Năm của những kỷ lục
Năm 2017 là năm của những kỷ lục trong thu hút FDI của Việt Nam. Theo số liệu mà Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) vừa chính thức công bố, tính đến ngày 20/12/2017, tổng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, bao gồm vốn đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài là 35,88 tỷ USD, tăng 44,4% so với cùng kỳ năm 2016.
Trong đó, có 2.591 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, với tổng vốn đăng ký là 21,27 tỷ USD, tăng 42,3% so với cùng kỳ năm 2016. Bên cạnh đó, còn có 1.188 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư với tổng vốn đăng ký tăng thêm đạt xấp xỉ 8,41 tỷ USD, tăng 49,2% so với cùng kỳ năm 2016. Ngoài ra còn có 5.002 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị góp vốn là 6,19 tỷ USD, tăng 45,1% so với cùng kỳ 2016.
Thực tế, nếu tính về con số thì gần 36 tỷ USD của năm nay chỉ bằng một nửa khoản vốn FDI mà các nhà đầu tư cam kết vào năm 2008. Có điều, sau này tổng kết lại thì phần nhiều trong số đó là các dự án ảo, đã bị thu hồi, nên nếu tính trong 10 năm gần đây thì năm 2017 chính là năm mà Việt Nam đã thu hút được nhiều vốn đầu tư nước ngoài nhất, kể cả nếu tính riêng vốn FDI (trên 29,68 tỷ USD) hay vốn đầu tư gián tiếp được các nhà đầu tư nước ngoài dốc vào Việt Nam thông qua góp vốn, mua cổ phần (6,19 tỷ USD).
Chính ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài đã hồ hởi nói rằng, dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam có xu hướng tăng mạnh và đạt mức cao nhất trong 10 năm trở lại đây. “Đặc biệt, vốn thực hiện cũng cao nhất từ trước đến nay”, ông Hoàng nói.
Cùng với vốn đăng ký, thì vốn giải ngân đúng là cũng đã thiết lập được kỷ lục. Con số lên tới 17,5 tỷ USD, tăng 10,8% so với năm ngoái. Những năm trước đây, vốn FDI giải ngân chỉ ở mức 11-12 tỷ USD. Năm ngoái, khi con số 15,8 tỷ USD vốn FDI giải ngân được công bố, không ít chuyên gia kinh tế đã bày tỏ sự vui mừng. Năm nay, con số đạt cao hơn cho thấy, Việt Nam tiếp tục là một điểm đến đầu tư hấp dẫn.
Thành quả ngọt ngào
Một năm trước đây, khi xu hướng dòng vốn FDI vào Việt Nam bắt đầu chậm lại, lại thêm vào thời điểm tháng 1/2017, khi Tổng thống Donald Trump lên nắm quyền và tuyên bố sẽ rút khỏi Hiệp định đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP), không ít chuyên gia kinh tế đã bày tỏ lo ngại rằng, vốn FDI sẽ sụt giảm. Và đúng là đã có xu hướng giảm nhẹ trong những tháng cuối năm. Thế nên tính trong 11 tháng, chỉ có 18 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam. Khi ấy, ông Võ Trí Thành, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) thậm chí còn cho rằng, xu hướng giảm sút vốn FDI trong tháng 11 có thể còn kéo dài, do tác động của nguy cơ TPP sẽ “chết yểu”.
“Các nhà đầu tư hy vọng với sự thúc đẩy của TPP cũng như những FTA khác thì sẽ có nhiều cơ hội hơn khi đầu tư tại Việt Nam. Nhưng bây giờ rõ ràng họ phải tính toán lại”, ông Võ Trí Thành lý giải.
Song thật bất ngờ, tổng kết cả năm, con số được Cục Đầu tư nước ngoài công bố là 24,4 tỷ USD, vượt mọi dự đoán. Dù vậy, nỗi ám ảnh vẫn kéo dài sang tận năm 2017, nhưng thật bất ngờ khi kỳ tích đã xuất hiện: vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam liên tục vượt dự đoán và kết quả cuối cùng là gần 36 tỷ USD. “Đây là thành quả tuyệt vời”, GS. Nguyễn Mại, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về Hợp tác và Đầu tư bình luận.
Hiệu ứng APEC là một trong những nguyên nhân được cho là tác động mạnh mẽ tới dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam trong năm 2017. Tuy nhiên, cũng phải thẳng thắn rằng, sự bứt phá ngoạn mục của FDI năm 2017 phần nào có yếu tố may mắn.
Nói vậy là bởi, trong loạt dự án quy mô lớn được cấp chứng nhận đầu tư trong năm 2017, có tới 3 dự án BOT ngành điện, với vốn đầu tư đăng ký lên tới 7,44 tỷ USD. Đó là Dự án đầu tư xây dựng Nhà máy Nhiệt điện BOT Nghi Sơn 2, tổng vốn đầu tư 2,79 tỷ USD, do nhà đầu tư Nhật Bản đầu tư tại Thanh Hóa, quy mô 1.200 MW; Dự án Nhà máy Nhiệt điện BOT Vân Phong 1, tổng vốn đầu tư đăng ký 2,58 tỷ USD do nhà đầu tư Nhật Bản đầu tư tại Khánh Hòa, công suất 1.320 MW, và Dự án Nhà máy Nhiệt điện BOT Nam Định 1, tổng vốn đầu tư 2,07 tỷ USD do nhà đầu tư Singapore đầu tư tại Thái Bình, công suất thuần khoảng 1.109,4 MW.
Cả 3 dự án này đã được chuẩn bị đầu tư từ lâu. Thậm chí, Dự án Nhiệt điện BOT Vân Phong 1 còn được Tập đoàn Sumitomo lên kế hoạch từ năm 2006, tức là hơn 10 năm trước. Nếu suôn sẻ, lẽ ra cả 3 dự án này đã được cấp chứng nhận đầu tư từ những năm trước.
Dẫu vậy, kể cả không có khoản vốn đầu tư của 3 dự án này, vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam năm 2017 vẫn rất ấn tượng, đạt khoảng 26,5 tỷ USD, cao hơn năm 2016. Nhưng sự bứt tốc của năm 2017 sẽ đẩy kế hoạch thu hút vốn FDI của năm 2018 vào thế khó. Không đạt 36 tỷ USD sẽ bị đánh giá là “sụt giảm”. Nhưng để đạt được con số đó thôi cũng đã là khó khăn, bởi chưa có nhiều dự án lớn sẵn sàng được cấp chứng nhận đầu tư. Kỳ vọng của 2018 chỉ có thể đặt ở hàng loạt thỏa thuận đã được ký kết trong khuôn khổ Tuần lễ APEC vừa qua.
Hiệu ứng hậu APEC được đánh giá là tiếp tục mang đến cho Việt Nam dòng vốn lớn. Thậm chí theo khẳng định của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, đó còn là viễn cảnh to lớn thu hút “nguồn vốn có chất lượng”.
Nếu năm 2018, các dự án khai thác mỏ khí Cá Voi Xanh của ExxonMobil hay các dự án điện khí ở Dung Quất – trong đó nổi bật có dự án của Sembcorp – được cấp chứng nhận đầu tư, thì rất có thể một kỷ lục mới lại được thiết lập.
Băn khoăn được – mất
Những kỷ lục được thiết lập trong năm 2017 trong thu hút FDI chính là những thành quả ngọt ngào, để Việt Nam có một cái kết vui vẻ khi tổng kết 30 năm thu hút FDI. Tháng 12/1987, Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam chính thức được thông qua và đây là dấu mốc quan trọng cho Việt Nam để từ đấy, với các cơ chế, chính sách thông thoáng, lần lượt các làn sóng FDI dồn dập đổ vào Việt Nam. Cho đến nay, Việt Nam đã thu hút được trên 318 tỷ USD vốn FDI, một con số rất đáng ghi nhận. Điều này chứng minh rằng, Việt Nam đã thành công trong thu hút FDI.
GS-TSKH. Nguyễn Mại, mặc dù vẫn khẳng định về “những thành quả tuyệt vời”, song ông lại cho biết, ông không quan tâm quá nhiều tới con số vốn đăng ký, mà quan tâm nhiều hơn tới vốn giải ngân, đặc biệt là chất lượng của dòng vốn này.
“Trong bối cảnh Việt Nam đang chuẩn bị tổng kết 30 năm thu hút FDI, tôi còn quan tâm nhiều hơn tới tác động lan tỏa của dòng vốn FDI đối với kinh tế – xã hội Việt Nam”, GS. Nguyễn Mại nói.
Đây chính là điều luôn được nhắc tới bấy lâu nay, khiến những băn khoăn giữa những điều còn – mất trong thu hút FDI vẫn còn đó. Làm sao để tối ưu hóa lợi ích của dòng vốn FDI vào Việt Nam mới là điều quan trọng nhất.
Sau 30 năm vào Việt Nam, khu vực FDI đã đóng góp to lớn cho kinh tế – xã hội Việt Nam. Con số vừa được Tổng cục Hải quan công bố, chưa hết năm 2017, tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đã chạm ngưỡng 400 tỷ USD. Trong đó, khu vực FDI đóng góp tới 145 tỷ USD cho xuất khẩu và 120,6 tỷ USD cho nhập khẩu, chiếm hơn 66% tổng kim ngạch thương mại của cả nước. Nếu chỉ tính riêng xuất khẩu, tỷ lệ đóng góp của khu vực FDI đạt trên 71%.
Nhưng Việt Nam được hưởng lợi bao nhiêu từ con số đó, khi vẫn là công xưởng gia công của thế giới, của các nhà đầu tư nước ngoài? Một khi không có giải pháp để thúc đẩy doanh nghiệp nội địa phát triển, đủ sức trở thành đối trọng của khu vực FDI để cùng liên kết phát triển, thì Việt Nam sẽ chưa được hưởng lợi nhiều từ dòng vốn FDI đang cuộn chảy mạnh mẽ.