộp cao hơn so với quy định rất nhiều.

Ngày 11/9, cho dù trước đó trời mưa lớn nhưng tàu hút cát, sà lan chở cát, máy xúc hoạt động hết công suất, mỗi loại không dưới 4 chiếc. Ở bờ sông hướng giáp Quốc lộ 14B, ngay tại khu vực Trạm kiểm lâm Đại Hồng, có nhiều sà lan neo đậu sát bờ, trong đó có 2 máy hút đang hoạt động hút cát vào sà lan. Đối diện bờ bên kia, ở hướng bãi bồi lớn cũng có 2 tàu hút cát “kẹp” cùng 2 sà lan đang hoạt động cách xa nhau, xen giữa là 1 máy xúc đang trực tiếp múc cát đưa lên 1 sà lan khác. Còn phía xa xa ở hướng ngược dòng, có 2 tàu hút cũng đang án ngữ ở một đoạn sông.

Cần có nhiều đợt thanh kiểm tra không báo trước từ cơ quan chức năng để kịp thời chấn chỉnh hoạt động khai thác khoáng sản.

Ở khu vực bến bãi, nhiều sà lan cập bến, chờ để công nhân điều khiển máy xúc đưa cát lên bãi chứa. Cứ vậy, sà lan này “nhả” hết cát thì rời khỏi bến và có sà lan chất đầy cát khác vào thế chỗ. Ở hướng ngược lại, sà lan đã “no” cát di chuyển vào bến bãi thì có sà lan khác lấp vào vị trí để máy hút có thể hoạt động tối đa công suất, hạn chế thời gian dừng nghỉ. Trên bờ, các xe ben chở cát, chủ yếu là dòng xe Howo loại 4 chân vào ra nườm nượp, có thời điểm trong khu vực bãi chứa của mỏ có khoảng 10 chiếc xe đang “ăn” cát cùng lúc. Tương tự, xe ben này chở cát xuất mỏ thì lại có xe khác vào… từ trên mặt đất đến trên mặt nước, khung cảnh nhộn nhịp tựa như một chợ cát mà ở đó, tiếng tàu hút, tiếng máy xúc và tiếng sà lan… lấn át cả một khúc sông.

Rõ ràng, để có thể hình thành nên một chợ cát rộn ràng như trên thì số lượng phương tiện phục vụ khai thác cát không thể là 1 sà lan, 1 tàu hút và 1 máy xúc cát từ lòng sông - như số lượng đã được cơ quan chức năng cấp phép đối với mỏ cát Pha Lê này được.

Với hiện trạng nêu trên, có thể dễ dàng nhận thấy Công ty TNHH Đầu tư Thương mại Pha Lê đã sử dụng số lượng phương tiện phục vụ khai thác cát vượt quá số lượng được cấp phép. Được biết, trong thời gian trước, Công ty TNHH Đầu tư Thương mại Pha Lê đã bị UBND huyện Đại Lộc ra quyết định xử phạt hành chính 50 triệu đồng về hành vi sử dụng số lượng phương tiện phục vụ khai thác cát vượt số lượng được cấp phép.

Công ty TNHH Đầu tư Thương mại Pha Lê đã từng bị xử phạt về hành vi sử dụng vượt số lượng phương tiện, máy móc khai thác được cấp phép.

Mặc dù trước đây đã từng bị xử phạt về hành vi vi phạm trong hoạt động khai thác khoáng sản nhưng Công ty TNHH Đầu tư Thương mại Pha Lê lại tiếp tục có dấu hiệu vi phạm. Phải chăng mức xử phạt chưa đủ tạo sự răn đe đối với doanh nghiệp này? Vì lợi nhuận nên doanh nghiệp sẵn sàng phớt lờ các quy định của Nhà nước? Ở chiều hướng ngược lại, công tác quản lý hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn huyện Đại Lộc liệu đã được chặt chẽ hay chưa?

Thiết nghĩ, các cơ quan chức năng của huyện Đại Lộc cần tổ chức nhiều hơn những đợt kiểm tra bất ngờ hoạt động của các doanh nghiệp khai thác cát trên địa bàn để kịp thời phát hiện, chấn chỉnh và có chế tài nghiêm khắc đối với những vi phạm có hệ thống. Khai thác khoáng sản, đặc biệt là khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường là một lĩnh vực nhạy cảm, nếu các cơ quan chức năng không quản lý chặt chẽ, để doanh nghiệp vì lợi nhuận mà bất chấp khai thác sai phép thì sẽ để lại hậu quả khôn lường cho môi trường và xã hội.

Quyết liệt tăng cường quản lý hoạt động khoáng sản

Trong thời gian qua, UBND tỉnh Quảng Nam đã có nhiều chỉ đạo mang tính quyết liệt để đưa hoạt động khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường đi vào khuôn khổ, nề nếp. UBND tỉnh Quảng Nam từng đánh giá rằng, việc khai thác các loại khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường (trong đó có cát, sỏi lòng sông, đất san lấp công trình, đá xây dựng) vẫn còn một số tồn tại, bất cập như: Một số doanh nghiệp khai thác vượt công suất, ngoài diện tích giấy phép khai thác khoáng sản được cấp, chậm thực hiện hoàn thổ, phục hồi môi trường sau khai thác nhưng các ngành chức năng chưa kịp thời kiểm tra, xử lý; việc quản lý, giám sát sản lượng khoáng sản khai thác thực tế của các cơ quan chức năng và qua hệ thống camera giám sát tại khu vực mỏ còn mang tính hình thức, chưa chặt chẽ, chưa hiệu quả; một số doanh nghiệp có dấu hiệu vi phạm trong hoạt động kinh doanh khoáng sản như bán hàng không xuất hóa đơn, xuất hóa đơn với giá trị ghi thấp hơn thực tế thanh toán…

Tàu hút “kẹp” sà lan chuẩn bị hút cát tại khu vực cận kề Trạm kiểm lâm.

Lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Nam đã giao UBND các huyện, thị xã chỉ đạo UBND cấp xã và các phòng chức năng thường xuyên theo dõi, giám sát, kiểm tra việc chấp hành các quy định pháp luật của các đơn vị hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn mình quản lý; yêu cầu chấp hành thực hiện nghiêm các quy định trong hoạt động khai thác, bảo vệ môi trường, lắp đặt trạm cân, hệ thống camera có kết nối wifi truyền dữ liệu về các cơ quan chức năng tại vị trí đưa khoáng sản nguyên khai ra khỏi khu vực khai thác; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp khai thác trái phép, vận chuyển, kinh doanh, tiêu thụ khoáng sản không có nguồn gốc hợp pháp.

Vào tháng 3/2023, tại cuộc họp với các ngành và các đơn vị liên quan về tình hình khai thác, kinh doanh khoáng sản cát lòng sông, đất san lấp, đá xây dựng trên địa bàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Nguyễn Hồng Quang đã nhấn mạnh: “Các đơn vị bị xử phạt vi phạm hành chính từ 3 lần trở lên hoặc bị cơ quan thuế cưỡng chế thuế; bị xử lý hình sự thì Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND cấp huyện không xem xét, đề xuất gia hạn hoặc cấp giấy phép thăm dò, khai thác khoáng sản nơi mới theo đúng quy định của UBND tỉnh”. Đây chính là tín hiệu tích cực, rõ ràng, mạnh mẽ nhất mà chính quyền tỉnh Quảng Nam đề ra nhằm triệt tiêu việc khai thác sai phép, trái phép tại các mỏ trên địa bàn tỉnh./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top