Aa

Kỳ 4: "Xanh" thực sự phải dựa trên sự tự nguyện của chủ đầu tư?

Chủ Nhật, 02/12/2018 - 23:30

Trong bối cảnh các chứng chỉ đánh giá công trình xanh với nhiều tiêu chí đánh giá khắt khe chưa có sự vào cuộc của chính quyền, phải chăng công trình xanh thực sự chỉ có thể dựa trên sự tự nguyện của chủ đầu tư?

Công trình xanh phải có chuẩn rõ ràng

Từ những khảo sát thực tế trước đó cho thấy, không thể phủ nhận một nghịch lý là nhiều dự án chung cư gắn mác "xanh" được thiết kế không theo tiêu chuẩn xanh nào mà phần lớn phục vụ mục đích bán hàng. Theo phân tích từ KTS. Phạm Thanh Tùng, Chánh văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam, chúng ta đang đứng trước rất nhiều thuật ngữ, bắt đầu là công trình xanh, kiến trúc xanh, đô thị bền vững, đô thị thông minh, đô thị 4.0... Chúng ta tiếp cận rất nhanh, tận dụng rất nhanh và thu lại lợi ích cho bản thân rất nhanh, nhưng thực tế lại không mang nhiều giá trị thực sự cho môi trường và xã hội.

Ông Tùng nhận định: “Rất nhiều người nói đến nhưng gần như ai cũng rất mơ hồ về thế nào là công trình xanh, giá trị công trình xanh mang lại là gì và liệu có nên theo đuổi công trình xanh hay không, dẫn đến việc công trình xanh thực sự xuất hiện khá manh mún tại Việt Nam, thậm chí còn làm “giả” xanh. Bên cạnh đó, cũng đã có nhiều chủ đầu tư hiểu được và theo đuổi, nhưng thực tế khi triển khai lại gặp không ít rào cản, dẫn đến việc áp dụng công thức thiết kế không theo chuẩn và không mang lại giá trị hiệu quả cao. Do đó, cần nhìn nhận lại một cách đúng nghĩa thế nào là chuẩn xanh và có cần áp dụng một cách bắt buộc hay không”.

Hiện rất nhiều chủ đầu tư đang cố gắng xây dựng những tòa nhà xanh mà ở đó con người được sống thoải mái, hạnh phúc. Nhưng nhà đầu tư khi bán hàng không thể quản lý được người mua là ai, công việc là gì. Thế nên, trong cùng một toà nhà đã có rất nhiều sự va đập xã hội, va đập văn hóa... Do đó, công trình xanh không chỉ là câu chuyện của riêng ai, mà là của mọi người. Tuy nhiên, cần có người cầm trịch - là chính quyền đô thị.

có vẻ như các công trình xanh đang trông chờ nhiều vào sự tự nguyện, nhiệt tình của chủ đầu tư và đơn vị tư vấn

có vẻ như các công trình xanh đang trông chờ nhiều vào sự tự nguyện, nhiệt tình của chủ đầu tư và đơn vị tư vấn

Cùng quan điểm, ông Đỗ Viết Chiến, Tổng thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam nhận định, xu hướng phát triển công trình xanh tại Việt Nam không chỉ là tiềm năng, cơ hội mà để triển khai đang gặp những thách thức không nhỏ. Thách thức đầu tiên là rào cản nhận thức và hiểu biết thế nào là một công trình xanh đúng chuẩn.

Ông Chiến cũng cho rằng, Việt Nam cũng chưa có nhiều giải pháp kỹ thuật đồng bộ, còn hạn chế trong việc cung cấp sản phẩm vật liệu xanh, hệ thống công nghệ vận hành còn yếu. Đặc biệt, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về phát triển công trình xanh của Việt Nam còn chưa đầy đủ; chưa có các cơ chế khuyến khích, ưu đãi thích đáng hoặc bắt buộc đối với việc phát triển công trình xanh.

Ông Chiến cho rằng: “Sự tham gia của các quỹ tài chính, quỹ tiết kiệm năng lượng nhằm khuyến khích phát triển công trình Xanh tại Việt Nam còn hạn chế. Xuất phát từ thực tiễn, câu hỏi của chúng ta không phải là có làm công trình xanh hay không mà nên làm như thế nào? Phát triển công trình xanh là xu thế tất yếu, là con đường chúng ta buộc phải đi dù không hề dễ dàng”.

Trông chờ ở doanh nghiệp?

Trên thực tế, mặc dù đã có quy chuẩn về tiết kiệm năng lượng nhưng Việt Nam chưa có quy định về chế tài trong trường hợp các công trình không đáp ứng. Trong khi đó, Tổ chức Tài chính Quốc tế IFC từng đưa dẫn chứng một công trình ở Indonesia đã bị chính phủ từ chối cấp phép vì không đảm bảo tuân thủ các quy chuẩn xanh. Cơ quan chức năng của nước này còn gắn biển thông báo nhằm cảnh báo cư dân về hiện trạng công trình.

Giới chuyên gia có chung nhận định, có vẻ như các công trình xanh đang trông chờ nhiều vào sự tự nguyện, nhiệt tình của chủ đầu tư và đơn vị tư vấn, hơn là sự thúc bách của thời cuộc và chính sách. Phải chăng vì chưa có sự ép buộc của Nhà nước về thực hiện công trình xanh nên hiện chủ yếu dựa trên sự tự nguyện của các chủ đầu tư?

Được biết, vào thời điểm cách đây 2 năm, Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường (Bộ Xây dựng) cho biết Bộ Xây dựng đang nghiên cứu, xây dựng và ban hành các cơ chế ưu đãi cụ thể đối với các công trình xanh sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, công trình được chứng nhận là công trình xanh. Đồng thời, Bộ sẽ xây dựng và triển khai thực hiện quy định đánh giá, chứng nhận, dán nhãn, cấp chứng chỉ cho vật liệu, thiết bị, công trình tiết kiệm năng lượng, công trình xanh. Tuy nhiên, đã khá lâu rồi, Bộ vẫn chưa ban hành được chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, và các tiêu chí xanh vẫn dựa trên bộ quy định đánh giá của nước ngoài.

Có chăng mới chỉ là các chính sách khuyến khích, thúc đẩy, thậm chí bắt buộc doanh nghiệp triển khai các mảng xanh và đưa ra chế tài đối với các dự án vi phạm trong vấn đế thiết kế quy hoạch mảng xanh, tiết kiệm năng lượng… nhưng các quy định này vẫn chưa được thực hiện một cách hiệu quả. Mức xử phạt hành chính đối với các công trình vi phạm còn quá thấp so với lợi nhuận mà các chủ đầu tư dự án cố ý bỏ quên mảng xanh, thay thế bằng các hạng mục khác để thu lợi.

Thực tế đa phần các dự án nhà ở, dự án phát triển đô thị lại ít hoặc không xây dựng mảng xanh, thậm chí cắt xén đất dành cho cây xanh để xây dựng các công trình thương mại, dịch vụ nhằm mục đích kinh doanh. Kết quả kiểm tra của các cơ quan chức năng cũng cho thấy, rất nhiều dự án chung cư đều vi phạm về công trình công cộng, chủ đầu tư đã “hô biến” phần diện tích xây dựng công viên cây xanh để xây nhà hàng, sân quần vợt, siêu thị...  Không ít chủ đầu tư đã đưa dân vào ở trong các tòa nhà chung cư nhưng hạ tầng kỹ thuật, tiện ích, công viên vẫn không hoàn thiện.

Do đó, ngoài giải pháp kiến trúc xanh, kiến trúc bền vững, phát triển các tiêu chí xanh dễ nhìn thấy nhất thì cần có mức xử phạt nghiêm đối với doanh nghiệp làm xanh "giả" để tạo cơ hội cho doanh nghiệp phát triển dự án xanh thật.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top