Lời tòa soạn:
Duy Xuyên là huyện nằm ở phía Bắc của tỉnh Quảng Nam với diện tích tự nhiên 308,75km2, dân số trên 126.000 người. Theo quy hoạch vùng của tỉnh Quảng Nam, Duy Xuyên được xác định là huyện nằm trong cụm động lực số 2 thuộc hành lang kinh tế Trung Quảng Nam (cùng với các huyện Thăng Bình và Quế Sơn). Vị trí của Duy Xuyên có tầm ảnh hưởng quan trọng trong việc phát triển kinh tế xã hội của tỉnh Quảng Nam. Do tác động của đại dịch Covid-19, cùng với các chính sách miễn, giảm, giãn thuế của Chính phủ nên thu ngân sách Nhà nước năm 2020 của huyện đạt 1.373 tỷ đồng. Đây là một trong số rất ít cấp huyện ở miền Trung đạt con số thu và lọt vào Câu lạc bộ 1.000 tỷ đồng.
Theo quy hoạch, huyện Duy Xuyên cơ bản được chia thành hai vùng phát triển, mang những đặc điểm và định hướng phát triển khác nhau, lấy đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi đoạn đi qua địa bàn huyện làm ranh giới. Vùng Đông Duy Xuyên (phía Đông đường cao tốc) là khu vực có tiềm năng phát triển các đô thị với sự hình thành cầu Cửa Đại, đường Võ Chí Công, có bãi tắm đẹp, nằm sát cửa sông, có hệ thống sinh thái phong phú, là khu vực sẽ liên kết thuận tiện với Hội An, Điện Bàn và Đà Nẵng. Vùng Tây Duy Xuyên (phía Tây đường cao tốc) có tiềm năng rất lớn về du lịch với Di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn, các làng nghề và lễ hội truyền thống kết hợp với lợi thế về tài nguyên đất đai sẽ tạo ra các sản phẩm du lịch sinh thái, du lịch tâm linh, dịch vụ đặc trưng của vùng.
DUY XUYÊN THÀNH THỊ XÃ SAU NĂM 2025
Theo ông Nguyễn Công Dũng, Bí thư Huyện ủy Duy Xuyên, với đà chuyển dịch cơ cấu kinh tế tốt, kết cấu hạ tầng được đầu tư khá mạnh và đồng bộ; cùng những thành tựu quan trọng được tạo dựng trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh trong những năm qua; cũng như với tiềm năng, lợi thế, cơ hội, nhất là các chương trình kinh tế - xã hội, những dự án lớn, trọng điểm đã và đang được triển khai... sẽ mở ra cơ hội lớn để Duy Xuyên phát huy mạnh mẽ nội lực, khai thác tốt tiềm năng, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực tạo ra sự phát triển mạnh mẽ hơn trong giai đoạn mới.
Huyện ủy Duy Xuyên dự báo kinh tế - xã hội sẽ tiếp tục chuyển biến mạnh mẽ, có lĩnh vực phát triển nhanh, có tính đột phá, tạo sự lan tỏa rộng rãi. Theo đó, quy mô dân số có thể tăng nhanh hơn chủ yếu do tăng cơ học; số lượng khách du lịch đến địa bàn huyện có thể tăng gấp nhiều lần so với số liệu hiện nay trong vòng 5 - 10 năm tới do quá trình phát triển đô thị, phát triển kết cấu hạ tầng gắn với triển khai các dự án dịch vụ - du lịch. Dịch vụ, nhất là dịch vụ du lịch sẽ nhanh chóng trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, có vai trò chủ đạo dẫn dắt sự phát triển của nền kinh tế, tác động sâu rộng đến quá trình phát triển văn hóa - xã hội, quốc phòng - an ninh và tạo dựng cho Duy Xuyên diện mạo mới.
Đại hội Đại biểu Đảng bộ huyện Duy Xuyên lần thứ XXI đã đề ra phương hướng, mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể để đưa Duy Xuyên phát triển lên tầm cao mới. Theo đó, tăng cường công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị; giữ gìn và phát huy tốt truyền thống văn hóa và cách mạng của quê hương, đất nước; phát huy dân chủ, tinh thần đoàn kết, sáng tạo, tạo sự đồng thuận cao trong xã hội.
Huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho đầu tư phát triển; đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng dịch vụ - công nghiệp - nông nghiệp với 3 nhiệm vụ trọng tâm, đột phá là: Phát triển du lịch, phát triển kết cấu hạ tầng - đô thị và phát triển nguồn nhân lực; Chú trọng phát triển văn hóa - xã hội và quốc phòng - an ninh; Tiếp tục hoàn thiện và nâng cao chất lượng các tiêu chí huyện nông thôn mới, tạo lập các điều kiện vững chắc để phát triển Duy Xuyên thành thị xã sau năm 2025.
Đối với các chỉ tiêu về kinh tế, Duy Xuyên đề ra tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hằng năm 16%. Thu nhập bình quân đầu người đến năm 2025 là 68 triệu đồng. Cơ cấu kinh tế các ngành: Dịch vụ đạt 55%; công nghiệp và xây dựng 39%; nông nghiệp 6%. Giá trị sản xuất tăng bình quân hằng năm: Dịch vụ 19%; công nghiệp và xây dựng 14,5%; nông nghiệp 2,5%. Thu phát sinh kinh tế tăng bình quân hằng năm: 17%. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội so với 5 năm trước tăng 3 lần.
Các chỉ tiêu về môi trường: Tỷ lệ số hộ dân được sử dụng nước hợp vệ sinh 100%. Trên 50% cụm công nghiệp đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường. Tỷ lệ xử lý chất thải sinh hoạt, y tế trên 90%. 100% cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng được xử lý dứt điểm.
Các chỉ tiêu về xã hội: Phấn đấu đến năm 2025 không còn hộ nghèo trong diện xóa nghèo; có 6 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, có 2 xã đạt nông thôn mới kiểu mẫu và có ít nhất 50% thôn đạt chuẩn khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu. Đào tạo nghề bằng các hình thức: 1.200 lao động/năm. Giải quyết việc làm mới trên 9.000 lao động trong 5 năm tới. Tỷ lệ lao động phi nông nghiệp trên 85%. Tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế 100%. 100% số xã đạt chuẩn quốc gia về y tế. Tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng thể thấp còi còn dưới 4,5%. Tỷ lệ trường công lập đạt chuẩn quốc gia mức độ 2, kiểm định chất lượng cấp độ 3 trên 60%; có ít nhất 1 trường ngoài công lập đạt chuẩn quốc gia.
Các chỉ tiêu về xây dựng Đảng, quốc phòng - an ninh: Số Đảng viên được kết nạp hằng năm từ 50 Đảng viên trở lên. Hằng năm số Đảng viên hoàn thành tốt nhiệm vụ đạt tỷ lệ từ 90% trở lên. Số tổ chức cơ sở Đảng hoàn thành tốt nhiệm vụ từ 90% trở lên, không có tổ chức cơ sở Đảng không hoàn thành nhiệm vụ. Thực hiện chỉ tiêu tuyển chọn, gọi công dân nhập ngũ hằng năm 100%. Số xã, thị trấn đạt chuẩn vững mạnh về quốc phòng - an ninh: 100%, trong đó vững mạnh toàn diện trên 70%...
GIAI ĐOẠN MỚI, MỤC TIÊU MỚI
Năm 2021 cũng là năm đầu tiên Duy Xuyên thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2025 và thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXI, trong đó mục tiêu chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ công nghiệp - dịch vụ - nông nghiệp thành dịch vụ - công nghiệp - nông nghiệp.
Theo UBND huyện Duy Xuyên, Duy Xuyên sẽ từng bước hoàn chỉnh mạng lưới thương mại - dịch vụ trên địa bàn, phấn đấu toàn ngành dịch vụ tăng trưởng 15% so với năm 2020; Tiếp tục kêu gọi đầu tư các khu dân cư tại thị trấn Nam Phước, Bàn Thạch, Kiểm Lâm nhằm góp phần đa dạng hóa, mở rộng hạ tầng thương mại - dịch vụ; Triển khai chương trình đô thị tại Duy Hải - Duy Phước.
Bên cạnh đó, ban hành đề án Phát triển du lịch đến năm 2025, định hướng đến năm 2035 với mục tiêu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, góp phần tác động tích cực trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế của huyện. Tiếp tục tranh thủ các nguồn lực từ Trung ương, tỉnh để đầu tư nâng cấp, hoàn chỉnh hệ thống giao thông, kết cấu hạ tầng.
“Chú trọng phục hồi lại các lễ hội truyền thống nhằm gìn giữ văn hóa truyền thống, phát huy bản sắc dân tộc, quê hương và thu hút ngày càng nhiều du khách đến tham quan. Kêu gọi, hỗ trợ các doanh nghiệp khảo sát, đầu tư, triển khai các dự án phát triển du lịch, dịch vụ trên địa bàn”, ông Nguyễn Thế Đức cho hay.
Tập trung quan tâm, chú trọng chất lượng và giá trị sản xuất ngành công nghiệp theo hướng duy trì các ngành công nghiệp đang thực hiện có hiệu quả. Từng bước chuyển đổi, thay thế một số sản phẩm công nghiệp có giá trị kinh tế thấp hay sử dụng nhiều tài nguyên khoáng sản, hướng đến phát triển bền vững. Tập trung phát triển công nghiệp chế biến sâu, chế biến tinh các loại nông, lâm, thủy sản và công nghiệp chế tạo; đẩy mạnh thu hút nguồn vốn, huy động nguồn lực để tiếp tiếp tục hoàn thiện kết cấu hạ tầng tại các cụm công nghiệp. Khuyến khích, tạo điều kiện để các doanh nghiệp, hợp tác xã và người dân duy trì, mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh. Chú trọng phát triển làng nghề và nghề truyền thống gắn với phát triển dịch vụ, du lịch.
Tiếp tục đưa cơ giới hóa, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp. Lồng ghép nhiều chương trình dự án để đầu tư cơ sở hạ tầng ở các cánh đồng, đồng thời tổ chức sản xuất theo hướng 3 cùng: “Cùng trà, cùng giống, cùng quy trình kỹ thuật” và tiến đến hình thành các tổ chức hợp tác sản xuất. Chú ý phát triển kinh tế trang trại kết hợp du lịch. Nâng cao công tác quản lý, bảo vệ rừng. Tiếp tục hỗ trợ phát triển các khu chăn nuôi tập trung theo quy hoạch, chú trọng công tác đảm bảo vệ sinh môi trường. Phát huy vai trò của các tổ đoàn kết sản xuất trên biển, các nghiệp đoàn nghề cá nhằm tương trợ lẫn nhau trong sản xuất, tăng cường bám biểm và tham gia bảo vệ chủ quyền biển đảo.
Rà soát, điều chỉnh, bổ sung các quy hoạch xây dựng Nông thôn mới ở các xã và quy hoạch chung thị trấn Nam Phước giai đoạn 2021 - 2030. Huy động tối đa các nguồn lực để triển khai thực hiện các khu quy hoạch như Đông Cầu Chìm, Tây Khương, Tây Cầu Chìm,… Tranh thủ các nguồn lực, lồng ghép nhiều nguồn vốn để đầu tư xây dựng các công trình đầu tư công theo kế hoạch 2021. Nâng cấp hệ thống giao thông các tuyến đường huyện, đường xã, xúc tiến đầu tư xây dựng tuyến đường nối Quốc lộ 1A đi vùng Đông.
Cũng theo UBND huyện Duy Xuyên, trong giai đoạn mới, sẽ tập trung đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng các cụm công nghiệp hiện có, các làng nghề và triển khai các cụm công nghiệp mới: Duy Nghĩa 1, Gò Biên để tiếp tục thu hút đầu tư. Huy động các nguồn lực xây dựng hệ thống giao thông, cấp, thoát nước, xử lý môi trường nội bộ từng cụm công nghiệp, từng làng nghề. Tiếp tục hỗ trợ, hướng dẫn doanh nghiệp hoàn thiện thủ tục các dự án đầu tư mới, các dự án mở rộng sản xuất. Khuyến khích, hỗ trợ phát triển loại hình doanh nghiệp vừa và nhỏ gắn với khôi phục, phát triển ngành nghề thủ công, mỹ nghệ truyền thống của huyện.
Đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư, ưu tiên các lĩnh vực công nghiệp ứng dụng công nghệ tiên tiến, thân thiện môi trường. Chú trọng công tác khuyến công, hỗ trợ tuyển dụng, đào tạo nghề trong các doanh nghiệp. Xúc tiến dự án đầu tư xây dựng nhà ở và các thiết chế như nhà trẻ, trường mẫu giáo, cơ sở y tế phục vụ công nhân, người lao động và gia đình theo hướng xã hội hóa nhằm tạo điều kiện thuận lợi để công nhân và người lao động yên tâm tham gia sản xuất.
Ngoài ra, Duy Xuyên cũng quyết tâm thực hiện tốt công tác giáo dục, đền ơn đáp nghĩa, thực hiện tốt các chương trình giảm nghèo bền vững. Chú trọng việc đào tạo nguồn nhân lực địa phương có tay nghề cao, đáp ứng được nhu cầu của thị trường. Đảm bảo công tác quốc phòng - an ninh trên địa bàn…
Với chương trình hành động cụ thể, thiết thực cùng với sự chỉ đạo kịp thời, sâu sát của lãnh đạo tỉnh Quảng Nam và sự quan tâm của các sở, ban, ngành đã giúp cho kinh tế - xã hội của huyện Duy Xuyên phát triển bền vững trong thời gian qua và là động lực mới, mạnh mẽ để Duy Xuyên bứt tốc, phát triển đột phá trong giai đoạn mới.
Ba nhiệm vụ trọng tâm, đột phá giai đoạn 2020 - 2025
Theo ông Nguyễn Công Dũng, Bí thư Huyện ủy Duy Xuyên, căn cứ Nghị quyết số 01-NQ/ĐH ngày 30/7/2020 của Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Duy Xuyên lần thứ XXI, nhiệm kỳ 2020 - 2025, Ban chấp hành Đảng bộ huyện khóa XXI (nhiệm kỳ 2020 - 2025) đã xây dựng chương trình triển khai thực hiện Nghị quyết với nhiều nội dung quan trọng. Trong đó, xác định 3 nhiệm vụ trọng tâm, đột phá trong giai đoạn 2020 - 2025: Phát triển dịch vụ - du lịch, phát triển kết cấu hạ tầng - đô thị và phát triển nguồn nhân lực.
Về phát triển dịch vụ - du lịch: Khẩn trương rà soát điều chỉnh, bổ sung Đề án phát triển du lịch đáp ứng yêu cầu phát triển đến năm 2025, định hướng đến năm 2035 để trình HĐND huyện phê chuẩn vào kỳ họp giữa năm 2021. Việc rà soát, điều chỉnh, bổ sung Đề án cần gắn kết, lồng ghép với việc xây dựng, triển khai các chương trình kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, nhất là chương trình phát triển kết cấu hạ tầng, phát triển đô thị.
Về phát triển kết cấu hạ tầng và phát triển đô thị gắn với việc đề xuất phê duyệt chương trình vốn trung hạn giai đoạn 2020 - 2025: Theo định hướng Báo cáo chính trị Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện và Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện lần thứ XXI (nhiệm kỳ 2020 - 2025), chương trình phát triển kết cấu hạ tầng theo thứ tự ưu tiên là giao thông, các hạ tầng đô thị, thủy lợi, các công trình công cộng, theo tiêu chí, mục tiêu xây dựng xã Nông thôn mới, huyện Nông thôn mới, bám sát các quy hoạch đã được phê duyệt, gắn kết, lồng ghép với các chương trình phát triển đô thị.
Huyện ủy Duy Xuyên cũng xác định rõ nguồn lực đầu tư và phân cấp quản lý công trình. Nguồn vốn đầu tư của Trung ương, tỉnh, huyện, xã, nguồn xã hội hóa. Trong đó, chú trọng xác định nguồn vốn đầu tư từ quỹ đất trong quá trình phát triển đô thị, khu dân cư - thương mại, phát triển du lịch để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng và đô thị (điện, cấp thoát nước, công viên, cây xanh và các công trình hạ tầng khác) hoàn thành chương trình này vào cuối quý II/2021.
Xây dựng kế hoạch phát triển giao thông nông thôn, giao thông thôn - xóm, khu dân cư giai đoạn 2020 - 2025 với mục tiêu cải thiện chất lượng các tuyến đường giao thông nông thôn được xây dựng từ giai đoạn 2000 - 2010 đã xuống cấp, hư hỏng. Chương trình xác định các nội dung về quy hoạch tuyến giao thông, khả năng mở rộng, khối lượng thực hiện của mỗi xã, thị trấn trong 5 năm và hằng năm; nhu cầu vốn, khả năng huy động, đáp ứng theo hướng Nhà nước và nhân dân cùng làm, thực hiện có lộ trình, có chất lượng hơn để đáp ứng yêu cầu phát triển lâu dài, chương trình này được thông qua vào cuối năm 2021.
Tập trung sức triển khai các chương trình phát triển đô thị đã được phê duyệt gắn với chương trình phát triển kết cấu hạ tầng và đề án phát triển dịch vụ - du lịch. Đồng thời, khảo sát, xây dựng chương trình triển khai phát triển đô thị đảm bảo các tiêu chí để đề nghị công nhận Đô thị loại V đối với một số trung tâm xã giai đoạn 2020 - 2025 và giai đoạn 2025 - 2030, chương trình này được thông qua vào cuối năm 2021.
Về phát triển nguồn nhân lực: Xây dựng triển khai chương trình tiếp tục thực hiện chủ trương đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục đào tạo của huyện, bao gồm: Nâng cao chất lượng cơ sở vật chất trang thiết bị, nâng cao chất lượng giảng dạy đào tạo trong điều kiện phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và định hướng phát triển du lịch, chuyển dịch cơ cấu phát triển kinh tế của huyện.
Xây dựng chương trình đào tạo nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức bao gồm cả nội dung ứng dụng công nghệ thông tin và đào tạo ngoại ngữ vào công tác quản lý điều hành, xây dựng và triển khai chương trình này vào năm 2021.
Xây dựng triển khai chương trình hướng nghiệp, đào tạo huấn luyện nghề nghiệp cho người lao động phục vụ định hướng phát triển dịch vụ - du lịch, phát triển công nghiệp. Chương trình này có thể thực hiện lồng ghép với Đề án phát triển du lịch của huyện và hàng năm có kế hoạch bố trí kinh phí để thực hiện chương trình, xây dựng và triển khai chương trình trong năm 2021.
Thực hiện tốt xã hội hóa trong đầu tư phát triển nguồn nhân lực. Xây dựng kế hoạch thực hiện thu hút đầu tư phát triển các trung tâm dịch vụ đào tạo nghề, đào tạo ngoại ngữ, phát triển các trường học hệ ngoài công lập kể cả loại hình giáo dục chất lượng cao.