Aa

Kỳ IV: Tốt nhất là tất cả nên tự vệ trước!

Thứ Tư, 28/02/2018 - 06:01

Rắc rối do nguyên lãnh đạo của Eximbank gây ra chắc hẳn là điều không bên nào muốn ngoại trừ đối thủ cạnh tranh. Bởi hiện tại nạn nhân mất tiền không biết bao giờ lấy lại được, ngân hàng suy giảm uy tín và thiệt hại kinh doanh,...

Lịch sử trong hệ thống ngân hàng có thể thấy chuyện tiền trong sổ tiết kiệm bị "cướp" đi không phải chuyện hiếm. Đơn cử như 17 sổ tiết kiệm hơn 400 tỷ đồng "bốc hơi" tại OceanBank hồi năm 2012, gần 800 triệu đồng trong sổ tiết kiệm phòng giao dịch Vietinbank Phú Thọ bỗng "biến mất",… và hàng loạt vụ khách hàng bị cán bộ ngân hàng cuỗm tiền do thực hiện giao dịch tại nhà. Hiện tượng này cho thấy, việc được ngân hàng đặc cách mở sổ tiết kiệm tại nhà cũng có thể là mối nguy hại cho các khách hàng VIP.

Chuyên gia tài chính – ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu đã cảnh báo, việc gian lận trong ngành ngân hàng thì ở đâu cũng có và xảy ra bất kể ở thời điểm nào. Do đó, ông khuyến cáo khách hàng nếu muốn gửi tiết kiệm thì nên giao dịch ngay tại chi nhánh hoặc trụ sở của ngân hàng và giao dịch trong giờ làm việc.

Việc giao dịch với khách hàng ngoài phạm vi ngân hàng không bị cấm nên các ngân hàng đã cử cán bộ hoặc lãnh đạo đến nhà riêng để giao dịch với các khách hàng VIP. Tuy nhiên chính điều này đã tạo ra các kẽ hở để dẫn đến một số sự việc đáng tiếc.

Bởi khi giao dịch ngoài giờ làm việc, tất cả các hệ thống hạch toán có thể chỉ hoạt động một phần và nhân viên không có mặt đầy đủ. Ngoài ra, khách hàng không nên để nhân viên, kể cả lãnh đạo ngân hàng đến giao dịch tại tư gia. 

“Bất kể giao dịch nào bên ngoài ngân hàng cũng đều phải có ít nhất 2 người đại diện phía ngân hàng. Đối với trường hợp tại Eximbank chi nhánh TP.HCM, việc một mình Phó Giám đốc Lê Nguyên Hưng đến nhà riêng của khách hàng để giao dịch là đã vi phạm nguyên tắc an toàn của ngân hàng. Tôi cho rằng, các ngân hàng đều có các quy định chặt chẽ nhưng vấn đề là những người chịu trách nhiệm thực hiện những quy định đó đã bỏ qua một số bước. Vì thế, tôi cho rằng, bộ phận kiểm toán nội bộ của ngân hàng phải kiểm tra thường xuyên những giao dịch tiền mặt để đảm bảo các giao dịch đó được thực hiện đúng quy định”, ông Nguyễn Trí Hiếu khuyến cáo.

Eximbank cần rà soát lại toàn bộ hệ thống khi để lãnh đạo cấp cao lừa đảo khách hàng

Eximbank cần rà soát lại toàn bộ hệ thống khi để lãnh đạo cấp cao lừa đảo khách hàng

"Cùng với đó, ở phía khách hàng, cần thường xuyên kiểm tra tài khoản xem số tiền mình có là bao nhiêu, đã rút ra bao nhiêu... Ít nhất mỗi tháng một lần, khách hàng có thể vào internet banking để kiểm tra tài khoản của mình. Mọi lịch sử giao dịch của khách hàng đều có trong đó. Bên cạnh đó, khách hàng nên đăng ký tin nhắn theo dõi qua điện thoại để kiểm soát các hoạt động giao dịch: nộp tiền, rút tiền, rút lãi... đối với tài khoản tiết kiệm của mình. Với thẻ ATM, khách hàng cũng phải bảo mật đối với mật mã của thẻ”, ông Hiếu chia sẻ kinh nghiệm.

Cùng quan điểm, Luật sư Lê Hiếu – Công ty Luật TNHH Anh Minh cho biết, có hai quan hệ pháp luật trong vụ việc xảy ra tại Eximbank: Một là, quan hệ giao dịch dân sự giữa người gửi tiền và Ngân hàng là đơn vị nhận tiền gửi. Hai là, quan hệ giữa nhân viên Ngân hàng với Ngân hàng khi nhân viên có hành vi trái pháp luật để chiếm dụng trái phép tiền đang thuộc sở hữu của Ngân hàng. Qua đó, có thể khẳng định Ngân hàng phải chịu trách nhiệm trả tiền cho khách hàng và việc xử lý nhân viên để thu hồi khoản tiền bị thất thoát là việc nội bộ của ngân hàng.

Luật sư Hiếu cũng khuyến nghị người dân khi gửi tiền cũng nên đến trực tiếp ngân hàng để thực hiện giao dịch, không nên xử dụng phương án linh hoạt khi nhân viên Ngân hàng đến nhà huy động vốn để giảm thiểu rủi ro như trường hợp tại Vietinbank. Khi có vấn đề xảy ra thì thiệt hại đầu tiên thuộc về khách hàng khi vướng vào tranh chấp. Thứ nữa là lợi dụng lỗ hổng của quy trình, nhân viên ngân hàng có thể sẽ chiếm dụng tiền gửi của khách hàng, gây thiệt hại cho chính ngân hàng.

Từ những vụ rắc rối tại ngân hàng gần đây, chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu cảnh báo, các ngân hàng cần phải chỉnh đốn lại mọi hoạt động, kiểm soát chặt chẽ tất cả các giao dịch. Ngoài ra, điều mà các ngân hàng cần quan tâm và phải quán triệt là vấn đề đạo đức kinh doanh. Theo ông Hiếu, tại các ngân hàng của Việt Nam, việc đào tạo về đạo đức kinh doanh rất thiếu sót. Ngân hàng nào cũng có quy định về đạo đức kinh doanh nhưng thực tế không phải ngân hàng nào cũng tổ chức đào tạo về vấn đề này một cách bài bản.

“Con người khi đụng chạm, tiếp xúc với tiền bạc thường hay nảy sinh lòng tham, nhất là những người có chức vụ lãnh đạo thì càng có nhiều cơ hội. Qua những vụ việc như thế này sẽ khiến khách hàng mất đi lòng tin vào các ngân hàng”, ông Hiếu nhận định./.

Sau khi xảy ra vụ khách hàng gửi tiết kiệm tại Eximbank và bị mất 245 tỷ đồng, ngày 23/2, Ngân hàng Nhà nước đã có văn bản gửi các tổ chức tín dụng, yêu cầu nghiêm túc triển khai, thực hiện việc đảm bảo an toàn giao dịch tiền gửi của khách hàng.

Trong văn bản, nhà quản lý đưa ra bảy yêu cầu đề nghị các ngân hàng cần phải thực hiện. Thứ nhất, tổ chức tín dụng cần chấp hành nghiêm chỉnh các văn bản quy phạm pháp luật, Chỉ thị số 07 về tăng cường phòng, chống, ngăn ngừa vi phạm pháp luật trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng; Đồng thời đảm bảo an ninh, an toàn hoạt động ngân hàng, góp phần ổn định tiền tệ, tài chính và các chỉ đạo liên quan đến giao dịch tiền gửi tiết kiệm, an toàn, bảo mật trong việc cung cấp dịch vụ ngân hàng, đặc biệt là các quy định về quy trình, thủ tục, địa điểm giao dịch.

Thứ hai, các nhà băng rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định nội bộ đảm bảo ban hành đầy đủ theo đúng quy định của pháp luật về giao dịch tiền gửi, tiền gửi tiết kiệm.

Thứ ba, ngân hàng cần phổ biến, quán triệt, triển khai tới tất cả các đơn vị, các cán bộ nghiệp vụ để thống nhất thực hiện, tuân thủ nghiêm các quy định của pháp luật và quy định nội bộ về giao dịch tiền gửi...

Thứ tư, đẩy mạnh đổi mới công nghệ để tăng cường an ninh, an toàn, bảo mật trong hoạt động ngân hàng; xem xét áp dụng biện pháp xác thực các giao dịch tiền gửi, tiền gửi tiết kiệm.

Thứ năm, ngân hàng cần tăng cường phối hợp với các cơ quan chức năng nắm bắt thông tin, kịp thời thông báo, cảnh báo trong hệ thống để có các biện pháp phòng ngừa, hạn chế tối đa rủi ro có thể xảy ra đối với tổ chức tín dụng. Song song đó, nhà băng phải thực hiện tốt công tác truyền thông để khách hàng nắm, tuân thủ các quy định, quy trình, bảo mật thông tin khách hàng và thực hiện các giao dịch đúng quy định.

Thứ sáu, tăng cường công tác tự kiểm tra (nhất là kiểm tra chéo), kiểm soát, luân chuyển cán bộ làm công tác giao dịch về tiền gửi, tiền gửi tiết kiệm nhằm ngăn chặn các rủi ro có thể xảy ra; kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định của pháp luật, quy trình, quy định nội bộ của ngân hàng.

Cuối cùng, nhà quản lý yêu cầu các nhà băng kịp thời báo cáo Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan chức năng khi xảy ra các vụ việc sai phạm, vi phạm quy định của pháp luật; đồng thời triển khai các biện pháp xử lý kịp thời đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của khách hàng.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top