Aa

Kỳ 5: Viết sách

Thứ Ba, 20/03/2018 - 06:00

“Đang nằm, tôi ngồi phắt dậy, như xem lẩn phía sau những chữ kia là một người như thế nào? Ông ta cho thấy có một vốn kiến thức mênh mông và khá hệ thống. Nhưng điều đáng chú ý lại ở vấn đề mà ông ta đặt ra. Nó chưa hề thấy ở đâu, hoặc có thể tôi chưa đọc ở đâu ý tưởng và cách tiếp cận tương tự”.

Xem loạt bài "Ký hoạ Nguyễn Trần Bạt"

Kỳ 1: “Một con sói trong nghề khai thác chất xám!”

Kỳ 2: Từ lý tưởng đến khởi nghiệp

Kỳ 3: Người hành nghề “phiên dịch xuyên... chính thể”

Kỳ 4: Đối thoại với “Bộ óc thông minh nhất Hoa Kỳ”

Khi giầu có - ông Bạt không giấu diếm chuyện này - điều ông sợ nhất là thiên hạ chỉ thấy ông như một trọc phú. Người giầu khác hoàn toàn với một trọc phú. Từ trọc phú đến giầu có vẫn luôn là một khoảng cách xa vời. Đôi khi cái khoảng cách ấy còn xa và khó vượt qua hơn cả khoảng cách từ một người nghèo kiết xác đến một trọc phú.

Bởi vì thành trọc phú thì chỉ cần có tiền, trong khi để là người giầu có, phải bao gồm những giá trị tinh thần quý báu hơn cả tiền bạc. Và chỉ có học vấn, văn hóa, sự tinh tế trong lối sống, lối hưởng thụ mới là thứ có khả dĩ lấp đầy cái khoảng trống khủng khiếp đó.

Viết sách, trước hết là nhu cầu, là trách nhiệm của lương tâm một trí thức như ông đối với xã hội, nhưng cũng là cách để ông từ người có tiền, thành người giầu có.

Giờ đây ông bảo viết sách là công việc chính của ông. Tuy thế, mãi tận năm 2004, cái tên Nguyễn Trần Bạt vẫn mới chỉ được nhắc đến trong giới thương trường, trong các cuộc gặp, hội thảo thương mại và trong trí nhớ một số chính khách nước ngoài.

Qua giới thiệu, những người giúp việc của ông Bạt đã tìm gặp tôi tại nhà riêng, với đề nghị đầy ngập ngừng muốn tôi giúp xuất bản những tác phẩm của sếp. Trước khi ra về, nhân viên của ông Bạt để lại cho tôi ba bài viết về luật pháp và một bài trao đổi giữa ông với một giáo sư rất nổi tiếng người Úc. Tất cả đều không đề tên tác giả. Tôi nhận bản thảo theo lối xã giao là chính. Khi họ về rồi, tôi vứt những kẹp tài liệu “mỏng dính” ấy vào góc bàn làm việc, cùng với đám bản thảo vãng lai.

Mấy ngày sau, nhân rỗi rãi, tôi mới chợt nhớ đến mấy thứ người của ông Bạt đưa cho kèm thái độ khép nép của họ. Vừa đọc mấy dòng, tôi lập tức bị hút ngay vào những gì hiện ra trước mắt. Đang nằm, tôi ngồi phắt dậy, như xem lẩn phía sau những chữ kia là một người như thế nào? Ông ta cho thấy có một vốn kiến thức mênh mông và khá hệ thống. Nhưng điều đáng chú ý lại ở vấn đề mà ông ta đặt ra. Nó chưa hề thấy ở đâu, hoặc có thể tôi chưa đọc ở đâu ý tưởng và cách tiếp cận tương tự. Sau đó, tôi đọc một mạch cả ba bài, nhất là bài trao đổi mà thực ra là trả lời phỏng vấn. Tôi mất cả một buổi tối cứ phải suy nghĩ về những gì mình đọc, nhất là về tác giả. Ông ta là ai mà sao có những suy nghĩ sắc sảo, phản ánh chính xác thực trạng xã hội Việt Nam ở nhiều mặt như vậy.

Sau đó vài hôm, khi có dịp gặp lại, tôi nói nguyên vẹn cảm giác của tôi cho những người phụ tá của tác giả, coi như một thứ phản hồi.

Vài hôm sau nữa họ gọi cho tôi, nói là sếp của họ rất mừng và muốn sớm gặp tôi. Tôi đồng ý. Địa điểm gặp là phòng tam giác ở khách sạn Melia. Tôi và một phụ tá của ông đến sớm nên khi ông bước vào, phía sau là vài người đã đến nhà tôi, vẫn nguyên vẹn vẻ khép nép, thì tôi bị ấn tượng ngay bởi cái phong thái đại gia nhưng không có chút gì kệch cỡm của ông. Tất nhiên là kiêu ngạo. Rất kiêu ngạo. Điều đó thì khỏi phải bàn! Từ cái bắt tay, nụ cười đến cách giơ tay mời, đều toát lên vẻ kiêu ngạo của người biết mình có gì và ở đâu trong thang bảng thứ bậc của xã hội. Nhưng nếu tinh ý có thể thấy ông cũng khá tự ti, chưa dám tin vào giá trị thực của những thứ mình có. Tuy nhiên, điều đó chỉ thoáng qua. Bởi từ đấy cho đến cuối buổi, Nguyễn Trần Bạt hoàn toàn làm chủ diễn đàn. Ông nói nhiều, cực kỳ lưu loát và sáng rõ. Những gì mà người khác phải mất rất nhiều lời để diễn đạt, thì ông chỉ cần vài từ.

Cuối cùng, có lẽ sau nhiều cân nhắc, với tư duy của một nhà kinh doanh, một luật sư và đang nỗ lực cho việc “luật hóa” mọi giao dịch kinh doanh, Nguyễn Trần Bạt đề nghị tôi và ông ký một bản hợp đồng, theo đó tôi sẽ biên tập và hoàn thiện về mặt văn bản những cuốn sách của ông để chúng có thể xuất bản được. Tôi hoàn toàn hiểu tính đúng đắn và minh bạch trong đề nghị của ông. Nó là cách mà một doanh nhân nghiêm túc vẫn làm. Tôi, với tư cách là bên đối tác, phải được lợi lộc gì đó từ công việc mà ông đặt tôi làm. Ông nghĩ như vậy. Xã hội chuyên nghiệp nên như vậy. Làm dịch vụ và nhận công xứng đáng. Đó là tiêu chuẩn của văn minh, của phát triển lành mạnh. Ông hoàn toàn chính xác trong mọi trường hợp.

Trừ với tôi.

Sau lời đề nghị đầy tự tin và chân thành của ông, Nguyễn Trần Bạt coi như đã làm xong những gì cần làm với tôi mà vì thế mới có buổi gặp gỡ long trọng này. Nhưng tôi làm ông hơi “ngớ người” khi bảo với ông là tôi đã ở cái tuổi không đi kiếm tiền theo kiểu đó. Tôi thuộc thành phần nghèo của xã hội, càng nghèo hơn nhiều lần so với ông. Nhưng tôi cũng có cái “kiêu ngạo” dở hơi của anh nhà nghèo, ấy là không kiếm tiền bằng mọi cách.

Tôi không ký bất cứ hợp đồng nào, không cần một hào tiền công nào của cá nhân ông để biên tập bản thảo ông sắp đưa. Tôi nhận lương của Nhà xuất bản cho công việc biên tập ấy là đủ. Nhưng tôi hứa sẽ in bằng được những cuốn sách của ông, với điều kiện nó phải hay như những gì tôi đọc. Tôi sẽ làm tất cả để chúng đến tay bạn đọc, bởi vì điều đó không chỉ vô cùng cần thiết cho đất nước, mà còn là quyền của công dân về mặt xuất bản được quy định trong Hiến pháp mà tôi có nghĩa vụ phải trợ giúp. Tôi có trách nhiệm phải hợp sức cùng với ông để làm điều gì đó mà mình cảm thấy cần thiết cho cuộc đời này, như bất cứ người yêu nước nào cũng sẽ làm thế.

Tôi nói với tác giả như vậy mà không hề nghĩ nó khá là lên gân lên cốt, bốc đồng, thậm chí có hương vị bốc phét. Nhưng tôi chỉ nói đúng điều tôi đang nghĩ.

Ông Bạt có vẻ không tin những lời ấy của tôi là thật lòng. Lần này ông cũng vẫn đúng. Có thể chưa đối tác nào của ông lại “chê” tiền công trong các bản thỏa thuận làm ăn. Mặt khác, mặc dù viết ra những điều rất uyên bác, tuy khá kiêu hãnh về bản thân, nhưng ông lại chưa dám tự tin những gì mình trình bày có thể thuyết phục được độc giả dưới dạng một cuốn sách. Và nhất là nó lại được in ra trong điều kiện xuất bản hiện nay. Không khí cuộc đàm đạo có phần chùng xuống. Có thể ông Bạt coi việc tôi không ký với ông bản hợp đồng là do, thứ nhất, đó là một kiểu từ chối lịch sự khi không nỡ nói thật về chất lượng bản thảo của ông, thứ nữa, tôi thận trọng như vậy để còn tìm đường lui khi việc thực hiện lời hứa không khả thi. Ông lại đúng. Bởi vì theo cách nghĩ thông thường, khi tôi không nhận tiền thù lao, nghĩa là ông chưa đủ cơ sở để tin tôi có thể toàn tâm toàn ý cho những gì ông gửi gắm nay mai.

Chúng tôi chia tay trong sự thăm dò lẫn nhau. Chủ yếu ông thăm dò thái độ của tôi, xem những lời tôi nói chân thành và thật lòng đến đâu. Tôi biết hôm đó và vài ngày sau, ông rất muốn tìm hiểu xem tôi thực sự là người thế nào.

Về phần mình, sau khi nói khá mạnh với ông Bạt như vậy, lúc nằm vắt tay lên trán tôi đâm lo. Nghĩ lại thì mình cũng hơi bốc đồng. Có cả phần do men rượu chen ngang vào! Cứ nói mà không tính đến chuyện sẽ thực hiện bằng cách nào. Liệu tôi có thể giữ lời hứa với ông khi trong tay tôi có quá ít phương tiện để thực hiện? Những vấn đề mà tôi mới đọc trong ba bài thôi, cũng đủ để tôi hình dung ra cuốn sách sắp tới rất dễ bị liệt vào loại “có vấn đề”. Mà như vậy thì khó mà vượt qua các cửa ải luôn được canh gác cẩn thận. Tôi hơi trách mình là tại sao lại nói chắc như vậy mà không hề lường tới muôn vàn khó khăn?

Tôi sẽ còn tự hỏi như vậy ngay cả khi những cuốn sách dày cộp, đầy ngập kiến thức, cực kỳ hấp dẫn và luôn là sách “hót” của Nguyễn Trần Bạt đã ra đời(*). Lại một lần nữa ông Nguyễn Trần Bạt làm được nhiều hơn điều mình muốn, bởi chính những cuốn sách đó không chỉ đưa ông vào hàng ngũ của những chuyên gia văn hóa, chuyên gia nghiên cứu chính trị, mà còn ở vị trí hàng đầu.

Hà Nội cuối xuân 2018

Danh sách những tác phẩm của Nguyễn Trần Bạt, với ước tính khoảng 6.000 trang sách khổ lớn (tất cả đều được xuất bản lần đầu, hoặc tái bản, tại nhà xuất bản Hội nhà văn, trước khi một số cuốn được tái bản tại các nhà xuất bản khác)

-Văn hóa và con người

-Cải cách và sự phát triển

-Suy tưởng

-Cội nguồn cảm hứng

-Đối thoại với tương lai

-Vượt qua các giới hạn (hai tập)

-Con người là tinh hoa của nhau

-Giải pháp và tình thế

-Gạo và sạn

-Sức mạnh của cái đúng

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top