Aa

Kỳ 3: Hậu quả của “một dàn nhạc không có nhạc trưởng”

Thứ Tư, 19/09/2018 - 06:01

Diện mạo của TP.HCM và Hà Nội không những không đẹp hơn mà còn xấu đi. Bộ mặt đô thị của 2 thành phố lớn nhất nước này được “trang điểm” một cách rẻ tiền bằng những cao ốc nằm cạnh các di tích kiến trúc cần được bảo tồn, rồi hiện tượng công viên bị lấn chiếm, nhà siêu mỏng gia tăng...

Thiết kế: Đức Anh

Thiết kế: Đức Anh

Luật Quy hoạch đô thị của nước ta có hiệu lực bắt đầu từ tháng 1/2010. Theo đó đã định nghĩa: “Quy hoạch đô thị là việc tổ chức không gian, kiến trúc, cảnh quan đô thị, hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật, công trình hạ tầng xã hội và nhà ở để tạo lập môi trường sống thích hợp cho người dân sống trong đô thị, được thể hiện thông qua đồ án quy hoạch đô thị”.

Với một tổ hợp chức năng như thế khiến cho nhiều người liên tưởng đến cấu trúc của một giàn nhạc giao hưởng, bao gồm bộ đàn dây, bộ đàn gió, bộ kèn đồng, bộ gõ. Trong mỗi bộ ấy lại có rất nhiều nhạc cụ, thí dụ như bộ đàn dây gồm violin (vỹ cầm), viola, cello & double bass ; bộ gõ gồm timpani, xylophone, cymbals, triangle, snare drum, Bass Drum, woodblocks, gongs (chiêng), chimes .

Tương tự như vậy, trong quy hoạch đô thị cũng rất chi tiết cho nhiều hạng mục, chẳng hạn như với quy hoạch hạ tầng kỹ thuật đô thị gồm có: Giao thông đô thị; Cao độ nền và thoát nước mặt đô thị; Cấp nước đô thị; Thoát nước thải đô thị; Cấp năng lượng và chiếu sáng đô thị; Thông tin liên lạc; Nghĩa trang và xử lý chất thải rắn.

Mất một chút thời gian so sánh như vậy để bạn đọc thấy rằng vấn đề quy hoạch đô thị nó phức tạp và rối rắm như thế nào, các hạng mục vừa độc lập lại vừa phụ thuộc vào nhau, chúng đan xen nhau, hỗ trợ nhau để có thể có được một đô thị phát triển hài hòa, cân bằng và ngày càng văn minh. Tựa như mỗi nhạc công với một nhạc cụ độc lập nhưng lại chung một bản hòa tấu và dưới sự chỉ huy của một vị nhạc trưởng tài ba.

Hôm mới đây, mấy anh em báo chí chuyên viết về lĩnh vực bất động sản chúng tôi ngồi cafe sáng chia sẻ chuyện kết luận của Thanh tra Chính phủ quanh vụ việc sửa đổi quy hoạch khu đô thị mới Thủ Thiêm ở TP.HCM, rồi chuyện thay đổi quy hoạch chi tiết khiến cho Tòa nhà 8B Lê Trực (Hà Nội) ra đời, rồi đến chuyện Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã phải đau xót thừa nhận “quy hoạch đã băm nát Thủ đô”...

Đương nhiên, sau đó là tiếng thở dài và mọi người đều không biết nên đặt bút viết đề tài gì để góp phần tháo gỡ vấn đề này. 

Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã phải đau xót thừa nhận “quy hoạch đã băm nát Thủ đô”...

Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã phải đau xót thừa nhận “quy hoạch đã băm nát Thủ đô”...

Riêng tôi lại chợt nhớ đến ý chí khá quyết liệt của Bộ Xây dựng cách đây 10 năm khi xây dựng Dự luật Quy hoạch đô thị sắp trình Quốc hội thông qua về việc tái lập chức danh Kiến trúc sư trưởng (KTST).

Thực ra chức danh KTST đã từng tồn tại 9 năm (1993-2002) tại 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM do Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm và đã không thành công. Khi đó, KTST được trao nhiệm vụ và quyền hạn rất lớn nhưng quyền hạn ấy đã bị “trộn lẫn” giữa quản lý nghệ thuật kiến trúc đô thị và quản lý Nhà nước xây dựng đô thị. Điều gì tất yếu xảy ra thì nó sẽ xảy ra. Văn phòng KTST đã tập trung quá nhiều quyền về cấp đất, rồi cấp phép xây dựng, bị chìm ngập trong những công việc sự vụ hành chính về phê duyệt và giám sát dự án, không làm hết được chức năng chuyên môn của cụm từ “kiến trúc sư trưởng”...

Hệ quả là diện mạo của TP.HCM và Hà Nội không những không đẹp hơn mà còn xấu đi. Bộ mặt đô thị của 2 thành phố lớn nhất nước này được “trang điểm” một cách rẻ tiền bằng những cao ốc nằm cạnh các di tích kiến trúc cần được bảo tồn, rồi hiện tượng công viên bị lấn chiếm, nhà siêu mỏng gia tăng...

Tuy nhiên, với quan điểm “một dàn nhạc dứt khoát phải có nhạc trưởng” và rút kinh nghiệm của mô hình cũ, tách chức năng quản lý nghệ thuật kiến trúc đô thị và quản lý Nhà nước xây dựng đô thị, Bộ Xây dựng đã duy trì ý kiến phục hồi chức danh này với một mô hình mới, đó là quy định: “KTST có nhiệm vụ tư vấn, tham mưu cho chủ tịch UBND thành phố trong việc tổ chức lập và phê duyệt quy hoạch đô thị, xây dựng định hướng kiến trúc, xây dựng quy chế quản lý kiến trúc, quy hoạch và các nhiệm vụ khác có liên quan đến quy hoạch, kiến trúc đô thị thuộc thẩm quyền của chủ tịch UBND thành phố đó”.

Một điều rất khác biệt ở lần đề xuất này là KTST không phải “quan chức Nhà nước”, không cấp phép, không cấp đất, không quản lý hành chính. KTST và văn phòng quy hoạch kiến trúc chỉ tư vấn nghiệp vụ, quản lý nghệ thuật quy hoạch, nghệ thuật kiến trúc, giúp cho Chủ tịch TP ra quyết định (không giúp Phó Chủ tịch phụ trách xây dựng).

Từ một mô hình “đầy ắp quyền lực Nhà nước” sang mô hình “tư vấn tham mưu” đã được nhiều người ủng hộ. Trong một phiên họp, Phó Chủ tịch Uông Chu Lưu nhận xét rằng, với vai trò tư vấn tham mưu, phản biện trong quy hoạch đô thị, vai trò của KTST sẽ đảm bảo cho diện mạo kiến trúc phù hợp đặc thù địa phương và đảm bảo tính đồng bộ, "chứ lâu nay, đường sá một kiểu, điện... một kiểu".

Thế nhưng cũng không ít ý kiến phản đối, đặc biệt là ở bộ máy quản lý Nhà nước trong lĩnh vực này ở Hà Nội và TP.HCM.

Khi đó, Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP.HCM cho rằng, không nên có quy định về KTST, vì thực tế UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã có các cơ quan chuyên môn tham mưu (Sở Quy hoạch - Kiến trúc, Sở Xây dựng), giúp quản lý nhà nước về quy hoạch, kiến trúc đô thị. Rồi trong một lần Bộ Xây dựng tổ chức lấy ý kiến chuyên môn về chế độ KTST thành phố, trong số 20 ý kiến có 2 ý kiến “bác” mô hình này là của UBND và Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội.

Quả là việc chia sẻ quyền lực, mà liền với đó là lợi ích khổng lồ cho cá nhân và một nhóm người nào đó liên quan đến kho vàng 5.000 tỷ USD mà tôi đã nêu ở kỳ trước, đâu có dễ dàng như thế!

Khi đó, Chủ nhiệm Uỷ ban pháp luật Quốc hội Nguyễn Văn Thuận nêu quan điểm tán thành với việc xây dựng thiết chế KTST đi đôi với nhận xét: “Nhưng với văn hoá quyền lực hiện tại của chúng ta hiện nay thì KTST thành phố có lập ra rồi cũng lại để… ngồi không”.

Kết cục đến nay, mô hình KTST đã không hình thành.

Thế thì đành phải chấp nhận những tiếng thở dài bất lực bởi trong một dàn nhạc, trống theo đường trống, kèn theo đường kèn..., hồn nhiên “băm nát” tai người nghe và sẽ không bao giờ có thể trở thành một cuộc hòa tấu hoàn hảo.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top