Phóng viên đã có nội dung trao đổi với ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam, Chủ tịch HĐQT GP.Invest.
PV: Ông có thể chia sẻ những điều mà các doanh nghiệp đang kỳ vọng ở Chính phủ nhiệm kỳ mới, thưa ông?
Ông Nguyễn Quốc Hiệp: Nói về kỳ vọng thì có rất nhiều, nhưng tựu chung lại là các doanh nghiệp đặt niềm tin ở một Chính phủ kỹ trị, năng động, quyết tâm để giải quyết dứt điểm những tồn tại đang là “trở lực” để Việt Nam hướng đến một thị trường bất động sản bền vững, chuyên nghiệp trong khu vực và vươn tầm thế giới.
Niềm tin lần này theo tôi, là hoàn toàn có căn cứ trong bối cảnh Việt Nam là quốc gia hiếm hoi trên thế giới đã thiết lập thành công trạng thái “bình thường mới” trong đại dịch COVID-19, thị trường bất động sản dù chịu không ít ảnh hưởng nhưng có không ít chỉ dấu tích cực đến từ việc khống chế tốt dịch bệnh và hàng loạt vướng mắc chính sách đã được tháo gỡ trong thời gian qua.
PV: Bên cạnh niềm tin, ông có nói đến “trở lực” để thị trường nói chung và các doanh nghiệp bất động sản nói riêng có thể phát triển bền vững, vậy đó là gì thưa ông?
Ông Nguyễn Quốc Hiệp: Theo tôi, trong nhiệm kỳ mới, Chính phủ cần sớm giải quyết được vấn đề lớn nhất là hạn chế về thể chế, chính sách. Trong đó cần sớm trình Quốc hội sửa đổi Luật Đất đai 2013 một cách toàn diện, đồng bộ để có tiền đề “thông tắc” cho hàng loạt các vấn đề khác liên quan đến hoạt động của các doanh nghiệp bất động sản, xây dựng như việc chồng chéo, bất cập chính sách.
Chẳng hạn khi triển khai một dự án, chúng tôi phải chịu sự điều tiết của khoảng 12 Luật liên quan và hơn thế những quy định tại các văn bản dưới Luật có sự chồng chéo nhau.
PV: Hoàn thiện cơ chế, chính sách không phải là câu chuyện một sớm, một chiều. Tuy nhiên, những vấn đề mà cộng đồng doanh nghiệp bất động sản mong muốn Chính phủ “cần làm ngay” là gì, thưa ông?
Ông Nguyễn Quốc Hiệp: Đầu tiên, lại phải nhắc lại đó là cần sớm hoàn thiện, khắc phục lỗ hổng về pháp lý liên quan đến đất đai. Vừa qua, Nghị định 148/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số quy định chi tiết về thi hành Luật Đất đai vẫn chưa thể giải quyết triệt để những vấn đề tồn đọng liên quan đến các Luật có sự chi phối đến bất động sản. Những vấn đề tồn tại khác như vướng mắc về đền bù giải phóng mặt bằng khi triển khai dự án, hay tính “chính danh” của một số loại hình bất động sản kiểu mới… cũng cần sớm được điều chỉnh ngay.
Thứ hai là bài toán quy hoạch, ở đâu đó còn có tồn tại việc lập quy hoạch đô thị chưa đồng bộ, thực hiện các quy hoạch chuyên ngành rồi điều chỉnh quy hoạch,.. gây khó cho các doanh nghiệp. Do đó, hoàn thiện các chính sách liên quan đến lập quy hoạch, thực hiện quy hoạch là việc làm cấp bách.
Thứ ba là việc Chính phủ cần nghiên cứu chính sách phù hợp về giá đất để trước mắt điều tiết được tình trạng sốt nóng giá đất đang diễn ra. Việc có một cơ chế xác định giá đất phù hợp, tối ưu cũng là mấu chốt quan trọng để thu hút doanh nghiệp triển khai đầu tư các dự án, trong đó bao gồm cả các dự án bất động sản.
PV: Xin cảm ơn ông!