Tự doanh nhấn chìm kết quả kinh doanh quý I
Kết thúc quý I/2020, VN-Index đứng ở mức 662,53 điểm, tương ứng giảm 31,06% so với cuối năm 2019. Thị trường chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh Covid-19 lan rộng trên khắp thế giới. Thanh khoản cải thiện trên HNX và UPCoM nhưng lại giảm đáng kể ở sàn giao dịch chính HoSE. Tổng khối lượng giao địch sàn HoSE đạt 13 tỷ cổ phiếu, trị giá 230.551 tỷ đồng, giảm 4,5% về khối lượng và18% về giá trị so với quy trước.
Với việc thị trường chứng khoán đi xuống cả về mặt điểm số lẫn thanh khoản cho thấy được sự khó khăn của nhóm ngành chứng khoán nói riêng. Dù thanh khoản thị trường đi xuống không đáng kể nhưng mảng môi giới của nhiều CTCK phần nào bị ảnh hưởng bởi cuộc đua giảm phí môi giới dịch vụ chứng khoán. Trong khi đó, mảng cho vay vẫn là khoản kiếm lợi nhuận tốt cho các công ty chứng khoán trong quý I.
Tuy nhiên, mảng tự doanh mới là phần quyết định khiến nhiều công ty chứng khoán ngậm trái đắng. Không nhiều công ty chứng khoán chiến thắng được thị trường ở mảng tự doanh trong quý I. Chứng khoán TP.HCM (HSC) và là cái tên nổi bật nhất. Theo đó, mảng tự doanh của HSC quý I đạt 76 tỷ đồng, tăng 56% so với cùng kỳ, đến từ việc hiện thực hóa danh mục cổ phiếu nắm giữ từ cuối năm 2019 và thu nhập bù đắp từ hoạt động phòng vệ trên thị trường phái sinh. Quý I, HSC đã bán ra lượng lớn cổ phiếu TCB, VPB, MWG hay MBB.
Trong khi đó, một số CTCK như Chứng khoán Bản Việt (VCSC), Chứng khoán VPS (VPS) hay Chứng khoán VNDirect (VNDS) đều có lãi ở mảng tự doanh nhưng chỉ ở mức rất thấp và giảm đáng kể so với cùng kỳ năm trước.
Trong khi đó, một số CTCK lại thê thảm ở mảng tự doanh. Điểm đáng chú ý là kết thúc quý I/2020 là thời điểm các CTCK phải đánh giá lại các tài sản tài chính lại là đúng khoảng thời gian thị trường tạo đáy nên sự ghi nhận khoản lỗ tự doanh trở nên rất lớn.
Tiêu biểu nhất có thể kể đến khoản lỗ “kỷ lục” của Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) với 88 tỷ đồng ở quý I, trong khi cùng kỳ lãi hơn 21 tỷ đồng. Trong đó chỉ nói riêng mảng tự doanh, VDSC ghi nhận lãi từ các tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi/lỗ (FVTPL) chỉ vỏn vẹn gần 3 tỷ đồng, lỗ từ mảng này lên đến 106 tỷ đồng. Chính điều này khiến mảng tự doanh lỗ ròng khoảng 103 tỷ đồng, trong khi đó, tổng doanh thu hoạt động quý I của VDSC chỉ là 76 tỷ đồng.
Tiếp sau đó, Chứng khoán FPT (FPTS) cũng không kém cạnh khi lỗ đến 97 tỷ đồng ở quý I. Điểm đáng nói ở đây là doanh thu quý I của FPTS là con số âm đến 57 tỷ đồng do khoản lỗ đến 134 tỷ đồng của mục FVTPL.
Ngoài ra còn rất nhiều công ty chứng khoán tầm trung và nhỏ ghi nhận lỗ trong quý I/2020 và phần lớn đều do mảng tự doanh kéo xuống.
Kỳ vọng cải thiện trở lại trong quý II
Khởi đầu quý II/2020, thị trường chứng khoán Việt Nam đã có quãng thời gian hồi phục rất tốt. VN-Index tính đến hết phiên giao dịch ngày 24/4 đạt 776,66 điểm, tương ứng tăng trở lại 17% so với cuối quý I tương ứng mức tăng đến hơn 104 điểm. Diễn biến dịch Covid-19 trong nước cũng phần nào có bước cải thiện rõ rệt giúp nhà đầu tư an tâm hơn từ đó tác động tốt lên thị trường chứng khoán.
Việc thị trường đi lên tốt trong khoảng gần 1 tháng qua giúp hàng loạt nhóm ngành cổ phiếu giao dịch tích cực, điều này cũng phần nào sẽ làm danh mục tự doanh của các công ty chứng khoán hồi phục trở lại chủ yếu nhờ vào việc đánh giá lại các tài sản tài chính sau khi đã hạch toán đúng vào thời điểm VN-Index ở đáy như quý I.
Bên cạnh đó, dòng tiền có dấu hiệu dâng cao cũng phần nào giúp mảng môi giới và cho vay của các công ty chứng khoán cải thiện. Trong khoảng thời gian tháng 3, thị trường chứng khoán Việt Nam ghi nhận lượng mở tài khoản ồ ạt của nhà đầu tư khi VN-Index giảm rất sâu. Theo Trung tâm lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD), trong tháng 3 số lượng tài khoản chứng khoán của nhà đầu tư trong nước tăng đột biến và chủ yếu đến từ nhà đầu tư cá nhân với 31.832 đơn vị, cao nhất từ tháng 3/2018. Thậm chí nhiều môi giới chứng khoán cho biết rất nhiều nhà đầu tư với kiến thức về chứng khoán bằng “0” cũng “ồ ạt” mở tài khoản và điều này có thể cho thấy tiềm năng của thị trường này như thế nào trong bối cảnh đã giảm rất sâu vì dịch bệnh Covid-19.
Tuy nhiên, các công ty chứng khoán cũng đang phải cạnh trạnh nhau gay gắt ở các mảng như môi giới, cho vay… Với cuộc đua giảm giá phí chứng khoán, giảm lãi suất margin thì nhiều bên đang phải chịu thách thức rất lớn, trong khi một số công ty chứng khoán có tiềm lực mạnh từ công ty "mẹ" đặc biệt là các đơn vị nước ngoài như Mirea Asset Việt Nam, KIS Việt Nam, KB Việt Nam, Yuanta Việt Nam hay cả VPS đều đang đi đầu trong xu hướng này. Trong khi đó, các công ty chứng khoán lớn trong nước lại có phần chậm rãi hơn và chọn con đường tăng chất lượng dịch vụ chứ không chạy theo cuộc đua giảm phí. Dù theo cách nào đi chăng nữa, các công ty chứng khoán vẫn cần phải nâng cao chất lượng của mình nhưng cũng phải đảm bảo lợi tích tối đa cho nhà đầu tư, cùng với đó là quản trị rủi ro tốt, tránh những điều đang tiếc xảy ra.
Quý II đang khởi đầu rất tốt nhưng diễn biến dịch bệnh vẫn còn, cùng với đó là những hậu quả to lớn với nền kinh tế thế giới mà nó gây ra cũng là điều nhà đầu tư đau đầu ở thời điểm hiện tại. Không ai có thể lường trước được diễn biến thị trường còn đi xa đến đâu trong thời gian tới.