Aa

Ký ức ngày hòa bình

Thứ Năm, 29/04/2021 - 07:00

Thế rồi, một ngày tưng bừng hết cả lên. Người lớn ai cũng hân hoan chia vui và truyền tin cho nhau. Đó là tin hòa bình! Hiệp định Paris được ký kết đầu năm 1973. Rồi rất nhanh sau, là ngày 30/4/1975...

Những năm tháng chiến tranh, khi Mỹ ném bom miền Bắc, tôi còn nhỏ, ở khá xa những trong điểm, vậy mà vẫn biết rất rõ cảm giác của con người trôi qua dưới đạn bom. Khi ấy, tôi chừng sáu tuổi, được bố mẹ công tác trên Tây Bắc, về quê Thái Bình đón lên ở cùng, tại thị xã Sơn La.

Khi bắt đầu lên xe khách, phải chạy mất hai, ba ngày, từ Hà Nội mới tới được Sơn La. Giữa chặng đường ấy là hai đêm ngủ lại, ở Suối Rút (giờ đã ngập dưới lòng hồ Thủy điện Hòa Bình) và thảo nguyên Mộc Châu. Đang háo hức về chuyến đi, lên xe, tôi đã nghe người lớn trò chuyện: “Bọn Mỹ cho tàu chiến ra đánh ngoài biển Bắc Bộ và ném bom xuống Hải Phòng rồi. Chắc nay mai nó sẽ ném bom cả Thái Bình và Hà Nội thôi!”.

Còn nhỏ, nhưng tôi đã hiểu lờ mờ điều ấy, vì khi ở làng với ông bà ngoại, tôi phải chia tay cậu Vị đi bộ đội. Cậu Vị khi chừng hơn mười bảy tuổi, rất chiều tôi. Buổi đêm, tôi nhớ mẹ, khóc ấm ức, ông ngoại dọa không nín sẽ trói ra gốc mít cạnh bờ ao. Tôi sợ quá, chúi đầu xuống ghìm cơn nhớ mẹ. Sáng sớm, cậu Vị vào giường dỗ, bảo đưa tôi đi tìm mẹ. Cậu dẫn tôi ra đầu làng, đi ra hướng chợ. Trời mưa, đường trơn, cậu cõng tôi trên lưng. Tôi ngồi mà như thấy chao nghiêng, chao nghiêng mãi mới thăng bằng.

 

Sau này thì tôi hiểu, câu hồi ấy mới lớn, gầy gò, sức vóc không phải là vạm vỡ. Thế mà cậu đã cùng một loạt trai làng, xúng xính trong bộ quần áo bộ đội, lên đường nhập ngũ. Tôi ôm lấy cậu, không cho đi. Có người quát: “Không để cậu đi đánh đuổi giặc Mỹ, rồi nó ra tận đây, đem bom ném xuống chết hết cả làng đấy!”. Nghe thế, tôi phải buông cậu ra…

Cậu đi rồi, một thời gian sau thì bố mẹ về đón tôi. Ở trên xe, thấy mọi người nói chuyện bom Mỹ, tôi hỏi bố. Bố bảo, đúng đấy con ạ. Mình lên Sơn La, có khi còn an toàn hơn ở quê Thái Bình.

Nhưng không hẳn thế. Lên tới thị xã được một thời gian, là có chuyện sơ tán. Các gia đình tản ra vùng xung quanh, làm nhà ở tạm bên suối, bên chân đồi, gần các bản người Thái. Nhà tôi cùng mấy gia đình ở dưới một chân đồi thấp phía đường mòn vào bản Tông, đối diện xa xa là bản Phiêng Ngùa, qua một con suối lớn và con đường lộ dẫn từ Mường La vào Tạ Bú. Tôi bắt đầu đến tuổi đi học lớp một, nhưng chưa có trường, phải ghép vào với mấy đứa trẻ con học vỡ lòng, do cô giáo Hằng bị cụt một tay ở bản Phiêng Ngùa dạy. Cô Hằng viết chữ rất đẹp, có cái máy may chạy lạch xạch. Cô hay nhại tôi còn nói ngọng và kiên nhẫn sửa cho tôi.

Tôi phải vượt suối, đi qua đường lộ, rồi đi tắt qua khu rừng ma vào bản. Rừng ma là một khu rừng hoang, thấp thoáng những nhà mồ với giàn tua rua hình nón, có cả những cây chao phạ gắn vải xanh đỏ chĩa lên trời, trông thật rùng rợn. Khi đi qua đây, tôi nhắm mắt lại và cố bước thật nhẹ, dò dẫm đi để ma khỏi biết mà đuổi theo. Ban đầu, tôi vẫn sợ đến đái ra cả quần, mãi sau mới quen dần.

Tôi theo bọn trẻ luồn rừng hái măng, lên tới đỉnh đồi nhà mình ở, thấy có một vòng chiến hào đỏ loét quanh một ụ đất, trên ấy có mấy khẩu súng lớn chĩa lên trời. Mấy chú bộ đội nghiêm nghi chặn lại, bảo không được đến đây và đừng bép xép, bọn gián điệp nó biết trận địa của ta đấy.

Chỉ vài hôm sau, đang ngồi học trong bản Phiêng Ngùa, thì bầu trời vang lên những tiếng gầm rú ghê gợn, tiếp đó là hai tiếng nổ to khủng khiếp gần đấy, mặt đất chao đảo như đưa võng. Nhìn về phía nhà tôi ở, từ đỉnh đồi, pháo bắn lên thình thình… Rồi tất cả yên lặng, yên lặng đến sợ hãi. Sau đó, tôi mới biết, máy bay Mỹ đã thả bom xuống thị xã, tiện thể quăng luôn hai quả ra vùng ngoại vi Mường La. Hai cái hố bom bên suối Nậm La sâu hoắm. Mấy đứa trẻ con đang đi bắt cá bị mảnh bom phạt ngang người, chết trợn trừng mắt…

Ngay sau đó, là một đợt sơ tán triệt để hơn. Nhà tôi phải tiếp tục vào sâu phía trong bản Nà Mường, bản Hụm, tìm những cái hang đá gần chân núi làm nhà. Ở đấy an toàn hơn, khi có báo động, chui vào trong hang sâu thì không sợ bom nổ bên ngoài. Từ đấy, nhà tôi không biết đã bao lần chuyển chỗ ở. Có lần, còn leo tít lên lưng chừng núi, làm nhà trước cửa một cái hang đá rộng. Ở hang này thì chả bao giờ bị bom thả trúng được. Nhưng buồn vô cùng. Những chiều mùa đông mờ mịt sương giăng dưới lũng sâu, ngóng mãi không thấy bóng mẹ về…

Ông bà nội đã lên ở cùng chúng tôi. Ông nội tôi vốn đã từng lang bạt kỳ hồ khắp nơi, Hòn Gai, Cẩm Phả làm công nhân, mở cửa hàng, làm bánh kẹo bán ở phố thị Hải Phòng. Giờ phải ngồi lâu trong hang, tù túng, ông chửi váng lên: “Tiên sư cha cái thằng đế quốc, mày bắt ông chết dí nơi đây mãi à!”. Bà nội tôi vẫn bỏm bẻm nhai trầu, ôm tôi vào lòng: “Con ơi, bao giờ bà con ta mới về được quê cũ nhỉ?”. Tôi hỏi bà: “Bao giờ bà?”. Bà thở dài: “Chắc phải đợi đến lúc hòa bình, thống nhất đất nước. Còn lâu lắm con à!”.

Tôi vẫn đi học. Luồn rừng đi đến lớp học trong rừng. Thế mà đã học một mạch  cấp I, cấp II trong rừng. Lại còn đi thi học sinh giỏi cấp tỉnh, thi toàn miền Bắc nữa. Thời gian trôi qua đã sáu, bảy năm, mà hòa bình, thống nhất vẫn chưa đến. Tuy vậy, là trẻ con, nên tôi cũng như bao đứa khác, vẫn vô tư lự, vẫn vui chơi với bao nhiêu thú vui ở rừng, ở suối. Tôi chỉ mong ngóng hòa bình, thống nhất khi nói chuyện với bà nội lúc bà hoài nhớ con đường trở về quê cũ.

 

 

Thế rồi, một ngày tưng bừng hết cả lên. Người lớn ai cũng hân hoan chia vui và truyền tin cho nhau. Đó là tin hòa bình! Hiệp định Paris được ký kết đầu năm 1973, Mỹ phải rút quân về nước. Các gia đình sơ tán bắt đầu trở về thị xã...

Và sau đó hai năm, năm 1975, lúc này tôi đã lớn, hiểu biết và quan tâm đến thời sự hơn. Buổi sáng ngày 30/4 năm ấy, một cơn mưa rừng lớn đổ xuống, nước dềnh lên dọc các triền suối lớn. Sau đó, cơn mưa tạnh rất nhanh. Đất trời tinh khôi, rỡ ràng trong nắng mới. Đến buổi trưa thì nghe rùng rùng tiếng reo vui: “Giải phóng Sài Gòn rồi!”, “Giải phóng miền Nam rồi!”, “Thống nhất đất nước rồi!”. Tiếp đó, là người đổ ra đường, cờ hoa được dong đi, tiếng loa vang vang trên khắp các ngả đường thị xã còn đơn sơ hồi ấy.

 

Tôi chạy tìm và ôm bà nội: “Bà ơi, hòa bình, thống nhất rồi, bà ạ!”. Bà tôi rơm rớm nước mắt: “Gớm, lại cần anh báo. Bà biết rồi. May mắn quá. Bà đang lo lớn lên, anh lại phải đi bộ đội”. Tôi ngạc nhiên: “Đi bộ đội thì sao? Con thích đi bộ đội. Con chỉ sợ đói thôi”. Bà tôi cười: “Hòa bình, thống nhất rồi, chả lo đói, sẽ có nhiều thịt, gạo và áo quần mới!”.

Tôi hít hà cái mùi trầu vỏ nồng ấm toát ra từ người bà nội, rồi nhìn ra xung quanh. Không gian dậy lên mùi nắng mới, mùi đất nồng nã sau cơn mưa rào đầu mùa hạ đến sớm.

Sau này, mỗi khi nhớ đến ngày hòa bình, thống nhất ấy, là tôi cứ nhớ đến mùi vị của nắng mới, mùi nồng nã của đất sau cơn mưa rào đầu mùa. Và nhớ cậu Vị tôi đã hy sinh cùng cái cảm giác tấm lưng mỏng chao nghiêng, chao nghiêng mãi của cậu khi cõng tôi đi tìm mẹ.

Rồi sau nữa, tôi cũng biết anh Hồng, đứa con của cha tôi thất lạc từ hồi nhỏ thời chống Pháp. Anh cũng đi bộ đội và hy sinh. Cậu Vị và anh Hồng là hai cái tên trong số gần một trăm trai làng quê tôi thành liệt sỹ thời chống Mỹ, cùng với mấy chục tên tuổi liệt sỹ thời chống Pháp, được khắc ghi lên tấm bia liệt sỹ, dựng bên chùa làng.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top