Tôi ngồi gõ máy chữ bài viết nhỏ này trong lúc bên ngoài cửa sổ có tiếng mưa rơi rì rào trên lá. Tôi dừng tay tự hỏi: Bây giờ đang là tháng mấy? Thì ra đã sắp sang hè. Cơn mưa hôm nay như những nốt nhạc dạo đầu cho một bản đại hòa tấu mùa hè với những mưa nắng đan xen…
Mưa thì bao giờ cũng vậy. Nó gợi nhắc về những miền nào rất xa, rất xưa, bất chợt, chẳng ai giống ai, chẳng có lý do gì… Nhà thơ Trần Dần viết: “Mưa rơi không cần phiên dịch”, tức là nhìn từ phía cơn mưa. Nó vừa mới xảy ra đấy, nhưng cũng là vạn thuở. Nó nằm ngoài ý chí của con người. Nó không bận lòng tới chúng sinh. Nó sống đời của nó. Nó làm phận sự của nó như tự xửa xưa, từ thuở hồng hoang, đời đời kiếp kiếp.
Mưa thì bao giờ cũng vậy. Nó gợi nhắc về những miền nào rất xa... (Ảnh: Tổng hợp)
Nhưng nhìn từ phía con người, những người thấy nó, nghe nó, sống cùng với nó thì thật muôn ngàn nỗi, muôn ngàn tâm trạng. Vậy thì, mỗi người lại tự “phiên dịch” cơn mưa, tiếng mưa theo cách của mình. Ví dụ một tiếng mưa ca dao thương buồn đã mấy trăm năm:
“Trời mưa bong bóng phập phồng
Mẹ đi lấy chồng, con ở với ai”… "
Kể sao cho hết những cơn mưa trong văn chương, nghệ thuật. Ngoài trời chỉ một cơn mưa ấy mà trong lòng người có ngàn vạn cơn mưa khác...
Với tôi, do tuổi thơ được sống ở làng, nên cơn mưa làng cứ bám riết lấy tôi cho tới tận bây giờ, và chắc là mãi mãi.
Vào những ngày mưa lớn, kéo dài từ chiều đến đêm, các gia đình thường ăn cơm sớm. Rỗi rãi, chẳng ai ra đồng được. Lúc ấy, những đứa con nhà nghèo, háu đói, ham ăn như chúng tôi thường thể nào cũng hỏi bố mẹ xem nhà có còn ngô hay lạc khô cất để đâu không, còn một trong hai đã quý, mà còn cả hai thì thật là tuyệt. Hỏi thế thôi, chứ không đứa con nào biết có còn không, bởi chuyện này chỉ có u tôi biết. U tôi chìa khóa tay hòm, một tay cất để, phòng khi giáp hạt, hoặc những năm lũ lụt/hạn hán/dịch bệnh mất mùa.
Cả đám chúng tôi, bẩy tám anh em lít nhít, đứa bám quần, đứa bám áo, đứa bám chân u tôi, nhất loạt hỏi xem lạc ngô thế nảo thế nào? U tôi làm ra mặt nghiêm: “Gớm, lại còn được với mấy cái tàu há mồm chúng bay. Chả hết từ đời tám hoánh nào rồi”.
Không vội nản, tôi bảo: “U thử nhớ lại xem, u có để quên ở chỗ nào không?”. Nghe thế, u tôi không nhịn được cười: “Nào, xê ra. Có muốn ăn không nào?”. Ôi, cả đám nhao nhao: "Ngô rang đê! Ai ngô rang đê!"… Chúng tôi nhất loạt ngồi bên bếp lửa chờ u tôi rang mẻ ngô đầu. Tiếng ngô nổ lách tách. Mùi ngô lên hương thơm phức. Khi đổ ra chiếc rá tre, lũ chúng tôi như bầy gà, vừa lao vào bốc ăn, vừa xuýt xoa nóng tay nóng miệng… Có lần, u tôi rang thêm cả mẻ lạc nữa. Trời, cái thơm giòn hôi hổi của ngô trộn với cái bùi ngậy của lạc quyện lại tan trong cuống họng, ngon không để đâu cho hết.
Mà lạ thay, ngô với lạc rang cứ phải ăn vào những lúc trời mưa mới thấy hết cái lý thú của nó. Phải chăng cái khô giòn của ngô, lạc, bù đắp cho cái ẩm ướt thừa thãi ngoài trời. Hay là dưới mái nhà che chở, khi có mẹ, có cha ở đó, cái cảm giác yên bình cho ta toàn tâm mà hưởng thụ hết cái ngon lịm của sản vật quê hương.
Lại nhớ những cơn mưa đầu hạ. Khi ấy lúa đương thì con gái. Có thửa đã trổ đòng. Mưa xuống, mùi hương lúa dậy lên, thơm tho, thanh sạch. Bất chợt mưa to. Sấm chớp ì ầm. Anh tôi thuộc loại sát cá. Đứng ngoài hiên trông mưa, bảo lát nữa thể nào cũng có cá rô rạch nước. Nói rồi, anh chạy đi chuẩn bị giỏ, áo mưa, sắp sửa ra đồng. Tôi nì nèo bảo anh cho đi cùng. Biết là tôi đi chỉ có quẩn chân anh thôi, nhưng chắc anh có ý cho đi để biết. Khi mưa đã thưa hạt, chúng tôi chạy ra cánh đồng. Hóa ra anh em tôi không phải là người đầu tiên. Dân sát cá trong làng cũng đã nhất loạt ra đồng. Bên những bờ ruộng xanh mướt cỏ, nước chảy tràn bờ từ ruộng cao xuống chân ruộng thấp.
Tôi, anh tôi và những mùa câu cá mưa kỷ niệm... (Ảnh: Tổng hợp)
Kìa, kỳ diệu thay, những con cá rô nghiêng mình rạch ngược chiều con nước chảy cố lách mình. Anh tôi cứ nhằm lúc đó, đưa tay vồ trăm phát trăm trúng. Riêng tôi, cũng bắt chước vồ theo. Con cá nhanh hơn tay tôi, quăng mình trôi mất. Anh tôi trêu: “Đồ ăn hại!”. Cũng có đôi lần vồ được, nhưng bị vây cá đâm vào bàn tay nhói buốt. Bao nhiêu người tỏa đi khắp cánh đồng, ran ran tiếng reo cười. Khoảng tiếng sau, mưa dứt hẳn. Nước ở các ruộng lúa cũng đã thôi không tràn bờ nữa. Tất cả lục tục ra về.
Bữa trưa hôm đó, cả nhà được mẻ cá kho tương, ăn nhờn cả mép, đưa cơm thun thút. Đúng là “Cá vạ cơm”.
Hôm nọ về quê, tự dưng nhớ lại chuyện này, hỏi thằng cháu bây giờ còn có cảnh đi bắt cá rô rạch nước nữa không, nó bảo: “Chú ơi, chuyện của chú thuộc về thời cổ tích mất rồi. Chú tính, bây giờ người người phun thuốc sâu, thuốc diệt cỏ, đến con đỉa sống dai như thế còn tiệt giống nữa là cá rô”. Lại hỏi: "Thế sao cá rô ngoài chợ vẫn bán nhiều?". “Chú ơi, toàn cá rô nuôi công nghiệp đấy!”.
Tự nhiên tôi không ngăn nổi một tiếng thở dài.
Hôm nay tôi đang ngồi trong cơn mưa rào ở phố.
Tôi nương theo tiếng mưa để phiên dịch tiếng lòng tôi…
Chớm Hạ 2020