Aa

Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV: Tránh việc tu bổ trở thành 'làm mới' di tích

Thứ Sáu, 01/11/2024 - 15:15

Nếu đặt mục tiêu cụ thể dễ dẫn đến việc tu bổ, tôn tạo triệt để, di tích không cần tu bổ cũng tu bổ, là “lợi bất cập hại”- đó là một trong những ý kiến đáng chú ý tại nghị trường sáng 1/11, khi các đại biểu Quốc hội thảo luận chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 – 2035.

Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV: Tránh việc tu bổ trở thành 'làm mới' di tích- Ảnh 1.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương Nguyễn Thị Việt Nga phát biểu ý kiến. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Tại hội trường, các đại biểu Quốc hội tán thành chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035 nhằm hướng tới phát triển con người Việt Nam có nhân cách, lối sống tốt đẹp; xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, văn minh; phát triển hệ thống hạ tầng, cảnh quan, thiết chế văn hóa đồng bộ, hiệu quả; nâng cao hiệu quả thông tin tuyên truyền và giáo dục văn hóa…

Tuy nhiên, theo ý kiến đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương), các di tích quốc gia và di tích quốc gia đặc biệt của Việt Nam phần lớn là các công trình kiến trúc với sự tác động của khí hậu, thời gian nên đa số đã xuống cấp, cần tu bổ, tôn tạo. Song không phải tất cả các di tích này đều cần tôn tạo, tu bổ, “nhất là các di tích khảo cổ”. Cùng với đó, nhiều năm qua, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các địa phương cũng đã rất chú trọng công tác trùng tu, tôn tạo di tích nên nhiều di tích được tu bổ, tôn tạo và hàng năm vẫn dành nguồn lực để trùng tu, tôn tạo các di tích.

Do đó nếu đặt mục tiêu cụ thể như Mục tiêu 3 của Chương trình thì dễ dẫn đến việc tu bổ, tôn tạo triệt để, có thể dẫn đến việc di tích không cần tu bổ cũng tu bổ.

"Lợi bất cập hại ở chỗ có khi lại biến việc tu bổ, tôn tạo thành làm mới di tích như đã từng xảy ra. Việc phân bổ nguồn lực như vậy cũng rất dàn trải, không trọng tâm, trọng điểm”, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga thảo luận.

Do đó, đại biểu đề nghị chỉ đưa ra con số 100% di tích quốc gia đặc biệt và 80% di tích quốc gia đã xuống cấp, cần tu bổ, tôn tạo sẽ được tu bổ, tôn tạo và các địa phương có trách nhiệm rà soát các di tích quốc gia, di tích quốc gia đặc biệt, báo cáo thực trạng và đề xuất phương án trùng tu, tôn tạo.

Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV: Tránh việc tu bổ trở thành 'làm mới' di tích- Ảnh 2.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Thị Sửu phát biểu ý kiến. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Cùng quan điểm này, đại biểu Nguyễn Thị Sửu (Thừa Thiên – Huế) đề nghị, phải rà soát, đánh giá kỹ lưỡng số liệu, hiện trạng di tích, di sản văn hóa và các nội dung đưa vào mục tiêu cụ thể để không chỉ đảm bảo tính bao quát mà còn thể hiện được tính dự báo về cả các di tích, di sản có thể được xếp hạng và cả nguồn lực phục vụ tu bổ, tôn tạo các di tích, di sản được nâng hạng, nhất là hạng đặc biệt.

Góp ý kiến, đại biểu Nguyễn Thị Quyên Thanh (Vĩnh Long) cho rằng, Chương trình đã đưa ra lộ trình cụ thể cho từng giai đoạn triển khai, các mốc thời gian cần thiết để đánh giá tiến độ. Tuy nhiên, thực tế khi thực hiện các chương trình, dự án thì việc xây dựng chính sách, ban hành văn bản hướng dẫn thường mất nhiều thời gian nên khi triển khai đến địa phương, đến cơ sở thường chậm so với kế hoạch. Do đó, cần quyết liệt trong việc ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện; cách thức, phương pháp, tiêu chí đánh giá kết quả các chỉ tiêu để khi Chương trình được thông qua thì có đủ cơ sở để triển khai thực hiện sớm nhất.

Tham gia thảo luận, theo đại biểu Thạch Phước Bình (Trà Vinh), phát triển nguồn nhân lực cho phát triển văn hóa dân tộc thiểu số là một trong những hợp phần quan trọng của Chương trình. Hiện nay, nguồn nhân lực chuyên sâu về văn hóa, đặc biệt là văn hóa dân tộc thiểu số còn rất hạn chế cả về số lượng và chất lượng. Phần lớn đội ngũ làm công tác văn hóa ở các địa phương miền núi, vùng sâu, vùng xa chưa được đào tạo chuyên nghiệp.

Nhiều khu vực dân tộc thiểu số không có đủ nguồn lực tài chính để tổ chức đào tạo và phát triển nhân lực chuyên môn cho công tác văn hóa. Kinh phí dành cho việc bảo tồn và phát triển văn hóa tại các vùng dân tộc thiểu số chiếm tỷ lệ rất nhỏ trong ngân sách, chỉ từ 2-5%, gây hạn chế trong việc thu hút nhân tài và tổ chức các chương trình đào tạo dài hạn.

Chỉ rõ nhiều chương trình đào tạo văn hóa còn áp dụng “chung chung, chưa thực sự phù hợp với từng nét đặc trưng văn hóa khác nhau”, đại biểu Trà Vinh dẫn ví dụ về những khóa học về bảo tồn di sản cho cộng đồng Khmer ở miền Tây Nam Bộ lại thiếu nội dung về nghệ thuật múa, âm nhạc và phong tục tập quán đặc thù của đồng bào Khmer vùng này. Điều này làm giảm hiệu quả của các chương trình đào tạo nguồn nhân lực, dẫn đến tình trạng lãng phí nguồn lực và thiếu hụt nhân sự có kiến thức chuyên sâu về văn hóa dân tộc.

Từ đó, đại biểu Thạch Phước Bình đề xuất 7 giải pháp hoàn thiện nguồn nhân lực văn hóa thuộc Chương trình, trong đó xây dựng các cơ chế khuyến khích nhân lực văn hóa làm việc tại vùng dân tộc thiểu số.

“Chính phủ cần có các chính sách đãi ngộ như tăng lương, hỗ trợ nhà ở và các phụ cấp đặc thù cho nhân lực văn hóa làm việc tại các vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Việc này không chỉ thu hút được nhân lực có trình độ cao mà còn khuyến khích họ gắn bó lâu dài với các cộng đồng dân tộc thiểu số”, đại biểu Thạch Phước Bình thảo luận.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top