Aa

Kỳ vọng mới về khai thác nguồn lực đất đai!

Thứ Hai, 05/04/2021 - 16:55

Đến nay, đất đai vẫn luôn luôn là vấn đề nóng bỏng bậc nhất, không chỉ trong các quan hệ xã hội mà cả trong phát triển kinh tế đất nước.

Việt Nam ta đã có Thủ tướng mới và cùng với đó là một Chính phủ mới gồm nhiều thành viên mới. Và theo tập quán thông thường, người dân luôn luôn ngóng trông sự ra đời của những chính sách mới cùng với kỳ vọng mới và những niềm hứng khởi mới.

Trong nhiều kỳ vọng, có lẽ việc khơi dậy và khai thác có hiệu quả nguồn lực từ đất đai luôn luôn là mối quan tâm hàng đầu từ nhiều thập niên gần đây.

Cần khẳng định rằng, Chính phủ nhiệm kỳ vừa rồi đã có nhiều bước đi quan trọng nhằm khai thác hiệu quả một nguồn lực rất đặc trưng và tối quan trọng của nước nhà, đó là đất đai, trong đó có nỗ lực xây dựng Luật Đất đai sửa đổi, dự kiến trình Quốc hội vào năm 2022.

Nói về nguồn lực đất đai của Việt Nam, lại nhớ về một câu chuyện được truyền miệng vào đầu những năm 90 của thế kỷ 20: Một cán bộ cao cấp của ta hỏi kinh nghiệm một quan chức cao cấp Đài Loan, làm thế nào dự trữ ngoại tệ của Đài Loan lên tới trên 90 tỷ USD (trong khi ấy, nghe nói Việt Nam chỉ chưa đến 10 tỷ) thì được trả lời rằng: Con số đó quá nhỏ bé so với Việt Nam. Bởi vì hầu hết đất đai của Đài Loan nằm trong tay tư nhân, Nhà nước muốn dùng thì phải mua lại. Còn đất đai ở Việt Nam nằm trong tay Nhà nước. Đó là nguồn dự trữ quốc gia vô cùng lớn nếu được đầu tư và khai thác tốt.

Kỳ vọng mới về khai thác nguồn lực đất đai!
Kỳ vọng mới về khai thác nguồn lực đất đai!

Việc khơi dậy và khai thác có hiệu quả nguồn lực từ đất đai luôn luôn là mối quan tâm hàng đầu. (Ảnh: Internet)

Rồi đến cuộc hội thảo Phát triển và quản lý thị trường bất động sản giữa tháng 9/2003, ông Viện trưởng Viện Nghiên cứu đô thị tuyên bố rằng, Việt Nam có thể huy động được 5.000 tỷ USD từ đất đai để đầu tư phát triển. Khi ấy, nhiều người mới giật mình nghĩ lại, thì ra Nhà nước ta đang ngồi trên một núi vàng mà “quên” mất.

Vào thời điểm đó, suốt cả 10 năm trời vận động, ngoại giao con thoi hàng chục quốc gia và các tổ chức quốc tế viện trợ ODA cho Việt Nam (mà đây là đi vay, nay mai con cháu chúng ta phải trả) cũng chỉ mới được cam kết hơn 20 tỷ USD, và cũng chỉ giải ngân được hơn 10 tỷ USD. Nay tự nhiên ngoái lại thấy trong nhà có tới 5.000 tỷ USD thì giật mình là còn nhẹ.

Thế nhưng, thực tiễn nhiều năm qua đã chứng minh rằng, tuy có một tài sản khổng lồ như thế nhưng hệ thống quản lý của nước ta lại rất lỏng lẻo, tựa như một đống vàng mà chỉ được bảo vệ bằng một cái kho tranh tre nứa lá. Nhiều vụ đại án đã xuất phát từ sự lỏng lẻo này khi con số thất thoát lên đến trăm tỷ, nghìn tỷ mỗi vụ mà cứ dễ dàng xảy ra ở nhiều nơi. Đó là chưa nói đến hàng trăm, hàng ngàn khu “đất vàng” bị khai thác lãng phí, không hiệu quả… Không biết giờ đây, cái “kho vàng” 5.000 tỷ USD kia còn lại bao nhiêu?

Những bài học xót xa này hẳn đã thấm một cách sâu sắc vào tâm trí của nhiều người, mà chắc chắn là cả ở tầng cao các nhà lãnh đạo đất nước!

Vậy làm thế nào để nguồn lực đất đai khổng lồ kia được khai thác hiệu quả trong công cuộc phục hưng đất nước, không chỉ trong nhiệm kỳ này mà cả nhiều nhiệm kỳ tiếp theo?

Không có thống kê chính thức nào nói lên được trong hơn ba thập kỷ đã qua của công cuộc đổi mới, có bao nhiêu cuộc hội thảo khoa học về lĩnh vực đất đai, có bao nhiêu đề tài nghiên cứu về nguồn tài nguyên vô giá này đã đề xuất biết bao kiến nghị chính sách... Nhưng đến nay, đất đai vẫn luôn luôn là vấn đề nóng bỏng bậc nhất, không chỉ trong các quan hệ xã hội mà cả trong phát triển kinh tế đất nước.

Mọi kỳ vọng mới về khai thác nguồn lực đất đai trong Chính phủ nhiệm kỳ này có lẽ không ngoài việc trông đợi vào nỗ lực xây dựng Luật Đất đai sửa đổi của Chính phủ mới, dự kiến trình Quốc hội vào năm 2022.

Sửa đổi Luật Đất đai
Mọi kỳ vọng mới về khai thác nguồn lực đất đai trong Chính phủ nhiệm kỳ này có lẽ không ngoài việc trông đợi vào nỗ lực xây dựng Luật Đất đai sửa đổi.

Thực ra, để tạo ra những cột mốc lịch sử mới cho phát triển đất nước trong nhiệm kỳ tới không chỉ ở lĩnh vực đất đai. Mới đây, TS. Nguyễn Sĩ Dũng đã có bài viết khá ấn tượng nêu lên hai kỳ vọng lớn của ông đối với Chính phủ nhiệm kỳ mới này, đó là khai thác nguồn lực về thể chế và khai thác nguồn lực về con người.

Ông kể: “Tháng 4 năm 2009, tôi và một số trí thức Việt Nam được Đại sứ quán Singapore mời giao lưu và đối thoại với Bộ trưởng, Cố vấn cao cấp Lý Quang Diệu khi ông sang thăm Việt Nam.

Cuộc gặp diễn ra tại khách sạn Sofitel Plaza, Hà Nội - một cuộc đối thoại thú vị, đầy thách thức về mặt trí tuệ.

Ông Lý Quang Diệu đã nêu vấn đề rất thẳng, đặt ra nhiều câu hỏi không dễ trả lời. Ông cho rằng Việt Nam đang đối mặt với những thách thức vô cùng to lớn. Nếu không vượt qua được, ước vọng hóa hổ, hóa rồng sẽ chỉ xa vời.

Một số trong những thách thức là chất lượng thể chế và nguồn nhân lực. Tuy nhiên, cũng chính ông Lý Quang Diệu đã khẳng định trong cuốn sách "Bí quyết hóa rồng" của mình rằng: "Nếu có vị trí số một ở Đông Nam Á thì đó phải là Việt Nam. Bởi so sánh về địa chính trị, tài nguyên, con người, Việt Nam không thể xếp sau nước nào trong khu vực".

Và TS. Nguyễn Sĩ Dũng cho rằng, hiện nay, dường như dự báo của nhà lãnh đạo Singapore về vị trí số một của Việt Nam đang có khả năng thành hiện thực. Mặc dù vậy, những thách thức cũng do chính vị thủ tướng lừng danh nêu ra cách đây hơn 10 năm gần như vẫn còn đó. Chính vì thế, TS. Dũng cho rằng, kỳ vọng lớn nhất đối với Chính phủ mới là sự đột phá trong lĩnh vực thể chế và nhân lực.

Thiết nghĩ, việc nỗ lực xây dựng Luật Đất đai sửa đổi được kỳ vọng sẽ là một trong những đột phá về thể chế trong nhiệm kỳ của Chính phủ mới lần này./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top