Cận cảnh nhiều khu cảng lớn tại Sài Gòn được di dời "nhường" đất phát triển đô thị
Liên quan đến việc điều chỉnh Quy hoạch chi tiết nhóm cảng biển Đông Nam Bộ (nhóm 5) đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, UBND TP.HCM đã kiến nghị bổ sung việc phát triển cảng biển gắn với phát triển đồng bộ hệ thống giao thông kết nối với cảng, trong đó chú trọng kết nối vận tải thủy nội địa, đảm bảo kết nối liên hoàn giữa cảng biển với hệ thống cảng cạn, trung tâm phân phối hàng hóa, đầu mối logistics tại khu vực.
UBND TP.HCM vừa giao Sở Tài nguyên - Môi trường phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan đề xuất phương án thực hiện dự án Cảng Sài Gòn - Hiệp Phước, giai đoạn 2 phục vụ di dời khu cảng Nhà Rồng - Khánh Hội (quận 4).
Đối với bến cảng Tân Thuận, cần thực hiện di dời trước năm 2020 để phục vụ xây dựng cầu Thủ Thiêm 4, các bến cảng còn lại tiếp tục hoạt động theo hiện trạng, không đầu tư mở rộng phát triển thêm cảng và nghiên cứu di dời sau năm 2020 hoặc chấm dứt hoạt động khi hết thời hạn thuê đất; đồng thời các bến phao trên sông Sài Gòn sẽ di dời theo tiến độ di dời các bến cảng trên sông Sài Gòn.
Xem chi tiết tại đây.
La liệt dự án “đắp chiếu” dọc Đại lộ Thăng Long
Đầu tiên phải kể đến Nam An Khánh – khu đô thị từng được coi là “hàng khủng” trên tuyến đường Đại lộ Thăng Long, tuy nhiên khi thị trường rơi vào khó khăn chủ đầu tư cũng không thoát khỏi khủng hoảng và khiến cho dự án bất động một thời gian dài. Cách đây 2 năm, để có tiền tái khởi động dự án, Sudico đã "cắt đất" để bán cho các ngân hàng.
Tại dự án khác là Spendora, kết quả kinh doanh bết bát trong nhiều năm qua cùng việc các sản phẩm đã hoàn thành nhưng ế ẩm khiến Vinaconex gặp bế tắc trong việc bán cổ phần dự án được ví như Paris của Hà Nội với slogan đầy mê hoặc “nơi ước đến, chốn mong về”.
Nằm ở phía Tây và khá xa khu trung tâm, các sản phẩm tại dự án Splendora được bán dưới dạng hoàn thiện chứ không phải nhà xây thô, hơn nữa cơ cấu diện tích lớn đồng nghĩa với việc người mua phải bỏ ra từ vài tỷ đến vài chục tỷ đồng để sở hữu căn hộ tại đây.
Hiện trên thị trường thứ cấp, sản phẩm biệt thự, liền kề tại dự án Slpendora đang được chào bán tràn lan và bị rớt giá thê thảm. Hiện nhiều nhà đầu tư đang chào bán các suất biệt thự, liền kề được khởi công trong giai đoạn 1 với mức chênh khoảng 3 - 5 tỷ đồng/suất, trong khi một năm trước đó, mức chênh mỗi suất lên đến cả chục tỷ đồng.
Nỗi đau của bất động sản Đại lộ Thăng Long có lẽ không thể không kể tới dự án Tricon Tower của Công ty CP đầu tư Minh Việt.
Xem chi tiết tại đây.
Rủi ro mua nhà nhìn từ vụ án Châu Thị Thu Nga
Nếu tính tổng số lượng khách hàng đầu tư vào Dự án B5 Cầu Diễn thông qua CTCP Tập đoàn Đầu tư xây dựng nhà đất (Housing Group) và Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu và đầu tư xây dựng phát triển Hà Nội (HAIC), thì con số lên đến gần 1.000 người. Trong đó, riêng số khách hàng góp vốn vào Housing Group giai đoạn 2009-2013 là 726 người, với 752 hợp đồng huy động vốn.
Sức hút của Dự án B5 Cầu Diễn thời điểm đó không phải đến từ thương hiệu Liên danh Housing Group và HAIC, mà chính từ vị trí “đắc địa” trong nội đô và tên tuổi của Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc của Housing Group là bà Châu Thị Thu Nga (khi đó đang là Đại biểu Quốc hội).
Những bị hại có mặt tại tòa trình bày, họ hầu hết biết đến Dự án B5 Cầu Diễn thông qua người quen giới thiệu. Có những người được ủy quyền của con trai, con gái, em họ mà “rót tiền” vào dự án này. Bà Phạm Thị Hoa (trú tại quận Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, bà bỏ tiền chênh 4-5 giá mỗi m2 cho môi giới để đặt suất mua căn hộ tại dự án.
“Nếu giá gốc khoảng 10 triệu đồng/m2, khách hàng phải bỏ ra ít nhất 14,5 triệu đồng/m2 để đặt chỗ”, bà Hoa nói.
Việc mua bán diễn ra sôi động đến mức bị cáo Nguyễn Vũ Hùng (nguyên Phó tổng giám đốc Housing Group) nhớ lại, năm 2011, rất nhiều hợp đồng đến ngày đáo hạn. Ngày nhiều nhất có tới 50 đơn xin rút vốn.
Xem chi tiết tại đây.
Khối ngoại cảnh báo rủi ro từ officetel, condotel
Theo JLL Việt Nam, hiện tại trên thị trường có 3 loại hình bất động sản “lai”, đó là officetel (căn hộ văn phòng), condotel (căn hộ khách sạn) và hometel (nhà ở khách sạn).
Trong đó, officetel là sản phẩm kết hợp giữa văn phòng và khách sạn với thời gian sở hữu 50 năm. Officetel thông thường nằm trong khối đế thương mại của dự án căn hộ. Từ năm 2014, thị trường bất động sản TP.HCM đã chào đón hơn 8.000 căn officetel.
Condotel là sản phẩm giao thoa giữa căn hộ và khách sạn với thời gian sở hữu 50 năm. Các dự án condotel hầu hết tọa lạc tại các địa điểm dọc bãi biển hoặc các điểm đến du lịch. Còn hometel với chức năng tương tự condotel nhưng có thời gian sở hữu vĩnh viễn và thường nằm trong các trung tâm thành phố.
JLL cho biết, các bất động sản “lai” được xem như một hình thức cải tiến sản phẩm của các chủ đầu tư, nhằm mục đích tạo ra một kênh đầu tư hấp dẫn cho các nhà đầu tư.
Xem chi tiết tại đây.
Quy hoạch 4 cây cầu tỷ đô: Nhà đầu tư chớ nóng vội!
Sắp tới, khi Hà Nội hoàn thành việc di dời các sở ban ngành về khu liên cơ đường Võ Chí Công, khu vực Tây Hồ, theo bà Hằng sẽ có những tác động tích cực đối với thị trường bất động sản, trong đó có phân khúc nhà ở.
“Rất nhiều người khi đến đó làm việc cũng muốn có nhà ở gần đó. Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp có sự thuận lợi khi giao dịch cũng có thể cân nhắc mở văn phòng tại đây. Nhìn chung, việc di dời các sở ngành đến khu liên cơ giúp cho thị trường bất động sản khu vực Tây Hồ có cơ hội phát triển ở nhiều phân khúc, trong đó nhà ở sẽ phát triển hơn, thị trường văn phòng cũng có sự chuyển hướng nhất định”, bà Hằng nhận định.
Đối với thông tin Hà Nội quy hoạch thêm 4 cây cầu bắc qua sông Hồng đang làm cho thị trường đất nền khu vực này xôn xao thời gian gần đây, bà Hằng cho rằng, hiện nay, vấn đề giao thông ở khu vực phía Đông đang cải thiện rất nhiều với cầu Đông Trù, liên thông giữa cầu Vĩnh Tuy, cầu Thanh Trì. Một khi có nhiều cây cầu hơn cộng với nền tảng tiện ích trước đó, trong tương lai, có thể nhìn thấy xu hướng giao thông thuận lợi sẽ giúp cho các nhà đầu tư tìm kiếm cơ hội phát triển ở phía Đông.
Hơn nữa, thực tế cho thấy, lõi đô thị có xu hướng mở rộng bao gồm cả các khu vực như Long Biên, Gia Lâm, kết nối với khu vực Đông Anh song trong thời gian tới, nhà đầu tư đang chờ đợi điều kiện hội tủ đủ hơn nữa về tiện ích sống, trường học, bệnh viện... thì khu vực này mới có thể phát triển sôi động hoặc cân bằng với các khu vực khác của Hà Nội.
Xem chi tiết tại đây.